Thú thật với tất cả Quý vị, Đồ tôi chẳng biết gì về Trịnh Công Sơn, kể cả ngay thời kỳ mà ông ta nổi tiếng nhất. Nhưng nay do nơi "buồn buồn" mà vào thư viện tìm sách đọc, lại gặp tạp chí Văn học ấn bản đặc biệt tháng 10&11/ 2001 viết về Trịnh Công Sơn: Tình yêu, Quê hương, Thân phận. Đọc chưa hết nhưng có cái gì "xui khiến" Đồ tôi lại nhớ về dĩ vãng xa xăm, vào những năm giữa 60 làm Đồ tôi lật đật lấy viết, giấy ghi lại vài điều để đọc giả coi chơi. Nhưng đây chỉ là ý ngông của Đồ tôi chứ nếu Quý vị, có khó tánh, mà trách móc thì tội nghiệp cho Đồ tôi lắm!
Có một lần Đồ tôi đã nói đến sự may mắn của mình rằng:
"Trong cuộc đời có nhiều biến cố mà người ta không thể ngờ được, biến cố ấy là bước ngoặc có thể thay đổi đời mình giống như chiếc xe chạy đến ngã rẽ bắt buộc mình phải sang đường khác, khác với dự định. Đồ tôi tưởng sự học của mình cũng chấm dứt từ đó, nhưng rồi nhờ số trời lại vượt được Vũ môn như cá Lý ngư. Cá Lý ngư thì hóa rồng, chứ Đồ tôi lại thành rắn bò ngoằn ngoèo dưới đất, chẳng cắn lấy ai mà còn bị đời đá lên đá xuống"'mềm xèo" như trái chuối".
Nhờ giai đoạn ấy Đồ tôi mới xách "tụng đệm" mang quần áo, sách vở chất lên xe đạp, gùi xuống Sài gòn giống như chuyện "Tư Ếch đi Sài gòn" để mà ngắm cảnh trong những khu nhà lao động, bùn lầy nước đọng.
Thực ra Đồ tôi vốn không biết nhiều về nhạc, nhất là mình không thuộc lấy được một bài trọn vẹn dù cố học biết bao nhiêu lần. Thích thì có thích, giọng thì khi có khi không, mà lại quá trầm, ca lên chỉ dành để "ru người ta ngủ". Nhưng, một buổi chiều nọ lại đúng vào lúc sau những tiếng chuông nhà thờ đổ thì trên đài phát thanh có giọng ca hát bài "Lời buồn thánh": "Chiều chủ nhật buồn, nằm trên căn gác đìu hiu. Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều" rồi cái gì "chăn chiếu bơ vơ còn đến bao giờ", hay "trời mưa, trời mưa không dứt, ô hay mình vẫn cô liêu". Đồ tôi chợt nghe những câu hát mà tự dưng lại cảm thấy thấm vào lòng, thấy mình đi trọ "chiều buồn và cô liêu". Khổ nổi, buổi chiều ấy trời lại chuyển mưa, gió thổi ngọn dương nghiêng qua nghiêng lại, trên cao mây đen đang vần vũ. Đồ tôi nằm trên nền xi măng tháp mộ của chùa, nhìn lên mà thấy lòng lại buồn, nổi buồn vô cớ:
Không biết vì sao một buổi chiều
Buồn dâng lấp cả cánh tim yêu..!
Nhìn dương lã ngọn, mây đen đến
Anh thấy lòng anh khó chịu nhiều.
Đó là mở đầu cho chín đoạn mà Đồ tôi gọi là chín khúc ca viết tặng cho người "cảm nhận gọi là yêu nhau", ấy là chuyện sau đó; còn đang trong lúc thì "Lời buồn thánh" đã chiếm ngự tâm hồn của Đồ tôi. Thế là vài ngày sau, Đồ tôi phải ráng mua cho được bản nhạc ấy để tập hát. Nhưng Đồ tôi chẳng được thành công. Đồ tôi cũng không tiếc mấy vì tại khả năng của mình thôi. Rồi từ đó thỉnh thoảng Đồ tôi để ý đến cái tên Trịnh Công Sơn. Có lúc bạn bè rủ đi uống cà phê nghe nhạc Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly, Đồ tôi không có tiền nên đành kiếm chuyện mà thoái thác.
