Sunday, March 7, 2010

Thương Trường Làm Ăn.

Nói trên thương trường, Đồ tôi nhớ lại lúc nhỏ mẹ đưa cho một rổ đồ bưng đi vòng chợ bán. Đồ tôi bưng đi một hồi về nói với mẹ: "Con bán không được đâu". Mẹ Đồ tôi bảo: "Thì cứ bán đi cho quen", "Con nói láo, nói thách không được, con nghe khó chịu làm sao ấy!". Thế là Đồ tôi không thể đi bán tự ngày ấy cho đến bây giờ. Nhưng Đồ tôi vẫn biết là "Phi thương bất phú". Do đó mà Đồ tôi đi làm thầy đồ. Có người đã hỏi Đồ tôi: "Đồ hiểu nghĩa Bắc hay nghĩa Nam đây con?". Đồ tôi cười, lúc đó chỉ cười thôi; chứ nếu như bây giờ thì Đồ tôi sẽ trả lời: "Nghĩa nào cũng đúng cả!". Cái đồ; thầy đồ; đồ khùng, đồ bá láp, đồ "mất dạy" đều không cái nào sai. Do vì không lao vào thương trường Đồ tôi bị rách mướt, lang thang từ chế độ nầy sang chế độ khác. Mãi đến khi qua Úc, Đồ tôi thấy xã hội quá thương người nghèo, do vậy mà Đồ tôi đở tủi thân và lo lắng.

Người ta cũng nói bước vào thương trường là một sự giành giựt, là những thủ đoạn phải có xảy ra; đôi lúc cha con còn phải tranh giành lẫn nhau dù là không trực tiếp, tranh với người khác để có hàng, có mối, lẫn độc quyền. Virgin Blue đã hạ được Ansett, Virgin Blue còn cù cưa với Qantas. Mạnh được yếu thua; khôn sống móng chết. Ai mánh lới, thủ đoạn mạnh hơn thì sẽ tồn tại và hưởng lợi một mình hoặc chia nhau với số ít người, mà miếng mồi béo bở vẫn là khách hàng. Người Tây có câu: "Customer is profit" (Khách hàng là lợi nhuận), thoáng nghe ta tưởng là không có lý, nhưng nghĩ lại là chính xác vô cùng. Làm một cơ sở kinh tế, điều khiển một thương vụ hay làm chủ một gian hàng phục vụ như buôn bán hoặc nhà hàng, nếu không có khách hàng thì phải "dẹp tiệm". Thế nên từ đó, khi bước vào gian hàng ta thấy từ cách trang trí hấp dẫn, thay đổi thường xuyên vị trí các món hàng, hoặc người bán lúc nào cũng luôn làm đẹp, vui vẻ, tươi cười, lịch sự, mềm mõng chìu khách hàng để câu khách mà không cần phải trưng bày khẩu hiệu "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Không câu khách, vừa lòng khách, khách sẽ bỏ đi nơi khác, số tiền kiếm được cũng theo khách mà đi. Thế là tiệm phải dẹp, business phải đóng cửa, cơ sở phải vỡ nợ (bankrupt).

Nói về thủ đoạn trên thương trường thì khá nhiều, Đồ tôi không đủ nhận xét mà trình bày với bạn. Tuy nhiên, Đồ tôi cũng có vài câu chuyện kể với bạn vui chơi.

Đồ tôi nhớ vào những năm giữa 80 (85, 86) gì đó, có tiệm vải mới mở ra. Thông thường tiệm nào mới mở đều bán hạ giá một thời gian để chào và kiếm khách. Vào thuở ấy, tính chung có ba tiệm rồi. Cứ tiệm nầy hạ giá thì tất nhiên tiệm kia cũng hạ theo. Thời gian hạ giá thường thì một tuần, mười bửa sẽ trở lại bình thường. Nhưng lần nầy các tiệm hạ giá xuống khoảng một tháng. Sau thời hạn ấy tiếp tục một tháng nữa. Hình như sau đó thì cũng kéo dài thêm một thời gian. Lúc bấy giờ, có người nói với Đồ tôi: "Coi thử ai chết cho biết". Đấy là một lối cạnh tranh trong thương trường để giành lấy khách lẫn triệt hạ lẫn nhau.

Và Đồ tôi cũng có biết vợ chồng anh chị bạn. Lúc mới qua Úc đi làm với người khác. Khi làm bị người ta hiếp bức đủ điều. Đôi khi, gần như muốn làm nhục giữa đám đông. Buồn lòng anh chị trở qua nghề buôn bán. Anh chị lúc ra chợ cũng phải chịu một thời gian te tua vì người ta muốn triệt hạ để ít người bán thì họ sẽ có lời nhiều hơn.

Lúc nhỏ Đồ tôi cũng có nhiều để ý khá lạ lùng, không biết đó là tự nhiên hay là tập tánh. Nó rất khác hẵn với hoàn cảnh của Đồ tôi. Đồ tôi vốn rất ít khi được phép đi xa nhà, cái cảnh mà người ta nói là "Gà què ăn quẩn cối xay". Có những lúc đi học xa, nhưng không có tiền để đi chơi, do vậy cũng phải trở về nhà gấp rút; gần giống như cuộc sống mình bị đóng trong cái khung hạn hẹp.

Vì nhà Đồ tôi ở xóm chợ khá đông dân thuộc khu vực có nhiều cơ xưởng sản xuất kỹ nghệ, cho nên sự tiêu xài của đa số dân chúng có vẻ thoải mái. Vì vậy có nhiều người từ nơi khác đến buôn bán. Họ không định cư ở đây, nhưng mỗi ngày họ đến buôn bán từ một anh chàng bán báo, một ông bán cà rem, một xe bán mì...Khêu gợi lên sự để ý của Đồ tôi khởi đầu từ một xe bán mì, hủ tíếu. Không phải ở xã Đồ tôi không có tiệm bán mì mà có cả hai tiệm lận. Nhưng xe bán mì nầy có cách nấu đặc biệt hơn và vẫn bán được tương đối gọi là "đắc". Xe mì chỉ có hai cha con, người Hoa, lúc thì con đẩy xe cha đánh hai thanh tre đi trước "Cóc cóc cạch, cạch cạch cạch cóc, cóc cóc cóc.. cóc cạch, cạch cạch cóc...". Lúc thì con đánh cha đẩy, luân phiên nhau. Cứ âm điệu đó đi suốt 8 cây số đi, và 8 cây số về trên con đường đá xấu, gồ ghề suốt gần năm trời, giờ giấc như nhau. Về mùa mưa có khi vắng xe mì cũng khiến người ta nhớ, lại hỏi nhau: "Ông mì sao giờ nầy chưa tới cà, hay ổng bịnh rồi?". Thời gian sau nghe nói ông không đẩy đi nữa mà bán ở góc đường ở xã ông. Một lần có dịp đi ngang qua, Đồ tôi thấy xe mì của ông để ở góc đường với vài cái bàn, trên che vài tấm bạt lớn che nắng mưa cho người ăn mì lẫn xe nấu mì. Rồi vài năm sau, khi Đồ tôi đi học ở Trường Trung học nằm ở xã của ông, lúc đó ông đã mua được cái nhà ở góc đường gần đó mở tiệm ra, bàn ghế tương đối khang trang và ông chuẩn bị mở rộng thêm.

Trong thời gian ấy, Đồ tôi lại chứng kiến được một tiệm khác của người Việt. Ngày khai trương bàn ghế nhiều, phòng trang trí đẹp đẽ và có vẻ "oai phong lẫm lẫm", nhưng rồi qua thời gian ngắn khách lại ít đi, bàn ghế dẹp từ từ và rồi tiệm cũng mất luôn.

Từ dạo ấy, Đồ tôi thường hay chú ý vào cái cách của người Hoa, cái cách của người Việt. Sự phô trương là cách của ta, và thiếu thực chất. Còn người Hoa thì họ tiến từ từ tùy theo điều kiện và khả năng cho nên ít khi bị rơi rớt, xập tiệm; mà lại càng ngày càng phát triển thêm ra. Và có khi với các thủ thuật, khả năng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau mà họ nắm toàn diện kinh tế của một quốc gia hay toàn một vùng rộng lớn: Việt nam, Kampuchia, Thái Lan, Mã lai, Nam dương, Singapore là những bằng chứng điển hình, mà trong đó yếu tố Đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau là quan trọng. Khác với ta "Chưa chi đã tranh giành, chửi nhau ỏm tỏi chỉ mong triệt hạ nhau". Do vậy, mà ta chỉ lo ăn chưa xong thì lấy đâu khuynh đảo một khu vực chứ đừng nói đến quốc gia hay một vùng như việc người Hoa đã làm.

ĐỒ NGÔNG,
10-5-02.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

No comments:

Post a Comment