Sunday, March 21, 2010

Viết, Và Viết Cho Ai?

Đầu đề nầy không phải của Đồ Ngông đâu? Quý vị đừng tưởng lầm mà Đồ tôi lại trở thành kẻ đạo văn, ăn cắp đầu đề. Đó là vấn đề của Ngự Thuyết đăng trong tạp chí sáng tác nhận định văn nghệ Văn Học số 180 tháng 4-2001. Trong dịp tình cờ, vào một hôm rảnh rang Đồ tôi lại "ngẫu hứng qua cầu" xách xe chạy nhong nhong. Thế rồi tắp vô thư viện, lại chỗ kệ sách tiếng Việt đứng xa xa, nhắm mắt lại lấy tay quay một vòng chỉ đại vào một chỗ. Mở mắt ra, lục chỗ đó thấy có tạp chí Văn Học và Tú Xương: Con người và Tác Phẩm, bèn mượn về đọc. Lật Văn Học ra thấy "Lãng tử văn học" của Tạ Quốc Tuấn, Đồ tôi lại khoái, khoái cái tiêu đề "lãng tử" ấy. Xong lại thấy Ngự Thuyết "Viết, và Viết cho ai?" Đồ tôi lại càng khoái hơn.

Đọc xong rồi, Đồ tôi ngẫm nghĩ, gật gù "Ờ! Đúng há, thế mà có lý!". Và lẩm rẩm Đồ tôi viết cũng gần ba năm. Đồ tôi viết cho mình thì ít, viết cho người thì nhiều! Mà nhiều lúc Đồ tôi lại không hiểu tại sao mình viết được, hay là mình mắc bệnh "sanh tật" rồi chăng? Hay tới lúc "sắp về miền?". Cả mấy mươi năm lăn lộn trong các nhà trường mà không viết, còn viết thì bạn bè cứ gọi là ngông, viết như thế nầy chỉ là "bút pháp" của mấy thằng ngông, "viết vậy mà cũng viết"; cũng có thằng bảo "văn chương của học trò lớp 6, lớp 7". Thế rồi, lúc quăng cây viết mất tiêu, gần như quên hẳn nó, chỉ dòm thấy có cây cuốc. Tự dưng "bà ứng thế nào" lại nhảy ra viết. Viết chỉ để thích thú cho mình; viết không có đồng bạc đồng xu nào; viết rồi "copy" vào dĩa đem cho, in ra để biếu. Chỉ làm công việc tốn thì giờ, tốn tiền lại chẳng có cơm ăn. Nhưng Đồ tôi chỉ nghĩ "Viết để trả nợ xã hội". Những gì Đồ tôi gom lại từ trong cuộc đời đem nhét vào trong trí óc; bây giờ lại moi ra, cái nhớ cái không "tửng tửng" mà viết, viết để cho hết nặng nề trong thân xác, mong một mai "về miền" đừng nặng quá, miễn xa lánh "địa ngục" là được rồi. Thế mà thắm thoát đã gần ba năm!

Ngự Thuyết viết: "Bây giờ ta cũng thử đặt vấn đề "viết cho ai?" đối với một nhà văn lưu vong đang sống nơi đất khách quê người, nơi số lượng độc giả chắc chắn không đông đảo.

Có bao nhiêu người đọc tiếng Việt ở hải ngoại? Hiện nay chưa có con số thống kê nhưng ta cứ thử làm một con tính nhỏ, dựa vào ước đoán mà thôi." (Trang 12)

Ngự Thuyết bỏ ra gần một trang để làm thử bài tính. Nếu chép lại thì quá dài, thôi thì Đồ Ngông tôi tóm lược sơ sơ vậy.

Tác giả cho con số người Việt ở hải ngoại khoảng 2 triệu rưỡi, lứa tuổi 20 trở xuống là 40% (khoảng 1 triệu), số nầy đi học, tiếng Việt không rành không thể thưởng thức "văn chương viết bằng tiếng Việt"; 60% còn lại (1 triệu rưỡi) chia làm hai hạng: 20 đến 50 tuổi chiếm 70% (1 triệu người) bận làm, bận học thì liệu "có bao nhiêu người chịu khó đọc thêm văn chương viết bằng tiếng Việt". Số còn lại hạng tuổi trên 50 (khoảng nửa triệu) mà không phải người nào cũng thích đọc. Số độc giả thích đọc tiếng Việt có khoảng 1%, tức là 5000 người sống rãi rác khắp nơi trên thế giới và chia cho bao nhiêu ngòi bút ở hải ngoại. Đổ đồng mỗi ngòi bút có 100 độc giả hay 50?

Trong hoàn cảnh như thế, Tại sao viết? Viết cái gì? Viết như thế nào? (Trang 14).

