Sunday, March 21, 2010

H.T Chữ Nghĩa 12: Sự Chuyển Hướng Của Tôi!

Tôi khởi đầu viết phụ chơi trên Bản Tin Nông Gia, nhưng ngay từ lúc ấy tôi đã chọn những đề tài để vừa giải trí cũng vừa có ích đúng như khuynh hướng xã hội của tôi ngay từ khi còn là thanh niên. Tôi vẫn thường xuyên gởi bài cho Bản Tin Nông Gia, điều ấy không khó vì Bản Tin ra mỗi tháng có một lần. Trong khi đó, báo địa phương thì mỗi tuần có một số. Tôi có thể đáp ứng được. Cái viết của tôi nay tương đối nhuần nhuyễn. Muốn viết tôi cứ chọn đề tài, rồi viết theo tùy hứng của tư tưởng ngay trên máy vi tính. Tôi cứ viết theo dòng tư tưởng và suy nghĩ, đến khi hết bài tôi mới in ra rồi sửa lại, có khi phải hoán đổi cả một đoạn văn. Sau đó, tôi vận dụng số vốn học được từ thuở học Văn với Thầy Trần Văn Khánh ở trường Trung học Phước Thành (Tân Uyên- Bình Dương ngày nay), tức là nhớ lại những gì mình đã học được trong quyển: “Những lỗi thông thường trong thuật viết văn” của Nguyễn Văn Hầu để mà sửa câu hay đoạn văn cho nó tốt hơn. Tôi chỉ được có một cái tương đối gọi là “sắc nét” là tôi chọn từ ngữ hoặc sử dụng từ tạm gọi là được và khá đúng chỗ. Điều ấy làm cho câu văn trở nên mạnh mẽ hơn!

Chính vì vậy mà khi nhìn vào bài của những người đã viết đăng tải trên báo để chửi người khác, tôi thấy họ không vượt qua cái tâm địa hẹp hòi, lòng đầy oán hận của họ; cũng như một số người chỉ biết a dua, chửi ké giống như trong dân gian người ta thường hay xài đến chữ “chó hùa”. Tại sao gọi là “chó hùa”? Nếu ai ở trong thôn quê có nuôi chó hay quan sát loài chó đều thấy chúng có tánh “hùa”. Con nầy sủa, những con khác không biết “ất giáp” gì cả cũng sủa, con nầy tru thì con kia cũng tru. Lủ chó nhiều lúc làm ầm lên trong khi một cặp đực cái “mắc lẹo” (giao hợp và dính nhau) ở ngoài đường.

Chứng kiến cảnh đó lòng tôi cũng ngao ngán: “Tại sao những người già cũng có học, cũng từng mang lon trong quân đội mà phải làm những chuyện đó. Đây không phải là xứ của mình, mình chỉ ăn nhờ ở đậu cùng với bao nhiêu đồng hương khác của mình thôi mà! Mình không muốn yên ổn ở đây thì cũng nên để cho đồng bào của mình được yên ổn chứ! Không lẽ chỉ vì tranh giành, tức khí mà gây nên cảnh hỗn loạn như vậy sao?”. Nhiều câu hỏi được đặt ra đối với tôi. Tôi trách luôn cả chủ báo mà tôi đã cộng tác, mặc dù cũng nhờ tờ báo đó mà tôi đã đạo đạt những điều mình muốn giúp cho những bậc phụ huynh được chuyển tải đến với mọi người. Vì danh, vì lợi, vì căm tức, vì tự ái... mà ngưòi ta quên tất cả, và họ làm đủ thứ chuyện để đạt được thỏa mãn cho chính mình.

Sau ba bài như đã trích ở trên, tôi thấy “nhóm họ” còn đang hăng máu; tình hình lúc đầu dường như có chợt khựng lại để rồi sau đó vẫn tiếp diễn. Cuộc chiến nầy có thể kéo dài hơi lâu. Chẳng ai dám nhảy vào can thiệp; chắc có lẽ tôi phải trường kỳ, cho nên tôi phải chuyển hướng đồng thời là dịp để tôi thử “bản lĩnh thơ văn” của mình tới đâu.