Đồ tôi xuống Sài gòn để nhìn cuộc đời của mình đi qua, đi qua từng khu lao động hơn là trọ học; để nhìn sự không may của chính mình hơn là đi tìm tương lai. Sự thiếu thốn mọi thứ, lẫn các khung cảnh "xô bồ, xô bộn" của khu lao động, khu nhà ổ chuột ven thành phố chỉ làm cho mình buồn tủi hơn thêm. Cái cảnh ồn ào, ầm ỉ, chí chóe, chửi rũa hàng ngày bên cạnh con rạch nước đen òm, nổi lềnh bềnh phân người, chất thải, rác, giấy xông lên mùi hôi thối khó chịu. Thế mà có người vẫn tắm, vẫn bơi, ngồi trước cửa nhà trên bờ con rạch bưng chén cơm ăn ngon lành. Hầu như tất cả đã quen rồi, không còn "mắc mớ" gì với nhau nữa cả.
Từ sau năm 1963, cuộc chiến tranh càng ngày càng leo thang, chiến tranh ác liệt hơn, hậu phương luôn bận rộn, nhất là lứa tuổi của nam thanh niên lại càng chộn rộn, khẩn trương hơn ai hết. Một là học để lấy chứng chỉ hoản dịch từ Nha Động Viên, hai là chạy vô các ngành nghề, ba là hết đường binh thì ghi tên vào danh sách đến quân trường. Lâu lâu lại có vài cuộc biểu tình có cảnh sát bắn đạn cay, dùi cui bá trắc. Nhiều người đã viết các bài văn, bài thơ để diễn đạt cái tâm trạng của mình. Rồi người ta lại nghĩ đến thân phận con người, thân phận đất nước dân tộc và đi đến một cái phi lý của chiến tranh. Đồ tôi không hiểu được từ khung cảnh ấy mà chủ nghĩa Hiện sinh từ phương Tây du nhập vào dễ dàng hay là phong trào ấy đã phát triển rất nhanh đến Việt nam vào đúng thời điểm. Hiện sinh, phòng trà, "boum" hay "balle de famille" gì đó, Đồ tôi không hiểu rõ lắm. Rồi lại "mini jupe"(?), "jupe serrée" (?). Những người học trường Tây sinh ngữ giỏi thì "chưng" ra sách của Jean Paul Sartre, Albert Camus, hay tiểu thuyết của Francois Sagan, Đồ tôi choáng váng mặt mày thiếu điều bất tỉnh ở sân trường, nghĩ chắc mình phải "về học cày cho xong". Cũng may thuở ấy kế bên nhà trọ có người bạn tên Hưng, quê ở Bình định, không hiểu anh thích tôi vì giọng nói của tôi hơi na ná vùng quê anh hay vì tâm tính. Chúng tôi nhiều lần ngồi tâm tình với nhau rất lâu, cứ vài bửa kéo nhau ra quán ngồi uống cà phê nói dóc. Từ trong tâm trạng ấy, hoàn cảnh ấy Đồ tôi cũng đâm ra thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn, mà phải qua giọng hát Khánh Ly cơ, mới nghe xoáy được vào lòng. Có nhiều bài Đồ tôi không hiểu rõ nghĩa câu nhạc, nhưng nghe những từ ngữ là lạ, hay hay, những câu rất là mơ mộng, có nét gì mờ mờ ảo ảo mà ẩn ẩn một cái gì xa xôi. Thuở ấy Đồ tôi có đọc vài tạp chí văn học, có nhiều nhà văn viết một câu dài với nhiều dấu nối như là một từ ngữ kép kiểu triết học và các nhà thơ làm thơ bí hiểm theo kiểu Tây. Đồ tôi chẳng hiểu "chút nào" hết, nhưng có nhiều người khen hay, thì Đồ tôi cũng ừ "thì hay". Nói như vậy Đồ tôi đã có ý nghĩ lời nhạc của Trịnh Công Sơn có hơi hướng của triết học trong đó, mà sao lại giống như thơ hay kiểu thơ triết học được lồng trong nhạc? Điều ấy đến nay qua số Văn học đặc biệt nầy Đồ tôi được giải thích về nghi vấn của mình xưa kia. Bạn hãy xem Tuấn Huy viết về "Trịnh Công Sơn cỏ xót xa người..." ở trang 31 đã ghi chú: (Ghi chú của người viết: TCS tốt nghiệp ban Triết trường Chasseloup Laubat, nên khi trò chuyện thân thiết, Anh thường dùng một vài tiếng Pháp chen lẫn vào câu nói). Và trong bài "Một cái nhìn về ca từ Trịnh Công Sơn" của Trần Hữu Thục ở trang 77 tác giả viết: " Ở một bài khác anh (TCS) cho biết: "Tôi vốn thích Triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ Triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ".
