Friday, December 17, 2010

Câu Chuyện Bùa Ngải.

-"Em cứ dẫn chị đi!"
Thế là bao nhiêu lần Đồ tôi cố thuyết phục bà chị họ, nhưng bây giờ chị đã quyết định một cách cứng chắc, hẳn hoi.
"Em cứ dẫn chị đi!", Đồ tôi còn nghe âm vang rõ mồn một, và cũng không phải là nghe lầm.
-"Ừ! Thì tùy chị vậy! Chứ thật tình em không muốn đến chỗ đó nữa. Vợ chồng em đã "cúng" cho bả gần hai chục ngàn đồng rồi mà thấy chẳng có kết quả gì hết cả. Mà khi tới đó em có cảm giác làm sao ấy, nội cái mặt của bả không cũng khiến cho mình đã "thấy ghê" rồi, lại thêm không khéo bả vẽ thêm chuyện nầy chuyện khác thì lại tốn tiền và sanh thêm nhiều phiền phức".
Đồ tôi muốn giải thích nữa, nhưng bà chị lại sốt sắng cắt ngang:
-"Chị quyết định rồi, tao phải tới bà ta! Tức quá mà! Như không bị người ta lấy mất một mớ vải. Con mẹ đó còn để lại cái tụng đệm rách nữa, tao phải tìm cách để nó phải trả lại mới được, tốn thêm mấy ngàn nữa tao cũng làm".
-"Thôi đi chị à! Chỉ sợ đã mất tiền nầy mà lại phải tốn tiền kia nữa thì oan uổng lắm! Thôi thà cứ coi như là mình "xui" đi cho đở buồn!"
-"Không được! Tức quá mà, em phải dẫn chị đi; giờ tốn thêm vài ngàn nữa tao cũng phải làm; như không nó lên xe "lam", ngồi gần tao. Khi nó xuống nó lấy mất vải của tao, mà tao cũng chưa tỉnh; khi tỉnh thì tao đã mất đồ rồi! Tao không thể chịu được".
Cuối cùng, Đồ tôi không thể nói gì ngăn cản cho bà chị họ được nữa. Sự căm tức đã khiến cho chị quyết chí làm, quyết chí trả thù cho kỳ được, dù phải mất thêm một số tiền bằng phân nữa giá trị số hàng mà người ta đã "nhẫn tâm" dùng bùa mê làm cho chị mê và lấy mất trên đường chị đang đi bán.
-"Bây giờ em có rảnh không? Chị muốn đi ngay bây giờ!"
-"Thôi đi chị à! Thật tình em không muốn gặp bà H. N. đó nữa! Em sợ bả lắm rồi, sợ luôn vấn đề bùa ngải... Em sợ lắm, chị đừng bắt em phải tới đó nữa!"
-"Em giúp chị đi! Tại chị không biết chỗ, nếu biết chỗ thì chị đi một mình chớ nhờ em làm gì. Em giúp chị lần nầy thôi! Mai mốt chị đi một mình!". Bà chị họ Đồ tôi nhẹ giọng khiến Đồ tôi cũng thông cảm nỗi lòng của chị:
-"Thôi được, hôm nay em mắc bận. Nếu chị muốn đi, thì trưa mai đi vậy!"
Đồ tôi không thể cản được bà chị, thì thôi đành thối thoát qua ngày hôm sau; điều đó chỉ mong bà chị đêm nằm suy nghĩ lại mà có thể đổi ý để cho Đồ tôi khỏi phải gặp "bà thầy" bùa ngải quái ác đó nữa; và bà chị họ của Đồ tôi cũng không phải mất thêm một số tiền mà không biết kết quả có được hay không!
Nhưng bà chị của Đồ tôi lại quyết chí, thế là Đồ tôi phải "bấm gan" lấy xe gắn máy Honda, và sửa soạn hành trang để "lên đường". Trời trưa nắng chói chang, Đồ tôi "ngần ngừ":
-"Thôi đi chị à! Em nghĩ chị nên bỏ đi! Kinh nghiệm ở vợ chồng em rồi, tiền mình bỏ ra thì dễ, nhưng kết quả chưa biết ra sao, lở mất nữa thì uổng quá! Chị thấy hôn, như những chai thuốc hiệu Kim Khuê ở chợ Tân Định em chỉ mua có khoảng ba trăm rưỡi, nhưng bà ấy chắc cũng mua ở đó, nhưng về bả lột hết nhãn hiệu rồi nói thuốc đặc biệt của bả, bả bán cho em hết bảy ngàn rưỡi năm chai. So sánh vị thuốc lẫn chai thuốc, cách đóng nút, hàn sáp không có gì khác cả, chỉ có nhãn và không dán nhãn mà thôi! Coi chừng bị mất tiền thêm nữa đó, chị tính kỹ lại coi!"
-"Chị tính kỹ rồi! Em cứ chở chị đi."
Đồ tôi thấy "hết nước" để nói cho chị nghe, rồi Đồ tôi gặn lại chị:
-"Nếu mai mốt có mất thêm tiền hay có gì chị đừng trách em nhe! Chứ thật tình em không muốn chị vướng vào đó. Tụi em là chuyện bất đắc dĩ đành phải chịu vậy thôi!"
Cuối cùng, Đồ tôi phải lên xe đưa chị đi. Trên đường đi Đồ tôi luôn lúc nào cũng mong cho chị thay đổi ý kiến để Đồ tôi được nhẹ nhỏm; nhưng chị thì không, cứ mãi ấm ức về số vải bị mất, giá trị khoảng mười lăm ngàn đồng. Chị kể và chị nói về những tức tối của chị, Đồ tôi chỉ biết nghe mà không biết phải nói những gì, chỉ biết tìm lời để an ủi chị thôi! Và chỉ mong chị đừng vương vào bà H. N. nầy nữa.
Xe qua Nhị Bình, An Phú Đông và rốt cuộc chúng tôi cũng đã đến Chợ C.. Đẩy xe xuống dốc bên đường, đi vào đường hẻm không xa, đã đến nhà bà H. N. rồi!
-"Tới rồi chị Năm!"
-"Em vô trước đi".
Đồ tôi vào nhà, chị họ Đồ tôi theo sau. Nghe tiếng ở phía trước đã biết là có khách, nên bà H. N. từ nhà trong đi ra.
-"Chào chị! Hôm nay tôi đến chị tính nhờ chị giúp cho bà chị họ của tôi một chuyện. Đây là bà chị họ của tôi.
Chị họ Đồ tôi gật đầu chào xả giao với bà H. N.. Thoáng thấy trên gương mặt chị có vẻ giật mình, Đồ tôi đoán biết chị đã có ý sợ "bà Thầy" nầy rồi, cũng như vợ chồng Đồ tôi thuở lúc trước thôi! Bà H. N. có gương mặt vuông của người xứ ngoài, bà ấy cũng có nét đẹp trên gương mặt, nhưng bất cứ ai nhìn vào sẽ thấy hai điều: Cái mũi của một người phù thủy hơn là một người thường, hai là trên làn da gương mặt nó biểu hiện cái ác, không chân thực hơn là sự hiền hậu. Điều đó khiến người đối diện phải suy nghĩ về tính độc hại của vấn đề bùa ngãi, không biết có phải là như thế hay không, mà sao có những gân xanh hoặc hơi thâm chạy trên da mặt của bà ta khiến gương mặt của bà ấy có nét khó nhìn, hoặc nếu đã nhìn thì không thể nghĩ tốt cho bà ta được.
Bà H. N. kéo ghế mời chị họ Đồ tôi ngồi, còn Đồ tôi thì tự nhiên hơn vì là chỗ khách hàng cũ. Xong bà ta đi làm hai ly nước đem đến. Đồ tôi và bà chị họ không dám uống vì trước khi đi Đồ tôi đã có dặn trước chị rồi.
Nói chuyện được một lát, chị họ Đồ tôi xin phép bà H. N. đi lấy dĩa lớn bày trái cây ra để cúng trên bàn thờ Tổ. Xong xuôi, qua vài câu chuyện xã giao bà H. N. hỏi tên họ của chị họ Đồ tôi và đến để xin về việc gì. Chị họ Đồ tôi thật tình kể hết đầu đuôi gốc ngọn cho bà ta nghe. Xong, chị hỏi về giá cả:
-"Chị có thể giúp dùm được không? Và giá cả là bao nhiêu?
-"Được chứ! Nhưng về giá thì mười tám ngàn", bà H. N. trả lời.
-"Chị giúp dùm, sao mà nhiều quá vậy!". Chị họ Đồ tôi có vẻ than phiền.
-"Không nhiều đâu! Em cũng là chỗ thân thiết với Ngọc T. đây và cũng là bạn với vợ chồng N., Ph. thì cũng chẳng lạ với chị đâu, chị tính như vậy đã là nới rồi đó!"
-"Em không có nhiều tiền như vậy!"
-"Chứ bây giờ em có bao nhiêu?"
-"Em chỉ có bảy ngàn thôi!"
-"Như vậy thì chị không thể giúp em" Bà H. N. ngưng một chút, ra chiều suy nghĩ, rồi bà ta nói: "À! Hay em thế chiếc vòng cẩm thạch đi cộng với số tiền em hiện có".
Chị họ Đồ tôi có vẻ phật ý: "Không được! Đây là là chiếc vòng cưới mà má chồng em cho khi đám cưới, em không thể cầm thế nó được!"
-"Hay em thế dây chuyền đi, kỳ tới em xuống đem tiền rồi lấy nó về".
Chị họ Đồ tôi cũng quả quyết: "Không được, dây chuyền nầy cũng là đồ cưới, em không thể để lại đây được!"
Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng bà H. N. đồng ý cho chị họ Đồ tôi thiếu số tiền sai biệt còn lại vì bà nói chị là chị họ của Đồ tôi; và chị họ của Đồ tôi cũng chấp nhận để bà H. N. làm phép cùng cho ngải. Thế là chị họ của Đồ tôi phải tốn thêm mười tám ngàn đồng nữa rồi!
Sở dĩ sự xưng hô ở đây khác với nhiều nơi vì Bà H. N. vốn trước kia quen biết với đứa em chú bác của vợ Đồ tôi tức là Ph., và chồng của cô ta là N.; vì hai vợ chồng sống với nhau khá lâu nhưng chưa có con, sau đến nhờ bà H. N. nầy mà bắt đầu có con. Điều đó không biết đúng hay sai nhưng họ tin bà nầy lắm, thường hay đến thăm viếng, cúng kiến vì thế mà bà H. N. xem như người nhà chỉ cho xưng hô là "chị, em" chứ không là "thầy" với "con" như thường tình. Từ đó, đến vợ chồng Đồ tôi và bây giờ đến lượt chị họ của Đồ tôi cũng là như thế!
Sau khi mọi việc xong xuôi, Đồ tôi "đèo" chị họ lên xe Honda mà trở về. Chị họ Đồ tôi cứ thắc mắc về thái độ bắt chị "cầm cố" nữ trang, rồi đến gương mặt "trông phát ghê như là mấy bà phù thủy", rồi "không khéo đã bị bùa mất vải, bây giờ lại thêm bị gạt nữa đây". Bao nhiêu ưu tư của chị, chị nói ra; nhưng Đồ tôi cũng không biết nói với chị thế nào cho phải cách, đành phải lặng thinh.
-"T. à! Chị muốn bỏ mấy thứ nầy, và chị cũng không tới bà H. N. nầy nữa. Em thấy sao? Thôi chị thí cô hồn cho bả bảy ngàn đó thôi!"