Tôi nhớ ngày xưa, ngày mới ra trường đi dạy, tôi đã từng bị ăn hiếp và người ta đã dùng thủ đoạn để ghép tôi vào lỗi nầy, lỗi kia để Ty có cớ phạt kỷ luật tôi; nhưng tôi làm một việc đúng và có ích cho mọi người cùng học trò nên tôi không có gì để sợ. Tôi sẽ sử dụng đến cách ứng phó vào thuở ấy cho sự việc nầy!

Tôi tự hạ mình xuống để không “còn chỗ” mà người ta còn khinh dễ, moi móc mình được trước khi vào cuộc... Mà trên thực tế cũng quả đúng như vậy; tôi là một nông dân thì chẳng thuộc thành phần “dân ngu, cu đen” là gì, nông dân thì cũng chẳng có học bao nhiêu. Tôi chuẩn bị cho mình một tư thế và luôn sẵn sàng “can ngăn” với “những ai” muốn quậy phá cộng đồng bằng văn, thơ. Tôi chỉ mong họ phải ý thức được “hành động của họ làm”. Do đó, dứt khoát tôi phải tìm đủ mọi cách để chặn đứng họ lại vì “sự yên ổn của mọi người trong cộng đồng sắc tộc trên xứ người”. Những bài văn, bài thơ của tôi xuất hiện có khi nhiều bài cùng lúc trên báo và những bài ấy thường có đến hai mục đích: Thứ nhất dành cho những người chửi, gây rối phải suy nghĩ để giảm bớt cường độ hoặc chấm dứt “thói tật” của họ; hai là vạch thái độ của họ cho độc giả thấy những tác hại với cộng đồng chung như thế nào để từ đó độc giả chửi những “người” ấy, làm cho họ phải e dè khi tiếp tục chuyện mình làm. Lắm bài có mục đích thứ ba là vui chơi hoặc phổ biến một vài nhận xét, kinh nghiệm cỏn con nào đó trong đời mà tôi đã thu lượm được từ trong cuộc sống.

Cái viết của tôi cũng phải uyển chuyển, luồn lách như thế nào để tránh được “đối đầu trực tiếp” với họ để khỏi bị họ tấn công ồ ạt, có thể nhận chìm mình trong bất cứ lúc nào; cũng như không đụng chạm đến tự ái của họ để họ không gây khó khăn đối với mình vì đến lúc nầy họ đã thừa biết “Đồ Ngông là ai?”. Điều đơn giản dễ hiểu là vì tôi can dự vào chỉ là “cô thân độc mã” mà thôi! Tôi không có hậu thuẫn nào cả: Không đoàn thể, đảng phái, không nhóm, không bạn bè... Tôi phải đánh hỏa mù trong các bài viết và lập lờ trong lập trường của tôi, vì tôi thừa biết ở phía sau những người đó là ai, tổ chức nào? Và có thể đoán được họ làm như vậy với mục đích gì? Vì trong khoảng thời gian nầy tôi vừa tìm hiểu vừa thu thập tin tức để phối kiểm tìm hiểu xem tại sao họ làm như vậy, vì nếu ghét nhau, tranh lợi thì cũng không đến đỗi phải kéo dài lâu và có vài kẻ từ xa “ké” vô. Diễn biến càng ngày càng phức tạp, sự can thiệp của tôi cũng cần có nhiều biến chuyển cam go.

Mời các bạn đọc 4 bài thơ sau đây và đoán được bài nào tôi nói về tình trạng ấy. Bốn bài thơ được đăng cùng một lúc trên báo gọi là:” Những bài thơ tháng bảy!”


1- Tháng Bảy Vu Lan:

Tháng Bảy Vu Lan ngày của Mẹ
Mà bao năm tháng bẳng quên đi
Đến nay sực nhớ thì mẹ đã
Đã quá già nua, yếu hẳn rồi!


Một chiều nhạt nắng, nhìn lên tóc
Tóc trắng vương vương bóng áng mây
Dưới đất, trên trời cùng một sắc
Nương che gương mặt đã hao gầy.


Con ngồi bên mẹ, lòng hối lỗi
Muốn nói lên lời: "Hỡi, Mẹ ơi!
Bây giờ mới nhớ tình thương Mẹ
Mẹ đã cho con cả cuộc đời!"



2- Tháng Bảy Siêu Hồn.

"Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân" (ca dao)
Cũng nhờ Tăng, Chúng lo nhau tụng
Nguyện độ Cô hồn các đẳng siêu
Không làm ma quỷ luôn vất vưởng
Gây rối cho người ở thế gian.
Đức Phật chỉ đường mau cứu giúp
Cùng nhau họp mặt tụng cầu an
Mong cho hồn phách người lỡ bước
Biết nẻo quay về thế giới yên!



3- Tháng Bảy Mưa Ngâu:

Tháng Bảy mưa Ngâu khóc sụt sùi
Mắt nàng Chức Nữ lệ tuôn rơi.
Thương chàng cô độc tròn năm chẵn,
Tủi thiếp lẽ mình năm trọn y
Ô Thước bắt cầu đầu chịu sói
Sông Ngân ngăn trở cách đôi bờ
Trời đày bởi thiếp không canh cửi
Chàng để trâu ăn cả lúa trời.



4- Tháng Bảy Nhân Gian:

Tháng Bảy nhân gian mùa "chó động..."
Đực, cái ngoài đường "nhảy tùm lum"
giữa sá, giữa đường coi chướng mắt
Mấy bà "mắc cỡ" vội đi nhanh!

Một cặp trước nhà đang "vướng mắc"
Xung quanh, một lủ lại ầm vang
Ông bực xách cây xua đuổi mãi
Đánh nhiểu, chúng lại sủa càng hăng.

Bà bực mắng rằng: "Đồ lủ chó!
Xấu hỗ không? Sao lại giữa đường
Lại lủ chó hùa thêm nhốn nháo,
Tạt nước cho mầy, biết tay tao!"

Nói đoạn bà bưng thau nước lớn
Tạt ào vào lủ chó hung hăng
Cả đám hoảng lên lo nhảy thoát
Cái, đực "quên vui" chạy mất hồn!



Trong các bài đó bài “Tháng bảy nhân gian” là bài chính yếu can dự vào cuộc chiến, giống như hình ảnh hai con chó đực cái “mắc lẹo”; một đám chó hùa bên ngoài làm rối rắm thêm. Chỉ có vậy thôi mà tôi phải làm thêm ba bài thơ khác trong đó bài “Tháng bảy siêu hồn” cũng thể hiện một số ý hạn chế để khi đăng báo lên người ta không biết tôi muốn nói đến cái gì với những bài thơ đó, ngoài cái tựa chung là “Những bài thơ tháng bảy!”

Sự xung đột ấy ngấm ngầm “nổ lớn” đến những sự kiện lớn xảy ra thật sự khó lường (hay là với một sự trùng hợp ngẫu nhiên?), như tôi diễn tả trong bài viết về việc phá chùa Pháp Hoa ở Nam Úc như sau:



Những Người Tù Của Lương Tâm.

Đồ tôi rất là đau đớn, chán chường, tủi thân mà viết về vấn đề nầy. Nó có đến 3 niềm đau trong câu chuyện chứ không phải 1: Một là cái "shock" của một người Phật tử; hai là cái đau của một người dân "Việt"; ba là nỗi buồn của một người "tị nạn", "ăn nhờ ở đậu" trên xứ người, hoặc nói cho ngon lành hơn là ở trên "quê hương thứ hai" của mình.

Câu chuyện nầy không phải là một câu chuyện có tính chất vui vui mà là một câu chuyện "khá buồn có cần nhiều nghiền ngẫm", nghiền ngẫm cho chính chúng ta, đồng thời nghiền ngẫm cho chính "người gây chuyện" hay nhiều hơn nữa!

Câu chuyện nầy "được" xảy ra chiều ngày 26/6/03, trước ngày vui bầu cử Hội Đồng Quản Trị Cộng Đồng nhiệm kỳ thứ 16 (2003-2005) của Cộng Đồng người Việt Tự do ở Nam Úc hơn một ngày, một chuyện buồn "tự dưng" xảy đến khiến cuộc bầu cử của toàn Cộng Đồng mất bớt đi niềm vui trọn vẹn.