Và điều ấy Đồ tôi nghĩ Trịnh Công Sơn đã thực hiện được vì: Trịnh công Sơn là người Huế (Huế: Xứ nhạc và thơ). Và Trịnh Công Sơn có người mẹ mà Đồ tôi nghĩ chắc bà ấy thường hát ca dao để ru con lúc nhỏ cho nên Trịnh Công Sơn đã kết cấu được các yếu tố: Triết, nhạc, thơ và âm hưởng ca dao vào trong các ca khúc của mình cho tình yêu quê hương, dân tộc, mọi người mà cho chính tình yêu của mình thì không trọn vẹn. Chính vì tình yêu quê hương và dân tộc ấy mà Trịnh Công Sơn đã phản kháng chiến tranh phi lý giết chết biết bao nhiêu người, tàn phá đất nước. Anh không đứng bên nầy mà cũng chẳng đứng theo bên kia, anh chỉ ghi nhận những cảnh đau thương thực tế, phát họa các bức tranh vào lời ca nét nhạc để diễn tả nỗi lòng của mình, của chung tầng lớp trẻ. Thế là anh có nhạc, Khánh Ly có giọng ca đã tạo được phong trào từ trong giới sinh viên lan dần ra quần chúng vào tận các quán nhạc, cà phê hòa nhập vào hiện sinh: Trầm ngâm, suy tư bên ly cà phê đen, khói thuốc, không biết ngày mai mình sẽ ra sao?
Có một hôm ngồi với bạn bè ở quán cà phê có nhạc Trịnh Công Sơn, càng về khuya trời lạnh, nghe giọng ca Khánh Ly xoáy vào lòng mà tự dưng Đồ tôi "nổi da gà". Sự cảm xúc đến thế ư? Bởi thế về sau, trước 30/4/75 không lâu có người bạn tặng Đồ Ngông tôi quyển sách "Từ Phạm Duy-Thái Thanh đến Trịnh Công Sơn-Khánh Ly". Đồ tôi chỉ lướt qua biết là hai cặp nhạc, ca sĩ lừng danh trong làng tân nhạc của Việt nam. Sáng tác của Phạm Duy có Thái Thanh mới lột hết được cảm xúc của nó- Và nhạc Trịnh Công Sơn với giọng ca của Khánh Ly. Quyển ấy Đồ tôi chưa kịp xem kỹ thì sau 30/4/75 phải soạn ra giao cho ban gọi là "Tịch thu Văn hóa đồi trụy" của nhà nước và Đảng Cộng Sản Việt nam. Thế là tiếc cho tác giả và cho Đồ tôi.
Từ giữa những năm 60 về sau, Đồ tôi cảm thấy có đến 3 phong trào ca nhạc ngoài nhạc Trẻ (mà Đồ tôi không biết gì cả):
-Phong trào dân ca: hát nhạc dân ca của Phạm Duy và các nhạc sĩ khác ghi lại từ các bài dân ca của các miền.
-Phong trào thứ hai: là nhạc Trịnh Công Sơn và giọng ca Khánh Ly hay gọi là nhạc phản chiến để ngồi uống cà phê, hút thuốc lá, trầm ngâm suy nghĩ về thân phận mình, quê hương, đồng bào, tổ quốc hòa nhập vào nét hiện sinh.
-Phong trào thứ ba: Du ca của Nguyễn Đức Quang và bạn bè được phổ biến rộng rãi trong giới Thanh niên sau những công tác xã hội, hoặc sinh hoạt, hoặc ở các Trường Sư Phạm, trường học trong các giờ Hoạt động thanh niên.
Thuở ấy, Đồ tôi vốn là Đệ tử của Khổng Tử nên thích "chơi" với con nít, vì vậy mà khoái phong trào thứ ba và một số bài dân ca của Phạm Duy cùng một số nhạc sĩ khác mà Đồ tôi không nhớ được tên. Thỉnh thoảng thì cũng bài "Nối vòng tay lớn" hay một số bài khác.
