Friday, December 31, 2010

Sợ

Ông Trời mới thật là lạ! Không biết Ông nghĩ thế nào mà đã sinh ra con người; xong, lại khiến cho con người cái bịnh "sợ". Sợ không phải chỉ trong thời còn con nít, đến ngay khi cả lớn lẫn già cũng hãy còn sợ. Thậm chí lúc gần chết, người ta cũng chẳng ngán cái sợ bao giờ! Thật là quái đản! Không biết Ông có ỷ mình là Ông Trời mà Ông cố tình ban cho con người như vậy hay không? Hay là Ông lại "sợ" con người đầy đủ trí khôn, mạnh lên rồi chiếm mất vị trí của Ông đi chăng? Nếu thế thì Ông cũng lại sợ nữa rồi! Thì ra Ông tạo con người để cho giống Ông! Quả thật là Ông thông minh thật! Con không giống cha thì đâu phải là con, nên con người giống Ông cũng chẳng có gì là lạ! Thôi bây giờ không thèm phân tích với Ông nữa, không khéo Ông lại bảo: Đúng rồi! Đúng...Tụi bây đúng là con của tao sinh ra, tao sinh ra cả lủ, tao muốn tụi bây tiếp tục sinh sản thêm ra cho đầy mặt đất, nhưng mà tụi bây phải biết sợ tao cũng như tao biết sợ tụi bây vậy. Chúng ta là Một, cũng là cha với con mà!
Ôi! Quả thật là sợ, sợ tràn lan khắp chốn, từ trẻ cho đến già, từ cá nhân cho đến đoàn thể, từ độc lập cho đến đảng phái... Sợ hiện diện ở khắp mọi nơi kể cả trong loài cầm thú sâu bọ. Nếu không sợ ma sợ quỷ, thì cũng sợ chết, sợ bị thương. Nếu không sợ bị cướp mất những gì của mình sở hữu thì cũng sợ sự thật, sợ Chân lý. Kể cả những người làm cho Chân lý cũng sợ cái Sự thật của chân lý! Đó mới là điều oái oăm! Người ta sợ sai lầm, khuyết điểm để rồi che dấu sai lầm, khuyết điểm "như mèo dấu c..". Thế mà, tại sao Ông Trời không để cho loài mèo cai quản thế gian nầy, có vậy có thể sẽ được tốt hơn không?
Con người là loài có nhiều trí khôn nhất, Ông trời ưu tiên như thế đó. Nhưng ai biểu Ông lại tạo cây biết điều Thiện Ác ở giữa vườn địa đàng để làm gì? Và Ông nghĩ như thế nào lại tạo nên con rắn thông minh như thế đó. Nó đâu có ăn trái cấm như con người đâu, mà sao nó lại biết ăn trái cây ấy sẽ được mở mắt ra và khôn như Ông Trời để rồi nó dụ người nữ. Ôi! Quả thật Ông chính là Ông Trời có khác!
Thôi, thì cũng do Ông mà Đồ tôi lúc nhỏ không dám đi chơi khi mẹ bắt phải coi chừng nhà, mặc dù cửa nẻo có khóa kỹ càng vì sợ chúng ăn trộm cạy cửa chun vào trộm mất đồ đạc, chứ không sợ người ta "rinh" nổi cái nhà. Lại nữa, Đồ tôi cũng không dám đi xa, chỉ chơi lòng vòng chung quanh; chơi ở chỗ nào mà có thể trông chừng được cái nhà. Thế là Đồ tôi chỉ chơi chung với đám con gái, chơi đánh đủa, đánh sò, nhảy cò cò... có khi kiêm thêm nghề giữ em, như vậy Đồ tôi bị bịnh sợ má về nhà không thấy mình coi chừng nhà thì lại bị đòn, do đó Đồ tôi thân khá "trộng" mà lại sợ cái roi bé tí xíu. Có những lúc, có người giữ em, giữ nhà Đồ tôi lại được đi theo bạn bè lang thang trên đồng ruộng bắt cá lia thia, tát cá, mò cua; hái trái trâm dọc theo các đường nước; đi tắm suối hoặc đi lên gò để đào dế, hái trái táo gai, trái cơm rượu, trái mua, trái sim tùy theo mùa; vào rừng để hái trái giấy, trái bứa, trái cù lần, trái săn mã, trái trường, trái gùi, cơm nguội, trái xay. Lại có hồi cùng nhau đi ăn cắp điều, mít, hồng quân, ổi... rồi lại sợ người ta bắt; thoáng thấy bóng người đi ra hô nhau chạy. Đi ngang đồng vắng, gò mã thì lại sợ ma. Đến lúc một lủ kéo nhau về thì chui vào mấy lò chén ăn cắp đất sét để nắn đồ chơi thì người ta dí chạy vì sợ bị bắt, rồi "mắng vốn" thì sẽ bị đòn. Chơi rồi kéo nhau xuống nhảy mạch để tắm, làm dơ nước uống nước xài của cả xóm, người lớn thấy rượt bắt, nên sợ chạy có cờ, chạy té khói chẳng kể hàng rào, bụi gai.
Ban đêm có trăng thì tụ tập chơi u bắt mọi, đánh khăn, kéo co, trốn bắt... Xong rồi ngồi nói dóc hoặc kể chuyện ma, nghe thì khoái đến tối ngủ cứ tưởng nhớ rồi không dám ngủ, hoặc phải kéo mền trùm đầu kín mít vì sợ có con ma nào tới nhát, ngay cả nữa đêm đi tiểu cũng phải ngập ngừng, không dám dậy. Cứ nằm trăn trở mà nhìn vào bóng đêm!
Thời con nít thì cứ hay sợ như vậy, cứ mong cho mình mau lớn để mình được đỡ sợ hơn. Nhưng rồi cái sợ mà ông Trời ban cho cũng biến đổi theo từng thời gian; ba má bây giờ thì đã ít đánh đòn, nhưng lại sợ bị rầy bị la có khi bị mắng bị chửi; kẻ lớn thì ít ăn hiếp, nhưng không khéo thì bị lợi dụng, bị lừa bị gạt. Trên đường đi học thì sợ bị "dính" vào chỗ giựt mìn, bị lọt vô giữa vòng hai phe đang đụng trận; học thì sợ dở, nhưng mà ngu quá thì biết làm sao đây! Trưa nắng đi tắm sông mình thì không sợ, nhưng những người lớn thấy họ sợ cho mình bị chết đuối, họ cản ngăn mà ý mình không thích. Học đến kỳ thi thì lại sợ không làm bài được, bị điểm thấp sẽ bị ở lại. Đến những kỳ thi tuyển, tốt nghiệp thì xúm nhau học trối chết vì chỉ sợ rớt. Học quên ăn, quên ngủ, học đến xanh xao vàng vọt, ba má sợ đành kêu đi mua thuốc uống hay đi khám bịnh, thế vẫn chưa chịu đi vì sợ tốn tiền. Lớn thêm chút nữa thì lại bắt đầu biết yêu, thấy cô nàng vừa ý, hợp nhãn bắt mắt lại cảm thấy bồi hồi, tim đập thình thịch mà sợ, không biết làm sao để nói, rồi cắn đắn so đo mình nghèo mình giàu, học giỏi học dở, mình xấu xí chẳng điển trai, sợ nàng không ưng thì buồn lắm! Mà không nói thì thằng nào khác rước mất thì sao? Nghĩ thế mà cứ buồn, cứ lo cứ sợ. Ráng suy nghĩ, tính đi tính lại để phải nói thế nào: Hoặc viết thư, hoặc nói, hoặc nhờ bạn bè, hoặc kiếm cơ hội để tỏ được nỗi lòng ít ra cũng phải một lần, nhưng lại sợ nàng không chịu thì đau lòng quá đi thôi! Làm trai lớn lên cũng lắm nỗi niềm để sợ. Nhưng cái sợ nhất vẫn là tới tuổi động viên. Nhất định phải ráng lo học để thi đậu mà nắm cái chứng chỉ hoãn dịch mặc dù chỉ là một năm. Những bạn bè thi rớt phải lên đường nhập ngũ tùng chinh, coi cái chết "tợ như lông hồng", tụi nó hát bài gì đó: "Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, Dục ẩm tì bà mã thượng thôi, Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Kẻ thì vào quân ngũ, kẻ thì trốn lính, kẻ thì lo chạy đi kiếm nghề, "chun" đại vào cái nghề nào đó để được hoãn vài năm, đứa thì kiếm thân kiếm thế,... Thanh niên chạy đôn chạy đáo tứ bề, mặc cho mấy đứa con gái hết làm cao, cho tụi bây thành gái già cho bỏ ghét. Ai cũng sợ cả, dân chúng cũng sợ, sợ qua một đêm ngày mai mình không còn sống nữa; lính ngồi ở đây nhưng chút nữa chỉ một viên đạn vô tình cũng đưa mạng về cho đất; người con gái cũng sợ mất người yêu. Con khóc cha, vợ khóc chồng, một bầy con nheo nhóc, cha mẹ hai bên nhìn thấy mà tang thương não lòng. Ôi! Một đất nước chiến tranh nhà cửa ruộng vườn tan hoang, đổ nát. Bom đạn, mìn thuốc nổ phá tung tứ phía. Đất nước thương đau chỉ vì hai chủ nghĩa: Chủ nghĩa của tụi tao và chủ nghĩa của tụi mày! Ông Trời nói rằng: "Tụi bây muốn đánh nhau tao cho tụi bây đánh cho chết bỏ! Tao không cần phải sợ tụi bây giành lấy độc quyền của tao nữa!", rồi ông cười hỉ hả! Nhưng những đứa ở bên ngoài: Tụi bây đánh hay quá! Cứ đánh tiếp đi tao cung cấp đủ phương tiện cho tụi bây đánh! Đánh đi đánh coi thằng nào ăn, "thằng nào ăn làm cha thằng nào thua làm con, thằng thua làm trâu bò cho thằng kia cưỡi, làm nô lệ cho thằng kia sai, tụi bây cứ đánh đi!". Rốt cuộc u đầu sức trán nhau cả đám, thằng cổ vũ bên ngoài thừa thế chiếm phần lợi nhuận, giống như Đồ tôi hồi còn nhỏ bị má đánh đòn vì nằm trong phe thua, bị những thằng ăn bắt bò dưới đất làm bò cho nó cưỡi, sai làm tôi đòi, buồn buồn nó lại lấy chân đá, lấy roi đánh đít thật đau mà mình chẳng dám than van. Có người quen đi ngang thấy được về nói lại với má, thế là Đồ tôi được một trận đòn đáng đích!
Ông Trời đã tạo ra con người mà lại chơi "đáng mắc" khiến con mắt họ thấy đẹp thì khoái, nghe hay thì mê, có mùi ngon thì lết tới, nếm ngon thì chịu, rờ mà êm ấm thì thích. Bởi vậy, khi con người mà muốn rồi thì chưa chắc ông Trời đã gỡ ra, "chém cha" họ cũng tìm đủ mọi cách để lấy cho bằng được! Vì vậy, mới có tranh giành đánh lộn, chém giết lẫn nhau cũng bởi tại cái tham. Tham mà bị "cản hầu cản họng" hay chiếm không được thì tức lồng lộng, nhảy tưng tưng giống như bị nước sôi vô háng, nóng máu tợ Trương Phi; giận quá mất khôn quyết tới đâu thì tới, ở tù cũng được. Việc lỡ ra, lúc đó mới tỏ ra là sợ, sợ thì cũng đã trể rồi!
Đứng nhìn về những cảnh xảy ra, những ông triết gia gật gù: "Không được! Thiên hạ đánh, giết nhau tranh giành làm cho dân chúng lầm than khổ ải, ta phải xài đến cái trí óc trời cho, tìm cách để cho tụi nó yên mới được". Nói đoạn ông thì "phải ổn định trật tự bằng nhân đức"; ông thì "phải dùng đến hình phạt"; ông thì "phải tập trung sức mạnh"; ông thì "phải giáo dục và ổn định bằng tổ chức"; ông thì "phải độc tài"; ông thì "phải dân chủ"; ông thì "cứ để nó đánh nhau đả thì nó sẽ thôi"; hoặc "kệ tụi nó, cứ sống theo thiên nhiên cho khoẻ tấm thân, tụi nó đang giỡn mà"; ông thì "bi quan, chán bỏ cuộc đời" hoặc "vui mình cho thỏa thích, ai chết mặc ai"...Rồi mỗi ông chiêu tập được một đám người. Rồi lại đường lối của tụi tao hay, đường lối tụi bây dở òm; tụi bây là đồ bá vơ bá láp, đường lối không ra thứ gì... Thế là lại chia phe đánh nhau trối chết. Chỉ tội những thằng dân lành sợ bị roi vọt, áp bức, chế tài... phải đem thân làm trâu bò húc nhau cho đáng kiếp. Những thằng cầm đầu chạy mất tiêu, những thằng tôi mọi lại làm thân kiếp đọa đày. Thằng thắng vui cười hỉ hả, kênh kiệu, nghênh ngang. Ôi! Ông Trời, Ông đã đi đâu? Chắc không bao giờ Ông thấy!