Vào khoảng 3 giờ chiều ngày nói trên có một người "Việt nam" đập bể cửa kiếng đột nhập vào Chùa Pháp Hoa đập phá nơi thờ vong linh người quá cố bên tay phải Chánh điện, đồng thời "tàn phá" từ các đồ trang trí, các pháp khí để hành lễ, đến "tất cả" các tượng trong Chánh điện. Tượng Phật Thích Ca cũng bị xô ngã và bị "người ấy" chọt vào mắt, miệng, tai, trán và ngực. Các tượng khác thì đều đập bể đầu, gãy tay. Nửa giờ sau Cảnh sát Úc đến bắt "người ấy". Người ấy cứ nói là "Thiên Lôi", nhưng có người biết, gọi đến tên thì "người ấy" giật mình quay lại.

Có người thì bảo "người ấy" bị bệnh "tâm thần", người lại hỏi: "Bệnh tâm thần mà biết trước khi vào chùa phá thì đi hớt đầu trọc và mặc "track suit" màu xám để giả dạng Phật tử à?". Người thì bảo "người ấy" hút, xì ke. Có người lại hỏi: "Hút xì ke tại sao không phá các thùng công đức để lấy tiền mà lại phá toàn bộ trong Chánh điện và chỗ thờ vong linh của người quá cố, may là bên chỗ thờ tro cốt của người chết chưa bị đập phá. Và, tại sao người ấy lại biết chọt vào mắt, vào tai, miệng, trán và ngực của tượng Phật?". Đồ tôi nghe mà phân vân không biết nên nghĩ và suy luận như thế nào "để được đúng". Thôi thì dù gì chuyện cũng xảy ra rồi. Quả thật là: "Một sự khủng bố do Vô Minh sai khiến" đúng như Hòa Thượng đã nói trong Thông Bạch.

Như ở trên Đồ tôi đã nói đến 3 niềm đau trong câu chuyện: Niềm đau của người Phật tử, niềm đau của một người dân Việt, và niềm đau của một người "ăn nhờ ở đậu, lấy nhà người khác làm nhà mình".

Đồ tôi mạn phép trình bày về niềm đau "ăn nhờ ở đậu" trước. Để bắt đầu, Đồ tôi xin kể một câu chuyện, chuyện xảy ra vào mùa Hè đỏ lửa: Mùa Hè năm ấy (1972), cuộc chiến bắt đầu sôi động và ác liệt trên khắp cùng các mặt trận. Đồ tôi đưa vợ con cùng một số ít đồ đạc rời nhà đi tìm nơi lánh nạn, đến vùng an ninh hơn mà tạm trú. Đến ở nhà của một ông Cậu vợ, tại đây cũng có vài gia đình đến xin trú ngụ. Chen chút mà trú ngụ qua ngày, đợi chờ tình hình lắng dịu mà hồi cư. Nhưng có một cặp vợ chồng ngày nào cũng chửi lộn nhau ỏm tỏi, thậm chí có lúc lại đánh nhau. Có nhiều người can, khuyên răn nhưng rồi họ vẫn thế! Ông Cậu vợ của Đồ tôi rất ư là buồn! Nhưng người ta đang gặp khó khăn không lẽ ông lại đuổi người ta đi! Ông đành lẳng lặng chịu đựng cảnh ấy cứ liên tục xảy ra trong nhà ông cũng khá lâu. Sau có người "có uy tín" đối với cặp vợ chồng ấy, họ phân tích cho vợ chồng đó nghe: "Mình đang ở đậu trong nhà của người ta, mà ngày nào tụi bây cũng làm như vậy tao thấy kỳ quá đi. Tại sao tụi bây không nghĩ, nếu người khác tới nhà tụi bây ở nhờ mà cũng gây lộn chửi nhau như tụi bây làm bây giờ, tụi bây có thích hông? Hay là tụi bây vác chổi chà mà đuổi họ đi? Tụi bây không muốn ở tạm ở đây thì tụi bây cũng làm ơn nghĩ đến người khác đặng cho thiên hạ nhờ với chớ!". Không biết lời nói ấy có tác động "trong óc" của cặp vợ chồng ấy không, mà sau đó Đồ tôi thấy họ ít gây gổ nhau hơn, và khi nào họ sắp gây nhau thì chỉ sừng sộ rồi "chợt nhớ", lại thôi! Mấy chục năm qua, Đồ tôi lại thấy tình trạng giống như vậy xảy ra trên xứ người. Chắc cũng tại vì: "Mình không xác định được vị trí của mình đang ở đâu? Và đang giữ vai trò gì tại đó? Và cũng không thấy những sắc tộc khác đang nhìn mình như thế nào? Và chủ nhà đang đánh giá ta ra sao?". Ôi! Hoàn cảnh lớn nhỏ khác nhau, nhưng tình hình lại cũng giống như nhau! Thế cho nên nhà viết sử đã chẳng thốt ra câu: "Lịch sử là một sự lập đi lập lại của các sự kiện" hay là "Lịch sử lại tái diễn" đó ư?