Nói đến bài “Nối vòng tay lớn” là nhắc đến cái họa của Trịnh Công Sơn. Ai bảo anh lên hát bài ấy chi trên Đài Phát thanh ngay từ những lúc đầu mà phải chịu họa. Kẻ đứng giữa rất khó mà giữ mình. Đồ tôi lúc xưa đi làm với hai ông bạn, tuy họ là bạn nhưng hai ông lại không thích nhau. Mình đứng ở giữa luôn bị nghi kỵ. Thì Trịnh Công Sơn bên Quốc gia cũng nghi ngờ, bên Cộng sản cũng không tin. Quý vị hãy xem Tuấn Huy trong bài "Trịnh công Sơn, cỏ xót xa người.." viết:
"Sau 30-4 ít ngày, tôi có gặp TCS một buổi sáng đầu tháng 5 năm 1975. Ngã ba đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp. TCS đang bụm tay bật lửa châm điếu thuốc. Tôi rà chiếc xe đạp cũ đến gần Anh. Thấy tôi, Anh hơi ngỡ ngàng, lên tiếng hỏi: "H. không đi à? Xe hơi đâu rồi mà đi xe đạp?" Tôi nhớ, giây phút đó, tôi không trả lời TCS mấy câu TCS vừa hỏi. Tôi hỏi TCS giọng như gay gắt: "Tại sao nông nổi vậy? Tại sao hấp tấp làm việc đó?"...(Trang 34)
"...Anh nhìn thẳng vào hai mắt tôi rồi thầm thì: "Một sự bồng bột hay đúng hơn một sự bồng bột vì bị bắt buộc phải bồng bột. Không phải tại moa muốn làm việc đó. Entre nous (giữa chúng ta) moa mới nói, nhưng H. đừng kể với ai nghe, mấy người bạn trong nhóm sinh viên Pro. com (thiên Cộng) quá khích đã bắt buộc moa phải làm...Một ngày nào đó, H. sẽ biết rõ hơn. Bây giờ moa không thể nói được, vì moa đã lấy danh dự hứa với họ". (Trang 34-35).
Ngay sau trưa 30/4/75 cả miền Nam ngơ ngác, lặng yên, sợ sệt, rồi sẽ ra sao? Và phải làm như thế nào? Những người đeo băng đỏ, băng xanh hô hào, ra lệnh. Nếu Quý vị là Trịnh công Sơn bị kêu đi, thì Quý vị sẽ làm như thế nào? Phản ứng ra sao? Và nếu Trịnh Công Sơn là Cộng sản nằm vùng thì những băng nhạc mà ông anh bạn dì mua dùm cho Đồ tôi trong năm trước (sau khi TCS chết) chắc "không phải chỉ là hoà âm không thôi!", cả chục cái CD mà Đồ tôi chẳng thỏa mãn được cái nào. Cũng chỉ vì đường lối cá biệt của Cộng sản mà Thần tượng Trịnh công Sơn bị bỏ ra bên ngoài, và bị những người chống đối với Cộng sản xem như là "kẻ theo giặc" hay "nối giáo cho giặc". Trịnh Công Sơn có thời gian dài từ 1975 sống "ngậm ngùi, sống âm thầm" trong "một cõi đi về" hay làm bạn với Họa để khỏi ồn ào mà phiền lòng hàng xóm và hàng xóm cũng khỏi phải tọc mạch, tò mò theo dõi:
Trời cao đất rộng/ Một mình tôi đi/ Một mình tôi đi.
Đời như vô tận/ Một mình tôi về.
Một mình tôi về với tôi. (Lặng lẽ nơi nầy).
Đồ tôi nhân đọc Tạp chí Văn Học, ấn bản đặc biệt tháng 10&11/2001 nổi hứng viết về giai đoạn của một thời kỳ. Đồ tôi chẳng thương tiếc gì Trịnh Công Sơn, vì Anh đã quá nổi tiếng rồi. Tuổi của Anh cũng đã đủ già để chết, thì chết cũng vừa rồi. Cần gì phải sống lâu để bệnh hoạn, đau khổ thêm cho thân xác. Và "Anh cứ chết đi" để "Những người mang quan điểm "vay mượn" của người khác thù hận Anh cho đến bao giờ". Lòng người trên thế gian là "Thế đấy"! Thì Anh cứ hãy nhắm mắt ra đi, đừng bao giờ quay nhìn trở lại, và cũng đừng nuối tiếc. Cõi đời nầy không có gì phải nuối tiếc cả! Đồ Ngông tôi thông cảm Anh và xin "Chào vĩnh biệt với Anh"!
ĐỒ NGÔNG,
16/9/02.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”).
Tuesday, March 30, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment