Tuesday, March 30, 2010

H.T Chữ Nghĩa 13: Tạp Chí: Né!


Nói đến tạp chí Né thì nó cũng là một giai thoại chuyển biến khá phức tạp và có liên hệ đến sự viết của tôi hơi nhiều. Khởi đầu của Tạp chí né là Gia đình Né. Gia đình Né là gì? Tại sao có gia đình Né?

Tôi không là người sáng lập ra gia đình Né nên không hiểu được mục đích thành hình của nó. Tuy nhiên gia đình Né được sinh ra trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Số là Hội Nông gia trước kia không có người nào đứng ra để thay thế mà chỉ có Ông Chủ Tịch và vài người phụ lực trong suốt một thời gian rất là dài: Mười mấy năm! mười mấy năm không thay đổi và hoạt động chẳng được bao nhiêu. Nhưng sau vì số nông gia và người Việt làm farm càng ngày càng đông, do đó nhu cầu củng cố Hội là điều cần thiết. Lúc đầu, người mới lẫn người cũ hăng hái cùng nhau lo chỉnh đốn để tạo thế mạnh cho Hội với số người trên cả ngàn người đang làm trên các nông trại. Họ ước mơ tạo thành Hợp Tác Xã phân thuốc; buôn bán ống nước, tiến đến thành lập nơi thu mua, phân phối đến các khách hàng sĩ để giảm thiểu tiền tiêu hao ở khâu trung gian để đem lại nhiều quyền lợi cho người sản xuất. Trên chuyện tính thì như thế, đồng thời cũng có sự đồng thuận của tất cả mọi thành viên trong Ban Chấp Hành cũng như Cố Vấn. Tuy nhiên, chỉ vì một bài viết trong Bản Tin Nông Gia mà sinh ra cớ sự: Bài Quan Điểm. Trong bài quan điểm kỳ ấy có kêu gọi mọi người hợp tác để tạo nên một Hội Nông Gia vững mạnh, nhưng nó lại viết một câu vô tội vạ “từ trước Hội Nông gia vốn là ‘hữu danh vô thực”...”, chỉ có thế, thế là ông Chủ Tịch cũ rời chức vụ Cố vấn trong Ban Chấp Hành mới, bà vợ viết bài trong mục diễn đàn bạn đọc trách móc; và ngay cả đến những người của các Ban Chấp Hành từ trước đều tỏ ra phản đối. Họ bất hợp tác, và hội nông gia có mầm chia rẽ từ ấy. Lúc đó, tôi có nhắc khéo ông bạn phụ trách Bản Tin Nông Gia nên bỏ mục Quan Điểm đi và viết bài cáo lỗi. Nhưng sự việc ấy không xảy ra, tất nhiên cơ hội hàn gắn không còn có nữa. Ít lâu sau Gia đình Né ra đời!

Nội trong ý nghĩa chữ “Né” nó đã là vấn đề: “Né tránh”! Tại sao phải né tránh? Né tránh cái gì? Né tránh trong hoàn cảnh nầy tức là bất hợp tác, mọi chuyện đều “né”. Lần đầu tiên được rủ rê vào gia đình Né, tôi đã hỏi tại sao là gia đình Né? Thì được cho biết: “Gia đình Né để vui chơi: Làm trong những ngày nóng thì mình né! Vợ cự thì mình né! Lộn xộn thì mình né!...” Vv.. và vv... Tôi từ chối không tham dự, nhưng số người tham dự cũng có hơn cả trăm người kể cả đàn bà. Gia đình Né tổ chức một buổi BBQ cũng khá tưng bừng ở “shed” của một thành viên.

Song song vào đó, Ban Chấp Hành Hội Nông Gia gặp nhiều khó khăn từ sự bất hợp tác của những người cũ, kéo theo nhiều người trong dòng họ, thân thuộc. Số ấy cũng khá nhiều. Qua vài tháng sau trong Bản Tin Nông Gia xuất hiện bài chửi Gia đình Né rất nặng. Tôi ngạc nhiên! Nói là chửi gia đình Né, nhưng thực ra trong bài ấy chửi ông Gia Trưởng gia đình Né thì nhiều hơn. Đọc trong bài ấy gần như nó mang tính cách thù hận cá nhân hơn là công việc chung, từ cá nhân người viết tưởng rằng cá nhân ấy lập gia đình Né để chống báng lại Hội Nông Gia, nên sự “mạt xát” mới đọc có vẻ nhẹ nhàng nhưng xem kỹ lại thì rất ư là nặng nề. Từ bài ấy gia đình Né gần như mất uy tín và chìm dần. Sự cộng tác “viết chơi” của tôi với Bản Tin Nông Gia cũng giới hạn đi, vì tôi không thích dùng văn chương chửi người như vậy! Có lần tôi nói với ông bạn: “Anh à, tôi thấy chửi người như vậy có kỳ không? Mình có lợi dụng vào tờ báo của mình, hay mình ỷ mình có tờ báo để rồi mình viết chửi người khác không? Hỏi thì hỏi vậy, nói thì nói, nhưng tôi cũng thừa hiểu chuyện mình hỏi thì cứ hỏi, còn chuyện người khác làm thì tùy người khác. Ông bạn tôi cũng ráng duy trì Bản Tin Nông Gia tới 24 số tức gói gọn trong nhiệm kỳ hai năm của Ban Chấp Hành Hội Nông Gia.

Sau khi mãn nhiệm kỳ, Ban Chấp Hành Hội Nông Gia không tái ứng cử nữa mà để cho những liên danh khác tranh nhau. Chính vì vậy mà tôi mới thấy có những lực lượng, bàn tay “khác” thò vào để tranh giành với nhau, mà cộng đồng phải chịu lấy nhiều bất ổn. Chuyện đó nổ lớn cho đến các kỳ bầu cử Cộng Đồng nếu có liên danh nào ra ứng cử, còn “độc diễn” thì thôi!

Bản Tin Nông Gia chết đi (đình bản), anh bạn tôi cũng thỏa mãn vì kéo dài nó cho đến hết nhiệm kỳ mà anh là Phó Chủ Tịch ngoại vụ. Điều ấy lúc nầy chẳng ảnh hưởng đến việc tôi viết hay không viết. Tôi cũng thường viết lai rai với những chủ đề nhằm phổ biến giúp ích hoặc thêm ý kiến cùng độc giả trên một vài phương diện nào đó. Đã có anh Sơn, đại diện báo Dân Việt, Việt Luận ở tại Nam Úc giúp tôi, cùng với hai tờ “báo biếu” ở địa phương. Khi giao bài (lúc nầy tôi đã biết sử dụng computer, đánh máy cũng tương đối nhuần nhuyễn lẫn trình bày) bằng floppy disk, cho nên các tờ báo không phải khó khăn vì bài của tôi; tôi thường nói một câu thường dùng: “Nếu thấy được đăng dùm tôi, tôi chỉ góp ý kiến với mọi người, độc giả thôi! Còn đăng hay không không quan trọng. Anh coi dùm!”.

Tôi chán chường cái cảnh những người có học dùng phương tiện báo chí chửi nhau lắm rồi! Nó chẳng hay ho gì cả, chỉ “tổ” cho cái sự gây rối mà thôi! Nhưng tôi không thể cản ngăn họ lại được vì họ đang cần “xả” những căm tức của họ, nếu không thì họ đã không chửi bất cứ ai góp ý cho họ để họ thôi đừng chửi nữa. Và, cũng vì vậy mà tôi cũng phải “chửi” với họ để chứng minh cho họ thấy rằng “tôi cũng biết chửi và cái chửi của tôi chẳng đụng đến ai”. Tôi chửi mông lung, chửi cuộc đời nhiều thói xấu. Tôi không moi móc, không chửi cá nhân con người, tôi chẳng “đụng chạm” tới cá nhân ai cả, tôi chửi nết xấu của xã hội, cuộc đời bằng những ngôn từ thanh cao, dễ nghe hơn họ nhiều. Tại sao họ phải dùng đến từ ngữ bẩn thỉu, đá cá lăn dưa để chửi người? Họ chỉ chứng tỏ lòng hận thù và căm tức của họ mà thôi: Chẳng qua quyền lợi của họ, của nhóm bị đụng chạm hoặc mất đi!

Nhưng điều đáng tôi trách nhất là tờ báo cũ đã đăng những bài chửi ấy, mặc dù là trên “Diễn đàn bạn đọc”. Có người kêu tôi viết bài chửi, tôi từ chối: “Tôi không làm chuyện đó được! Tôi chủ trương thà tôi không viết, mà khi tôi viết thì phải giúp ích được cho mọi người hoặc ít nhất cũng đem đến cho tôi một niềm vui thì tôi mới viết”. Tôi tuân thủ mục đích ấy cho đến ngày nay. Chính vì vậy mà bài thơ “Khích bác” được ra đời:

Có kẻ thường hay khích bác người
Muốn người "nổi trận" để coi chơi
Đôi khi đứng thủ ngoài vòng chiến
Đợi lúc người suy "đoạt món lời".

Có người thấy "Tưởng thế cô đơn"
Dùng trí đa mưu khích bác người,
Sẵn tánh anh hùng, người "nổi máu"
"Con cờ lợi dụng" khác gì hơn!

Lại lủ hèn kia chẳng dám làm
Đem lòng xui giục đứa lòng tham
Tham danh, tham vọng, tham tiền bạc
Mắc phải mưu thâm, thay hắn làm!


Ôi đời! sao lắm người gian thế!
Chỉ muốn mượn người để lợi ta
Lời ngọt, ý thâm luôn thúc đẩy
Lợi là y, chết lại là ta!

Và sau nầy tôi có làm mấy câu thơ khác để nói về sự kết hợp của hai hạng người nầy như sau:

Kẻ có dao lại thiếu đá mài
Người có đá mài lại thiếu dao
Hai kẻ cấu kết lẫn nhau
Gây ra nhiều tai họa.

Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao “người ta” lại thích đăng những bài chửi người như vậy trong mục “Diễn Đàn Bạn Đọc” hay trong các mục thơ, mặc dù một lần đã bị “rắc rối về pháp luật” và thêm một lần nầy nữa, lần nầy chắc cũng phải nhiều cam go và tiêu hao không ít. Người chửi thì hăng, chửi để “khoái tỉ”; còn chủ báo thì thích thú vì độc giả tò mò lấy báo mình nhiều thì quảng cáo của khách hàng được tăng. Tuy nhiên, phía sau tất phải có một cái “gì đó” mà tôi không thể biết; nếu không thì không có ai rảnh để moi móc mà viết chửi người ta lần nào ít nhất cũng khoảng sáu tháng trời! Mà hết việc nầy lại đến vấn đề khác!

Có một lần, anh chủ báo đưa tôi cái “fax” của một người nào đó tên “Xuân” gởi về, đại khái viết: “Anh L. Mấy lúc gần đây thấy xuất hiện trên báo của anh có tên Đồ Ngông nào đó viết những bài tôi thấy ....”. Tôi mĩm cười, vì tôi đã đoán trước sẽ có lúc như vậy. Họ sẽ cố loại tôi ra vì tôi cản bước tiến, làm chậm lại kế hoạch của họ thì họ làm sao thích được. Họ phải “bứng” tôi đi! Họ đâu biết rằng, tôi đã nghe trước đó, độc giả lại thích những bài tào lao như vậy và “Đồ Ngông”, một cái tên hơi là lạ, và kỳ kỳ làm cho độc giả có một cái cảm giác “như thế nào đó”! Sau đó anh chủ kêu tôi đổi “bút hiệu” ấy đi, rồi ông ấy sẽ đăng tiếp. Nhưng, tôi “ngu gì” để đi đổi bút hiệu ấy sao? Nếu đổi, thì nhóm “gây rối” sẽ dễ dàng “dập” tôi ngay, nó là cái bẫy để họ cẩn trọng khi “chửi hội đồng” đối với tôi. Tôi nhất quyết không đổi: “Thà rằng tôi không viết nữa, chứ không đổi. Anh thấy được thì đăng, không thì thôi. Khi nào anh cảm thấy không thích hợp thì anh cho hay tôi không viết nữa”. Anh cũng đồng ý như vậy!

Trong một lần sau, anh chủ báo cho tôi hay ở trên farm có xuất hiện tạp chí Né. Tôi chưa nghe nói và chưa thấy tạp chí ấy bao giờ. Tôi ngạc nhiên hỏi lại anh. Anh cho biết anh đã thấy tạp chí đó rồi và anh kêu kiếm và xin dùm.

Tạp chí Né ra được hai số kế thời gian nhau mặc dù được đề là “ba tháng một lần”. Tạp chí là hiện thân của “Gia đình Né” in màu, trình bày khá đẹp, coi có vẻ nhà nghề lắm. Về sau tôi mới biết là người phụ trách ấn hành đã từng học qua ngành báo chí ở Đại Học Vạn Hạnh xưa kia.

Tôi xin được hai số cho cả tôi và anh chủ báo. Tôi đọc qua nội dung, tôi cũng mường tượng chỉ một vài người viết mà thôi. Trong đó tôi thích nhất hai bài thơ của Nguyễn Nhi nói về khỉ và trâu, ngụ ý đến cuộc xung đột. Thế là tôi bị chứng “Đồng bệnh tương lân, đồng khí tương cầu”.

Qua vài lần nói chuyện với người phụ trách in ấn tạp chí Né, tôi ngõ ý phụ viết cho vui nhằm giải trí cho các nông gia và tạp chí cũng có người “thêm tay thêm chưn”. Anh phụ trách không tin tôi có thể viết, và tỏ ý ngờ vực. Tôi đành năn nỉ: Nói thiệt với Th., tôi là Nguyên Thảo hay Đồ Ngông đây. Nhưng điều ấy cũng không xóa được sự ngờ vực, Th. liền nói: “Ừ! Thì bửa nào anh đưa bài đi”.

Thế là tôi và Nguyễn Nhi không hẹn mà gặp trên cùng một chuyến tuyến, chúng tôi đi cùng nhau trên một đoạn đường dài, mặc dù tôi thì chỉ đứng cửa giữa khuyên can, còn Nguyễn Nhi thì có nghiêng, nhưng với tôi có bạn đồng hành chẳng là tốt hơn sao?

Nguyên Thảo,
03/01/2010.
(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 13)

No comments:

Post a Comment