Friday, December 31, 2010

Đạo Phật 6- Giống Như Trò Chơi...!

(Hay: Đạo Phật Là Đạo Của Tâm Thức Con Người).

Tôi vốn dĩ không phải là người cầm bút chuyên nghiệp, mà chỉ là một giáo viên trường làng đã buông rơi cây viết từ lâu và chọn cây cuốc làm phương tiện sinh sống. Nay nhờ duyên may tập tành viết để chia sẻ cùng bạn về một vài vấn đề tôn giáo, nhất là Đạo Phật mà tôi đã chọn để an ủi, làm chỗ dựa cho tâm hồn trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Tôi mạnh dạn làm việc nầy vì tôi thấy mình là kẻ mới bắt đầu tìm hiểu về Đạo nên trình độ chưa là cao cho nên viết chia sẻ với bạn thì có thể bạn sẽ dễ hiểu hơn, và bài nầy cũng phải được một vị chân tu duyệt qua. Nếu bạn được đọc là nó cũng có lý; tất nhiên, nếu không có lý thì nó đã bị bỏ qua một bên rồi. Bạn đồng ý với tôi chứ?
Tôi không biết bạn lúc nhỏ có cùng bạn bè tắm suối, tắm rạch hay sông hồ không? Chứ hồi tôi còn nhỏ ở xã tôi có con suối không lớn lắm mà lại dơ nữa, nhưng cũng đủ là nơi để cho tôi và các bạn tôi tập bơi và vui chơi. Chúng tôi chia phe cùng nhau tát nước vào mặt vào người. Đa số đều lớn hơn tôi. Vì chúng tôi nhỏ nên dễ bị thua, thua thì mình chạy, bơi đi chỗ khác; nhưng các bạn mạnh hơn vẫn tìm theo nhận đầu mình xuống cho uống nước. Tôi thì không khóc, nhưng có một số bạn khóc la chửi ỏm tỏi. Khi chơi xong, chúng tôi lên bờ ngồi thở hổn hển, thế mà: "Hồi nãy chơi vui quá hen, mai mốt chơi tiếp" và chúng tôi gom quần áo đi về mà lòng còn hớn hở. Bây giờ nhớ lại chuyện ấy tôi liên tưởng đến một vấn đề.
Vào một buổi đi nghe thuyết pháp, vị Thượng Tọa có kể lại: Khi Đức Phật Thích Ca vừa ngộ được đạo, thì Ngài lại muốn nhập diệt vì thấy chúng sanh trong thế gian nầy khó độ, nhưng vì chư thiên mãi yêu cầu cho nên Đức Phật phải nói pháp và hành đạo trên 45 năm. Lúc đó, tôi cứ thắc mắc mãi: "Tại sao chúng sanh lại khó độ"? Và tại sao Lão Tử lại nói "Thiên hạ vô sự". Vì công việc làm ăn của tôi hãy còn quá bận rộn nên không có thì giờ để đọc sách nữa, chứ đùng nói đến chuyện đi tìm sách để tìm hiểu, nghiên cứu. Thế rồi ngày lại qua ngày, sau những buổi "trà dư tửu hậu", kể chuyện làm ăn, nhà cửa, xã hội đến chuyện chơi lúc nhỏ với bạn bè. Khi tôi kể về chuyện đi tắm suối mà tôi vừa viết ở trên, tôi bỗng vụt nhớ đến điều như tôi sẽ viết ra đây.
Quả thực là "thiên hạ vô sự", nếu chúng ta đứng ngoài sân khấu nhìn những diễn viên đang diễn tuồng trên sân khấu, đào thương đóng vai khổ sầu, liên miên họan nạn; đào độc có những hành vi tàn nhẫn, thái độ hung hãn, dữ dằn; người trung nét mặt hiền hậu, lời lẽ ôn hòa nhưng cứ mãi bị dèm pha; tôi nịnh thì khúm núm, tìm lời đâm thọc, vu oan giá họa cho người, tìm cách hại hiền thần; người vua kẻ lính và phe bên nây đánh bên kia; quân bên nầy đánh giết lính bên nọ; dân chúng lầm than, nhà cửa bị thiêu hủy... Dù thế nào đi nữa cũng chỉ là một vở tuồng, xong ra rồi thì ai như nấy, vui vẻ cùng nhau. Như vậy vở hát chỉ là vở hát để cho vui, mỗi người đóng vai tùy theo khả năng và ý muốn của họ. Thế là sau khi hát, thiên hạ không có gì để nói cả, đúng là thiên hạ vô sự- giống như chúng tôi chia phe tát nước, trong cuộc chơi thì cố gắng tát, nhận đầu uống nước sặc sụa, khóc la. Sau đó thì "vui quá hen, mai mốt chơi tiếp". Chữ "mai mốt" đó là lời hứa hẹn của một trò chơi mới, một vở kịch mới hoặc là ở một kiếp sau, một kiếp sẽ tái sanh. Giả sử hôm nay tôi bị thằng bạn nó nhận đầu tôi uống nước, ngày mai tôi