Còn có ông Triết gia rộng rãi hơn, muốn nhìn thấy thế giới Đại đồng, đem bình an công bằng cho thiên hạ. Nhưng đệ tử thực hiện tới đâu, cỏ cây con người dạt dào đi tới đó, máu thiếu điều chảy thành sông, con người sợ sệt lui tới tận cùng hóc hẻm, cuối cùng phải lì lợm chịu đựng với thế cờ. Đói quá thì làm liều sanh ra ăn cắp, trộm cướp tràn lan; buồn đời thì mượn men say làm căn bản mặc cho đời no ấm ấm no; thân gái dặm trường có vốn trời cho đem đi bán đổi lấy chút tiền cho cuộc mưu sinh; người chạy được chạy quên thôi không dám quay đầu ngó lại. Đã phải nghèo mà phải "lót đường" để nhờ đến dễ dãi làm ăn.. .Người nghèo cứ thế mà nghèo ra mãi! Ôi! Tội nghiệp cho Triết gia phải sói đầu suy nghĩ, gom mọi triết thuyết để xây dựng công trình. Đặt trên nền kinh tế "ấm no" mà lại trở thành nền kinh tế "phá sản". Thế cho nên hơn nửa thế kỷ xây dựng cơ đồ, đành sụp đổ chỉ trong thoáng chốc. Quả thật là trí tuệ ở đỉnh cao!
Tất cả chung quy ai cũng muốn tốt cho con người, nhưng con người tốt với con người quá thì làm sao mà được sung sướng giàu sang, gia đình phe phẩy... Vì bản năng con người là ham sướng, ham chơi, ham tiêu xài, nhậu nhẹt, hưởng thụ hơn là bỏ công sức ra để làm, thì ngu dại vì "không ăn", "không nhận" để cuộc đời được lên hương. Chỉ sợ một mai vỡ lở bị "đá" văng ra ngoài, thì còn có để mà lo cho gia đình trong lúc ngồi chơi xơi nước, vì thế mà phải "đòi" cho nặng ký. Chỉ tội có dân nghèo, không có vốn, chạy gạo từng ngày thì lấy đâu lót đường cho công việc được hanh thông. Thế mới buồn cho cuộc đời đấy chứ! Ông Trời đừng lo, những hạng người nầy không bán Ông được đâu? Họ lo họ chưa xong, họ không dám ngước đầu lên để cười đùa, giỡn hớt với Ông. Họ sợ lắm! sợ không có tiền, sợ đói, sợ bịnh đau, sợ người ta đòi hỏi, chứ họ không sợ khinh rẻ, xua đuổi như đuổi tà. Họ chai mặt rồi, họ lì lắm! Không tin Ông cứ thử đánh chết họ đi, không chừng họ còn cám ơn Ông vô vàn, muôn thuở!
Tưởng chủ nghĩa nào cũng hay cũng tốt, mai mốt tất cả được sống trong Thiên đàng. Nhưng Thiên đàng đâu chưa thấy mà thấy máu chảy "tùm lum", thấy mạng người nằm xuống như rạ, thịt xương vung vãi khắp nơi, tiếng than khóc rên la đi sâu vào lòng đất để hát bài: "Xương máu của đồng hoang". Chân lý đã đi xa! Nhưng những người tuyên dương cho Chân lý cho điều đó là Chân lý! Chân lý của xương máu ngút ngàn! Máu và xương góp lại cho Thiên đàng trên Thượng giới. Ta cần gì Thiên đàng hạ giới mà mơ! Nên thực tế cho cuộc đời hiện tại và hát bài: "Như một giấc mơ qua!"

Đồ Ngông,
13-08-05.

No comments:

Post a Comment