Nghĩ xa hơn chút nữa, lại là niềm đau của người dân Việt: Chính người của ta lại hại ta, đem danh dự của dân tộc bêu rếu lên các phương tiện truyền thông của Úc. Nếu Quý vị không tin điều Đồ tôi viết thì mời Quý vị hãy rót nước trà vào ly, ngồi trầm tĩnh "nhâm nhi" tách nước trà, rồi tính lại những điều xảy ra được ghi nhận trên các phương tiện truyền thông, Quý vị sẽ thấy: Vụ thanh niên đâm chém ở Melbourne; vụ Ngô Cảnh Phương; vụ thanh toán nhau ở Tây Úc; vụ đánh bạc ở Casino; vụ Việt kiều Úc về Việt Nam tổ chức đường dây nhập bạch phiến, ma túy sang Úc bị bắt; vụ tàu tị nạn Việt Nam tới đất Úc, rồi tới vụ chùa Pháp Hoa bị đập phá... Ôi! Cuộc đời sao lắm sự! Không biết một ngày nào đó người Việt của ta có giống như người Do Thái bị Hitler đưa vào các trại tập trung không? Hay bị "Cáp duồn" như ở Kampuchia, hoặc giống như người Tàu bị Mã Lai đã xua đuổi họ qua hai thời kỳ. Nếu tới lúc đó ta sẽ đi đâu? Về Việt Nam ư? Đồ tôi không thể tiên đoán được vấn đề? Đồ tôi chỉ cầu mong được yên ổn sống cho hết cuộc đời. Thế thôi!

Những gì xảy ra trong mai sau đó chính là "Hậu quả" của chúng ta "Gây nhân" trong ngày hôm nay vậy!

Niềm đau thứ ba là niềm đau của một người Phật tử: Ngôi chùa nơi thờ phượng tâm linh của mình bị đập phá không đau sao được? Mặc dù Đức Phật đã nói trước rất là lâu trong thời gian không thể tính được (Chư Phật trong quá khứ) mọi vật trên thế gian là "vô thường" không tồn tại, có Sanh, Trụ, Dị, Diệt - Thành, Trụ, Hoại, Không - Sanh, Lão, Bệnh, Tử. "Có rồi sẽ mất, mất đi rồi sẽ sanh ra".

Chỉ trong vài tiếng đồng hồ những người Phật Tử phải tốn hàng trăm ngàn. Ôi! Những con người "Vô Minh": Quý vị có thấy không? Rồi Quý vị có thấy một vết nhơ khác của chính người của ta làm cho dân tộc ta trên truyền hình toàn quốc của Úc không? Nếu người đó là xì ke, ma túy vậy những ai đã làm cho họ như vậy, họ chỉ phá hoại xã hội thôi sao? Tại sao chúng ta không tạo được những điều tốt đẹp cho xã hội mà chúng ta lại làm những điều xấu nhiều như vậy? Vết nhơ ấy sắc tộc ta rửa đến bao giờ mới sạch được đây? Con cháu chúng ta sẽ lãnh mọi hậu quả sẽ xảy ra bằng sự "Vô minh" của chúng ta ngày hôm nay trên tất cả mọi phương diện.