là kẻ mạnh "nhất định tôi phải bắt nó uống nước lại trừ. Nếu ngày mai nó là con mèo, tôi vẫn cho nó uống nước mới hả giận lòng tôi"! Thế là cứ "oan oan tương báo". Mà nếu nó đang ở trong tay tôi, tôi sắp nhận nước nó, nó lại vùng vẫy thoát ra đươc, chạy lên bờ; tôi cũng phải rượt đuổi lôi nó xuống cho kỳ được: "Nhất định nó phải bị uống nước". Nếu có ai can ngăn, tôi có thể cự người đó. Sự yêu mến, thích nhau cũng hứa hẹn cho "một ngày mai" hoặc kiếp lai sinh. Điều ấy thực là khó khuyên giải, khó phân tích lợi hại cho họ nghe. Thế là "chúng sanh khó độ".
"Vui quá hen, mai mốt chơi tiếp" thể hiện một sự tự nguyện, gia nhập cuộc chơi, chấp nhận mọi sự thua thiệt, khổ đau, hay thắng lợi với một niềm vui hớn hở giống như người đóng vai trong tuồng hát rất thích hợp với khả năng của mình. Điều ấy cho ta hiểu rằng vai trò là do "chính ta mong muốn và lựa chọn". Sự tái sanh, lăn lộn trong sáu nẽo luân hồi là cũng là ý mình muốn mà thôi!
Có một lần, cũng ở trên làng quê tôi, cứ 3 năm đáo lệ người Tàu làm lò chén hùn nhau lại gọi là cúng "công xi", tức là cúng chùa Ông (thờ Ông Quan Công). Trong buổi rước lễ có tục "lắc Ông Bổn". Vào năm đó, tôi cũng tham dự vào. Thực sự ra Ông Bổn gỗ để ngồi trên kiệu không có nhập vào người khiêng để bắt họ lắc, mà chỉ do người khiêng tự nguyện lắc kiệu thôi. Điều đó coi như là một cuộc vui. Người khiêng mang một tâm lý Ông Bổn thì phải lắc, mình khiêng Ông Bổn thì mình lắc, giống như Ông Bổn nhập vào làm cho mình lắc kiệu, như vậy có vẻ linh thiêng hơn. Sau khi ra đến đồng trống bắt đầu cho cuộc lễ, người ta đốt nhang cúng vái. Hương nhan ngầy ngật, 3 đứa chúng tôi cảm thấy hứng khởi kháo nhau để lắc, nhất là lắc để dí đuổi các đào kép hát bội đóng vai "Bát Tiên" chơi. Tôi nói 3 đứa tụi tôi, vì 3 đứa đều là thanh niên, còn một người nữa thì vào tuổi trung niên, tôi gọi là Bác Hai. Hai người bạn tôi ở đòn phía sau kiệu, còn tôi và Bác Hai ở đòn trước kiệu. Cả 3 chúng tôi cố lắc, còn Ông Bác tôi kềm lại. Tôi không biết tại sao ông Bác tôi không lắc mà lại kềm. Đi hơn nửa đoạn đường, khi ngồi nghỉ mệt, Ông Bác tôi mới nói nhỏ với tôi: Con đừng lo để Bác kềm cho, lắc nhiều mệt lắm! À thì ra! Bác thương tôi mà kềm kiệu lại, vì Bác nghĩ hai đứa bạn tôi muốn lắc kiệu chứ tôi không thích, mà chỉ là nạn nhân, nên Bác phụ tôi. Tôi nghe mà ái ngại trong lòng vì cả 3 thằng thanh niên làm khổ Bác tôi. Tôi nói với hai đứa bạn kiếm đứa khác thế chỗ cho ông Bác. Điều ấy khiến cho tôi sau nầy mới hiểu được nỗi lòng của Đức Phật. Chúng sanh đang muốn chơi trò lặn hụp, khổ đau, trôi nỗi, chìm đắm... trong vùng nước mà Ngài gọi là "bể khổ", nếu mà Ngài đến để khuyên chúng đừng chơi nữa, lội vô bờ đi! Thì có lẽ chúng nó sẽ không nghe mà còn muốn lôi Ngài nhập vào cuộc để chơi với chúng. Ngài đã thấy rõ, do đó Ngài muốn nhập diệt, chứ không như Lão Tữ bỏ cuộc đời đi vào núi mà nói vói lại sau lưng "Thiên hạ vốn vô sự", còn các vị khác nhập vào cuộc đời để bị chúng sanh đóng đinh trên Thập Tự gíá, hoặc nhốt vào tù gần 50 năm như "Baha’u’llah" của Đạo Baha’i. Đức Phật đã hiểu được sự hung hãn của chúng sanh, nên Ngài đã từ tâm, hòa mình vào một cách từ tốn: Ngài chỉ là một "Đạo sư". Ngài cũng như bao nhiêu người khác, người khác cũng đồng bản thể với Ngài; nếu ai nghe lời, tín nhiệm Ngài đi theo con đường Ngài chỉ cũng sẽ là Bậc Giác Ngộ như Ngài, thế mà Ngài cũng chẳng thoát khỏi hoạn nạn từ một số chúng sanh đem đến cho Ngài.
Trong Kinh Pháp Hoa Ngài đã dẫn ra hai ví dụ: Một- Đứa con có cha giàu mà không biết lại muốn bỏ đi lang thang, tìm đau khổ giống như chúng sanh do sự u mê mà rời cảnh sung sướng để bước vào cuộc khó của trần gian. Hai- là những đứa con mãi mê chơi trong nhà lửa của tam giới (Tam giới như hỏa trạch), nhà cháy rồi chúng hãy mãi vui chơi. Đức Phật mới dẫn dụ chúng bằng những cỗ xe: xe dê, xe hươu, xe trâu. Khi chúng ra ngoài rồi Ngài cho cỗ xe lớn nhất, sang trọng nhất là Phật thừa. Thế mà Ngài còn hỏi Xá Lợi Phất: Như vậy Ông Trưởng giả có lỗi hư vọng không? Quả thật cao cả vô cùng! Tìm cách dẫn dụ chúng sanh để cứu chúng sanh, đem đến cho chúng sanh cái quý nhất, tốt nhất, hạnh phúc nhất mà lại còn ái ngại là mình “có nói láo hay không?”. Có sự từ tốn, thân thiện và đạo đức nào hơn?
Một cách thông thường khi nói về Đạo Phật thì người ta thường nghĩ đến cái chùa, các nhà sư hoặc ni cô hay các chú các cô hoặc hình tượng Đức Phật, hay các tạng Kinh, Luật, Luận, tức là những gì gọi là Thế gian trụ trì Tam Bảo, mà ít ai nghĩ đến Xuất thế gian Tam Bảo để mình có thể hiểu được cái lý trong Đạo Phật, để thấy được mục đích mà mình sẽ tiến đến trong nếp sống Đạo hạnh của mình và đạt được cứu cánh đồng thể: Những gì Đức Phật có thì chúng sanh cũng có. Đức Phật đã giác ngộ thì chúng sanh có thể giác ngộ. Đức Phật trở về với Tâm thanh tịnh thì chúng sanh cũng có thể trở về với Tâm thanh tịnh. Đức LụcTổ Huệ Năng đã diễn tả về cái Tâm, cái Tự Tánh ấy như sau:
Hà kỳ Tự Tánh bổn tự thanh tịnh
Hà kỳ Tự Tánh bổn bất sanh diệt
Hà kỳ Tự Tánh bổn tự cụ túc
Hà kỳ Tự Tánh bổn vô động diêu
Hà kỳ Tự Tánh năng sanh vạn pháp.
Cái Tâm của ta tự nó vốn là thanh tịnh, không sanh không diệt, tự nó không lay chuyển, có đầy đủ cả, nhưng mà "năng sanh vạn pháp" quyền biến vô cùng.
Cái Tâm, Tự Tánh hay Phật Tánh là khởi điểm và cũng là cái sau cùng trong Đạo Phật. Nhưng chỉ khác đi một chút thôi: Phật tánh vì u mê (do u minh) mà ra đi, và khi trở về chỗ cũ bằng sự giác ngộ. Chúng sanh là u mê; Phật là giác ngộ, thế thôi!
Nói đến đây, tôi nhớ có nhiều lúc tôi ngồi một mình, rồi bỗng dưng chợt nghĩ một điều, xong tôi lại tức cười cho chính tôi. Có lẽ trời sanh tôi ra ban cho tôi một sự liên tưởng. Thấy hoặc nghe cái gì lại nhớ các điều gì đó trong quá khứ hoặc ý tưởng hoặc chuyện nào ở đâu đâu. Nhân nói chuyện ra đi và trở về, tôi lại nghĩ đến những điều mà Đức Phật đã ví dụ cuộc đời nầy giống như là bể khổ, rồi mê tân rồi bến giác. Nếu bạn thấy không phiền hà tôi xin kể cho bạn điều tôi suy nghĩ về chuyện ấy.
Này bạn ạ! Bạn cứ nhớ Phật tánh của Đức Phật và của chúng sanh trong đó có chúng ta đều đồng thể, tất cả không khác. Phật tánh của mọi người đều ngồi trên bờ sông tại một bến nước nọ. Thoạt đầu có người nghe nước chảy nghe vui, hay thấy nước trong có vẻ mát, người ấy bước xuống bến, bây giờ bến ấy được Đức Phật gọi là bến mê (mê tân) và đi vào dòng nước. Họ bị dòng đời lôi cuốn, lúc chìm lúc nổi, lúc họ có cảm giác sung sướng, lúc đau khổ; rồi họ bắt đầu một cuộc chơi với các người khác, rồi đánh nhau, đủ thứ chuyện như trong cuộc đời nầy, tức là chìm đắm trong bể khổ (khổ hải). Có người lúc thì ở trên mặt nước, có người chìm đắm sâu xuống đáy, có người lưng chừng, đó là Lục đạo luân hồi. Cuộc chơi ở đó có nhiều khổ hơn vui, nhưng người nào thích thì ở lâu hơn, còn người nào thấy chơi hoài chán quá thì bình tâm tỉnh trí sẽ hướng về bờ (hồi đầu thị ngạn) và lội về bờ bên kia (giác ngạn) để bước lên thành bậc Giác ngộ, là Phật. Do đó mà câu chú để kết thúc bài "Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh" là "Yết đế, yết đế, Ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha" giống như lời kêu gọi một sự đồng nhịp "hò dô ta" để cùng nhau đẩy thật mạnh tốc độ tiến về bờ giác bên kia.
Nếu tôi không có cơn bệnh làm cho tâm trí tôi khủng hoảng vô cùng, thì chắc tôi không thể hiểu được bài nầy, vì bạn chỉ hiểu được khi nào bạn có cảm tưởng mình không có còn thân xác nữa. Lúc mà bạn đau đớn, quá buồn chán hay thân xác trở nên yếu đuối thì bạn mới thấy linh hồn, Tâm hay Phật tánh của mình là "Diệu hữu" (có một cách kỳ diệu). Lúc ấy, bạn mới biết khởi nguồn Phật tánh không có thân xác, tức là "vô hình vô tướng" ở cõi "Thanh tịnh chân không". Nhưng vì sự u minh làm Phật tánh u mê mà muốn mang danh sắc bước vào vòng "tục lụy". Thế là có thân xác, từ thân xác mới có lục căn, rồi lục trần... theo Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên (Vô minh-Hành-Thức-Danh sắc-Lục căn-Xúc-Thọ-Ái-Thủ-Hữu-Sanh-Lão, Tử). Người tu hành nhằm bỏ đi cái "ngã", đầu tiên là Ngã Chấp, Ngã mạn; hai là cái Ngã thân xác. Nếu người bình thường họ thấy cái thân xác, cái ngã chấp của họ là quan trọng thì họ mới giành giựt, sát sanh..v..v.. để đem về cho họ cái ngon nhất, cái sướng nhất, lợi nhất bất chấp mọi thủ đoạn, mọi cách. Còn nhà tu coi cái xác có cũng như không, có cũng được mà không cũng được (sắc bất dị không, không bất dị sắc) thì những thứ tùy thuộc vào thân xác như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân dù có thì cũng sẽ là "như không". Như vậy sẽ không còn thấy là đau khổ nữa.
Cái pháp của Đức Phật là nhằm đem chúng sanh trở về với Phật tánh ban đầu qua sự Giác Ngộ (tức là Phật, là Bồ đề). Mà Phật tánh vốn vô hình vô tướng, tự nó đã thanh tịnh, không sanh không diệt, tự nó có đủ mọi thứ, không lay chuyển nhưng nó có quyền biến vô cùng (năng sanh vạn pháp). Do đó các pháp cũng tùy thuộc vào tính chất từng giai đoạn của Phật tánh. Mặc dù Phật tánh là đồng thể nhưng thể hiện ở mọi chúng sanh qua thân xác lại khác nhau và pháp cho mỗi chúng sanh cũng lại biến chuyển thích hợp theo họ. Cho nên pháp vốn không nhất định và Pháp chỉ là chiếc thuyền để chở cái xác đi, khi xác không còn thì thuyền cũng mất giống như người chăn trâu và con trâu trong "Thập mục, ngưu đồ".
Như vậy, Bạn đã thấy Đạo Phật là Đạo mà Đức Thích Ca đã qua Thiền định để có được Trí Huệ, nhìn sâu vào Tâm Thức; và Ngài cố phân tích, giảng giải một cách khoa học từ lúc Phật tánh bị màng vô minh làm u mê để bước xuống mê tân đi vào vòng Thập nhị nhân duyên, rồi bị luân hồi, tái sanh trong bể khổ, chịu cảnh sanh lão bệnh tử, khổ. Cho nên, Ngài đã suy tư, tìm thấy được Tứ Diệu Đế, và chỉ cho chúng sanh cách Diệt khổ để trở về với Giác ngạn và đạt được Đạo Vô Thượng Bồ Đề.
Từ đó, ta thấy Phật Thích Ca tìm thấy được Đạo Giác Ngộ là tự trong Tâm thức của Ngài, cái pháp của Ngài giảng cũng là cho Tâm thức, để chúng sanh đem Tâm thức của mình trở về với sự Giác Ngộ. Cho nên, tôi dám khẳng định một điều: "Nếu con người có linh hồn (hay Tâm thức), thì con người sẽ có Đạo Phật. Tâm thức siêu thoát hay tại thế, Đạo Phật cũng sẽ gắn liền với Tâm thức".
Do đó "Khi nào chúng sanh còn có Tâm thức thì Đạo Phật hãy còn, dù ở bất cứ thế gian nào và ở đâu trong "Tam thiên đại thiên thế giới" hay cõi vũ trụ nầy".

Nguyên Thảo,
19-04-01.

3 comments:

  1. Kính chào thầy.
    Em năm nay 44 tuổi, người Thủ Dầu Một. Em tuy chưa học thầy một ngày nào hết nhưng em được biết thầy qua blog này từ 2 năm nay và qua lời những anh chị quen thân ở chợ Tân Khánh ( mấy anh chị này khoảng 50, 51 tuổi, là học trò của thầy, như anh Sơn ở Bình Hòa, chị Diệu con bác Bảy Trơn,)
    Em là học trò và cháu của thầy Từ Minh Tâm, Từ Văn Nhung. Hiện em đang làm bác sĩ ở nhà thương tỉnh, nhưng phòng mạch của em ở Bình Hòa, Tân Khánh.
    Em được biết thầy đàu tiên qua trang nhà Trịnh Hoài Đức ( Bài "Tân Khánh, vũng đất hồi sinh) . Em cũng có mấy bài ở đó với tên hiệu là Bacsinhaque.
    Em rất thích đọc bài của thầy về quê hương xứ sở và về Phật pháp. Rồi mấy bài thơ về Cầu Xéo, Câu Đúc, Miễu Bưng Cù, Công Xi.
    Em có làm 1 trang Bình Dương xua và nay trên Facebook. Em xin phép được đưa bài của thầy lên đó nha thầy.
    À, em có cảm giác bác Hai khiêng kiệu mà thầy nói trong bài là Ông Hai Mách người lớn con, con của bà Tám bán quán ngay đầu cầu Vĩnh Trường phải không thầy?
    Ít hàng làm quen, em kính chúc thầy luôn mạnh khỏe, an lạc và viết nhiều nữa.
    Em Bacsinhaque ( Nguyễn Như Thạch )

    ReplyDelete
    Replies
    1. Rất hân hạnh với Bacsinhaque. Em muốn trích bài nào cũng được, cứ tự nhiên. Những bài về Đạo Phậtcũng có trên trang nhà "Đạo Phật Ngày Nay" nữa.
      Còn Bác Hai khiêng kiệu là Bác Hai Nó ngày xưa chạy xe lam ở Tân Khánh chứ không phải là Ông Hai Mách. Chúc em luôn khỏe. Thân!

      Delete
    2. Dạ, em xin cám ơn thầy.

      Delete