Chị họ Đồ tôi hỏi thình lình, khiến Đồ tôi cũng khó tính ra nước cờ cho ổn thỏa, nhưng Đồ tôi cũng vội trả lời:
-"Tùy chị! Chị tính sao thì tính".
Chúng tôi đẩy xe đi qua cầu sắt, chị họ Đồ tôi quăng cái tụng đệm rách của người bỏ bùa lấy vải đã bỏ lại cho chị lúc trước xuống dòng nước rạch đang chảy, và mở gói giấy của bà H. N. ra; thì ra đó là gói củ ngải. Chị Đồ tôi nói:
-"Sao giống củ riềng quá T. à!"
-"Em đâu có biết củ riềng mà cả củ ngải nữa, em đâu biết nó ra sao!"
Trên đường về câu chuyện giữa chị họ và Đồ tôi quanh quẩn về bà H. N.. Để rồi chừng tuần lễ sau, chị họ Đồ tôi cho hay đã đến ông thầy bùa ngải ở trên tỉnh nhờ ổng gỡ dùm. Và hai vợ chồng Đồ tôi cũng phập phồng lo sợ và đến đó nhờ ông giúp một phen. Ở đây ông nầy chỉ làm phước, nhưng phải có con gà cúng Tổ trong lần đầu tiên. Từ đó số chai thuốc còn lại của bà H. N. Đồ tôi đem quăng vào hố rác Mỹ trên bìa rừng dọc đường lên tỉnh, mà chỉ mua thuốc của nhà thuốc Kim Khuê trên đường Hai Bà Trưng ở chợ Tân Định - Sài gòn để uống mà thôi. Và cũng từ dạo ấy vợ chồng Đồ tôi "chào giã từ" bà H. N., không "hẹn ngày tái ngộ".
Nhưng chuyện bùa ngải không đơn giản như vậy! Nếu nó giản đơn thì Đồ tôi đâu cần phải viết đến chuyện nầy để làm gì?
Vốn là chuyện vừa kể ở trên xảy ra từ năm 1971, lúc đó vàng khoảng trên hai chục ngàn một lượng mà số tiền vợ chồng Đồ tôi uống thuốc non hai chục ngàn; còn bà chị họ của Đồ tôi chuộc bùa ngải cũng là mười tám ngàn, quả thật là một số tiền không phải nhỏ. Sau đó vài năm, cuộc chiến càng ngày càng ác liệt và sôi động khắp mọi nơi. Và sau ngày chấm dứt chiến tranh 30-4-75, cuộc sống người dân càng ngày càng trở nên khó khăn cơ cực hơn, trong chiến tranh mà người ta sống còn thoải mái hơn thời bình. Người người vào khoảng thời gian nầy lo vật lộn với miếng ăn, miếng mặc; những gia đình thuộc chế độ cũ lại càng tang thương hơn nhiều. Mỗi chế độ có một cách điều hành riêng, cách quản lý riêng, tốt thì dân chúng nhờ, xấu thì dân chúng chịu. Nhưng có một điều trên thực tế chứng minh rõ ràng rằng: Chế độ nào cũng đều nói là "cho dân và vì dân", nhưng bao giờ cũng chỉ là cho đảng phái phe nhóm của mình, cho giới lãnh đạo cầm quyền mà thôi, chứ dân thì "sống chết mặc bay!". Vì thế, người xưa có nói: "Cách mạng là thay cũ đổi mới, cái mới tốt hơn cái cũ", đó chỉ là câu nói để "lòe đời" hay nói để mà chơi, để dân chúng an lòng làm tôi mọi cho giới lãnh đạo, cầm quyền. Ôi! Trên thế gian nầy "Ý dân là ý trời"! Quả là có thật như vậy hay chăng???
Những thay đổi lớn lao, những biến đổi tang thương đã xảy ra. Người thành phố về quê để tìm lối sống mới, người tìm đường vượt biên tan tành sự nghiệp; người trí thức phải ra đi, người chế độ cũ phải tập trung lên rừng, dân chúng sống mà chẳng thấy ngày mai, một sự xáo trộn chưa từng thấy trong lịch sử. Trong sự biến động ấy mà Đồ tôi phải chở bà chị họ đi tìm nhà bà H. N. sau đó bốn năm.
Một buổi chiều vào năm 1979, Đồ tôi đang phụ giúp quét dọn chỗ bán cà phê cho má Đồ tôi thì người ta ồn ào nhìn ra ngoài đường. Đồ tôi nhìn theo, có hai chiếc Honda chạy nhanh qua, một chiếc do ông anh lái đang chở bà chị họ ngồi ở giữa, người nghiêng qua nghiêng lại, bà dì ngồi ở phía sau để kềm cho chị khỏi té; còn chiếc khác là người chị thứ ba cưỡi chạy theo sau. Đồ tôi vội kêu má:
-"Má ơi! Ai giống chị năm bị bịnh như thế nào đó mà anh tám chở đi phải có dì Tư ngồi kềm ở phía sau".
-"Ở đâu?"
-"Mới chạy qua nè! Chạy về bễn đó!"
-"Thôi dọn lẹ đi! Chút mầy chở tao đi qua bễn coi nó ra làm sao vậy!"
Đồ tôi cố gắng làm cho xong để đi qua bên nhà bà dì với má. Công việc cũng vừa gần xong, thì lại có tiếng xe Honda ồn ào rồi ngừng trước cửa. Đồ tôi ngó ra thì bà dì, chị ba, anh tám, có cả chị năm bước vào:
-"Ngoc T. ơi! Em phải chở chị tới nhà bà H. N. ngay tối đêm nay, nếu không, quá nửa đêm nay chị sẽ chết. Chị chết rồi bỏ con chị lại bơ vơ. Tội nghiệp lắm Ngọc T. ơi!"
Đồ tôi nghe mà lạnh lùng! Lòng cảm thấy bồi hồi. Không ngờ sau ngày 30-4 cả 4 năm lại cũng còn có bà H. N.. Và bảy, tám năm sau bà H. N. sai bùa ngải bảo Đồ tôi làm và bà chị Đồ tôi phải trả nợ.
Chẳng có ai gọi tên Đồ tôi là Ngọc T. bao giờ, chỉ có một mình bà H. N. mà thôi! Bây giờ chị họ Đồ tôi lại nhắc Đồ tôi nhớ về thuở nọ:
-"Ngọc T. ơi! Bây giờ em phải chở chị xuống bà H. N., nếu quá nửa đêm nay chị sẽ chết! Con cái chị ai nuôi, tôi nghiệp lắm Ngọc T. ơi!" Chị họ Đồ tôi thất thần lập lại lần thứ hai khiến Đồ tôi vừa xúc động mạnh vừa nghe ớn lạnh chạy dài nơi xương sống. Đồ tôi băn khoăn:
-"Đã bảy, tám năm rồi biết bà H. N. bây giờ ở đâu mà tìm? Hơn nữa chiều tối rồi làm sao mà kiếm được nhà bả?"
-"Được mà! Ngọc T. tìm được mà! Em đưa chị đi đi, nếu không qua nửa đêm nay chị sẽ chết". Nói xong chị lại khóc.
Dì Đồ tôi nói:
-"Con ráng đưa chị con đi đi con, để tội nghiệp nó với con nó. Ráng đi dùm dì đi con!"
-"Dạ! Để con soạn đồ, lấy xe ra".
Đồ tôi vào thay vội quần áo và đẩy xe gắn máy ra, chuẩn bị cho cuộc hành trình. Chúng tôi đi ba xe. Anh tám chở chị ba, Đồ tôi chở chị họ và người anh họ khác chở bà dì.
Vì mắt Đồ tôi yếu khi nhìn về đêm cho nên chúng tôi chạy khá nhanh để xuống đến Chợ C. trước khi trời thật tối. Chở chị đi mà lòng Đồ tôi mãi không an tâm, vì lúc ban chiều chị ngồi ở giữa mà còn nghiêng qua ngã lại, huống hồ bây giờ chị ngồi một mình ở phía sau lưng Đồ tôi.
-"Chị ráng ngồi cho vững nhe! Chiều tối rồi em chạy hơi nhanh đó, để xuống đó còn phải tìm nhà nữa, không biết tìm được hay không nữa. Sau ngày "giải phóng" người ta thay đổi chỗ ở lung tung, nếu bả đổi chỗ thì đâu biết đâu mà tìm!"
-"Không sao đâu! Ngọc T. biết chỗ mà! Ngọc T. cứ chạy đi, hồn đã bắt cái xác nầy ngồi yên rồi mà!"
Đồ tôi nghe câu nói ấy mà nổi "da gà" và nghĩ rằng mình đang chở một con ma ở sau lưng. Tuy nhiên, Đồ tôi cũng trấn an lấy mình và cố gắng tìm cho được bà H. N. trước nửa đêm dù điều kiện sau đó là thực hay là hư. Trên đường đi Đồ tôi sợ bà chị họ buồn ngủ hay lơ đễnh có thể té ngã và xảy ra tai nạn, cho nên Đồ tôi luôn phải hỏi chị. Và chị cũng nhắc lại chuyện trước kia lúc đi, đến bà H. N. và cả lúc về. Những chi tiết ấy Đồ tôi tưởng mình đã quên mất tự lâu rồi, bây giờ lại lần hiện ra. Ký ức càng hiện ra Đồ tôi lại càng sợ đến bùa ngải nhiều hơn.
-"Chị vịn chắc nhe! Đến đoạn đường xấu rồi, coi chừng té đó".
-"Ngọc T. yên chí! Cứ chạy đi, cái hồn đã giữ cái xác nầy ngồi yên rồi, không sao đâu!".
Dù nghe thế, nhưng Đồ tôi vẫn không an lòng. Vả lại, trong lòng Đồ tôi đang mang mang nhiều suy nghĩ, vừa nghĩ đến tình cảnh của chị; vừa nghe lương tâm mình áy náy mặc dù trước kia Đồ tôi đã báo trước cho chị nhiều lần; vừa cảm thấy sự "không thiện" nào đó của những con người chơi với bùa ngải, sử dụng bùa ngải để thoả mãn lòng tham của mình; vừa không biết tìm được nhà bà H. N. cho chị hay không; vừa nghĩ đến lỡ tìm bà H. N. không được mà quá nửa đêm chị chết thiệt thì sao đây? Đồ tôi hỏi chị để dứt luồng suy nghĩ, ưu tư ấy:
-"Chị thiệt hôn! Nói như vậy mà buông tay té thì nguy hiểm lắm đó nghe!".
Chị họ Đồ tôi cười, giọng cười nghe lạ lùng làm sao! Không phải giọng cười của chị! Chắc chắn không phải giọng cười thường ngày của chị; hay là Đồ tôi bị ám ảnh rồi chăng?
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được Chợ C. khi màn đêm hoàn toàn buông xuống, Đồ tôi ngừng xe, chống "tó" lên, đậu xe bên lề đường và vội đi vào hẻm. Gặp được một chị, Đồ tôi hỏi ngay:
-"Chị, chị cho hỏi bà H. N. còn có ở đây không chị?".
Chị ấm ớ hỏi:
-"Bà H. N. nào?"
Đồ tôi ngẫn người suy nghĩ: "Thế nầy thì làm sao tìm được bà H. N. đây?". Nhưng cũng may, có một bà trung niên khác, nghe thấy liền đến hỏi Đồ tôi:
-"Cậu muốn tìm bà H. N., phải bà Thầy bói H. N. trước kia ở đây không?"
-"Dạ phải!"
-"Bây giờ bả lên Trung Chánh rồi! Bả lên ở đó cũng lâu rồi!"