Quý vị tưởng rằng Đạo Phật chỉ là Đạo của những người Phật tử thôi sao? Đó là một sự lầm lẫn thật là to lớn. Đức Phật không phải là Giáo chủ của Phật giáo, mà Ngài chỉ là một Đạo sư, người chỉ đường để chúng sanh khai mở Trí Huệ của mình ra. Ngài là Giáo chủ của cõi Ta Bà trong giai đoạn Ngài là Giáo chủ. Chữ Phật nó có nghĩa là Giác Ngộ thì Đạo Phật chẳng qua là "Đạo Giác Ngộ". Đạo hướng dẫn "Tâm thức" con người, hay nói chung là tất cả chúng sinh, của mọi loài có sự sống, có linh hồn đến chỗ giác ngộ, nhận chân được sự thật của cuộc đời, biết và tìm về nơi chốn thường hằng, vĩnh cữu. Đạo Phật là cho cả mọi loài chứ không riêng của người Phật tử. Con đường giải thoát bằng cách "yên lặng, tĩnh lự, trầm lắng" Tâm của mình lại; dừng lại mọi nghiệp Sát (giết), Đạo (trộm cướp), Dâm (Tà dâm), Vọng (nói dối, đâm thọc); trong sạch Thân, Khẩu, Ý thì sẽ đạt được đạo Tối Cao Giác Ngộ (Vô Thượng Bồ Đề).

Còn Quý vị tưởng Chùa là của Ông Thầy ư? Lại thêm một sự lầm lẫn khác! Chùa là của Thập phương bá tánh. Người khắp nơi đóng góp xây dựng nên, Thầy góp công sức. Chùa là nơi Thầy ở để phụng sự công việc tế lễ thay thế bá tánh, phục vụ cho bá tánh, tu tập và hướng dẫn Phật tử tu tập (nếu thích) theo hình thức Đại Thừa. Thầy là người lái xe, Phật tử là người ngồi trên xe để cùng nhau tiến về mục tiêu Tối hậu.

Đồ tôi nghĩ cũng tức cười: Một tượng Phật ngồi trầm ngâm yên lặng, không màng đến thế sự như vậy mà còn bị xô lật xuống, bị đâm vào mắt, tai, miệng trán và ngực. Một biểu tượng "Giác Ngộ" của "Tâm Thức" như thế mà bị lật đổ thì quả thật thế gian nầy đã quá là "Vô Minh".

Con người, chúng sinh vào vòng Luân Hồi cũng vì Vô Minh. Đã ở trong Luân Hồi rồi vẫn lại thêm quá Vô Minh, vậy biết đến bao giờ mới ra khỏi. Thế cho nên cũng không trách gì chúng sinh đã đóng đinh Chúa Giê-Su trên Thập Tự Giá; đã bắt nhốt giáo chủ Đạo Bahai 's trong tù khoảng 50 năm.

Đồ tôi không biết rồi đây "người gây chuyện" sẽ suy nghĩ như thế nào? Cứ mỗi lần nhớ lại "thấy" tượng Phật "như" nhìn mình với đôi mắt, tai, miệng, trán, ngực bị đâm thì họ sẽ ra sao? Hoặc nhớ lại cảnh tượng tàn phá đó thì họ sẽ thế nào? Chứ trong quá khứ Ông Nobel đã hối hận sự khám phá chất "Cốt mìn" (TNT) mà chiến tranh lại tàn hại thêm, do đó mới có giải Nobel về Hòa bình. Viên phi công thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đã phải sống trong ân hận. Mấy năm trước đây trên truyền hình của Úc có chiếu lại vụ làng Mỹ Lai trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, những anh Mỹ đen Mỹ trắng, trong khi trả lời phỏng vấn, kể lại với những làn nước mắt chảy dài, cả thân mình run rẩy. Đó là những người tù của Lương Tâm. Liệu "người ấy" có "không phải" là người tù của Lương Tâm chính mình hay không? Chúng ta chờ xem vậy!

No comments:

Post a Comment