Và rồi tác giả đi vào kết luận:

"Vậy tôi viết cho ai? Những suy nghĩ, những nhận xét rãi rác từ đầu bài viết nầy đã đưa tôi đến kết luận hiển nhiên rằng, trước hết và quan yếu nhất, tôi viết cho tôi. Henry Miller trong "Remember to remember" nói: "Sáng tạo là ám ảnh của tôi" (Creation is my obsession). Tôi thì viết để trút bỏ một ám ảnh, viết để làm vơi đi những băn khoăn, viết để soi chiếu một sự thật nào đó theo cái nhìn của mình, viết để đi tìm một an ủi. Và khi có người đọc tri kỷ, thì thêm vào đó, viết để san sẻ. Toàn là những lý do rất cá nhân. Ngoài ra, và điều này cũng chi phối tôi rất nhiều, viết vì nghe theo một tiếng gọi mơ hồ, bí mật, nhưng dai dẵng của ngôn ngữ." (trang 14)

Đồ tôi thì không dám nghĩ như vậy, vì Đồ tôi chỉ viết "tào lao", không phải là một nhà văn nên không có "vào các tiêu chuẩn ấy". Đồ tôi viết chỉ để trút bỏ những tâm sự, hay đem những suy nghĩ của mình đóng góp ý kiến với người khác, hay trình bày những ưu tư về một hay vài vấn đề xã hội hoặc chung của Cộng Đồng... mà thôi! Tất nhiên người thích thì có thể gật gù "cũng được!", người không ưa "chửi tán loạn xà ngầu" lên, thì cũng chẳng sao. Vì rằng "Ở sao cho vừa lòng người- Ở rộng người cười, ở hẹp người chê". Và cứ vậy mà Đồ tôi lại viết, viết các đề mục hoặc nội dung, miễn đừng gây hại là được rồi. Mình làm việc không công, chẳng lấy một cắc bạc đồng xu của ai, mà còn tốn tiền tốn thì giờ nữa, thì chẳng đã là "thiệt thòi" lắm ư?

Đồ tôi tự dưng "nổi hứng" mà viết, nhiều lần ráng cố gắng "từ bỏ sự hứng khởi ấy" đi, nhưng làm như có một cái gì cứ thôi thúc mãi. Không viết thì thấy lòng áy náy, ăn năn. Suy nghĩ hoài, thôi thì cứ viết vậy, coi như đó là "cái nghiệp" theo nghĩa của nhà Phật, hoặc là "cơ duyên"? Đồ tôi không biết "xài" đến chữ nào cho đúng. Và nếu mà "chúng chửi", hoặc "chúng không ưa" thì cũng là do nơi cái "nhân" trước kia mình gieo quá nặng, nên bây giờ là "cơ hội" để gặt "quả" vậy! Thế là Đồ tôi rất an tâm với tất cả mọi hậu quả dù tốt hay là xấu. Nhưng ít ra một điều mà Đồ Ngông tôi không dám ngông khi mình viết một đề mục: Dù đề mục nào đi nữa, cũng phải đắn đo, suy nghĩ xem nó có đem ích lợi đến cho nhiều người không? Và cẩn trọng lúc viết, khi viết ra rồi liệu có ảnh hưởng gì không? Nhất là trong các câu chuyện và phải bình phẩm chẳng đem đến sự hài lòng cho người khác. Tuy nhiên, điều ấy cũng khó có thể tránh hoàn toàn vì "con mắt, ý niệm" chủ quan của mình. Thấy những từ ngữ, ý niệm ấy mình cho là được, nhưng người đọc hiểu sang một ý khác chẳng hạn; hoặc sai sót thiếu kỹ lưỡng lại trở thành không hay. Thôi thì ráng cố tránh được chừng nào hay chừng đó, hoặc phải tạ lỗi cũng không chừng!

Từ hồi đi học Đồ Ngông tôi sợ làm lớn lắm, dù là ở trong lớp học. Vừa là nhiệm vụ phải thi hành đối với cấp trên, vừa là cái gương cho đám dưới, nếu không họ lại không nghe, không làm; vừa là cái bia cho chúng chửi: khó cũng bị chửi, dễ nó lừng lên rồi cũng chửi. Trong hành chánh nó khác quân đội. Quân đội thì có kỷ luật sắt và hẳn hoi, còn hành chánh thì thật là khó, thì khi viết lên giấy tờ phổ biến cũng giống như vậy. Nó là cái bia để có thể bắn tên, vấy bùn hay quăng trứng thối tùy theo ý thích.

Nhưng Đồ tôi chỉ là đưa ý kiến, góp ý vào những ý kiến chung, thế thôi! Ai khó tánh thì cứ việc chửi, ai thấy không thuộc "phe mình" thì cứ la, hoặc "tẩy chay". Đồ tôi chỉ có khả năng đến thế, chứ không hơn nữa được.

"Viết, và viết cho ai?" của Ngự Thuyết nhắc nhở cho Đồ tôi nhớ đến mục tiêu của sự viết. Nhưng Đồ tôi cố gắng viết những gì có ích và cho đa số người trong tập thể, mặc dù Đồ tôi cũng viết cho chính mình: Viết để nhằm xoa dịu nỗi lòng, viết để nhằm tìm được kẻ hiểu mình, và viết để trao đổi một số kinh nghiệm nào đó của cuộc đời...

Viết, viết cái gì? Và viết cho ai?

Dư âm câu ấy vang dội như những dòng âm thanh ở mức độ "echo" luôn ẩn hiện trong đầu óc của Đồ tôi..!


ĐỒ NGÔNG,
23-8-02.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

No comments:

Post a Comment