Nói đến chửi, người ta thường nghĩ ngay cái miệng của một con người nào đó mở to và có những ngôn từ không được thanh cao, văng ra những lời tục tỉu, bẩn thỉu cùng với nhân cách khiếm nhã, mặt mày hầm hầm, đỏ gay. Ôi! Chửi để chứng tỏ mình đang có những bực tức ở trong lòng, cần phải "xổ" ra cho nó nhẹ nhàng thơ thới; với bao nhiêu "căm hận" cần phải được tuôn, giống như ta khi "mắc quá" phải xách quần chạy thật nhanh. Khi đã "giải quyết" được rồi! Thật không có gì khoái bằng, cho nên người đời đặt nó nằm trong "tứ khoái" cũng là hợp lý. Chửi cũng giống như vậy!
Chửi không phải độc quyền của người lớn. Đứa con nít cũng biết chửi, người dốt cũng biết chửi, chứ không phải chỉ những người có học, trí thức mới biết chửi. Đôi khi người dốt, thuộc loại "dân ngu cu đen", thế mà họ lại chửi còn hay hơn là người "có ăn có học".
Thói đời, người ta tưởng rằng cứ chửi cho hăng, cho khỏe thì sẽ chiếm được "thượng phong", cho nên họ thường dồn mọi khả năng để luyện nó được thuần thục, thành thạo hơn. Cố uốn cái miệng cho mềm, dũa cái môi cho mỏng để chửi cho trơn, cho "có văn có vần" nhằm lôi cuốn, thu hút người nghe, để lái thiên hạ đứng về phía mình; dù họ chưa biết "ất giáp" gì cả.
Chửi cũng nằm trong vấn đề "tâm lý" của con người. Nó giống như là một nhu cầu, nếu căm tức mà không giải quyết được thì người ta có thể sẽ phải "nổi cơn", có khi còn đi xa hơn: Đến hành động, bạo hành, đánh đập. Nhưng cái "nổi cơn" ấy cũng tùy thuộc vào cá tính của từng cá nhân: Nếu họ là người trầm tĩnh thì hành động nhu hòa, thân thiện và có ý thức; còn trái lại, nếu là người nóng tánh thì hơi khó lường hoặc nói trước những gì sẽ xảy ra.
Chửi vào thời con nít có nhiều cái thật là thú vị. Đôi khi trở về già, bạn bè cũ gặp nhau, nhắc lại thuở xa xưa giận hờn, chia phe ra chơi rồi chửi nhau. Lôi tên cha, tên mẹ của nhau mà kêu mà réo, khắp làng khắp xóm cho bỏ ghét. Tội nghiệp cho cố tổ ba đời, rủi nó biết được thì nó cũng chẳng chịu tha. Nó cứ tưởng như vậy thì chúng mới sợ. Nhiều lúc bị phiền hà vì lôi tên tộc ra mà chửi. Không chỉ chửi mà thôi, nó còn bày trò bắt chước làm như là thầy pháp: "Tao tạo nên hình mầy bằng rơm này này; này là tên mầy này; tao lấy cái gai, cây kim đâm vào ngực này, vào mắt, vào đầu mầy này. Tao lấy nhang tao vái, tao phán bùa cho mầy nhức đầu, nhức ngực, đui mắt cho mầy biết thân....". Nhưng chuyện làm của con nít có khác. Nó vẫn nhăn răng ra đó, nó lại trông còn khỏe hơn, không khéo nó "quánh" cho một trận đòn "bỏ mẹ". Thế là, đành ấm ức đợi chờ ngày rửa hận. Vì lúc đó chưa có phim Tàu, nên "quân tử trả thù mười năm chưa muộn" không được nhắc lại trên đôi môi bé bỏng của đàn trẻ con. Tưởng thời con nít mới có màn "xúm nhau mà chửi" giống như chó sủa hùa, không ngờ cả người lớn ngay cả người già gần xuống lổ, cũng có màn chửi hùa. Chửi như "tát nước vào mặt", "như vấy phân lên đầu", "chửi cho người ta không ngóc đầu lên nổi"; cũng lại chỉ mong làm sao cho "người ta thua mình thắng", chỉ có thế mà thôi!
Qua đi thời con nít ở truồng, đến thời "cắp sách đến trường", bầy trẻ bây giờ có được hiểu biết chút ít hơn, chửi với lời lẽ tương đối thanh cao; nhưng nhiều khi tức quá cũng phải "trắng trợn, bẩn thỉu" vài đôi câu cho thỏa mãn với những hận thù nầy. Rồi càng học lên cao, sự thâm thúy trong câu chửi cũng được "dũa, mài" cho thêm sắc bén: "Không phải chửi nhiều mà hay", "không phải chửi tục tỉu, bẩn thỉu, đanh đá" mà thắng. Thế cho nên, cái chửi được "ý thức" rằng: "Chửi thế nào mà súc tích, có chất lượng thì hơn; chửi làm sao mà khiến cho đối phương càng nhớ lại thì càng cay cú, càng thấm đòn" thì mình có thể coi như là thắng. Chửi thế nào mà người ta không thể chửi lại mình được, thì coi như cái chửi của mình đã thành công. Xem ra như vậy, chửi cũng là một nghệ thuật phải không anh?
Thực ra, làm con người thì ai cũng biết chửi cả: "Chưa chắc mầy đã hơn tao, mà chắc gì tao đã hơn mầy". Mầy hơn tao có thể vì tao đã nhịn mầy, tao không chửi mầy vì tao muốn để cho người nghe mầy chửi, họ sẽ chửi mầy: "Đúng là cái đồ mất dạy! Ăn học chi cho uổng những năm đèn sách; tưởng gì, nó cũng chỉ là những tên trí thức bẩn thỉu mà thôi! Nó là đứa chẳng vượt qua được lòng sân hận, ganh ghét! Nó chỉ biết dùng cái học của nó vào cái việc chửi mà thôi, chứ không biết dùng cái học của nó để giúp ích cho mọi người, cho xã hội. Nó chẳng vượt qua được thời con nít. Nó chỉ là kẻ phá thối; còn với xã hội, việc chung nó là người vô tích sự". Sự yên lặng, đôi khi thế mà hay, mà có kết quả! Con người ta đúng là "No mất ngon, giận mất khôn" như ông bà thường nói. Chửi trong cơn tức giận, mình sẽ dễ dàng bộc lộ con người thực hung hăng, hay đàn đám của mình cho người ta thấy: "Nguồn gốc ấy từ đâu ra, và tại sao nó lại đến; chuyện không có gì quan trọng tại sao lại phải ầm ỉ, âm mưu gì đây?". Rồi lại, "Đàng sau cái chửi chúng muốn cái gì? Mục đích chính là gì? Cái đó mới là quan trọng". Thế là người ta chỉ cần liên kết những việc trong gần thời điểm thì có thể đoán được phần nào: Vì lợi nhuận, hay vì lý do nào khác; hay bị kẻ khác lợi dụng giật dây để họ được hưởng lợi"..vv...và vv... Sự truy tìm không khó về một sự ồn ào hay một biến cố chửi nào đó, nếu chúng ta tinh ý và quan tâm theo dõi chỉ cần một chút và chỉ một chút rảnh rang mà thôi! Ngay cả tại bàn nhậu hoặc bên cạnh ly nước trà: Chỉ cần đặt vài câu hỏi với nhau thì có thể truy được nguyên nhân: Tại sao? Và...Tại sao?
Nội nghe nó chửi không thôi, người ta đã đoán được con người nó đã ra làm sao rồi: Lời lẽ nó thế nào? Có ăn học hay vô học. Có ăn học mà dùng lời vô học, thì nó chẳng là thứ gì cả, nó đi học làm gì cho uổng? Cha mẹ nó cho nó đi học để bây giờ nó chửi à! Vậy thì ổng bả chọn đường lầm cho nó rồi, phải chi ổng bả cho nó đi ra chợ đời lúc còn bé để học chửi thì có lợi hơn nhiều mà không phải phí thời gian cho con! Còn thái độ trong lúc chửi của nó như thế nào? Hung hăng, cay cú, chanh chua hay đanh đá? Mỗi từ ngữ biểu hiện một tấm lòng, tâm tính của nó đó: Nó hung hăng vì đó là bản chất con người của nó! Nó cay cú vì lòng nó chan chứa đầy hận thù, ấm ức! Nó chanh chua vì nó đang tức tối, giận hờn cần phải đay nghiến mới thỏa lòng! Còn đanh đá vì nó nằm trong ảnh hưởng của những người đanh đá, tính tình nó được tôi luyện trong môi trường rồi, cũng khó mà thay đổi!
Chửi hiện diện trong tất cả mọi môi trường của đời sống: Từ gia đình cho đến nơi đông người; từ thôn quê hẻo lánh cho đến thành thị; từ nơi lao động cho đến giới trí thức khoa bảng. Chửi gắn liền với sự sống và làm việc của con người như là "một thực thể không thể tách rời"!
Qua những cơn bực tức, không vừa ý vì người khác không thực hiện đúng theo ước muốn của mình; hay hư hại, thất bại thì những câu phiền trách, chửi mắng bắt đầu. Nhẹ nhàng thì trách yêu, mắng mỏ sơ qua, phiền trách; nặng hơn thì dùng đến từ ngữ nặng nề, to tiếng; rồi không thể dằn được thì chửi bới, "chửi như tát nước vào mặt", "chửi tắt bếp", "chửi cho nó không dám ngẫng mặt lên", "chửi cho nó phải gục đầu"... Chửi không đả, thì "thượng cẳng hạ tay", cho mầy biết tay tao". Tùy theo cơn nóng giận, bực bội mà nó thể hiện bằng hành động; tùy theo cá tính từng con người mà sự thực hành có trình độ hoặc vũ phu.
Biết bao nhiêu người đàn bà khóc âm thầm vì bị chồng mắng chửi hoặc hành hạ bằng sức mạnh, tay chân. Những đứa con trở nên lì lợm, cứng cỏi vì thường bị mắng, bị chửi hay bị đòn.
Chủ nợ đòi hoài không có trở nên nặng lời, chửi bới; con nợ vin vào đó nhất định không trả vì tự ái, danh dự bị tổn thương.
Chửi không phải chỉ trong phạm vi nhỏ không thôi, mà chửi còn mở rộng ra trong phạm vi lớn hơn mà người ta không thể ngờ được. Hai quốc gia tranh nhau cũng có thể chửi; hai chế độ bất hòa cũng chửi; hai chủ nghĩa cũng chửi: Điều ấy ta có thể thấy rõ ở hai quốc gia cùng Cộng sản như nhau là Việt Nam và Trung Quốc trước và sau chiến tranh biên giới năm 1979. Cùng một luận điệu, cùng một lối tuyên truyền, cùng một lối chửi. Chửi trong chiến tranh đó là "Đấu tranh chính trị" hay "Chiến tranh chính trị", tức là cái ngành nghiên cứu về chửi, chửi thế nào để lôi kéo nhân tâm về với mình, và biết ghét hoặc căm thù kẻ địch của mình dù mình có là đúng hay sai. Người ta đứng về phe mình, giành lấy phần thắng cho mình là đạt đến thành công. Cứu cánh sẽ biện minh cho phương tiện!
Suốt thời gian dài mấy mươi năm trong cuộc đời chưa có một câu chửi nào vượt qua được câu chửi của một bà mẹ chửi con mà Đồ tôi và bạn bè đã nghe được từ thuở còn là học sinh lớp Đệ Lục (lớp 7) ở một quận hẻo lánh xa xôi. Bà ta chửi như thế này: "Ông bà, ông Tổ, ông Cố, ông nội cha mầy!". Quả là một câu quán quân trong nghề chửi! Một câu mang cả dòng họ bên nội ra mà chửi! Bọn Đồ tôi lắc đầu!
Những thời gian sau lang thang nhiều nơi, kể cả những xóm lao động của thành phố đông người, cũng từng nghe người ta chửi lộn thật nhiều, từ "tục" này đến "tục" khác; từ "tục" đến "thanh cao, văn vẻ" cũng không "lỏi" khỏi lỗ tai của Đồ tôi. Nhưng không đâu bằng trên xứ người được "đọc chửi" có cả "chửi hùa" và "chửi ké" nữa. Không ngờ đến già lại được chứng kiến "trò chơi con nít" của ngày xưa! Thế cũng là một điều thú vị! Thú vị quá đi thôi (phải không anh nhỉ?).
Chửi không những bằng miệng, bằng văn thơ; mà ở đây lại có ra dấu để chửi: Một cánh tay, một ngón tay, hai ngón tay đưa mạnh lên cũng chửi; đi xe, bóp kèn để chửi những thằng chạy ẩu, thiếu điều làm xảy ra tai nạn vv...
Nhưng dù sao đi nữa, tất cả cái chửi có đạt được mục tiêu hay không cũng do nơi cái điều mình chửi: Chửi mà người ta cảm thấy xấu hỗ, e thẹn hoặc hại người ta liền được thì nên chửi. Còn chửi mà khiến người ta lúc đầu e ngại, sợ sệt; lại chửi tiếp khiến người ta trơ mặt ra; rồi tiếp theo người ta lầm lì thì chắc "phải cẩn thận" đi rồi! Đó là chưa nói đến những người bên ngoài; họ đâu phải đứng nhìn khơi khơi. Họ đang theo dõi một "đám người" đấy chứ! Đám người đó đang làm cái gì? Có ích hay có hại? Xây dựng hay phá hoại? Vì nguyên cớ gì? Vì tranh giành hay tự ái? Vì lợi hay vì cái gì?
Tất nhiên, những người bên ngoài đó không phải là "ngu"! Ngay cả những đứa con nít mới lớn lên, không rành tiếng Việt cũng phải buộc miệng: "Làm chuyện mất dạy! Ăn ở không làm bậy!" Ôi! Quả thật đau lòng!
Nhưng, chửi, lại cũng có những nguyên tắc của nó; chửi thế nào để đạt được kết quả. Chửi! Mình phải nhìn thẳng vào mặt của kẻ mình chửi và phải nhìn về đám đông. Tại sao? Khi mình chửi mà kẻ thù của mình có nín nghe hay không? Càng nghe người ta càng cay cú, lì lợm ra thì bạn "nên" biết rằng bạn đang lùa con chó về góc tường. Bạn hãy cẩn thận! Người bên ngoài có tán đồng với sự chửi của bạn không? Lúc đầu người ta đứng nghe, càng lúc người ta càng cười thì bạn biết rằng bạn đang giống một thằng khùng! Bạn chửi mà làm thiệt hại đến quyền lợi, danh dự chung thì bạn vì nóng nãy, vì lợi nhuận mà lao vào một hành động điên rồ. Cả một tập thể sẽ tiêu diệt bạn!
Nhưng bạn ạ! Bạn biết làm thơ, viết văn thì ít ra bạn cũng được coi như là một người có học. Điều ấy buộc mình phải hiểu, phải cẩn trọng trên ngôn từ trước khi đưa ra dân chúng. Những lời "của người vô học" làm người đọc tự dưng thấy bạn "nhẹ thể" như thế nào ấy! Những câu tục tỉu họ lại bảo "không ngờ!". Những điều cay cú tàn độc thì họ bảo: "Đúng là sự độc địa của người trí thức, có ăn có học có khác!". Đồ tôi ghi lại để coi chơi! Tùy bạn vậy!
Trong một cuộc "chửi nhau", có vài điều cấm kỵ:
-Bạn là người có danh vọng, địa vị trong xã hội thì nên tránh khi chửi với một người dân, vì không lẽ bạn "khum người xuống để sủa với chó khi chó sủa bạn".
-Bạn là người có học cao đừng nên chửi với một người thường, dù bạn thắng cũng chẳng ngon lành; nhưng nếu bạn thua thì không có gì đau bằng!
-Bạn là người khoa bảng thì nên đắn đo trước khi tham gia vào cuộc chửi.
-Bạn là người già hơn, nếu bạn thua một thằng con nít thì bạn sẽ nghĩ sao?
-Nhất là bạn đừng nên hơn thua với một người "dân ngu cu đen".
Nhưng dù thế nào đi nữa, chửi cũng chứng minh rằng trong lòng bạn còn đang có nhiều ấm ức, tức tối, thù hận hay sự căm giận cần phải chửi để giải tỏa; nhưng chỉ nhìn cung cách chửi, hay đọc những điều bạn viết hoặc nghe ngôn từ bạn chửi, người ta cũng đánh giá được trình độ học cũng như tâm địa của bạn như thế nào; vì khi bạn nóng giận và chửi lúc đó "phong cách" con người thật của bạn đang được "lột trần" một cách công khai trước công chúng.
Hơn nữa, sự chửi cần phải biết lúc nào nên ngưng và lúc nào nên chửi, ngay cả đến địa điểm để chửi, và thái độ của những người nghe chửi cả đến thái độ người bị chửi nữa. Nếu không, đôi khi cái chửi sẽ không có hiệu quả mà ngược lại chỉ chứng tỏ con người bạn hung hăng, phá đám, gây rối hoặc chẳng khác nào một thằng khùng, "một con chó điên" hay sủa, và cắn bậy!
Chửi không đơn giản, chửi cũng là một nghệ thuật! Cũng như nghệ thuật "biết" nóng giận và ngưng nóng giận. Nó không "dễ dàng" chút nào, phải không bạn?
Đồ Ngông,
07-01-06.
Saturday, December 11, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment