Tuesday, March 30, 2010

Về Nhạc Trịnh-Công-Sơn.

Thú thật với tất cả Quý vị, Đồ tôi chẳng biết gì về Trịnh Công Sơn, kể cả ngay thời kỳ mà ông ta nổi tiếng nhất. Nhưng nay do nơi "buồn buồn" mà vào thư viện tìm sách đọc, lại gặp tạp chí Văn học ấn bản đặc biệt tháng 10&11/ 2001 viết về Trịnh Công Sơn: Tình yêu, Quê hương, Thân phận. Đọc chưa hết nhưng có cái gì "xui khiến" Đồ tôi lại nhớ về dĩ vãng xa xăm, vào những năm giữa 60 làm Đồ tôi lật đật lấy viết, giấy ghi lại vài điều để đọc giả coi chơi. Nhưng đây chỉ là ý ngông của Đồ tôi chứ nếu Quý vị, có khó tánh, mà trách móc thì tội nghiệp cho Đồ tôi lắm!

Có một lần Đồ tôi đã nói đến sự may mắn của mình rằng:

"Trong cuộc đời có nhiều biến cố mà người ta không thể ngờ được, biến cố ấy là bước ngoặc có thể thay đổi đời mình giống như chiếc xe chạy đến ngã rẽ bắt buộc mình phải sang đường khác, khác với dự định. Đồ tôi tưởng sự học của mình cũng chấm dứt từ đó, nhưng rồi nhờ số trời lại vượt được Vũ môn như cá Lý ngư. Cá Lý ngư thì hóa rồng, chứ Đồ tôi lại thành rắn bò ngoằn ngoèo dưới đất, chẳng cắn lấy ai mà còn bị đời đá lên đá xuống"'mềm xèo" như trái chuối".

Nhờ giai đoạn ấy Đồ tôi mới xách "tụng đệm" mang quần áo, sách vở chất lên xe đạp, gùi xuống Sài gòn giống như chuyện "Tư Ếch đi Sài gòn" để mà ngắm cảnh trong những khu nhà lao động, bùn lầy nước đọng.

Thực ra Đồ tôi vốn không biết nhiều về nhạc, nhất là mình không thuộc lấy được một bài trọn vẹn dù cố học biết bao nhiêu lần. Thích thì có thích, giọng thì khi có khi không, mà lại quá trầm, ca lên chỉ dành để "ru người ta ngủ". Nhưng, một buổi chiều nọ lại đúng vào lúc sau những tiếng chuông nhà thờ đổ thì trên đài phát thanh có giọng ca hát bài "Lời buồn thánh": "Chiều chủ nhật buồn, nằm trên căn gác đìu hiu. Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều" rồi cái gì "chăn chiếu bơ vơ còn đến bao giờ", hay "trời mưa, trời mưa không dứt, ô hay mình vẫn cô liêu". Đồ tôi chợt nghe những câu hát mà tự dưng lại cảm thấy thấm vào lòng, thấy mình đi trọ "chiều buồn và cô liêu". Khổ nổi, buổi chiều ấy trời lại chuyển mưa, gió thổi ngọn dương nghiêng qua nghiêng lại, trên cao mây đen đang vần vũ. Đồ tôi nằm trên nền xi măng tháp mộ của chùa, nhìn lên mà thấy lòng lại buồn, nổi buồn vô cớ:

Không biết vì sao một buổi chiều
Buồn dâng lấp cả cánh tim yêu..!
Nhìn dương lã ngọn, mây đen đến
Anh thấy lòng anh khó chịu nhiều.

Đó là mở đầu cho chín đoạn mà Đồ tôi gọi là chín khúc ca viết tặng cho người "cảm nhận gọi là yêu nhau", ấy là chuyện sau đó; còn đang trong lúc thì "Lời buồn thánh" đã chiếm ngự tâm hồn của Đồ tôi. Thế là vài ngày sau, Đồ tôi phải ráng mua cho được bản nhạc ấy để tập hát. Nhưng Đồ tôi chẳng được thành công. Đồ tôi cũng không tiếc mấy vì tại khả năng của mình thôi. Rồi từ đó thỉnh thoảng Đồ tôi để ý đến cái tên Trịnh Công Sơn. Có lúc bạn bè rủ đi uống cà phê nghe nhạc Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly, Đồ tôi không có tiền nên đành kiếm chuyện mà thoái thác.

Đồ tôi xuống Sài gòn để nhìn cuộc đời của mình đi qua, đi qua từng khu lao động hơn là trọ học; để nhìn sự không may của chính mình hơn là đi tìm tương lai. Sự thiếu thốn mọi thứ, lẫn các khung cảnh "xô bồ, xô bộn" của khu lao động, khu nhà ổ chuột ven thành phố chỉ làm cho mình buồn tủi hơn thêm. Cái cảnh ồn ào, ầm ỉ, chí chóe, chửi rũa hàng ngày bên cạnh con rạch nước đen òm, nổi lềnh bềnh phân người, chất thải, rác, giấy xông lên mùi hôi thối khó chịu. Thế mà có người vẫn tắm, vẫn bơi, ngồi trước cửa nhà trên bờ con rạch bưng chén cơm ăn ngon lành. Hầu như tất cả đã quen rồi, không còn "mắc mớ" gì với nhau nữa cả.

Từ sau năm 1963, cuộc chiến tranh càng ngày càng leo thang, chiến tranh ác liệt hơn, hậu phương luôn bận rộn, nhất là lứa tuổi của nam thanh niên lại càng chộn rộn, khẩn trương hơn ai hết. Một là học để lấy chứng chỉ hoản dịch từ Nha Động Viên, hai là chạy vô các ngành nghề, ba là hết đường binh thì ghi tên vào danh sách đến quân trường. Lâu lâu lại có vài cuộc biểu tình có cảnh sát bắn đạn cay, dùi cui bá trắc. Nhiều người đã viết các bài văn, bài thơ để diễn đạt cái tâm trạng của mình. Rồi người ta lại nghĩ đến thân phận con người, thân phận đất nước dân tộc và đi đến một cái phi lý của chiến tranh. Đồ tôi không hiểu được từ khung cảnh ấy mà chủ nghĩa Hiện sinh từ phương Tây du nhập vào dễ dàng hay là phong trào ấy đã phát triển rất nhanh đến Việt nam vào đúng thời điểm. Hiện sinh, phòng trà, "boum" hay "balle de famille" gì đó, Đồ tôi không hiểu rõ lắm. Rồi lại "mini jupe"(?), "jupe serrée" (?). Những người học trường Tây sinh ngữ giỏi thì "chưng" ra sách của Jean Paul Sartre, Albert Camus, hay tiểu thuyết của Francois Sagan, Đồ tôi choáng váng mặt mày thiếu điều bất tỉnh ở sân trường, nghĩ chắc mình phải "về học cày cho xong". Cũng may thuở ấy kế bên nhà trọ có người bạn tên Hưng, quê ở Bình định, không hiểu anh thích tôi vì giọng nói của tôi hơi na ná vùng quê anh hay vì tâm tính. Chúng tôi nhiều lần ngồi tâm tình với nhau rất lâu, cứ vài bửa kéo nhau ra quán ngồi uống cà phê nói dóc. Từ trong tâm trạng ấy, hoàn cảnh ấy Đồ tôi cũng đâm ra thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn, mà phải qua giọng hát Khánh Ly cơ, mới nghe xoáy được vào lòng. Có nhiều bài Đồ tôi không hiểu rõ nghĩa câu nhạc, nhưng nghe những từ ngữ là lạ, hay hay, những câu rất là mơ mộng, có nét gì mờ mờ ảo ảo mà ẩn ẩn một cái gì xa xôi. Thuở ấy Đồ tôi có đọc vài tạp chí văn học, có nhiều nhà văn viết một câu dài với nhiều dấu nối như là một từ ngữ kép kiểu triết học và các nhà thơ làm thơ bí hiểm theo kiểu Tây. Đồ tôi chẳng hiểu "chút nào" hết, nhưng có nhiều người khen hay, thì Đồ tôi cũng ừ "thì hay". Nói như vậy Đồ tôi đã có ý nghĩ lời nhạc của Trịnh Công Sơn có hơi hướng của triết học trong đó, mà sao lại giống như thơ hay kiểu thơ triết học được lồng trong nhạc? Điều ấy đến nay qua số Văn học đặc biệt nầy Đồ tôi được giải thích về nghi vấn của mình xưa kia. Bạn hãy xem Tuấn Huy viết về "Trịnh Công Sơn cỏ xót xa người..." ở trang 31 đã ghi chú: (Ghi chú của người viết: TCS tốt nghiệp ban Triết trường Chasseloup Laubat, nên khi trò chuyện thân thiết, Anh thường dùng một vài tiếng Pháp chen lẫn vào câu nói). Và trong bài "Một cái nhìn về ca từ Trịnh Công Sơn" của Trần Hữu Thục ở trang 77 tác giả viết: " Ở một bài khác anh (TCS) cho biết: "Tôi vốn thích Triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ Triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ".

Và điều ấy Đồ tôi nghĩ Trịnh Công Sơn đã thực hiện được vì: Trịnh công Sơn là người Huế (Huế: Xứ nhạc và thơ). Và Trịnh Công Sơn có người mẹ mà Đồ tôi nghĩ chắc bà ấy thường hát ca dao để ru con lúc nhỏ cho nên Trịnh Công Sơn đã kết cấu được các yếu tố: Triết, nhạc, thơ và âm hưởng ca dao vào trong các ca khúc của mình cho tình yêu quê hương, dân tộc, mọi người mà cho chính tình yêu của mình thì không trọn vẹn. Chính vì tình yêu quê hương và dân tộc ấy mà Trịnh Công Sơn đã phản kháng chiến tranh phi lý giết chết biết bao nhiêu người, tàn phá đất nước. Anh không đứng bên nầy mà cũng chẳng đứng theo bên kia, anh chỉ ghi nhận những cảnh đau thương thực tế, phát họa các bức tranh vào lời ca nét nhạc để diễn tả nỗi lòng của mình, của chung tầng lớp trẻ. Thế là anh có nhạc, Khánh Ly có giọng ca đã tạo được phong trào từ trong giới sinh viên lan dần ra quần chúng vào tận các quán nhạc, cà phê hòa nhập vào hiện sinh: Trầm ngâm, suy tư bên ly cà phê đen, khói thuốc, không biết ngày mai mình sẽ ra sao?

Có một hôm ngồi với bạn bè ở quán cà phê có nhạc Trịnh Công Sơn, càng về khuya trời lạnh, nghe giọng ca Khánh Ly xoáy vào lòng mà tự dưng Đồ tôi "nổi da gà". Sự cảm xúc đến thế ư? Bởi thế về sau, trước 30/4/75 không lâu có người bạn tặng Đồ Ngông tôi quyển sách "Từ Phạm Duy-Thái Thanh đến Trịnh Công Sơn-Khánh Ly". Đồ tôi chỉ lướt qua biết là hai cặp nhạc, ca sĩ lừng danh trong làng tân nhạc của Việt nam. Sáng tác của Phạm Duy có Thái Thanh mới lột hết được cảm xúc của nó- Và nhạc Trịnh Công Sơn với giọng ca của Khánh Ly. Quyển ấy Đồ tôi chưa kịp xem kỹ thì sau 30/4/75 phải soạn ra giao cho ban gọi là "Tịch thu Văn hóa đồi trụy" của nhà nước và Đảng Cộng Sản Việt nam. Thế là tiếc cho tác giả và cho Đồ tôi.

Từ giữa những năm 60 về sau, Đồ tôi cảm thấy có đến 3 phong trào ca nhạc ngoài nhạc Trẻ (mà Đồ tôi không biết gì cả):

-Phong trào dân ca: hát nhạc dân ca của Phạm Duy và các nhạc sĩ khác ghi lại từ các bài dân ca của các miền.

-Phong trào thứ hai: là nhạc Trịnh Công Sơn và giọng ca Khánh Ly hay gọi là nhạc phản chiến để ngồi uống cà phê, hút thuốc lá, trầm ngâm suy nghĩ về thân phận mình, quê hương, đồng bào, tổ quốc hòa nhập vào nét hiện sinh.

-Phong trào thứ ba: Du ca của Nguyễn Đức Quang và bạn bè được phổ biến rộng rãi trong giới Thanh niên sau những công tác xã hội, hoặc sinh hoạt, hoặc ở các Trường Sư Phạm, trường học trong các giờ Hoạt động thanh niên.

Thuở ấy, Đồ tôi vốn là Đệ tử của Khổng Tử nên thích "chơi" với con nít, vì vậy mà khoái phong trào thứ ba và một số bài dân ca của Phạm Duy cùng một số nhạc sĩ khác mà Đồ tôi không nhớ được tên. Thỉnh thoảng thì cũng bài "Nối vòng tay lớn" hay một số bài khác.

Nói đến bài “Nối vòng tay lớn” là nhắc đến cái họa của Trịnh Công Sơn. Ai bảo anh lên hát bài ấy chi trên Đài Phát thanh ngay từ những lúc đầu mà phải chịu họa. Kẻ đứng giữa rất khó mà giữ mình. Đồ tôi lúc xưa đi làm với hai ông bạn, tuy họ là bạn nhưng hai ông lại không thích nhau. Mình đứng ở giữa luôn bị nghi kỵ. Thì Trịnh Công Sơn bên Quốc gia cũng nghi ngờ, bên Cộng sản cũng không tin. Quý vị hãy xem Tuấn Huy trong bài "Trịnh công Sơn, cỏ xót xa người.." viết:

"Sau 30-4 ít ngày, tôi có gặp TCS một buổi sáng đầu tháng 5 năm 1975. Ngã ba đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp. TCS đang bụm tay bật lửa châm điếu thuốc. Tôi rà chiếc xe đạp cũ đến gần Anh. Thấy tôi, Anh hơi ngỡ ngàng, lên tiếng hỏi: "H. không đi à? Xe hơi đâu rồi mà đi xe đạp?" Tôi nhớ, giây phút đó, tôi không trả lời TCS mấy câu TCS vừa hỏi. Tôi hỏi TCS giọng như gay gắt: "Tại sao nông nổi vậy? Tại sao hấp tấp làm việc đó?"...(Trang 34)

"...Anh nhìn thẳng vào hai mắt tôi rồi thầm thì: "Một sự bồng bột hay đúng hơn một sự bồng bột vì bị bắt buộc phải bồng bột. Không phải tại moa muốn làm việc đó. Entre nous (giữa chúng ta) moa mới nói, nhưng H. đừng kể với ai nghe, mấy người bạn trong nhóm sinh viên Pro. com (thiên Cộng) quá khích đã bắt buộc moa phải làm...Một ngày nào đó, H. sẽ biết rõ hơn. Bây giờ moa không thể nói được, vì moa đã lấy danh dự hứa với họ". (Trang 34-35).

Ngay sau trưa 30/4/75 cả miền Nam ngơ ngác, lặng yên, sợ sệt, rồi sẽ ra sao? Và phải làm như thế nào? Những người đeo băng đỏ, băng xanh hô hào, ra lệnh. Nếu Quý vị là Trịnh công Sơn bị kêu đi, thì Quý vị sẽ làm như thế nào? Phản ứng ra sao? Và nếu Trịnh Công Sơn là Cộng sản nằm vùng thì những băng nhạc mà ông anh bạn dì mua dùm cho Đồ tôi trong năm trước (sau khi TCS chết) chắc "không phải chỉ là hoà âm không thôi!", cả chục cái CD mà Đồ tôi chẳng thỏa mãn được cái nào. Cũng chỉ vì đường lối cá biệt của Cộng sản mà Thần tượng Trịnh công Sơn bị bỏ ra bên ngoài, và bị những người chống đối với Cộng sản xem như là "kẻ theo giặc" hay "nối giáo cho giặc". Trịnh Công Sơn có thời gian dài từ 1975 sống "ngậm ngùi, sống âm thầm" trong "một cõi đi về" hay làm bạn với Họa để khỏi ồn ào mà phiền lòng hàng xóm và hàng xóm cũng khỏi phải tọc mạch, tò mò theo dõi:

Trời cao đất rộng/ Một mình tôi đi/ Một mình tôi đi.
Đời như vô tận/ Một mình tôi về.
Một mình tôi về với tôi. (Lặng lẽ nơi nầy).

Đồ tôi nhân đọc Tạp chí Văn Học, ấn bản đặc biệt tháng 10&11/2001 nổi hứng viết về giai đoạn của một thời kỳ. Đồ tôi chẳng thương tiếc gì Trịnh Công Sơn, vì Anh đã quá nổi tiếng rồi. Tuổi của Anh cũng đã đủ già để chết, thì chết cũng vừa rồi. Cần gì phải sống lâu để bệnh hoạn, đau khổ thêm cho thân xác. Và "Anh cứ chết đi" để "Những người mang quan điểm "vay mượn" của người khác thù hận Anh cho đến bao giờ". Lòng người trên thế gian là "Thế đấy"! Thì Anh cứ hãy nhắm mắt ra đi, đừng bao giờ quay nhìn trở lại, và cũng đừng nuối tiếc. Cõi đời nầy không có gì phải nuối tiếc cả! Đồ Ngông tôi thông cảm Anh và xin "Chào vĩnh biệt với Anh"!

ĐỒ NGÔNG,
16/9/02.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”).

H.T Chữ Nghĩa 13: Tạp Chí: Né!


Nói đến tạp chí Né thì nó cũng là một giai thoại chuyển biến khá phức tạp và có liên hệ đến sự viết của tôi hơi nhiều. Khởi đầu của Tạp chí né là Gia đình Né. Gia đình Né là gì? Tại sao có gia đình Né?

Tôi không là người sáng lập ra gia đình Né nên không hiểu được mục đích thành hình của nó. Tuy nhiên gia đình Né được sinh ra trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Số là Hội Nông gia trước kia không có người nào đứng ra để thay thế mà chỉ có Ông Chủ Tịch và vài người phụ lực trong suốt một thời gian rất là dài: Mười mấy năm! mười mấy năm không thay đổi và hoạt động chẳng được bao nhiêu. Nhưng sau vì số nông gia và người Việt làm farm càng ngày càng đông, do đó nhu cầu củng cố Hội là điều cần thiết. Lúc đầu, người mới lẫn người cũ hăng hái cùng nhau lo chỉnh đốn để tạo thế mạnh cho Hội với số người trên cả ngàn người đang làm trên các nông trại. Họ ước mơ tạo thành Hợp Tác Xã phân thuốc; buôn bán ống nước, tiến đến thành lập nơi thu mua, phân phối đến các khách hàng sĩ để giảm thiểu tiền tiêu hao ở khâu trung gian để đem lại nhiều quyền lợi cho người sản xuất. Trên chuyện tính thì như thế, đồng thời cũng có sự đồng thuận của tất cả mọi thành viên trong Ban Chấp Hành cũng như Cố Vấn. Tuy nhiên, chỉ vì một bài viết trong Bản Tin Nông Gia mà sinh ra cớ sự: Bài Quan Điểm. Trong bài quan điểm kỳ ấy có kêu gọi mọi người hợp tác để tạo nên một Hội Nông Gia vững mạnh, nhưng nó lại viết một câu vô tội vạ “từ trước Hội Nông gia vốn là ‘hữu danh vô thực”...”, chỉ có thế, thế là ông Chủ Tịch cũ rời chức vụ Cố vấn trong Ban Chấp Hành mới, bà vợ viết bài trong mục diễn đàn bạn đọc trách móc; và ngay cả đến những người của các Ban Chấp Hành từ trước đều tỏ ra phản đối. Họ bất hợp tác, và hội nông gia có mầm chia rẽ từ ấy. Lúc đó, tôi có nhắc khéo ông bạn phụ trách Bản Tin Nông Gia nên bỏ mục Quan Điểm đi và viết bài cáo lỗi. Nhưng sự việc ấy không xảy ra, tất nhiên cơ hội hàn gắn không còn có nữa. Ít lâu sau Gia đình Né ra đời!

Nội trong ý nghĩa chữ “Né” nó đã là vấn đề: “Né tránh”! Tại sao phải né tránh? Né tránh cái gì? Né tránh trong hoàn cảnh nầy tức là bất hợp tác, mọi chuyện đều “né”. Lần đầu tiên được rủ rê vào gia đình Né, tôi đã hỏi tại sao là gia đình Né? Thì được cho biết: “Gia đình Né để vui chơi: Làm trong những ngày nóng thì mình né! Vợ cự thì mình né! Lộn xộn thì mình né!...” Vv.. và vv... Tôi từ chối không tham dự, nhưng số người tham dự cũng có hơn cả trăm người kể cả đàn bà. Gia đình Né tổ chức một buổi BBQ cũng khá tưng bừng ở “shed” của một thành viên.

Song song vào đó, Ban Chấp Hành Hội Nông Gia gặp nhiều khó khăn từ sự bất hợp tác của những người cũ, kéo theo nhiều người trong dòng họ, thân thuộc. Số ấy cũng khá nhiều. Qua vài tháng sau trong Bản Tin Nông Gia xuất hiện bài chửi Gia đình Né rất nặng. Tôi ngạc nhiên! Nói là chửi gia đình Né, nhưng thực ra trong bài ấy chửi ông Gia Trưởng gia đình Né thì nhiều hơn. Đọc trong bài ấy gần như nó mang tính cách thù hận cá nhân hơn là công việc chung, từ cá nhân người viết tưởng rằng cá nhân ấy lập gia đình Né để chống báng lại Hội Nông Gia, nên sự “mạt xát” mới đọc có vẻ nhẹ nhàng nhưng xem kỹ lại thì rất ư là nặng nề. Từ bài ấy gia đình Né gần như mất uy tín và chìm dần. Sự cộng tác “viết chơi” của tôi với Bản Tin Nông Gia cũng giới hạn đi, vì tôi không thích dùng văn chương chửi người như vậy! Có lần tôi nói với ông bạn: “Anh à, tôi thấy chửi người như vậy có kỳ không? Mình có lợi dụng vào tờ báo của mình, hay mình ỷ mình có tờ báo để rồi mình viết chửi người khác không? Hỏi thì hỏi vậy, nói thì nói, nhưng tôi cũng thừa hiểu chuyện mình hỏi thì cứ hỏi, còn chuyện người khác làm thì tùy người khác. Ông bạn tôi cũng ráng duy trì Bản Tin Nông Gia tới 24 số tức gói gọn trong nhiệm kỳ hai năm của Ban Chấp Hành Hội Nông Gia.

Sau khi mãn nhiệm kỳ, Ban Chấp Hành Hội Nông Gia không tái ứng cử nữa mà để cho những liên danh khác tranh nhau. Chính vì vậy mà tôi mới thấy có những lực lượng, bàn tay “khác” thò vào để tranh giành với nhau, mà cộng đồng phải chịu lấy nhiều bất ổn. Chuyện đó nổ lớn cho đến các kỳ bầu cử Cộng Đồng nếu có liên danh nào ra ứng cử, còn “độc diễn” thì thôi!

Bản Tin Nông Gia chết đi (đình bản), anh bạn tôi cũng thỏa mãn vì kéo dài nó cho đến hết nhiệm kỳ mà anh là Phó Chủ Tịch ngoại vụ. Điều ấy lúc nầy chẳng ảnh hưởng đến việc tôi viết hay không viết. Tôi cũng thường viết lai rai với những chủ đề nhằm phổ biến giúp ích hoặc thêm ý kiến cùng độc giả trên một vài phương diện nào đó. Đã có anh Sơn, đại diện báo Dân Việt, Việt Luận ở tại Nam Úc giúp tôi, cùng với hai tờ “báo biếu” ở địa phương. Khi giao bài (lúc nầy tôi đã biết sử dụng computer, đánh máy cũng tương đối nhuần nhuyễn lẫn trình bày) bằng floppy disk, cho nên các tờ báo không phải khó khăn vì bài của tôi; tôi thường nói một câu thường dùng: “Nếu thấy được đăng dùm tôi, tôi chỉ góp ý kiến với mọi người, độc giả thôi! Còn đăng hay không không quan trọng. Anh coi dùm!”.

Tôi chán chường cái cảnh những người có học dùng phương tiện báo chí chửi nhau lắm rồi! Nó chẳng hay ho gì cả, chỉ “tổ” cho cái sự gây rối mà thôi! Nhưng tôi không thể cản ngăn họ lại được vì họ đang cần “xả” những căm tức của họ, nếu không thì họ đã không chửi bất cứ ai góp ý cho họ để họ thôi đừng chửi nữa. Và, cũng vì vậy mà tôi cũng phải “chửi” với họ để chứng minh cho họ thấy rằng “tôi cũng biết chửi và cái chửi của tôi chẳng đụng đến ai”. Tôi chửi mông lung, chửi cuộc đời nhiều thói xấu. Tôi không moi móc, không chửi cá nhân con người, tôi chẳng “đụng chạm” tới cá nhân ai cả, tôi chửi nết xấu của xã hội, cuộc đời bằng những ngôn từ thanh cao, dễ nghe hơn họ nhiều. Tại sao họ phải dùng đến từ ngữ bẩn thỉu, đá cá lăn dưa để chửi người? Họ chỉ chứng tỏ lòng hận thù và căm tức của họ mà thôi: Chẳng qua quyền lợi của họ, của nhóm bị đụng chạm hoặc mất đi!

Nhưng điều đáng tôi trách nhất là tờ báo cũ đã đăng những bài chửi ấy, mặc dù là trên “Diễn đàn bạn đọc”. Có người kêu tôi viết bài chửi, tôi từ chối: “Tôi không làm chuyện đó được! Tôi chủ trương thà tôi không viết, mà khi tôi viết thì phải giúp ích được cho mọi người hoặc ít nhất cũng đem đến cho tôi một niềm vui thì tôi mới viết”. Tôi tuân thủ mục đích ấy cho đến ngày nay. Chính vì vậy mà bài thơ “Khích bác” được ra đời:

Có kẻ thường hay khích bác người
Muốn người "nổi trận" để coi chơi
Đôi khi đứng thủ ngoài vòng chiến
Đợi lúc người suy "đoạt món lời".

Có người thấy "Tưởng thế cô đơn"
Dùng trí đa mưu khích bác người,
Sẵn tánh anh hùng, người "nổi máu"
"Con cờ lợi dụng" khác gì hơn!

Lại lủ hèn kia chẳng dám làm
Đem lòng xui giục đứa lòng tham
Tham danh, tham vọng, tham tiền bạc
Mắc phải mưu thâm, thay hắn làm!


Ôi đời! sao lắm người gian thế!
Chỉ muốn mượn người để lợi ta
Lời ngọt, ý thâm luôn thúc đẩy
Lợi là y, chết lại là ta!

Và sau nầy tôi có làm mấy câu thơ khác để nói về sự kết hợp của hai hạng người nầy như sau:

Kẻ có dao lại thiếu đá mài
Người có đá mài lại thiếu dao
Hai kẻ cấu kết lẫn nhau
Gây ra nhiều tai họa.

Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao “người ta” lại thích đăng những bài chửi người như vậy trong mục “Diễn Đàn Bạn Đọc” hay trong các mục thơ, mặc dù một lần đã bị “rắc rối về pháp luật” và thêm một lần nầy nữa, lần nầy chắc cũng phải nhiều cam go và tiêu hao không ít. Người chửi thì hăng, chửi để “khoái tỉ”; còn chủ báo thì thích thú vì độc giả tò mò lấy báo mình nhiều thì quảng cáo của khách hàng được tăng. Tuy nhiên, phía sau tất phải có một cái “gì đó” mà tôi không thể biết; nếu không thì không có ai rảnh để moi móc mà viết chửi người ta lần nào ít nhất cũng khoảng sáu tháng trời! Mà hết việc nầy lại đến vấn đề khác!

Có một lần, anh chủ báo đưa tôi cái “fax” của một người nào đó tên “Xuân” gởi về, đại khái viết: “Anh L. Mấy lúc gần đây thấy xuất hiện trên báo của anh có tên Đồ Ngông nào đó viết những bài tôi thấy ....”. Tôi mĩm cười, vì tôi đã đoán trước sẽ có lúc như vậy. Họ sẽ cố loại tôi ra vì tôi cản bước tiến, làm chậm lại kế hoạch của họ thì họ làm sao thích được. Họ phải “bứng” tôi đi! Họ đâu biết rằng, tôi đã nghe trước đó, độc giả lại thích những bài tào lao như vậy và “Đồ Ngông”, một cái tên hơi là lạ, và kỳ kỳ làm cho độc giả có một cái cảm giác “như thế nào đó”! Sau đó anh chủ kêu tôi đổi “bút hiệu” ấy đi, rồi ông ấy sẽ đăng tiếp. Nhưng, tôi “ngu gì” để đi đổi bút hiệu ấy sao? Nếu đổi, thì nhóm “gây rối” sẽ dễ dàng “dập” tôi ngay, nó là cái bẫy để họ cẩn trọng khi “chửi hội đồng” đối với tôi. Tôi nhất quyết không đổi: “Thà rằng tôi không viết nữa, chứ không đổi. Anh thấy được thì đăng, không thì thôi. Khi nào anh cảm thấy không thích hợp thì anh cho hay tôi không viết nữa”. Anh cũng đồng ý như vậy!

Trong một lần sau, anh chủ báo cho tôi hay ở trên farm có xuất hiện tạp chí Né. Tôi chưa nghe nói và chưa thấy tạp chí ấy bao giờ. Tôi ngạc nhiên hỏi lại anh. Anh cho biết anh đã thấy tạp chí đó rồi và anh kêu kiếm và xin dùm.

Tạp chí Né ra được hai số kế thời gian nhau mặc dù được đề là “ba tháng một lần”. Tạp chí là hiện thân của “Gia đình Né” in màu, trình bày khá đẹp, coi có vẻ nhà nghề lắm. Về sau tôi mới biết là người phụ trách ấn hành đã từng học qua ngành báo chí ở Đại Học Vạn Hạnh xưa kia.

Tôi xin được hai số cho cả tôi và anh chủ báo. Tôi đọc qua nội dung, tôi cũng mường tượng chỉ một vài người viết mà thôi. Trong đó tôi thích nhất hai bài thơ của Nguyễn Nhi nói về khỉ và trâu, ngụ ý đến cuộc xung đột. Thế là tôi bị chứng “Đồng bệnh tương lân, đồng khí tương cầu”.

Qua vài lần nói chuyện với người phụ trách in ấn tạp chí Né, tôi ngõ ý phụ viết cho vui nhằm giải trí cho các nông gia và tạp chí cũng có người “thêm tay thêm chưn”. Anh phụ trách không tin tôi có thể viết, và tỏ ý ngờ vực. Tôi đành năn nỉ: Nói thiệt với Th., tôi là Nguyên Thảo hay Đồ Ngông đây. Nhưng điều ấy cũng không xóa được sự ngờ vực, Th. liền nói: “Ừ! Thì bửa nào anh đưa bài đi”.

Thế là tôi và Nguyễn Nhi không hẹn mà gặp trên cùng một chuyến tuyến, chúng tôi đi cùng nhau trên một đoạn đường dài, mặc dù tôi thì chỉ đứng cửa giữa khuyên can, còn Nguyễn Nhi thì có nghiêng, nhưng với tôi có bạn đồng hành chẳng là tốt hơn sao?

Nguyên Thảo,
03/01/2010.
(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 13)

Những Bài Thơ Cho Bé (tt)

26- Mùa Thu trên Đường.

Mùa Thu rơi trên đường
Những lá vàng thân thương,
Xôn xao từng cơn gió
Em tung tăng đến trường.

Con chim đứng trên cành,
Trơ vắng lá màu xanh
Coi chừng như lạnh lẽo
Chẳng buồn hót nhanh nhanh.

Em chạy với chàng mây
Coi ai chạy nhanh nầy
Em tới trường sớm trước
Chàng mây còn đang bay!

Mùa Thu gió heo may
Mưa bụi lại bay bay
Gió vào nghe lành lạnh
Em tới trường vui thay!

Nguyên Thảo,
22-05-04.

27- Buổi Sáng Mù Sương.

Sương mai đọng trên cỏ
Sương tỏa khắp mù mù
Em đến trường chân nhỏ
Tung tăng giữa mùa Thu.

Cùng bạn nhanh nhanh bước
Kẻo lạnh lẻn vào da
Áo quần mau thấm ướt,
Không khéo trễ nữa là..!

Đến trường nhiều công khó
Của mình, của mẹ cha
Cùng bao thầy cô giáo
Em gắng học vượt qua!

Tương lai theo ngày tháng
Em nhất định mai sau
Trở nên người có ích
Bù những tháng gian lao.

Nguyên Thảo,
26-05-04.
28- Xã Hội Nầy Cho Em!

Người làm nông trên đồng
Trong hảng người nhân công,
Biên cương người lính chiến
Góp phần xây non sông.

Văn phòng người phục vụ
Khu phố buổi chợ đông,
Mọi người đều làm việc
Để giúp em đến trường.

Xã hội nầy cho em
Cho em tuổi êm đềm
Chỉ đến trường, cắp sách
Sao em đành lại quên!

Em lấy làm tâm niệm
Mọi người đã cho em,
Em cần nhiều hiểu biết
Học mai sau đáp đền!

"Đời có nhiều ơn nghĩa,
Nhất định chẳng hề quên!"

Nguyên Thảo,
26-05-04.

29- Khung Trường Tuổi Thơ.

Tuổi thơ em đặt vào trường nhỏ
Từng dãy lớp liền, thật dấu yêu
Hàng cột xinh xinh, em trốn bạn
Những lá em gom, rụng thật nhiều!

Chiếc sân trường rộng ngày còn bé
Nắng ấm tung tăng tuổi dại khờ,
Đưa tay che mắt như không đủ
Dáng hình nho nhỏ, đẹp như mơ!

Những cây bóng mát, tàng che rộng
Em, bạn vui đùa với lủ chim
Chim hót, chúng em cùng ríu rít
Cùng mơ thế giới của thần tiên.

Trường yêu âu yếm bao nhiêu trẻ,
Đồng cất tiếng vang tuổi học trò
Ngày nay đi học, mong sau lớn
Đem sức vẫy vùng, giúp thế nhân!

Nguyên Thảo,
27-05-04.

30- Hành Lang Yêu Dấu!

Hành lang che nắng, che mưa
Em từng qua lại sớm, trưa êm đềm.
Mái che ngói đỏ ru êm,
Từng cơn gió nhỏ bên thềm lá bay.
Giọt mưa những buổi mưa ngày
Hai tay em hứng, giọt dài chảy đi.
Bàn tay em bé bây giờ
Với cây viết nhỏ, em chờ mai sau
Mai sau em được lớn mau
Đem tài giúp nước, nhân quần lợi hơn!

Nguyên Thảo,
27-05-04.

Thơ Đó, Thơ Đây (Tây Nguyên)

Nhà Rông. (Kontum)

Bước lên độc mộc lại sân sàn
Một gian nhà gỗ rộng thênh thang
Vách phên chắn gió làm nơi họp
Đôi mái vút cao, lộng gió ngàn!

Đồ Ngông.

Dòng sông Xê-xan. (Kontum)

Phía dưới chân cầu, một nhánh sông
Xê-xan tên gọi chảy xuôi dòng
Dăm ba thuyền nhỏ trôi lờ lửng
Nắng rãi long lanh, khách thả lòng.

Đồ Ngông.

Cầu treo. (Kontum)

Cầu treo nối lại đôi bờ
Đưa ai về bản, lựa lần sớm trưa
Những chiều thơ mộng đong đưa
Nhìn trời đi ngủ trên dòng Xê-xan.

Đồ Ngông.

Thảm Họa Chiến Tranh!

Có đi trên dãy Trường Sơn
Mới ra thấm thía nỗi hờn chiến tranh
Rừng xưa đã mất màu xanh
Những đồi trơ trọi, vẫn là đồi hoang.
Điều, tiêu, cà phê ngút ngàn
Hãy còn chưa đủ thay rừng nguyên sinh
Đã rồi chất độc da cam
Đại ngàn đánh mất, còn nghìn nỗi đau!

Đồ Ngông

Trên Đỉnh Trường Sơn.

Trên đỉnh Trường Sơn nhiều gió lộng
Chói chang nắng đổ trời nung nóng
Mưa rừng gió núi buồn giăng giăng
Cỏ nội hoa ngàn vui ngập lối
Đồi núi, núi đồi nối với nhau
Hồ khe, khe hồ liền như bóng
Khách xa lạ mắt ưa mà ngắm
Ngoáy cổ lại nhìn trông với ngóng!

Đồ Ngông.

Một chuyến Tây Nguyên.

Tây Nguyên có tiếng là buồn
Không đi sao biết nguồn cơn thế nào?
Qua đồi, qua núi, qua truông
Qua bao ruộng rẫy, rừng, nương chập chùng
Cao su rung lá mông lung
Cà phê vẫy gọi; tiêu, điều nhấp nhô
Quê hương tiếng gọi vô bờ!

Đồ Ngông.

Thơ Đồ Ngông (tt)

Những Điều Lạ!

Trên thế gian này có những điều lạ
Ở con người và cả những Chính phủ to
Không hiểu tuổi hưu như thế nào
Mà những kẻ lãnh đạo
Ngồi hoài chưa muốn xuống
Thân đã già
Trí đã mỏi
Sức khỏe cũng đã cùn
Hay họ tiếc nuối danh vị và chiếc ghế ngồi vững chải.

Có những chế độ độc tài
Đàn áp nhân dân, giết người như ngóe
Cả thế giới làm thinh
Không can thiệp, cũng chẳng rằng lên tiếng
Đến khi bị sụp đổ
Họ đòi đưa ra tòa quốc tế
Xử cái gì đây?
Khi hàng triệu người đã chết
Ôi, quả thật là kỳ!

Có những quốc gia to
Ỷ sức mạnh ăn hiếp những thằng nhỏ
Có ai lên tiếng
Khi quyền lợi mình chưa bị đụng tới
Vậy cũng là quốc tế
Thế cũng Tổ chức Liên Quốc gia
Âu đó cũng là điều lạ!

Cho nên
Trên thế gian này
Chỉ là một trò chơi
Diễn cho hết một vở tuồng ngờ nghệch.

Đồ Ngông,
28-04-07.

Thương Quan.

Này! Tớ thương quan thân béo tròn
Ăn chơi phè phỡn, ngủ thêm ngon
Lai rai nhậu nhẹt vài ba cữ
Thỉnh thoảng "thăm em" sáu bảy lần
Tiền biếu, tiền quà vô tới tấp
Kẻ đưa, người rước cứ xoay vần
Làm quan như thế: Là quan chứ!
Dân thứ là gì? Kệ thứ dân.

Đồ Ngông,
02-05-07.

Rằng quan...!

Tớ tưởng rằng quan sẵn giúp dân
Đem tài giúp nước chuyển xoay vần
Biến đời đổi thế đưa vận nước
Chuyển cuộc thay thời đến canh tân.
Những tưởng năm châu cùng sánh bước
Nhiều mơ kinh tế sắp đằng vân (cưỡi mây lên cao)
Ai ngờ quan lại là tham nhũng
Mối mọt ăn bòn để khổ dân!

Đồ Ngông,
02-05-07.

Tội Nghiệp Quan Ngài!

Nghe nói rằng quan ăn của dân
Không no, ăn cả của người thân
Ăn luôn ngân quỹ ban từ thiện
Quan nghĩ thế nào với thế nhân?

Nghe nói rằng quan cứ ậm ừ,
Đòi tiền thiên hạ, cũng không từ
Dân nghèo khố rách, quần xà lỏn
Để đám con quan rộ tiếng cười!

Nghe nói rằng quan cấu kết sâu
Quan ăn xây dựng, ăn gầm cầu
Quan chơi phung phí, cho vào "lổ"
Tội nghiệp quan Ngài, đạo đức đâu?

Đồ Ngông,
02-05-07.

Cái Chức Quan.

-Cái chức quan mày, đi bỏ lổ
Ê ê coi lại chừng sai chỗ
Học tài: Chữ nghĩa treo cây mít
Thi phận: Văn bằng không đợi đỗ.
-Khéo khéo tiền vô chưa cản kịp
Khôn khôn quà tới không còn chỗ
Ăn chơi nhấm chút như hoa nở
Ai nói chức này đi bỏ lổ.

Đồ Ngông,
02-05-07.

Sunday, March 21, 2010

Viết, Và Viết Cho Ai?

Đầu đề nầy không phải của Đồ Ngông đâu? Quý vị đừng tưởng lầm mà Đồ tôi lại trở thành kẻ đạo văn, ăn cắp đầu đề. Đó là vấn đề của Ngự Thuyết đăng trong tạp chí sáng tác nhận định văn nghệ Văn Học số 180 tháng 4-2001. Trong dịp tình cờ, vào một hôm rảnh rang Đồ tôi lại "ngẫu hứng qua cầu" xách xe chạy nhong nhong. Thế rồi tắp vô thư viện, lại chỗ kệ sách tiếng Việt đứng xa xa, nhắm mắt lại lấy tay quay một vòng chỉ đại vào một chỗ. Mở mắt ra, lục chỗ đó thấy có tạp chí Văn Học và Tú Xương: Con người và Tác Phẩm, bèn mượn về đọc. Lật Văn Học ra thấy "Lãng tử văn học" của Tạ Quốc Tuấn, Đồ tôi lại khoái, khoái cái tiêu đề "lãng tử" ấy. Xong lại thấy Ngự Thuyết "Viết, và Viết cho ai?" Đồ tôi lại càng khoái hơn.

Đọc xong rồi, Đồ tôi ngẫm nghĩ, gật gù "Ờ! Đúng há, thế mà có lý!". Và lẩm rẩm Đồ tôi viết cũng gần ba năm. Đồ tôi viết cho mình thì ít, viết cho người thì nhiều! Mà nhiều lúc Đồ tôi lại không hiểu tại sao mình viết được, hay là mình mắc bệnh "sanh tật" rồi chăng? Hay tới lúc "sắp về miền?". Cả mấy mươi năm lăn lộn trong các nhà trường mà không viết, còn viết thì bạn bè cứ gọi là ngông, viết như thế nầy chỉ là "bút pháp" của mấy thằng ngông, "viết vậy mà cũng viết"; cũng có thằng bảo "văn chương của học trò lớp 6, lớp 7". Thế rồi, lúc quăng cây viết mất tiêu, gần như quên hẳn nó, chỉ dòm thấy có cây cuốc. Tự dưng "bà ứng thế nào" lại nhảy ra viết. Viết chỉ để thích thú cho mình; viết không có đồng bạc đồng xu nào; viết rồi "copy" vào dĩa đem cho, in ra để biếu. Chỉ làm công việc tốn thì giờ, tốn tiền lại chẳng có cơm ăn. Nhưng Đồ tôi chỉ nghĩ "Viết để trả nợ xã hội". Những gì Đồ tôi gom lại từ trong cuộc đời đem nhét vào trong trí óc; bây giờ lại moi ra, cái nhớ cái không "tửng tửng" mà viết, viết để cho hết nặng nề trong thân xác, mong một mai "về miền" đừng nặng quá, miễn xa lánh "địa ngục" là được rồi. Thế mà thắm thoát đã gần ba năm!

Ngự Thuyết viết: "Bây giờ ta cũng thử đặt vấn đề "viết cho ai?" đối với một nhà văn lưu vong đang sống nơi đất khách quê người, nơi số lượng độc giả chắc chắn không đông đảo.

Có bao nhiêu người đọc tiếng Việt ở hải ngoại? Hiện nay chưa có con số thống kê nhưng ta cứ thử làm một con tính nhỏ, dựa vào ước đoán mà thôi." (Trang 12)

Ngự Thuyết bỏ ra gần một trang để làm thử bài tính. Nếu chép lại thì quá dài, thôi thì Đồ Ngông tôi tóm lược sơ sơ vậy.

Tác giả cho con số người Việt ở hải ngoại khoảng 2 triệu rưỡi, lứa tuổi 20 trở xuống là 40% (khoảng 1 triệu), số nầy đi học, tiếng Việt không rành không thể thưởng thức "văn chương viết bằng tiếng Việt"; 60% còn lại (1 triệu rưỡi) chia làm hai hạng: 20 đến 50 tuổi chiếm 70% (1 triệu người) bận làm, bận học thì liệu "có bao nhiêu người chịu khó đọc thêm văn chương viết bằng tiếng Việt". Số còn lại hạng tuổi trên 50 (khoảng nửa triệu) mà không phải người nào cũng thích đọc. Số độc giả thích đọc tiếng Việt có khoảng 1%, tức là 5000 người sống rãi rác khắp nơi trên thế giới và chia cho bao nhiêu ngòi bút ở hải ngoại. Đổ đồng mỗi ngòi bút có 100 độc giả hay 50?

Trong hoàn cảnh như thế, Tại sao viết? Viết cái gì? Viết như thế nào? (Trang 14).

Và rồi tác giả đi vào kết luận:

"Vậy tôi viết cho ai? Những suy nghĩ, những nhận xét rãi rác từ đầu bài viết nầy đã đưa tôi đến kết luận hiển nhiên rằng, trước hết và quan yếu nhất, tôi viết cho tôi. Henry Miller trong "Remember to remember" nói: "Sáng tạo là ám ảnh của tôi" (Creation is my obsession). Tôi thì viết để trút bỏ một ám ảnh, viết để làm vơi đi những băn khoăn, viết để soi chiếu một sự thật nào đó theo cái nhìn của mình, viết để đi tìm một an ủi. Và khi có người đọc tri kỷ, thì thêm vào đó, viết để san sẻ. Toàn là những lý do rất cá nhân. Ngoài ra, và điều này cũng chi phối tôi rất nhiều, viết vì nghe theo một tiếng gọi mơ hồ, bí mật, nhưng dai dẵng của ngôn ngữ." (trang 14)

Đồ tôi thì không dám nghĩ như vậy, vì Đồ tôi chỉ viết "tào lao", không phải là một nhà văn nên không có "vào các tiêu chuẩn ấy". Đồ tôi viết chỉ để trút bỏ những tâm sự, hay đem những suy nghĩ của mình đóng góp ý kiến với người khác, hay trình bày những ưu tư về một hay vài vấn đề xã hội hoặc chung của Cộng Đồng... mà thôi! Tất nhiên người thích thì có thể gật gù "cũng được!", người không ưa "chửi tán loạn xà ngầu" lên, thì cũng chẳng sao. Vì rằng "Ở sao cho vừa lòng người- Ở rộng người cười, ở hẹp người chê". Và cứ vậy mà Đồ tôi lại viết, viết các đề mục hoặc nội dung, miễn đừng gây hại là được rồi. Mình làm việc không công, chẳng lấy một cắc bạc đồng xu của ai, mà còn tốn tiền tốn thì giờ nữa, thì chẳng đã là "thiệt thòi" lắm ư?

Đồ tôi tự dưng "nổi hứng" mà viết, nhiều lần ráng cố gắng "từ bỏ sự hứng khởi ấy" đi, nhưng làm như có một cái gì cứ thôi thúc mãi. Không viết thì thấy lòng áy náy, ăn năn. Suy nghĩ hoài, thôi thì cứ viết vậy, coi như đó là "cái nghiệp" theo nghĩa của nhà Phật, hoặc là "cơ duyên"? Đồ tôi không biết "xài" đến chữ nào cho đúng. Và nếu mà "chúng chửi", hoặc "chúng không ưa" thì cũng là do nơi cái "nhân" trước kia mình gieo quá nặng, nên bây giờ là "cơ hội" để gặt "quả" vậy! Thế là Đồ tôi rất an tâm với tất cả mọi hậu quả dù tốt hay là xấu. Nhưng ít ra một điều mà Đồ Ngông tôi không dám ngông khi mình viết một đề mục: Dù đề mục nào đi nữa, cũng phải đắn đo, suy nghĩ xem nó có đem ích lợi đến cho nhiều người không? Và cẩn trọng lúc viết, khi viết ra rồi liệu có ảnh hưởng gì không? Nhất là trong các câu chuyện và phải bình phẩm chẳng đem đến sự hài lòng cho người khác. Tuy nhiên, điều ấy cũng khó có thể tránh hoàn toàn vì "con mắt, ý niệm" chủ quan của mình. Thấy những từ ngữ, ý niệm ấy mình cho là được, nhưng người đọc hiểu sang một ý khác chẳng hạn; hoặc sai sót thiếu kỹ lưỡng lại trở thành không hay. Thôi thì ráng cố tránh được chừng nào hay chừng đó, hoặc phải tạ lỗi cũng không chừng!

Từ hồi đi học Đồ Ngông tôi sợ làm lớn lắm, dù là ở trong lớp học. Vừa là nhiệm vụ phải thi hành đối với cấp trên, vừa là cái gương cho đám dưới, nếu không họ lại không nghe, không làm; vừa là cái bia cho chúng chửi: khó cũng bị chửi, dễ nó lừng lên rồi cũng chửi. Trong hành chánh nó khác quân đội. Quân đội thì có kỷ luật sắt và hẳn hoi, còn hành chánh thì thật là khó, thì khi viết lên giấy tờ phổ biến cũng giống như vậy. Nó là cái bia để có thể bắn tên, vấy bùn hay quăng trứng thối tùy theo ý thích.

Nhưng Đồ tôi chỉ là đưa ý kiến, góp ý vào những ý kiến chung, thế thôi! Ai khó tánh thì cứ việc chửi, ai thấy không thuộc "phe mình" thì cứ la, hoặc "tẩy chay". Đồ tôi chỉ có khả năng đến thế, chứ không hơn nữa được.

"Viết, và viết cho ai?" của Ngự Thuyết nhắc nhở cho Đồ tôi nhớ đến mục tiêu của sự viết. Nhưng Đồ tôi cố gắng viết những gì có ích và cho đa số người trong tập thể, mặc dù Đồ tôi cũng viết cho chính mình: Viết để nhằm xoa dịu nỗi lòng, viết để nhằm tìm được kẻ hiểu mình, và viết để trao đổi một số kinh nghiệm nào đó của cuộc đời...

Viết, viết cái gì? Và viết cho ai?

Dư âm câu ấy vang dội như những dòng âm thanh ở mức độ "echo" luôn ẩn hiện trong đầu óc của Đồ tôi..!


ĐỒ NGÔNG,
23-8-02.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

Một Giấc Mơ.

Đồ tôi vốn từ xưa rất dở về văn chương, đến năm Đệ Tam (Lớp 10) viết văn còn bị thầy chê là văn chương của học trò Đệ Thất (Lớp 6), Đệ Lục (Lớp 7). Đã dở trí nhớ mà lại mau quên. Quả thật trong cuộc đời không có “thằng” nào giống như Đồ tôi. Và Đồ tôi cũng không bao giờ dám mơ ước mình trở thành người viết văn. Thế mà, đùng một cái Đồ tôi lại nổi chứng “ngông” trở thành tên “Đồ Ngông” dám “múa rìu qua mắt thợ”, dám nhảy vào mảnh đất văn chương với hình tướng “chân lấm, tay bùn”, “dân ngu, cu đen” mà quơ. Đã vậy, còn bày đặt làm “Thơ ngông” rồi “moi móc thói đời bao cái xấu, đem rao thiên hạ xúm coi chơi!”. Ngông ơi là ngông! Ngông hết chỗ chê! Ngông hết phương cứu chữa!

Vừa rồi chắc vì mê quá, Đồ tôi lại nằm mơ thấy mình “trở cơn” muốn làm văn sĩ. Ôi, chui choa! Học cày chưa xong, trồng dưa chết lên chết xuống, dưa dài thườn thượt mà không chịu quấn lại muốn làm “văn lòi xĩ”. Thật là buồn cười! Nhưng nghĩ lại không viết ra chuyện nầy cho độc giả coi thì ấm ức trong lòng cũng không sao chịu nỗi, bèn tay trái đánh “tù tì” với tay phải. Tay phải thắng, cái đít phải ngồi xuống để viết. Đồ tôi viết rằng:

“Tôi ngồi lặng yên để nhìn...! Nhìn thằng bé ngồi bên cạnh bàn. Cái bàn khá to có vài món đồ để ngổn ngang, lại có thêm mấy cuốn sách. A! Mà không phải là mấy cuốn sách. Sách đâu mất tiêu rồi, chỉ còn lại mấy cái bìa sách thôi! Một bìa có tựa là “Đất nước và Dân tộc”, một tựa là “Để xây dựng...” gì đó mà tôi không thấy rõ, tựa khác là “Bí Quyết Thành Công” và nhiều bìa sách nữa. Tôi giật mình: “Thằng bé nầy ghê tợn!”, nó nghiên cứu để làm gì mà toàn là những tiêu đề lớn không vậy? Mà tại sao lại là những bìa sách không thôi? Tôi lặng yên nhìn thằng bé...!

Ô hay! Thằng bé lại lấy ly rót gần đầy nước. Nó trút cả vợt lăng quăng vào trong đó để làm gì? Tôi không hiểu nỗi! Tôi ngồi lặng yên nhìn thằng bé...! Thằng bé lại lấy cái nghiên ra. Nó thò tay xuống bàn lấy ra một thỏi đen một cách lẹ làng, giống như mực tàu. Đúng rồi! Mực tàu! Nó cặm cụi nó mài. Nó mài lâu lắm! Xong rồi, nó không lấy viết “lông mèo” để chấm như các nhà nho đã làm. Nó lại lấy ống nhỏ giọt rút mực vào trong ống. Nó nhỏ từng giọt mực vô ly nước. Ôi! Tội nghiệp cho mấy con lăng quăng. Trời đang trong sáng lại trở thành tối đen. Tôi có cảm tưởng bầy lăng quăng sẽ chết đến nơi, không thì chúng cũng sẽ ngộp thở. Nhưng chúng cũng còn lặn hụp, chìm nổi lên mặt nước. Tôi còn thấy mặt nước rung rinh. Thằng bé làm thế để chi cà! Tôi lặng thinh ngồi nhìn thằng bé...! Những thằng bạn của nó cũng nhìn nó nữa. Tụi nó khá đông, mãi mê nhìn thằng bé mà tôi quên mất chúng đi. Không biết chúng có giận tôi không? Nhưng mà không sao! Chắc chúng cũng không biết đâu, mà biết thì chúng có giận cũng chốc lát thôi. Không lẽ chúng ăn cơm nhà mà giận người ta chi cho mệt. Nhất là những người không mắc mớ gì như tôi! Nghĩ vậy mà tôi cứ lặng thinh nhìn thằng bé...!

Thằng bé hất chân, thò tay xuống lấy lên chiếc đủa. Không phải chiếc đủa thần. Chỉ là chiếc đủa thường thôi! Nó thọc đủa vào trong ly mà quậy. Nó quậy mạnh lắm! Đến đổi có vài giọt nước văng ra ngoài cùng với mấy con lăng quăng xấu số đang ngo ngoe giãy chết. Nhưng ô kìa! Thằng bé quá mạnh tay khiến ly nước ngã đổ trên bàn. Nước đen chảy lênh láng. Cái ly nhỏ như vậy, sao mà nước nhiều thế! Nước đen nhuộm mọi thứ trên bàn kể cả các bìa sách, tay chân, mặt mũi thằng bé. A! Lại cả những bạn của nó nữa. Tất cả một màu đen u ám. Tôi dụi mắt ngồi lặng yên nhìn thằng bé...!

Chiếc bàn lung lay, xê dịch. Có một bàn tay to lớn đưa lên. Một bóng người thật to đẩy thằng bé đứng lên, cả người cũng đen thui vì mực. A! Thì ra họ đang diễn một vở tuồng! Nhưng mà tôi không thích thú mấy. Vở tuồng thật là chán chường!

Tôi thở dài la: “Chán quá! Chán quá...!”. Vợ tôi đập nhẹ vào mình tôi: “Anh!.. Anh!.. Gì mà anh la dữ vậy!”.

Tôi giật mình ú ớ: “Đâu có gì! Nằm mơ đó mà!”. Thế rồi tôi thức dậy luôn vì trời đang rựng sáng! Tôi lại cười với tôi!”.



Với câu chuyện nầy, có một người từ trên tiểu bang khác xuống có dịp đọc được, hỏi anh bạn tôi rằng: “Đồ Ngông viết câu chuyện nầy là một giấc mơ thiệt hay là giấc mơ giả?”. Anh bạn tôi trả lời: “Không biết, Đồ Ngông đưa thấy được thì đăng, chứ không có hỏi là thiệt hay giả”. Nhưng với Đồ Ngông thì đó là một giấc mơ mà đàng sau giấc mơ ấy có nhiều vấn đề hệ trọng liên hệ đến sự chửi lộn và tình hình bất ổn của một cộng đồng sắc tộc tại một địa phương ở nơi xứ người!

Nguyên Thảo,
31/12/2009.
(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 12)

H.T Chữ Nghĩa 12: Sự Chuyển Hướng Của Tôi!

Tôi khởi đầu viết phụ chơi trên Bản Tin Nông Gia, nhưng ngay từ lúc ấy tôi đã chọn những đề tài để vừa giải trí cũng vừa có ích đúng như khuynh hướng xã hội của tôi ngay từ khi còn là thanh niên. Tôi vẫn thường xuyên gởi bài cho Bản Tin Nông Gia, điều ấy không khó vì Bản Tin ra mỗi tháng có một lần. Trong khi đó, báo địa phương thì mỗi tuần có một số. Tôi có thể đáp ứng được. Cái viết của tôi nay tương đối nhuần nhuyễn. Muốn viết tôi cứ chọn đề tài, rồi viết theo tùy hứng của tư tưởng ngay trên máy vi tính. Tôi cứ viết theo dòng tư tưởng và suy nghĩ, đến khi hết bài tôi mới in ra rồi sửa lại, có khi phải hoán đổi cả một đoạn văn. Sau đó, tôi vận dụng số vốn học được từ thuở học Văn với Thầy Trần Văn Khánh ở trường Trung học Phước Thành (Tân Uyên- Bình Dương ngày nay), tức là nhớ lại những gì mình đã học được trong quyển: “Những lỗi thông thường trong thuật viết văn” của Nguyễn Văn Hầu để mà sửa câu hay đoạn văn cho nó tốt hơn. Tôi chỉ được có một cái tương đối gọi là “sắc nét” là tôi chọn từ ngữ hoặc sử dụng từ tạm gọi là được và khá đúng chỗ. Điều ấy làm cho câu văn trở nên mạnh mẽ hơn!

Chính vì vậy mà khi nhìn vào bài của những người đã viết đăng tải trên báo để chửi người khác, tôi thấy họ không vượt qua cái tâm địa hẹp hòi, lòng đầy oán hận của họ; cũng như một số người chỉ biết a dua, chửi ké giống như trong dân gian người ta thường hay xài đến chữ “chó hùa”. Tại sao gọi là “chó hùa”? Nếu ai ở trong thôn quê có nuôi chó hay quan sát loài chó đều thấy chúng có tánh “hùa”. Con nầy sủa, những con khác không biết “ất giáp” gì cả cũng sủa, con nầy tru thì con kia cũng tru. Lủ chó nhiều lúc làm ầm lên trong khi một cặp đực cái “mắc lẹo” (giao hợp và dính nhau) ở ngoài đường.

Chứng kiến cảnh đó lòng tôi cũng ngao ngán: “Tại sao những người già cũng có học, cũng từng mang lon trong quân đội mà phải làm những chuyện đó. Đây không phải là xứ của mình, mình chỉ ăn nhờ ở đậu cùng với bao nhiêu đồng hương khác của mình thôi mà! Mình không muốn yên ổn ở đây thì cũng nên để cho đồng bào của mình được yên ổn chứ! Không lẽ chỉ vì tranh giành, tức khí mà gây nên cảnh hỗn loạn như vậy sao?”. Nhiều câu hỏi được đặt ra đối với tôi. Tôi trách luôn cả chủ báo mà tôi đã cộng tác, mặc dù cũng nhờ tờ báo đó mà tôi đã đạo đạt những điều mình muốn giúp cho những bậc phụ huynh được chuyển tải đến với mọi người. Vì danh, vì lợi, vì căm tức, vì tự ái... mà ngưòi ta quên tất cả, và họ làm đủ thứ chuyện để đạt được thỏa mãn cho chính mình.

Sau ba bài như đã trích ở trên, tôi thấy “nhóm họ” còn đang hăng máu; tình hình lúc đầu dường như có chợt khựng lại để rồi sau đó vẫn tiếp diễn. Cuộc chiến nầy có thể kéo dài hơi lâu. Chẳng ai dám nhảy vào can thiệp; chắc có lẽ tôi phải trường kỳ, cho nên tôi phải chuyển hướng đồng thời là dịp để tôi thử “bản lĩnh thơ văn” của mình tới đâu.

Tôi nhớ ngày xưa, ngày mới ra trường đi dạy, tôi đã từng bị ăn hiếp và người ta đã dùng thủ đoạn để ghép tôi vào lỗi nầy, lỗi kia để Ty có cớ phạt kỷ luật tôi; nhưng tôi làm một việc đúng và có ích cho mọi người cùng học trò nên tôi không có gì để sợ. Tôi sẽ sử dụng đến cách ứng phó vào thuở ấy cho sự việc nầy!

Tôi tự hạ mình xuống để không “còn chỗ” mà người ta còn khinh dễ, moi móc mình được trước khi vào cuộc... Mà trên thực tế cũng quả đúng như vậy; tôi là một nông dân thì chẳng thuộc thành phần “dân ngu, cu đen” là gì, nông dân thì cũng chẳng có học bao nhiêu. Tôi chuẩn bị cho mình một tư thế và luôn sẵn sàng “can ngăn” với “những ai” muốn quậy phá cộng đồng bằng văn, thơ. Tôi chỉ mong họ phải ý thức được “hành động của họ làm”. Do đó, dứt khoát tôi phải tìm đủ mọi cách để chặn đứng họ lại vì “sự yên ổn của mọi người trong cộng đồng sắc tộc trên xứ người”. Những bài văn, bài thơ của tôi xuất hiện có khi nhiều bài cùng lúc trên báo và những bài ấy thường có đến hai mục đích: Thứ nhất dành cho những người chửi, gây rối phải suy nghĩ để giảm bớt cường độ hoặc chấm dứt “thói tật” của họ; hai là vạch thái độ của họ cho độc giả thấy những tác hại với cộng đồng chung như thế nào để từ đó độc giả chửi những “người” ấy, làm cho họ phải e dè khi tiếp tục chuyện mình làm. Lắm bài có mục đích thứ ba là vui chơi hoặc phổ biến một vài nhận xét, kinh nghiệm cỏn con nào đó trong đời mà tôi đã thu lượm được từ trong cuộc sống.

Cái viết của tôi cũng phải uyển chuyển, luồn lách như thế nào để tránh được “đối đầu trực tiếp” với họ để khỏi bị họ tấn công ồ ạt, có thể nhận chìm mình trong bất cứ lúc nào; cũng như không đụng chạm đến tự ái của họ để họ không gây khó khăn đối với mình vì đến lúc nầy họ đã thừa biết “Đồ Ngông là ai?”. Điều đơn giản dễ hiểu là vì tôi can dự vào chỉ là “cô thân độc mã” mà thôi! Tôi không có hậu thuẫn nào cả: Không đoàn thể, đảng phái, không nhóm, không bạn bè... Tôi phải đánh hỏa mù trong các bài viết và lập lờ trong lập trường của tôi, vì tôi thừa biết ở phía sau những người đó là ai, tổ chức nào? Và có thể đoán được họ làm như vậy với mục đích gì? Vì trong khoảng thời gian nầy tôi vừa tìm hiểu vừa thu thập tin tức để phối kiểm tìm hiểu xem tại sao họ làm như vậy, vì nếu ghét nhau, tranh lợi thì cũng không đến đỗi phải kéo dài lâu và có vài kẻ từ xa “ké” vô. Diễn biến càng ngày càng phức tạp, sự can thiệp của tôi cũng cần có nhiều biến chuyển cam go.

Mời các bạn đọc 4 bài thơ sau đây và đoán được bài nào tôi nói về tình trạng ấy. Bốn bài thơ được đăng cùng một lúc trên báo gọi là:” Những bài thơ tháng bảy!”


1- Tháng Bảy Vu Lan:

Tháng Bảy Vu Lan ngày của Mẹ
Mà bao năm tháng bẳng quên đi
Đến nay sực nhớ thì mẹ đã
Đã quá già nua, yếu hẳn rồi!


Một chiều nhạt nắng, nhìn lên tóc
Tóc trắng vương vương bóng áng mây
Dưới đất, trên trời cùng một sắc
Nương che gương mặt đã hao gầy.


Con ngồi bên mẹ, lòng hối lỗi
Muốn nói lên lời: "Hỡi, Mẹ ơi!
Bây giờ mới nhớ tình thương Mẹ
Mẹ đã cho con cả cuộc đời!"



2- Tháng Bảy Siêu Hồn.

"Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân" (ca dao)
Cũng nhờ Tăng, Chúng lo nhau tụng
Nguyện độ Cô hồn các đẳng siêu
Không làm ma quỷ luôn vất vưởng
Gây rối cho người ở thế gian.
Đức Phật chỉ đường mau cứu giúp
Cùng nhau họp mặt tụng cầu an
Mong cho hồn phách người lỡ bước
Biết nẻo quay về thế giới yên!



3- Tháng Bảy Mưa Ngâu:

Tháng Bảy mưa Ngâu khóc sụt sùi
Mắt nàng Chức Nữ lệ tuôn rơi.
Thương chàng cô độc tròn năm chẵn,
Tủi thiếp lẽ mình năm trọn y
Ô Thước bắt cầu đầu chịu sói
Sông Ngân ngăn trở cách đôi bờ
Trời đày bởi thiếp không canh cửi
Chàng để trâu ăn cả lúa trời.



4- Tháng Bảy Nhân Gian:

Tháng Bảy nhân gian mùa "chó động..."
Đực, cái ngoài đường "nhảy tùm lum"
giữa sá, giữa đường coi chướng mắt
Mấy bà "mắc cỡ" vội đi nhanh!

Một cặp trước nhà đang "vướng mắc"
Xung quanh, một lủ lại ầm vang
Ông bực xách cây xua đuổi mãi
Đánh nhiểu, chúng lại sủa càng hăng.

Bà bực mắng rằng: "Đồ lủ chó!
Xấu hỗ không? Sao lại giữa đường
Lại lủ chó hùa thêm nhốn nháo,
Tạt nước cho mầy, biết tay tao!"

Nói đoạn bà bưng thau nước lớn
Tạt ào vào lủ chó hung hăng
Cả đám hoảng lên lo nhảy thoát
Cái, đực "quên vui" chạy mất hồn!



Trong các bài đó bài “Tháng bảy nhân gian” là bài chính yếu can dự vào cuộc chiến, giống như hình ảnh hai con chó đực cái “mắc lẹo”; một đám chó hùa bên ngoài làm rối rắm thêm. Chỉ có vậy thôi mà tôi phải làm thêm ba bài thơ khác trong đó bài “Tháng bảy siêu hồn” cũng thể hiện một số ý hạn chế để khi đăng báo lên người ta không biết tôi muốn nói đến cái gì với những bài thơ đó, ngoài cái tựa chung là “Những bài thơ tháng bảy!”

Sự xung đột ấy ngấm ngầm “nổ lớn” đến những sự kiện lớn xảy ra thật sự khó lường (hay là với một sự trùng hợp ngẫu nhiên?), như tôi diễn tả trong bài viết về việc phá chùa Pháp Hoa ở Nam Úc như sau:



Những Người Tù Của Lương Tâm.

Đồ tôi rất là đau đớn, chán chường, tủi thân mà viết về vấn đề nầy. Nó có đến 3 niềm đau trong câu chuyện chứ không phải 1: Một là cái "shock" của một người Phật tử; hai là cái đau của một người dân "Việt"; ba là nỗi buồn của một người "tị nạn", "ăn nhờ ở đậu" trên xứ người, hoặc nói cho ngon lành hơn là ở trên "quê hương thứ hai" của mình.

Câu chuyện nầy không phải là một câu chuyện có tính chất vui vui mà là một câu chuyện "khá buồn có cần nhiều nghiền ngẫm", nghiền ngẫm cho chính chúng ta, đồng thời nghiền ngẫm cho chính "người gây chuyện" hay nhiều hơn nữa!

Câu chuyện nầy "được" xảy ra chiều ngày 26/6/03, trước ngày vui bầu cử Hội Đồng Quản Trị Cộng Đồng nhiệm kỳ thứ 16 (2003-2005) của Cộng Đồng người Việt Tự do ở Nam Úc hơn một ngày, một chuyện buồn "tự dưng" xảy đến khiến cuộc bầu cử của toàn Cộng Đồng mất bớt đi niềm vui trọn vẹn.

Vào khoảng 3 giờ chiều ngày nói trên có một người "Việt nam" đập bể cửa kiếng đột nhập vào Chùa Pháp Hoa đập phá nơi thờ vong linh người quá cố bên tay phải Chánh điện, đồng thời "tàn phá" từ các đồ trang trí, các pháp khí để hành lễ, đến "tất cả" các tượng trong Chánh điện. Tượng Phật Thích Ca cũng bị xô ngã và bị "người ấy" chọt vào mắt, miệng, tai, trán và ngực. Các tượng khác thì đều đập bể đầu, gãy tay. Nửa giờ sau Cảnh sát Úc đến bắt "người ấy". Người ấy cứ nói là "Thiên Lôi", nhưng có người biết, gọi đến tên thì "người ấy" giật mình quay lại.

Có người thì bảo "người ấy" bị bệnh "tâm thần", người lại hỏi: "Bệnh tâm thần mà biết trước khi vào chùa phá thì đi hớt đầu trọc và mặc "track suit" màu xám để giả dạng Phật tử à?". Người thì bảo "người ấy" hút, xì ke. Có người lại hỏi: "Hút xì ke tại sao không phá các thùng công đức để lấy tiền mà lại phá toàn bộ trong Chánh điện và chỗ thờ vong linh của người quá cố, may là bên chỗ thờ tro cốt của người chết chưa bị đập phá. Và, tại sao người ấy lại biết chọt vào mắt, vào tai, miệng, trán và ngực của tượng Phật?". Đồ tôi nghe mà phân vân không biết nên nghĩ và suy luận như thế nào "để được đúng". Thôi thì dù gì chuyện cũng xảy ra rồi. Quả thật là: "Một sự khủng bố do Vô Minh sai khiến" đúng như Hòa Thượng đã nói trong Thông Bạch.

Như ở trên Đồ tôi đã nói đến 3 niềm đau trong câu chuyện: Niềm đau của người Phật tử, niềm đau của một người dân Việt, và niềm đau của một người "ăn nhờ ở đậu, lấy nhà người khác làm nhà mình".

Đồ tôi mạn phép trình bày về niềm đau "ăn nhờ ở đậu" trước. Để bắt đầu, Đồ tôi xin kể một câu chuyện, chuyện xảy ra vào mùa Hè đỏ lửa: Mùa Hè năm ấy (1972), cuộc chiến bắt đầu sôi động và ác liệt trên khắp cùng các mặt trận. Đồ tôi đưa vợ con cùng một số ít đồ đạc rời nhà đi tìm nơi lánh nạn, đến vùng an ninh hơn mà tạm trú. Đến ở nhà của một ông Cậu vợ, tại đây cũng có vài gia đình đến xin trú ngụ. Chen chút mà trú ngụ qua ngày, đợi chờ tình hình lắng dịu mà hồi cư. Nhưng có một cặp vợ chồng ngày nào cũng chửi lộn nhau ỏm tỏi, thậm chí có lúc lại đánh nhau. Có nhiều người can, khuyên răn nhưng rồi họ vẫn thế! Ông Cậu vợ của Đồ tôi rất ư là buồn! Nhưng người ta đang gặp khó khăn không lẽ ông lại đuổi người ta đi! Ông đành lẳng lặng chịu đựng cảnh ấy cứ liên tục xảy ra trong nhà ông cũng khá lâu. Sau có người "có uy tín" đối với cặp vợ chồng ấy, họ phân tích cho vợ chồng đó nghe: "Mình đang ở đậu trong nhà của người ta, mà ngày nào tụi bây cũng làm như vậy tao thấy kỳ quá đi. Tại sao tụi bây không nghĩ, nếu người khác tới nhà tụi bây ở nhờ mà cũng gây lộn chửi nhau như tụi bây làm bây giờ, tụi bây có thích hông? Hay là tụi bây vác chổi chà mà đuổi họ đi? Tụi bây không muốn ở tạm ở đây thì tụi bây cũng làm ơn nghĩ đến người khác đặng cho thiên hạ nhờ với chớ!". Không biết lời nói ấy có tác động "trong óc" của cặp vợ chồng ấy không, mà sau đó Đồ tôi thấy họ ít gây gổ nhau hơn, và khi nào họ sắp gây nhau thì chỉ sừng sộ rồi "chợt nhớ", lại thôi! Mấy chục năm qua, Đồ tôi lại thấy tình trạng giống như vậy xảy ra trên xứ người. Chắc cũng tại vì: "Mình không xác định được vị trí của mình đang ở đâu? Và đang giữ vai trò gì tại đó? Và cũng không thấy những sắc tộc khác đang nhìn mình như thế nào? Và chủ nhà đang đánh giá ta ra sao?". Ôi! Hoàn cảnh lớn nhỏ khác nhau, nhưng tình hình lại cũng giống như nhau! Thế cho nên nhà viết sử đã chẳng thốt ra câu: "Lịch sử là một sự lập đi lập lại của các sự kiện" hay là "Lịch sử lại tái diễn" đó ư?

Nghĩ xa hơn chút nữa, lại là niềm đau của người dân Việt: Chính người của ta lại hại ta, đem danh dự của dân tộc bêu rếu lên các phương tiện truyền thông của Úc. Nếu Quý vị không tin điều Đồ tôi viết thì mời Quý vị hãy rót nước trà vào ly, ngồi trầm tĩnh "nhâm nhi" tách nước trà, rồi tính lại những điều xảy ra được ghi nhận trên các phương tiện truyền thông, Quý vị sẽ thấy: Vụ thanh niên đâm chém ở Melbourne; vụ Ngô Cảnh Phương; vụ thanh toán nhau ở Tây Úc; vụ đánh bạc ở Casino; vụ Việt kiều Úc về Việt Nam tổ chức đường dây nhập bạch phiến, ma túy sang Úc bị bắt; vụ tàu tị nạn Việt Nam tới đất Úc, rồi tới vụ chùa Pháp Hoa bị đập phá... Ôi! Cuộc đời sao lắm sự! Không biết một ngày nào đó người Việt của ta có giống như người Do Thái bị Hitler đưa vào các trại tập trung không? Hay bị "Cáp duồn" như ở Kampuchia, hoặc giống như người Tàu bị Mã Lai đã xua đuổi họ qua hai thời kỳ. Nếu tới lúc đó ta sẽ đi đâu? Về Việt Nam ư? Đồ tôi không thể tiên đoán được vấn đề? Đồ tôi chỉ cầu mong được yên ổn sống cho hết cuộc đời. Thế thôi!

Những gì xảy ra trong mai sau đó chính là "Hậu quả" của chúng ta "Gây nhân" trong ngày hôm nay vậy!

Niềm đau thứ ba là niềm đau của một người Phật tử: Ngôi chùa nơi thờ phượng tâm linh của mình bị đập phá không đau sao được? Mặc dù Đức Phật đã nói trước rất là lâu trong thời gian không thể tính được (Chư Phật trong quá khứ) mọi vật trên thế gian là "vô thường" không tồn tại, có Sanh, Trụ, Dị, Diệt - Thành, Trụ, Hoại, Không - Sanh, Lão, Bệnh, Tử. "Có rồi sẽ mất, mất đi rồi sẽ sanh ra".

Chỉ trong vài tiếng đồng hồ những người Phật Tử phải tốn hàng trăm ngàn. Ôi! Những con người "Vô Minh": Quý vị có thấy không? Rồi Quý vị có thấy một vết nhơ khác của chính người của ta làm cho dân tộc ta trên truyền hình toàn quốc của Úc không? Nếu người đó là xì ke, ma túy vậy những ai đã làm cho họ như vậy, họ chỉ phá hoại xã hội thôi sao? Tại sao chúng ta không tạo được những điều tốt đẹp cho xã hội mà chúng ta lại làm những điều xấu nhiều như vậy? Vết nhơ ấy sắc tộc ta rửa đến bao giờ mới sạch được đây? Con cháu chúng ta sẽ lãnh mọi hậu quả sẽ xảy ra bằng sự "Vô minh" của chúng ta ngày hôm nay trên tất cả mọi phương diện.

Quý vị tưởng rằng Đạo Phật chỉ là Đạo của những người Phật tử thôi sao? Đó là một sự lầm lẫn thật là to lớn. Đức Phật không phải là Giáo chủ của Phật giáo, mà Ngài chỉ là một Đạo sư, người chỉ đường để chúng sanh khai mở Trí Huệ của mình ra. Ngài là Giáo chủ của cõi Ta Bà trong giai đoạn Ngài là Giáo chủ. Chữ Phật nó có nghĩa là Giác Ngộ thì Đạo Phật chẳng qua là "Đạo Giác Ngộ". Đạo hướng dẫn "Tâm thức" con người, hay nói chung là tất cả chúng sinh, của mọi loài có sự sống, có linh hồn đến chỗ giác ngộ, nhận chân được sự thật của cuộc đời, biết và tìm về nơi chốn thường hằng, vĩnh cữu. Đạo Phật là cho cả mọi loài chứ không riêng của người Phật tử. Con đường giải thoát bằng cách "yên lặng, tĩnh lự, trầm lắng" Tâm của mình lại; dừng lại mọi nghiệp Sát (giết), Đạo (trộm cướp), Dâm (Tà dâm), Vọng (nói dối, đâm thọc); trong sạch Thân, Khẩu, Ý thì sẽ đạt được đạo Tối Cao Giác Ngộ (Vô Thượng Bồ Đề).

Còn Quý vị tưởng Chùa là của Ông Thầy ư? Lại thêm một sự lầm lẫn khác! Chùa là của Thập phương bá tánh. Người khắp nơi đóng góp xây dựng nên, Thầy góp công sức. Chùa là nơi Thầy ở để phụng sự công việc tế lễ thay thế bá tánh, phục vụ cho bá tánh, tu tập và hướng dẫn Phật tử tu tập (nếu thích) theo hình thức Đại Thừa. Thầy là người lái xe, Phật tử là người ngồi trên xe để cùng nhau tiến về mục tiêu Tối hậu.

Đồ tôi nghĩ cũng tức cười: Một tượng Phật ngồi trầm ngâm yên lặng, không màng đến thế sự như vậy mà còn bị xô lật xuống, bị đâm vào mắt, tai, miệng trán và ngực. Một biểu tượng "Giác Ngộ" của "Tâm Thức" như thế mà bị lật đổ thì quả thật thế gian nầy đã quá là "Vô Minh".

Con người, chúng sinh vào vòng Luân Hồi cũng vì Vô Minh. Đã ở trong Luân Hồi rồi vẫn lại thêm quá Vô Minh, vậy biết đến bao giờ mới ra khỏi. Thế cho nên cũng không trách gì chúng sinh đã đóng đinh Chúa Giê-Su trên Thập Tự Giá; đã bắt nhốt giáo chủ Đạo Bahai 's trong tù khoảng 50 năm.

Đồ tôi không biết rồi đây "người gây chuyện" sẽ suy nghĩ như thế nào? Cứ mỗi lần nhớ lại "thấy" tượng Phật "như" nhìn mình với đôi mắt, tai, miệng, trán, ngực bị đâm thì họ sẽ ra sao? Hoặc nhớ lại cảnh tượng tàn phá đó thì họ sẽ thế nào? Chứ trong quá khứ Ông Nobel đã hối hận sự khám phá chất "Cốt mìn" (TNT) mà chiến tranh lại tàn hại thêm, do đó mới có giải Nobel về Hòa bình. Viên phi công thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đã phải sống trong ân hận. Mấy năm trước đây trên truyền hình của Úc có chiếu lại vụ làng Mỹ Lai trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, những anh Mỹ đen Mỹ trắng, trong khi trả lời phỏng vấn, kể lại với những làn nước mắt chảy dài, cả thân mình run rẩy. Đó là những người tù của Lương Tâm. Liệu "người ấy" có "không phải" là người tù của Lương Tâm chính mình hay không? Chúng ta chờ xem vậy!

Những Bài Thơ Cho Bé (tt)

21- Rèn Luyện Thân Thể.

Một hôm nọ,
Có Ông Thầy
Người trông mạnh khoẻ
Gỏ cửa lớp con
Cô giáo cho vào.

Ông bảo tụi con
Cùng nhau đứng dậy
Giơ tay, đưa chân
Khum xuống, đứng lên
Nghiêng qua, nghiêng lại
Làm vài cử động,
Vui thật là vui!

Rồi Ông lại hỏi,
Các cháu làm gì,
Cháu có biết không?
"Dạ! Con không biết!"

"Đó là thể dục,
Tập rèn thân thể
Mỗi ngày con tập
Thân thể khoẻ ra
Ta sẽ yêu đời
Đời vui hơn nữa.

Thầy chỉ chỉ sơ,
Mai mốt Cô dạy
Con tập nhiều hơn
Ráng gìn thân thể.

Tinh thần sáng suốt,
Được ở bên trong
Thân hình khoẻ mạnh".

Con ráng ghi nhớ,
Và siêng năng tập.

Nguyên Thảo,
08-07-03.

22- Giúp Người Tàn Tật, Yếu Già.

Con thấy người già yếu
Con thấy người tàn tật,
Nên thường hay giúp đỡ
Hoặc tránh, nhường họ đi.

Ngoại con hay nói vậy,
Bà cũng lại dạy rằng:
"Người già thì yếu đuối,
Không thể đứng được lâu
Cho nên con nhường chỗ
Nếu xe "bus" đông người.

Nếu với họ qua đường,
Vì họ thường chậm chạp
Hoặc đi đứng khó khăn,
Con cần nên giúp họ.

Con đừng hay chen lấn,
Hoặc chèn ép người già,
Nhường tàn tật đi qua
Ấy là con giúp đỡ.

Chỉ cử chỉ nhỏ thôi,
Lại mang điều ý thức
Tỏ ra mình hiểu biết
Và kính trọng người già.
Giá trị con từ đó
Được người mến thêm ra.

Trong cuộc sống ở đời
Hơn nhau từ ý thức,
Con ghi tạc vào lòng
Để về sau mà nhớ!

Nguyên Thảo,
09-07-03.

23- Chọn Bạn Mà Chơi.

Ông Ngoại con bảo rằng:
"Tục ngữ đã có câu:
"Gần mực thì sẽ đen,
Gần đèn thì được sáng"
Để chỉ dạy người ta
Lớn lên nên có ý:
Biết: "Chọn bạn mà chơi!"

Mình gần những người xấu,
Mình cũng bị xấu lây
Bạn bè mình được tốt
Lại cùng nhau siêng học.
Không phải đi bê tha
Không mê thích rượu chè
Không ham gì cờ bạc,
Cố gắng học với hành
Mai sau thì sẽ giỏi
Giúp ích được cho đời
Lợi nhiều cho con cháu
Xứng đáng sống một đời.

Con nên thường ghi nhớ
Cố khắc ở trong lòng,
Ngày sau nên danh tốt.

Nguyên Thảo,
10-07-03.

24- Đến Trường.

Hôm nay em đến trường
Mẹ dìu tay em bước
Trong tình mẹ yêu thương
Em vào trường đi học.

Buổi sáng gió hây hây
Mưa nhè nhẹ bay bay,
Mưa luồn qua vành nón
Hôn má em ngất ngây.

Trên trời mây lang thang
Đuổi nhau nối hàng hàng.
Mây ơi! Mau dừng lại
Xuống đây đi học cùng.

Bạn bè khắp sân trường
E ấp và vấn vương
Khép nép bên chân mẹ,
Bôn chôn buổi tựu trường.

Nguyên Thảo,
22-05-04.

25- Ba Mùa Tới Trường.

Mùa Thu trời vẩn đục,
Mây xám bàng bạc trôi
Sách vở cùng đồng hành,
Em vào trường nhập học.

Đông đến, thời gian qua
Khí trời thêm ẩm ướt
Cái lạnh thấm vào da
Đến trường em học tập.

Mùa Xuân hoa nở rộ
Cây cối nẩy, đâm chồi
Chim trong cây đua hót
Em tới trường học thôi!

Mùa Hè đang chuyển sang,
Hoa tím nở vội vàng
Chim như buồn trốn nắng,
Em lại chào chia tay.

Nguyên Thảo,
22-05-04.

Thơ Đó, Thơ Đây (Tây Nguyên)

Tiếc nuối! (Kontum)

Cửa khẩu Bờ Y, sao tới đây?
Giấy tờ không có, đành nơi nầy!
Đi qua đi lại, rồi tiêng tiếc,
Có tiếc, cũng không khỏi chỗ nầy!

Quên chi quên lạ, lại quên lùng!
Cả bảy tám người xúm rối tung
Cái trạm hải quan xa giới địa
Mà không lường trước, buồn mông lung!

Đã thế! Thì ra đành chịu thôi
Đứng nhìn cái trạm, lại quay về
Bờ Y cửa khẩu đành ly biệt
Chẳng biết bao giờ..., dạ ủ ê!

Đồ Ngông,
13/03/10.

Dakto! (Kontum)

Dakto năm cũ, chiến trường xưa
Thây chất nơi đây, mấy để vừa
Cuộc chiến hoang tàn luôn cây cỏ
Ngậm ngùi tử sĩ trong cơn mưa!

Đồ Ngông,
13/03/10.

Đồi Charlie! (Kontum)

Charlie hỡi! Ôi, Charlie hời!
Tử sĩ lang thang, phách khắp nơi
Chiến trận tan rồi, người vẫn hận
Bao nhiêu siêu lạc, một khoảng trời!

Đồ Ngông,
13/03/10.

Bãi gỗ. (KonTum)

Bãi gỗ nơi nầy nhiều thật nhiều
Cây to la liệt biết bao nhiêu
Xe be từng nhóm nằm đang đợi
Hòa lẫn tiếng xe, người dập dìu!

Đồ Ngông,
16/03/10.

Cột mốc. (KonTum)

Cột mốc đây rồi, cột mốc ơi!
Đường Nam, đường Bắc tới đây rồi.
Chiến tranh thống nhất, buồn muôn thuở
Đất nước hoang tàn, cảnh quạnh hiu!

Đồ Ngông,
16/03/10.

Tân Cảnh! (KonTum)

Tân Cảnh thay rồi, thế Dakto
Cảnh mới thay xưa những nấm mồ
Chiến địa bây giờ vươn sức sống
Ngồi lên, đứng dậy, hỡi Dakto!

Đồ Ngông,
16/03/10.

Phi đạo cũ. (KonTum)

Đó đó con đường.. .phi đạo xưa
Một thời vang dội tiếng phi cơ
Một thời hùng hỗ, thời vang bóng
Nhưng lại bây giờ..., tranh trỗ cờ! (cỏ tranh ra bông)

Đồ Ngông,
16/03/10.

Thơ Đồ Ngông (tt)

Cái...

Cái Ta "bự" lắm ông à!
Bao trùm vũ trụ, lại "mà mắt" ông
Vươn lên hứng chí "non sông"
Núi cao lấp biển, san đồng dời non.
Nhưng mà chỉ cái cỏn con
Cái Ta "vô ngã" vẫn còn chưa xong
Thế gian lắm kẻ trở ngông
Vì "Ta" bự quá, mà khùng mà điên!

Đồ Ngông,
24-04-07.

Cái Nút

Cái nút đậy rồi, cái nút chai
Vào ra kín mít, ngày qua ngày
Đậy sao cho kín, ta ăn hút
Được kín thì hay, cái nút chai!

Đồ Ngông,
24-04-07.

Ghê Quá!

Ghê thật là ghê, ớn sợ Ngài
Cho nên tớ né, vội đi ngay
Ngài quan to quá, thân cao quý
Tớ kẻ thấp hèn, phận mảy may.
Len lén nhìn Ngài: Ôi, sợ lắm!
Thập thò e tớ: Dạ, lui ngay!
Thế gian sao khác nhiều như vậy,
Ngài, tớ - tớ, Ngài chẳng khác ai!

Đồ Ngông,
27-04-07.

Tướng Quan.

Có kẻ ra đời giữ chức quan
Cha sanh mẹ đẻ đã rõ ràng
Ghi trong tướng số "quan chi địa" (đất của quan)
Hiện ở thân cư "tướng dĩ tràng" (chỗ của tướng)
Ngày tháng chất chồng quan với tướng
Năm năm đóng lớp tướng với quan
Chỉ riêng Tớ cứ "Thân vi tớ" (Thân làm tớ)
Nên suốt đời mình phải đội quan.

Đồ Ngông,
27-04-07.

Bẩm Ông.

Bẩm ông con lỡ dân nghèo
Tiền ăn không có, lấy gì "lo" ông
Không tiền công việc không thông
Thôi nằm bệnh viện, chổng mông la làng
Vết thương nức mủ, nước vàng
Không tiền đành phải chọn đàng nín thinh.
Có tiền ngồi ở trong dinh
Tiền vô như nước - còn mình khổ đau
Những ai tư tưởng dồi dào
Hỏi thăm sao lại thế này, đấy ư?
Công bằng, xã hội, nhân từ
Không tiền mọi thứ giã từ triền miên
Có tiền mua cả được tiên!

Đồ Ngông,
28-04-07.

Quan Ngài.

Quan Ngài cứ bảo: Cho dân
Dân no không thấy, ngu đần tràn lan
Lo ăn chạy khắp xóm làng
Ra thân bương chải, ngập tràn xót đau
Quan nhân đứng chận đàng đầu
Tiền đâu? Nộp trước, rồi sau có phần.
Từ thôn cho đến thị thành
Kéo bè, kéo lủ bóp đầu dân đen.
Rượu chè, đỉ điếm, bán trôn
Bán luôn cái xác, ra thân xứ người
Nghĩ về cái kiếp chơi vơi
Không qua cửa ải: Do đâu cái nghèo?

Đồ Ngông,
28-04-07.

Sunday, March 7, 2010

Thương Trường Làm Ăn.

Nói trên thương trường, Đồ tôi nhớ lại lúc nhỏ mẹ đưa cho một rổ đồ bưng đi vòng chợ bán. Đồ tôi bưng đi một hồi về nói với mẹ: "Con bán không được đâu". Mẹ Đồ tôi bảo: "Thì cứ bán đi cho quen", "Con nói láo, nói thách không được, con nghe khó chịu làm sao ấy!". Thế là Đồ tôi không thể đi bán tự ngày ấy cho đến bây giờ. Nhưng Đồ tôi vẫn biết là "Phi thương bất phú". Do đó mà Đồ tôi đi làm thầy đồ. Có người đã hỏi Đồ tôi: "Đồ hiểu nghĩa Bắc hay nghĩa Nam đây con?". Đồ tôi cười, lúc đó chỉ cười thôi; chứ nếu như bây giờ thì Đồ tôi sẽ trả lời: "Nghĩa nào cũng đúng cả!". Cái đồ; thầy đồ; đồ khùng, đồ bá láp, đồ "mất dạy" đều không cái nào sai. Do vì không lao vào thương trường Đồ tôi bị rách mướt, lang thang từ chế độ nầy sang chế độ khác. Mãi đến khi qua Úc, Đồ tôi thấy xã hội quá thương người nghèo, do vậy mà Đồ tôi đở tủi thân và lo lắng.

Người ta cũng nói bước vào thương trường là một sự giành giựt, là những thủ đoạn phải có xảy ra; đôi lúc cha con còn phải tranh giành lẫn nhau dù là không trực tiếp, tranh với người khác để có hàng, có mối, lẫn độc quyền. Virgin Blue đã hạ được Ansett, Virgin Blue còn cù cưa với Qantas. Mạnh được yếu thua; khôn sống móng chết. Ai mánh lới, thủ đoạn mạnh hơn thì sẽ tồn tại và hưởng lợi một mình hoặc chia nhau với số ít người, mà miếng mồi béo bở vẫn là khách hàng. Người Tây có câu: "Customer is profit" (Khách hàng là lợi nhuận), thoáng nghe ta tưởng là không có lý, nhưng nghĩ lại là chính xác vô cùng. Làm một cơ sở kinh tế, điều khiển một thương vụ hay làm chủ một gian hàng phục vụ như buôn bán hoặc nhà hàng, nếu không có khách hàng thì phải "dẹp tiệm". Thế nên từ đó, khi bước vào gian hàng ta thấy từ cách trang trí hấp dẫn, thay đổi thường xuyên vị trí các món hàng, hoặc người bán lúc nào cũng luôn làm đẹp, vui vẻ, tươi cười, lịch sự, mềm mõng chìu khách hàng để câu khách mà không cần phải trưng bày khẩu hiệu "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Không câu khách, vừa lòng khách, khách sẽ bỏ đi nơi khác, số tiền kiếm được cũng theo khách mà đi. Thế là tiệm phải dẹp, business phải đóng cửa, cơ sở phải vỡ nợ (bankrupt).

Nói về thủ đoạn trên thương trường thì khá nhiều, Đồ tôi không đủ nhận xét mà trình bày với bạn. Tuy nhiên, Đồ tôi cũng có vài câu chuyện kể với bạn vui chơi.

Đồ tôi nhớ vào những năm giữa 80 (85, 86) gì đó, có tiệm vải mới mở ra. Thông thường tiệm nào mới mở đều bán hạ giá một thời gian để chào và kiếm khách. Vào thuở ấy, tính chung có ba tiệm rồi. Cứ tiệm nầy hạ giá thì tất nhiên tiệm kia cũng hạ theo. Thời gian hạ giá thường thì một tuần, mười bửa sẽ trở lại bình thường. Nhưng lần nầy các tiệm hạ giá xuống khoảng một tháng. Sau thời hạn ấy tiếp tục một tháng nữa. Hình như sau đó thì cũng kéo dài thêm một thời gian. Lúc bấy giờ, có người nói với Đồ tôi: "Coi thử ai chết cho biết". Đấy là một lối cạnh tranh trong thương trường để giành lấy khách lẫn triệt hạ lẫn nhau.

Và Đồ tôi cũng có biết vợ chồng anh chị bạn. Lúc mới qua Úc đi làm với người khác. Khi làm bị người ta hiếp bức đủ điều. Đôi khi, gần như muốn làm nhục giữa đám đông. Buồn lòng anh chị trở qua nghề buôn bán. Anh chị lúc ra chợ cũng phải chịu một thời gian te tua vì người ta muốn triệt hạ để ít người bán thì họ sẽ có lời nhiều hơn.

Lúc nhỏ Đồ tôi cũng có nhiều để ý khá lạ lùng, không biết đó là tự nhiên hay là tập tánh. Nó rất khác hẵn với hoàn cảnh của Đồ tôi. Đồ tôi vốn rất ít khi được phép đi xa nhà, cái cảnh mà người ta nói là "Gà què ăn quẩn cối xay". Có những lúc đi học xa, nhưng không có tiền để đi chơi, do vậy cũng phải trở về nhà gấp rút; gần giống như cuộc sống mình bị đóng trong cái khung hạn hẹp.

Vì nhà Đồ tôi ở xóm chợ khá đông dân thuộc khu vực có nhiều cơ xưởng sản xuất kỹ nghệ, cho nên sự tiêu xài của đa số dân chúng có vẻ thoải mái. Vì vậy có nhiều người từ nơi khác đến buôn bán. Họ không định cư ở đây, nhưng mỗi ngày họ đến buôn bán từ một anh chàng bán báo, một ông bán cà rem, một xe bán mì...Khêu gợi lên sự để ý của Đồ tôi khởi đầu từ một xe bán mì, hủ tíếu. Không phải ở xã Đồ tôi không có tiệm bán mì mà có cả hai tiệm lận. Nhưng xe bán mì nầy có cách nấu đặc biệt hơn và vẫn bán được tương đối gọi là "đắc". Xe mì chỉ có hai cha con, người Hoa, lúc thì con đẩy xe cha đánh hai thanh tre đi trước "Cóc cóc cạch, cạch cạch cạch cóc, cóc cóc cóc.. cóc cạch, cạch cạch cóc...". Lúc thì con đánh cha đẩy, luân phiên nhau. Cứ âm điệu đó đi suốt 8 cây số đi, và 8 cây số về trên con đường đá xấu, gồ ghề suốt gần năm trời, giờ giấc như nhau. Về mùa mưa có khi vắng xe mì cũng khiến người ta nhớ, lại hỏi nhau: "Ông mì sao giờ nầy chưa tới cà, hay ổng bịnh rồi?". Thời gian sau nghe nói ông không đẩy đi nữa mà bán ở góc đường ở xã ông. Một lần có dịp đi ngang qua, Đồ tôi thấy xe mì của ông để ở góc đường với vài cái bàn, trên che vài tấm bạt lớn che nắng mưa cho người ăn mì lẫn xe nấu mì. Rồi vài năm sau, khi Đồ tôi đi học ở Trường Trung học nằm ở xã của ông, lúc đó ông đã mua được cái nhà ở góc đường gần đó mở tiệm ra, bàn ghế tương đối khang trang và ông chuẩn bị mở rộng thêm.

Trong thời gian ấy, Đồ tôi lại chứng kiến được một tiệm khác của người Việt. Ngày khai trương bàn ghế nhiều, phòng trang trí đẹp đẽ và có vẻ "oai phong lẫm lẫm", nhưng rồi qua thời gian ngắn khách lại ít đi, bàn ghế dẹp từ từ và rồi tiệm cũng mất luôn.

Từ dạo ấy, Đồ tôi thường hay chú ý vào cái cách của người Hoa, cái cách của người Việt. Sự phô trương là cách của ta, và thiếu thực chất. Còn người Hoa thì họ tiến từ từ tùy theo điều kiện và khả năng cho nên ít khi bị rơi rớt, xập tiệm; mà lại càng ngày càng phát triển thêm ra. Và có khi với các thủ thuật, khả năng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau mà họ nắm toàn diện kinh tế của một quốc gia hay toàn một vùng rộng lớn: Việt nam, Kampuchia, Thái Lan, Mã lai, Nam dương, Singapore là những bằng chứng điển hình, mà trong đó yếu tố Đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau là quan trọng. Khác với ta "Chưa chi đã tranh giành, chửi nhau ỏm tỏi chỉ mong triệt hạ nhau". Do vậy, mà ta chỉ lo ăn chưa xong thì lấy đâu khuynh đảo một khu vực chứ đừng nói đến quốc gia hay một vùng như việc người Hoa đã làm.

ĐỒ NGÔNG,
10-5-02.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

H.T Chữ Nghĩa 11: Nhứt Quá Tam: Ba Búa!

Bài thứ nhất được cả hai tờ báo đăng tải chỉ ngày trước và ngày sau vì tờ báo mới phát hành trước tờ báo củ một ngày (thứ năm và thứ sáu hàng tuần). Bài ấy đã làm cho người đọc nhốn nháo, nhất là những người trong cuộc: Đồ Ngông là ai mà dám can thiệp vào? Đồ Ngông ở trên “farm”, vậy ở trên farm ai là Đồ Ngông? Ông Nhi à? Nhiều câu hỏi được đặt ra với mọi người. Nhưng cũng may sự tiết lộ danh tánh, lý lịch của tôi không có nhiều, mặc dù tôi đích thân đem bài đến hai tòa soạn và ghi rõ tên họ cùng số điện thoại của mình.
Vài ngày sau khi bài thứ nhất được phổ biến, tôi đến các tòa soạn để đưa bài thứ hai. Có người nghe đến câu chào: “A! Đồ Ngông!” thì ông ta nói” “Đồ Ngông hả! Để tôi coi Đồ Ngông là ai?” Thì té ra ông ta cũng là bạn với tôi thôi. Ông ta ngày trước có phụ việc bên tờ báo củ, tôi với ông ta có gặp nhau một lần. Ông ta thốt lên khi gặp tôi: “Ồ! Ông nầy tôi tưởng ai, cũng biết nhau cả mà”. Chúng tôi nói chuyện hồi lâu và tôi về nhà để chuẩn bị đi làm! Nhưng lần đó tờ báo thứ hai không đăng bài sau. Tôi cũng hiểu lý do tại sao bên ấy không đăng. Chính vì vậy, lần sau tôi không gởi bài thứ ba cho tờ báo thứ hai và chủ tờ báo thứ nhất hỏi tôi có gởi cho tờ báo thứ hai hay không? Tôi thành thật: “Không”. Thế là tôi học được một điều quan trọng!
Số là trước khi đến farm của mình, tôi ghé mua phân thuốc thì gặp anh bạn trước kia học báo chí, anh hỏi tôi lý do tờ báo thứ hai không đăng bài kỳ rồi. Tôi kể việc phỏng đoán của mình, cũng như gởi bài thứ ba cho tờ báo thứ nhất mà thôi! Anh bạn dặn dò: “Anh coi chừng, trong báo chí có nhiều màn độc lắm! Nhất là trong việc chửi nầy! Anh cẩn thận nó sửa bài của anh để chửi người ta mà anh phải chịu hậu quả. Khi báo đã ra rồi, anh không thể vớt vát được đâu, nếu anh nói nó thì nó nói vì sơ xuất kỷ thuật hay lỗi của người đánh máy thì anh cũng phải chịu thôi!”. Điều ấy làm tôi suy nghĩ nhiều. Vế đến farm tôi liền dùng điện thoại di động gọi đến toà soạn yêu cầu đình chỉ bài viết để tôi phải sửa lại vài điều. Chiều về, ghé vào tòa soạn thì ông chủ báo hơi trách: “Báo dán rồi chuẩn bị gởi đến nhà in, mà anh điện thoại làm tôi phải gở ra, layout lại. Thôi anh sửa đi rồi đưa tôi đăng ở kỳ sau. Có người gọi điện thoại về hỏi lập trường của Đồ Ngông như thế nào, sao chẳng thấy rõ ràng gì cả”. Tôi mừng quá: “Vậy thì để tôi về sửa lại và viết rõ lập trường rồi gởi lại ông sau”. Tôi lấy dĩa floppy disk bài về sửa lại. Hú hồn! Nếu đăng vào kỳ báo đó thì người ta chửi Đồ Ngông biết bao nhiêu vì báo đã viết thêm vào bài của tôi một đoạn để chửi người ta. Một kinh nghiệm để đời!
Tôi sửa xong bài, tôi gởi luôn cho cả hai tờ báo. Trong bài thứ ba tôi báo tôi không can dự vào cuộc chơi của họ nữa. Tôi phải chuyển sang một hướng khác!
Sau đây là hai bài sau trong bộ ba bài can thiệp đầu tiên mà tôi coi như là “chuyện Trình Giảo Kim đánh ba búa”, sau ba búa thì dong (chạy, bỏ đi):


* Có Con Đường Nào Ta Đi?

Hôm vừa rồi Đồ Ngông tôi có vài ý kiến về một vấn đề trong Cộng Đồng, cũng nhằm mục đích nhờ Quý vị có liên hệ "cố gắng tự kiềm chế, dừng lại bước tiến" để nghĩ "đến người, đến ta" và đến Cộng Đồng cùng tất cả các thành viên sắc tộc của mình.

Sau thời gian quan tâm và lưu ý, Đồ tôi đôi lúc cũng "bật cười với niềm đau", rồi nghĩ "không biết con cháu mình sẽ ra sao? Và sắc tộc mình sẽ đi về đâu, nếu thế hệ cha anh cứ mãi như thế nầy?" Điều ấy làm Đồ tôi nhớ lại lúc mình mới bước chân đến Úc, hồi còn ở trong trại tiếp cư Pennington, có anh bạn làm hãng nhân ngày nghĩ cuối tuần vào thăm chúng tôi cùng mấy bác qua cùng chung "list". Anh bạn tâm tình: "Lúc tôi mới qua khi còn ở trong nầy, các hãng xưởng tới kêu gọi vô hãng tụi nó làm, cuối tuần có nhiều gia đình Úc, hoặc các cô lái xe đến rủ đi chơi, nhưng cách nay chỉ có mấy năm, bây giờ ra đường tụi Úc nó không thèm ngó tới, đôi lúc nó còn giơ tay lên chửi mình, cũng tại người mình quậy quá!". Sự ra đi của chúng ta rất phức tạp, có đủ mọi thành phần tốt có, xấu có thì "mang tiếng" sẽ là điều hiển nhiên. Và đến nay, hai mươi mấy năm qua, đời sống đa số được ổn định, ai nấy đều bận rộn với công việc và đã quen dần với phong tục xứ người nên cũng đở. Tuy nhiên, lại có các vấn đề khác mà chính ta lại hại ta nhiều hơn: cờ bạc, hút chích và con cái.

Trên tờ Nam Úc tuần báo vừa qua có đăng tải "bài thơ say" của Đồ tôi đã gởi lúc trước. Đó là "một" trong khoảng gần 30 bài thơ mà Đồ tôi viết ra trong vòng một tháng nhân đọc các bài thơ cay, chuyện phiếm và lăng nhăng giữa hai phe đăng trên hai tờ báo. Thay vì chửi người như các vị ấy đã làm, Đồ tôi lại chuyển sang moi móc những thói xấu của đời mà chửi đời. Chửi thì có nặng, có nhẹ, chửi thì tất nhiên nó chẳng có giá trị văn chương gì cả, đôi khi người đọc lại đánh giá người viết là "thứ hỗn hào, tục tiểu, thơ văn bẩn thỉu...". Chửi chỉ để vui chơi trong một khoảng thời gian nào đó hoặc truyền khẩu với nhau, chứ chửi không là điều tốt đẹp, không phải là "diện" đưa mặt ra cho mọi người "ngắm nghía". Đồ tôi chỉ nhân một hiện tượng, nương hiện tượng ấy mà viết lên những thói xấu của đời để mọi người cùng nhìn và cùng chửi những nết ấy, mong trong tương lai sẽ giảm đi được khá nhiều, ít ra nó cũng giúp được một phần nào cho đời. Đó là mục đích "thơ chửi" của Đồ Ngông tôi. Tuy nhiên, Đồ Ngông cũng rất thành thật cảm ơn Quý vị đã viết các bài thơ cay, chuyện phiếm...mà đã "đẻ ra được gã Đồ Ngông"."Đồ" ai muốn hiểu sao thì hiểu, "Ngông" thì quả thật là ngông! Thú thật Đồ tôi nhậu không nhiều, nhưng thỉnh thoảng cũng có say, và quan sát những "cái say" khác mà Đồ tôi đã viết ra như vậy. Quý vị đọc thấy "say" có "lạ lùng, kỳ cục" không? Mỗi lần say tỉnh lại, Đồ tôi quê quá và bỏ bớt đi dần, bây giờ chỉ uống được một lon bia mà thôi!

Chắc trong tương lai, Đồ tôi sẽ cho trình diện lần lượt các bài ấy có thể ở các tờ Nam Úc, Adelaide và Né để Quý vị coi chơi. Đồ tôi mong Quý vị sẽ góp ý phê bình. Kể đại khái tên các bài thơ như: Cờ bạc, Thằng mặt chuột, Kẻ gây rối, Tâng bốc, Nổ, Người chỉ trích, Kẻ a dua, Hiếp chồng...

Trở lại vấn đề, trong khởi đầu ai cũng ráng lo làm ăn để gầy dựng cơ nghiệp, tạo điều kiện cho con cái học hành... Nhưng từ những ngày có Casino, nhiều người đã tiêu tán tài sản, số tiền dành dụm cũng bay đi, thậm chí kéo đến giựt hụi hè, mượn nợ không trả, rồi sau nầy lại vào con đường buôn bán "độc dược" hại đến trẻ con. Nhiều bậc cha mẹ phải điên đầu vì con. Trên luật pháp, xã hội chúng nó đã được tự do: "Có tiền trợ cấp xã hội, có quyền bỏ nhà ra đi, không bị cha mẹ đánh đòn hay uy hiếp". Chúng tha hồ đi chơi và nghiện ngập, rồi thế hệ trước lôi kéo thế hệ sau, con cháu chúng ta sẽ đi về đâu?

Nhìn lại dân tộc ta không có điều gì khác để hãnh diện ngoài việc giữ vững được độc lập và tồn tại dù bị ngoại xâm đô hộ hơn ngàn năm. Khi ra xứ ngoài, người Tàu có nền văn minh đặc trưng và số dân vĩ đại mà hãnh diện; Người Nhật là con cháu Thái dương Thần nữ; Người Do thái được Đức Chúa Trời tạo ra để cai quản loài người trên mặt đất; Giống Đức là thuần chủng Aryen... Còn ta chỉ có nền văn minh Đông sơn với trống đồng mà thôi! Vả lại, huyền thoại Lạc Long Quân- Âu Cơ lại chia hai các con vì Rồng Tiên không thể ở chung với nhau. Câu chuyện muốn nói đến các dân tộc miền thượng du và đồng bằng đều là anh em, nhưng trên thực tế chứng minh khác lại, cho thấy dân tộc ta đến đâu cũng dễ dàng bị phân hóa thành phe nhóm kình chống, hoặc là nghịch với nhau. Sức mạnh chỉ ở trong đoàn kết và thuần nhất, còn ta thì chia năm, xẻ bảy. Nếu Quý vị không tin Đồ tôi thì cứ nhìn lại mà coi!

Đã thế thì thôi, lại thêm "tức khí" anh hùng, chẳng ai thèm nhịn ai, vị nào cũng muốn "làm cha", ý kiến nghịch nhau thì nhảy ra lập nhóm khác, kéo bè lập phe, chống đối. Chẳng bên nào chịu kém, liền lấy "cái mũ" ụp lên đầu đối phương. Kẻ thù đứng bên ngoài vỗ tay khen đáo để. Trước 75 có mũ "Việt cộng, Cộng sản"; sau 75 có mũ "phản động, Tình báo"; bây giờ có mũ "Việt Cộng again". Lòng nghi kỵ ấy khởi đầu cho các màn đấu võ miệng, trấn áp. Đả rồi! không phân thắng bại lại kéo lên văn đàn, không phải là "bút chiến" tranh luận một vấn đề, mà là "chửi lộn". "Văn chương, chữ nghĩa trở nên cuồng". Lúc ấy, nàng Thơ đã bị hiếp dâm:


KẺ HIẾP NÀNG THƠ.

Nàng Thơ than thở, dáng u sầu
Mắt ướt hoen mi, nhìn mãi đâu?
Yên lặng, chơi vơi mà chẳng nói
Eo sèo, lem luốt... Áo quần đâu?


Nàng bảo rằng: Nàng bị hiếp dâm
Đám người hung bạo đến âm thầm,
Ngôn từ, chữ nghĩa như dao mổ
Hăm dọa, bắt nàng để hiếp dâm.


Cái nhóm hung tàn đi hạ nhục
Hết người, sao lại đến nàng Thơ?
Văn chương, ý tưởng đầy thù hận
Hoen úa, nàng Thơ tự bấy giờ...!


Uổng công ăn học bấy lâu nay
Thơ văn, chữ nghĩa khó nghe thay
Đem ra ức hiếp người như thế!
Tội nghiệp nàng Thơ đến thế này..!


Ôi! Đời như thế đó! Chia nhóm để làm gì? Bôi bác nhau để chi? "What for?"và"What for?' Thắng hay bại ta được những gì? Đâu phải không có con đường nào ta đi? Đường đi muôn vạn lối, chỉ tại "Tâm" ta không muốn "bình" mà thôi. Tâm ta đừng "vọng động", cái "ta" trầm xuống, thì mọi việc xảy ra trong cuộc đời giống như một vở kịch, ta đứng yên nhìn nó trôi qua như một trò chơi. Lúc ấy, ta sẽ thấy con đường ta đi. Đi như thế nào, dù không ích lợi cho ta nhưng đem đến ích lợi cho mọi người thì ta tiến bước. Đem chữ nghĩa, văn chương dệt thành những bài thơ yêu nước đấu tranh, những bài ca nhân loại; vạch nên con đường cho con cháu ta đi; hát lên bài hát kết đoàn, nối lại mọi người con Việt, loài người với nhau... chẳng là hay hơn ư? Văn nghệ, nghệ thuật, văn chương tô thắm con người thêm lên và kết tủa hoa đèn cho con cháu ta tới phía trước... chẳng là đẹp lắm ru? Thực ra "Uy lực của ngòi viết" là phát khởi tự đáy lòng, tự chính tâm của ta:

"...Tâm tạo liên trì,
Tâm tạo địa ngục
Tâm vọng động thì muôn ngàn sai biệt tranh khởi
Tâm bình thì thế giới thản nhiên..."
(Lục Tổ Huệ Năng)
Thế thì, xin mời Quý vị "Trầm Tư" mà suy nghĩ lại vậy!

(Đồ Ngông, 4-5-02)


*Điều "Bất Đắc Dĩ"!

Khoảng 10 năm trở lại đây, Đồ tôi không thích các sự rắc rối; nhưng chắc do nơi số của mình, thành ra các chuyện tự nhiên cũng đến: “Ấy là số trời!". Do Đồ tôi lại nghĩ về Luật Nhân Quả nhiều hơn nên cũng phần nào được nguôi ngoai hay cũng thấy mình khá được "an tâm" trong cuộc sống: Tại mình vào những kiếp xa xưa đã gây nhân đến cho người khác thì bây giờ mình phải trả lại cho họ, hoặc họ tìm đến mình họ đòi, thế thôi! Nếu Đồ tôi bảo "số trời" thì tội nghiệp cho Ông Trời quá! Ông Trời lúc ấy nếu suy nghĩ kỹ, lại giống như một "sở rác". Điều tốt thì do Trời, Trời trở thành người tốt ban phúc, ban lộc, ban thọ cho người được Phúc, Lộc, Thọ. Còn đối với người cùng khổ, trộm cướp, tội phạm, giết người, hiếp dâm,.. thì Ông Trời cũng lại đem ban các thứ ấy cho các người đó sao? Thì "té ra" Ông Trời lại là thủ phạm các chuyện xấu ấy ư? Cho nên Đồ tôi sau nhiều lần suy nghĩ, đắn đo, "vắt hết nước chanh" đành thôi! Đừng đổ trút cho Ông Trời là tốt nhất, ai làm nấy chịu, phần ai nấy hưởng, ai "tu thì người đó đắc".

Mới đây Đồ tôi dự tính không thèm đá động gì tới chuyện người khác đấm đá nhau, dù là tranh quyền lợi hay vì sự ấm ức, hầm hừ, tức khí tự đời "cố lít, cố la" nào, hay ý đồ "triệt tiêu" một cái gì đó của nhóm hay cá nhân nầy hoặc kia. Mà cứ làm khán giả, cứ mua vé ngồi trên hàng ghế cao nhìn thiên hạ hát coi chơi; và nhất là Đồ tôi muốn coi kết cục như thế nào để nhìn xem "Tay thắng" được cái gì? "Tay thua" sẽ mất cái gì? Và đến hồi cuối cùng khi chết kẻ thắng có đem các thành quả ấy theo mình về Thiên đàng hay Địa ngục không? Đồ tôi nghĩ lạ: Chắc lúc đó Chúa sẽ ngạc nhiên hỏi: "Con mang các vật đó đi đâu vậy?" Nếu trả lời: "Thưa Chúa! Ở trần gian con là người tốt nên con đã thắng được các chiến phẩm nầy, nay con chết rồi con muốn đem nó theo về Thiên đàng". Chúa sẽ buồn lòng lắm! Chúa sẽ bảo: "Này con! đó là chuyện của trần gian con hãy bỏ lại ngoài cửa Thiên đàng đi. Con không thể đem vào, vì con đem vào trong Thiên đàng, con sẽ biến Thiên đàng trở thành trần gian ngay."

Con người chết đi chẳng còn lại gì cả, tiền bạc, vợ đẹp, con ngoan, danh vọng hay ngay cả thân xác của mình cũng không thể đem theo. Xác sẽ thối rữa! Nếu ta đừng yêu mến cái xác của ta thì ta sẽ đi đầu thai tìm cái xác mới thành hình mà chui vào làm một cuộc sống mới. Nếu ta còn yêu mến cái xác của ta quá, hồn ta cứ lởn vởn, bay bay không định hướng, không chịu tìm cái xác mới thì ta sẽ là ma hay quỷ chỉ hiện ra hù nhát mọi người, hoặc lựa người nào đó mà mình "khoái" nhập vào để "nói chuyện nầy, chuyện kia" hay làm cái gì đó. Ấy là thế giới siêu hình!

Nhưng Đồ tôi nghĩ chuyện nầy không đơn giản, từ chuyện nhỏ bây giờ lần ra lớn, từ thắc mắc, tranh luận về "một bài viết của người khác" đã trở thành bài viết của chính mình, từ ý nghĩ của người khác bây giờ tới sự sân hận của chính mình. "Lửa sân hận đã nổi lên, sẽ thiêu đốt cả vạn rừng công đức". Thế là "chửi" không tiếc lời, không kể ngôn từ sử dụng để cho công chúng coi chơi và cả đôi bên đều mượn mũ để chụp lên đầu đối phương.

Tục ngữ của ta có câu: "Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết", điều nầy rất đúng trong trường hợp nầy. Nếu chuyện riêng của "trâu bò" thì cũng chẳng mắc mớ gì để "ruồi muỗi" Đồ tôi phải lên tiếng, nhưng đây là chuyện đã phát triển lớn đến mức độ báo động, hoặc tới giai đoạn cao độ trở nên "sóng ngầm" chờ ngày bùng nổ tiếp giữa hai lực lượng không thể hòa giải lẫn nhau vì không bên nào nhịn thua hay lắng dịu. Ảnh hưởng lâu dài của nó sẽ đưa đến một Cộng đồng luôn lúc nào cũng bất ổn, không đoàn kết và sự việc có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Mọi điều tốt hoặc xấu sau nầy đều ảnh hưởng đến mọi thành viên trong Cộng đồng. Chỉ tội nghiệp cho đám "ruồi muỗi" thôi! Thấp cổ, bé miệng, kêu chẳng tới Trời: "Ai ăn mặn khiến mình khát nước", "Người ta làm xấu khiến mình phải chịu lây"; ra ngoài xã hội Cộng đồng mình bị đánh giá thấp kém thì cũng phải "Cúi đầu, vuốt mặt" làm ngơ... Không biết Đồ tôi viết như thế có quá đáng không các vị "nhân sĩ kính mến" (?). Chỉ mong các vị suy nghĩ lại cho đám "ruồi muỗi" chúng tôi được nhờ.

Giả sử có một người Úc hay Tây nào đó hỏi bạn về Ngô Cảnh Phương (Đó chỉ là một cá nhân thôi), trước khi bạn trả lời họ, bạn nghe mặt bạn có cảm giác ra sao? Cái cảm giác đó rất nhỏ nhoi, nếu ta không "cảm được" thì xin bạn đừng làm "việc lớn". Tự ái cá nhân còn chưa có, thì đừng nói chi đến tự ái dân tộc. Nhưng thông thường với mọi người chúng ta "Tự ái cá nhân lại lớn hơn tự ái dân tộc nhiều", chúng ta có thể làm thoải mái tự do, hoặc "cự" với người nào đó mà ta không chịu nhịn thua hay quên đi một chút lịch sự... thì người ngoại quốc sẽ coi đó là của người Việt hoặc Á châu. Họ tỏ vẻ khinh ta, ta lại tự ái càng bạo động thì họ lại càng nhìn dân tộc ta "tồi tệ hơn". Đồ Ngông tôi chỉ "bi quan", hay "quan trọng hóa" vấn đề mà phân tích chơi vậy thôi! Nếu bạn giận lên chửi thì Đồ tôi cũng chỉ "chìa" mặt ngông ra cho bạn chửi, mà không nói một lời!

Như vậy chắc bạn đã thấy "Ruồi muỗi chết", chết không phải ở giữa hai cái sừng đụng nhau, mà chết vì cái tiếng dư luận bên ngoài bình phẩm, phê phán, khinh miệt... Và Cộng đồng ta, hay nói đúng hơn cái cử động của mọi con người Việt sẽ được người Úc, người Tây hay sắc tộc khác chú ý quan sát.

Đồ tôi không sợ, vì Đồ tôi chỉ là một trong "mấy chục ngàn người Việt", mà Đồ tôi chỉ sợ cho mấy chục ngàn người Việt đó thôi! Nếu bạn không ưng ý, thì xin bạn vui lòng coi như Đồ Ngông tôi nói bậy!

Và kể từ sau bài nầy, Đồ Ngông tôi sẽ không "xía" vào chuyện của Quý vị ấy nữa. Đồ Ngông tôi chỉ thích coi hát, chứ không muốn hát. Và nếu có viết nữa thì viết chuyện thế sự, tào lao chơi để vui mình, vui người. Còn báo nào đăng thì đăng, không đăng thì tặng bạn bè, không quan hệ gì cả. Nhưng nếu có gởi cho báo thì cũng sẽ gởi bên nây, bên kia để khỏi mang tiếng thiên vị, phe đảng. Bên nào "kỳ thị" thì gởi chỗ khác. Nếu kỳ thị hết thì đóng tập gởi cho bạn bè. Chuyện đời chỉ là chuyện nhỏ thôi! Cái đem theo với sự chết mới là quan trọng. Thiên đàng hay Địa ngục; Niết Bàn hay Luân Hồi là do cái Quả và Nghiệp. Đó mới là chuyện lớn!... Bạn có thấy được Đồ Ngông tôi ngông chưa?!!


Vịnh Kẻ Ngông.

Thơ thẩn, long nhong một kẻ ngông
Lang thang, lết thết bước qua đồng
Đi rao thiên hạ: Đời nhiều xấu,
Kêu tặng cho người: Một chữ không.
Người thích?... Mấy ai ham thích mấy?
Kẻ ưa?... Chẳng để mắt thèm trông!
Đời ngông cứ muốn làm ngông mãi,
Ngông thế mà hay, cứ mãi ngông!


Và để nói rõ cái quan niệm lẫn lập trường của Đồ Ngông tôi, Đồ tôi xin khẳng định:

1-Đồ tôi không đứng về phe nhóm nào cả, Đồ tôi chỉ nhìn về khía cạnh "Danh dự Dân tộc và Cộng Đồng". Cái gì có lợi cho Cộng đồng và sắc tộc thì Đồ tôi ủng hộ. Cái gì gây rối, quậy phá Đồ tôi lên tiếng. Đồ tôi là một trong những thành phần "ruồi muỗi", xin Quý Vị nhớ cho!

2-Đồ tôi không chấp nhận một số vị "Trí thức" (sic) cầm bút làm văn nghệ, mượn danh nghĩa văn nghệ để hạ nhục hoặc bôi bẩn, tạo hố sâu giữa các phe nhóm, gây rối cho Cộng Đồng, tạo khó khăn cho "Những người đang Lãnh Đạo". Đồ tôi chỉ làm "Văn nghệ bá láp" nhưng chưa hại đến ai, Đôi khi còn giúp ích cho Cộng Đồng, cho mọi gia đình. Xin Quý vị ấy nên suy nghĩ lại! Đồ tôi nhận thấy qua văn, thi phong các vị ấy rất có "biệt tài", biết đâu sau nầy nổi tiếng cũng không chừng! Nên Đồ tôi hi vọng là Quý vị ấy sẽ "nổi tiếng trên lãnh vực xây dựng và lành mạnh".

3-Những vị trong cuộc của các phe, Đồ tôi nghĩ, tuổi cũng ở vào hàng năm, sáu, bảy mươi... Gần đi "Về Miền" với nhau cả, vậy thì các Vị ấy tạo nên cuộc chiến để làm gì? Muốn "Bôi vôi, trát trấu" vào mặt mày Cộng Đồng hay sắc tộc của ta đó ư?

4-Cộng đồng ta rất mới ở hải ngoại, thành phần ra đi của ta cũng quá phức tạp cho nên xấu, tốt, mang tiếng là điều "hiển nhiên". Nhưng ta cần cùng nhau đóng góp, xây dựng lại một cộng đồng mạnh, thì Danh dự dân tộc mới được củng cố, và ta khỏi phải "Cúi đầu, gục mặt" với các sắc tộc khác. Đó là "Tự ái dân tộc". Vả lại, trong Cộng Đồng ta còn nhiều vấn đề phải lo: Nạn cờ bạc, ma túy, gia đình... và nhất là vấn đề con cái.

5-Nếu Quý Vị là "Thân, Hào, Nhân Sĩ" muốn đóng góp công sức vào việc đưa Cộng Đồng đi lên thì Quý Vị ứng cử vào các nhiệm kỳ, nhưng Đồ tôi "Cầu xin" Quý vị đừng tạo phe đảng "đối chọi" hoặc "đối nghịch" như kẻ thù để rồi bôi bác nhau; mà chỉ cần "đối lập" thôi. Đối lập trên đường hướng sinh hoạt, chứ không phải ở cuộc đời.

6-Nếu Quý vị làm không được, như Đồ Ngông tôi, thì xin Quý Vị để người khác làm, đừng quậy phá. Nếu người ta không làm được thì hết nhiệm kỳ ta ứng cử thay thế. Nếu thất cử thì đó cũng không là vấn đề quan trọng. Cộng Đồng ta với hàng chục ngàn người, có Đồ Ngông "ruồi muỗi" tôi nữa, cần người xây dựng, chứ không cần người đập phá.

7-Xin Quý Vị và mọi người trong Cộng Đồng vui lòng tha thứ cho Đồ Ngông tôi: Vì tánh hay ngông, mà xưa kia thì lở học không tròn, bây giờ làm "dân ngu, cu đen" thành thử "hay vô lễ", đôi khi xúc phạm xin thành thật mong được tha thứ!

"Kính lạy Các Ngài! Bẩm Các Ngài, con không dám thế nữa! Con kính chào Các Ngài! Chúc Các Ngài khoẻ. Con xin tặng Các Ngài một bài thơ mà con "Làm thơ moi móc, đời nhiều xấu" đã làm trong tháng rồi đấy ạ!". Thơ rằng:

Kẻ Gây Rối.

Thiếu chi những kẻ chuyên gây rối
Cứ quậy, cứ la, cứ khuấy thối
Hôm nọ phanh ra chuyện nhỏ nầy,
Mai kia khui nút hầm cầu thối.
Bà con "ê mặt" đã từ lâu,
Sắc tộc "đau buồn" sáng đến tối.
Ăn nói làm sao với bạn Tây?
Dứt đi, xin bỏ đừng gây rối!

(Đồ Ngông, 14-5-02).


Mặc dù nói là không can dự vào cuộc chửi lộn của họ nữa, nhưng tôi quyết không để họ muốn “ra oai, tác quái” hay làm như thế nào thì làm. Tôi bắt đầu làm những bài thơ, hay viết những bài “Tào lao thế sự” để ngầm báo với độc giả để độc giả biết việc làm của những kẻ gây rối, phá sự bình yên của cộng đồng trên đất khách quê người. Nhất định tôi phải “chận” những người gây rối lại bằng sự hiểu rõ của quần chúng! Tôi sẵn sàng với họ trên diễn đàn văn chương và chửi, nhưng tôi không bỉ ổi phải chửi người vì ganh ghét hay thù hận; mà tôi sẽ vạch thói đời, cái xấu của con người. Thế là một loạt bài thơ “chửi thói đời” và “những bài viết tào lao” thi nhau xuất hiện; đến đỗi có người ngạc nhiên hỏi tôi: “làm sao ông có thì giờ để viết nhiều như vậy?”. Tôi chỉ mĩm cười mà cũng không thể trả lời, vì tôi cũng không thể ngờ cho chính tôi!

Nguyên Thảo,
27/12/2009.
(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 11)

Những Bài Thơ Cho Bé (tt):

16- Ngăn Nắp, Gọn Ghẽ.

Một hôm, con vấp té
Vì đôi dép ở sàn
Bà Ngoại con đỡ dậy:
"Con có bị sao không?"

"Con đau quá, Bà Ngoại!"
Bà Ngoại con dặn rằng"
"Tại con bỏ ngổn ngang,
Dễ dàng gây tai nạn!

Ngày sau con nên nhớ
Sắp xếp cho gọn gàng
Thứ nào theo thứ nấy
Từng thứ có lớp lang.

Khi cần con đến lấy
Không phải mất thì giờ
Mà lại thêm vui mắt
Thế mới là tươm tất".

Nói xong Bà Ngoại làm
Chỉ cho con sắp xếp
Quả thật: "Thiệt là hay,
Bà Ngoại con tài quá!"

Con ôm cổ Bà Ngoại,
Tặng cho Bà cái hôn.
Bà mỉm cười vui sướng:
"Cháu của Bà rõ ngoan!"

Nguyên Thảo,
24-06-03.


17- Sạch Sẽ.

Bà Ngoại nói con rằng:
"Ở dơ hay ngứa ngáy
Nổi ghẻ lên nhiều nơi
Làm sao con ngủ được.

Cho nên năng tắm gội,
Thân hình mới thơm tho
Mà mình nghe dễ chịu
Da dẻ được mịn màng.

Nhà sạch thì được mát,
Bát sạch mới ăn ngon
Những ai ưa sạch sẽ
Người ta mới thích gần".

Nguyên Thảo,
28-06-03.

18- Giữ Vệ Sinh Chung.

Cô giáo dạy chúng con
Đừng xả rác trong lớp,
Đừng xả rác ở sân
Nên bỏ vào thùng rác.

Làm cho trường sạch sẽ,
Mình ngó vào dễ coi
Mình vừa ham, vừa thích
Trường sạch quá đi thôi!

Mỗi khi nhìn thấy rác
Nên nhặt bỏ vào thùng
Không vứt bừa khắp chỗ
Là: "Giữ vệ sinh chung".

Nguyên Thảo,
28-06-03.

19- Ăn Uống Có Điều Độ.

Hôm qua Cô giáo dạy:
"Nên ăn uống điều độ
Để bao tử quen chừng
Không làm cho mình mệt.

Ăn uống có điều độ,
Sau khi ăn nghỉ ngơi
Là điều cần nên nhớ
Để tránh bệnh sau nầy.

Mỗi ngày con cần ăn
Hàng ngày con phải uống
Bao tử nhồi thức ăn
Giúp con nuôi cơ thể.

Vì vậy nên chăm sóc
Bao tử cho thật nhiều
Đừng ăn thật quá no
Ăn theo giờ, theo giấc.

Bao tử được mạnh khỏe
Con sung sướng tung tăng
Bao tử mà bị bệnh
Con nằm co, ủ rủ".

Con nghe lời cô giáo
Kể từ ngày hôm nay
Con ăn uống điều độ
Để con được sống vui.

Nguyên Thảo,
06-07-03.

20- Ăn Coi Nồi, Ngồi Coi Hướng.

"Ngoại à! Có cái câu
Mà người ta hay nói:
"Ăn coi nồi, ngồi coi hướng"
Nghĩa là sao, ông Ngoại?"

Ông Ngoại cười, rồi bảo:
Khi ăn,
Con để ý cái nồi
Khi ngồi,
Con ngồi đúng cái chỗ.

À! mà con có biết
Ăn giữa chốn đông người
Mình cũng nên lưu ý:
"Cái ăn mà xấu quá!
Làm mình mất giá trị
Người thấy, họ khinh khi".

Với món ngon mình thích,
Ăn nên chừa cho người
Nếu trong nồi còn ít,
Mình phải bớt, để chia

Tánh tham ăn, giành giựt
Người đời họ thường nói:
"Ăn như là chết đói",
Ăn hỗn giống như heo"
Thật ôi là xấu hổ!

Lớn lên, con để ý
Tập nết tốt về ăn
Để mình thêm giá trị
Sống không phải giành ăn!

Nguyên Thảo,
07-07-03.

Thơ Đó, Thơ Đây (Mã Lai):

Thành Phố Mới (Kuala Lumpur, Mã Lai)!

Thành phố ngày nay, nhiều nét mới
Đổi thay, thay đổi đường đi tới
Dáng to, hoành tráng trong thời đại
Sừng sững giữa trời như nhắn gởi!

Đồ Ngông.

Melaka (Malacca, Mã Lai).

Malacca vào một buổi chiều
Nắng hanh vàng đốt, mắt thiu thiu
Hàng ngôi nhà cổ, cùng đền miếu
Thấp thoáng Tàu đi, Hòa dập dìu (Trung hoa, Hòa lan)

Trên vùng đất Mã, ngắm Nam Dương
Làm cửa thông thương kẻ quá đường
Hàng mấy trăm năm nhìn sóng nước
Chứa ngàn cướp biển, nỗi đau thương!

Đồ Ngông.

Đường Trường! (Xa lộ Malacca - Johor Bahru, Mã Lai).

Đường trường đi tới Johor
Hàng cây giá tị, cọ lời chào thưa
Khách về với giấc ngủ trưa
Đem lời giả biệt, hẹn mùa lần sau!

Đồ Ngông.

Sungai Besi (Mã Lai).

Trở lại năm xưa ở chốn này,
Bây giờ có quá những đổi thay
Hàng rào thuở trước giờ nay đã
Thành phố đông người: "Lắm đổi thay!"

Đồ Ngông.

Ngậm Ngùi! (Mã Lai).

Khách đứng nơi đây lại ngậm ngùi,
Nhớ về một thuở của buồn vui
Trong rào dây kẽm, nhìn trông núi
Chiều thoáng mưa bay, luống ngậm ngùi!

Đồ Ngông.

Cung Điện Hoàng Gia (Mã Lai).

Cung điện Hoàng gia, chẳng thấy gì!
Khách du thưởng lãm chẳng mấy khi
Trời mưa trút nước trên đầu nóc,
Binh cảnh đâu rồi? Khách bỏ đi!

Đồ Ngông.

Trên Đỉnh Non Cao (Genting, Mã Lai).

Trên đỉnh non cao một phố giàu
Những trò cờ bạc với vui chơi
Giữa lòng Hồi giáo, giương ngạo nghễ
Như thể mây bay giữa đất trời!

Đồ Ngông.

Batu Cave (Batu, Mã Lai).

Người Ấn độ, Shiva, Vishnu
Nữ Thần, hang động tại Batu
Đền thờ giữ lửa, nơi tôn giáo
Nhìn ngắm trên cao đền Hindu.

Đồ Ngông.

Cáp Treo (Genting, Mã Lai).

Cáp treo sao thật là dài
Đi lên đi xuống, mệt nhoài con tim,
Nhìn non thích chí thỏa lòng
Nhìn sâu xuống dưới, nghe trong ghê hồn!

Đồ Ngông.

Thơ Đồ Ngông (tt)

Thương Ông.

Tớ thấy thương ông, thương lạ lùng
Bởi vì giận dữ trở thành khùng
Tưởng rằng tớ đã ngông là quá
Nào biết ông thành khùng lại hung (nhiều lắm!)
Cái giận không đâu càng trở lớn
Cơn thù chẳng dứt khiến sôi bùng.
Giận chi giận dữ trong lòng thế
Lộn mãi lên đầu, rối tứ tung.

Đồ Ngông,
16-04-07.

Tớ Đã Thấy Rồi!

Tớ đã thấy rồi, đã thấy ông
Lơ thơ, lủi thủi ở nơi đông
Không kèn, không trống, không chào hỏi
Họ đã thấy rồi, đã thấy ông!

Tớ đã hỏi rồi, có phải ông?
Người ta có đáp đúng là ông.
Sao cô đơn quá còn hơn tớ
Không biết là ông có tủi lòng.

Ừ há! Thấy đời sao khó thật,
Con người nhân nghĩa đặt lên đầu
Bạo tàn, thủ đoạn không nên cuộc
Danh trước, liệt sau...Nghĩ lại sầu!

Đồ Ngông,
16-04-07.

Xứ Này.

Ở cái xứ này, khó lắm thay!
Con mình còn khó, nói chi ai
Làm sao người lớn, ta hay "bắt"
Bắt...(bắt) cái gì đây, vậy hở Ngài?


Tớ nghĩ rằng ông khó bắt thay
Không ai hơ hỏng... để cho Ngài
Rủi ra Ngài bắt... không còn nữa,
Thì khó cho người.., khổ lắm thay!

Đồ Ngông,
17-04-07.

Cái... Cái mà,

Cái... Cái mà ông đã lộn rồi!
Bây giờ... không thế kỷ hai mươi
Quan liêu thay đổi nhiều rồi đó,
Ông nhắm mà ông thay đổi thôi!

Cái... Cái mà ông muốn họ làm
Họ làm không tốt, ông nên làm
Tớ nghe ông làm thì làm tốt
Mà tốt thì ông sẽ cứ làm!

Ông thật là hay, ông quá hay!
Tớ xin xách dép dùm cho Ngài
Dựa hơi, dựa chỗ nhờ đôi chút
Cái... Cái mà ông quả thật hay!

Đồ Ngông,
17-04-07.

Cóc Cần.

Tớ chẳng cần đâu, tớ chẳng cần
Tưởng gì...? Ra thế...! Chẳng phân vân
Tớ đâu tốn sức, cùng công cán
Tớ cứ mà chơi, tớ cóc cần!

Đồ Ngông,
24-04-07,

Ông ạ!

Ông ạ, tháng ngày mau quá nhỉ?
Tuổi xanh nay đã quá xuân thì
Cái già hùng hục tranh nhau thắng
Người đã ốm gầy, lụ mụ đi!

Ông có thấy gì? Nầy cọng tóc
Pha sương, tuyết điểm, muối và tiêu
Bao giờ ông đếm và soi tóc
Để thấy hao gầy với hắt hiu?

Ông có khi nào ngẫm chính ta
Ra vào thơ thẩn cuộc đời là
Bóng câu, thoáng chốc, như mây chó
Nhân nghĩa thì hơn mọi thứ mà!

Đồ Ngông,
24-04-07.