-"Dạ Trung Chánh ở đâu vậy bác? Bác chỉ dùm con!"
-Trung Chánh ở đường lên Quang Trung đó. Bây giờ, cậu chạy tới trước khoảng một khoảng đường, rồi tới một cái ngã ba, cậu đi ngã bên phải. Cậu đi ngã đó khoảng chừng ba, bốn cây số thì tới xóm Trung Chánh, tới đó cậu hỏi người ta, người ta sẽ chỉ cho".
Đồ tôi cám ơn bà ấy rối rít, và thấy được hi vọng ở điều mình muốn tìm. Đồ tôi thật sự đã mừng thầm.
-"Hi vọng rồi dì Tư! bà H. N. dời lên Trung Chánh; cũng may nếu không có bà đó chỉ đường thì chắc khó tìm ra!
Đoàn chúng tôi lại tiếp tục chạy lên Trung chánh. Tới xóm tương đối đông đúc, chúng tôi dừng xe, Đồ tôi nói với bà dì:
-"Bây giờ ở đây, để con đi hỏi người ta coi nhà bà H. N. ở đâu?"
Chị họ của Đồ tôi vội thốt lên:
-"Chị biết rồi!". Vừa nói xong chị bươn bả đi. Dì Đồ tôi và người chị ba phải chạy theo. Riêng phần Đồ tôi vẫn phải đi hỏi người ta về nhà của bà "Thầy bói H. N.".
-"Cậu đi tới mấy cái nhà gần chỗ trụ đèn đó, ngó kỹ cái nhà nào có để tấm bảng nhỏ nhỏ để chữ H. N. là nhà của bả đó!"
Đồ tôi thêm một lần cám ơn và ra xe đi tìm nhà bà H. N..
Đến nơi Đồ tôi không vào, vì hai người phải giữ ba chiếc Honda, nên Đồ tôi để cho bà Dì cùng anh chị họ theo chị Năm vào trong. Vả lại, Đồ tôi cũng không muốn gặp lại bà H. N. để làm gì. Gặp để có nhiều phiền phức thì chẳng nên gặp làm chi.
Sau khi giải quyết món nợ "ân oán" đó, chúng tôi cùng nhau về khu nhà trên đường Lê Văn Duyệt ở Bà Chiểu, là nhà của chị họ Đồ tôi để nghĩ qua đêm. Nhà chị trang trí thờ cúng cũng có đầy vẻ "âm binh"!
Sau đó nhiều năm, ai nấy bận lo tìm đường mưu sinh trối chết, cho nên Đồ tôi ít gặp lại chị, chỉ thỉnh thoảng trong những ngày giỗ bên nội của chị, chứ bên ngoại của chúng tôi thì chị lại ít hay về. Cái nét của chị vào thuở sau nầy có nhiều tính "bà Thầy" hơn. Một lần ông cậu làm "thầy pháp" của chúng tôi, trong lúc ngồi uống cà phê tại quán má Đồ tôi đã nói: "Con Năm nó nhiều thầy quá, thành ra âm binh trong mình nó không tương nhượng lẫn nhau mà xảy ra chuyện không lành!"
Đồ tôi không hiểu nhiều về vấn đề huyền bí, nhưng những điều ấy đã làm cho Đồ tôi trở nên sợ, sợ đến cả những người vương vào bùa ngải.
Sau đó, khoảng bốn năm Đồ tôi đã may mắn có cơ hội đi vượt biên. Đến khi vợ con được sang Úc theo diện đoàn tụ gia đình thì bà chị họ của Đồ tôi đã thật sự là một "bà Thầy", nhưng chắc chị làm "Thầy" cũng là do từ "Âm binh" của những người khác cho vay hơn là chính của chị như lời của cậu Mười chúng tôi đã nói!
Đồ tôi chỉ đoán thế, chứ thực sự thì Đồ tôi lại "mù tịt" về cả vấn đề!

Đồ Ngông,
10-08-05.

No comments:

Post a Comment