Thursday, July 15, 2010

Chuyện Người Điên.

Có một lần, Đồ tôi đi với người bạn đến nhà thương điên Biên Hòa để bạn thăm người quen. Đồ tôi không vào bên trong, mà chỉ ngồi bên ngoài phòng đợi. Thế mà, Đồ tôi có lúc thấy trí óc của mình chơi vơi với hành động của một người điên. Bà đang đi vòng vòng theo một vòng tròn trước mặt Đồ tôi. Đồ tôi ngồi trên băng dài, nhìn những bước chân bà bước. Phòng đợi vắng vẻ vì sắp hết giờ làm việc mà trời cũng đã về chiều, chỉ có bà với Đồ tôi. Đồ tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao bà lại đánh vòng tròn đều đặn với những bước chân khoan thai như vậy. Miệng bà lẩm nhẩm trong lúc bước đi. Đồ tôi nghe không rõ, nhưng hình như bà đang "trâm" tiếng Pháp. Với dáng vẻ ấy, Đồ tôi đoán chắc bà phải là người học khá cao. Bà cứ mãi đi vòng vòng như thế theo chiều kim đồng hồ nhất định. Đồ tôi nhìn bước chân bà đi trên mặt đất trong khi lòng có nhiều nghĩ ngợi. Lâu lắm, bà vẫn bước đều, bước đều. Rồi đột nhiên bà đi nhanh lên, càng lúc càng nhanh. Tự dưng đang đi nhanh như vậy, Bà lại xoay chiều bước quay ngược trở lại. Bà không chới với, mà đầu óc Đồ tôi lại cảm thấy chơi vơi! Đồ tôi bỏ cuộc, không dám nhìn theo bước chân bà đi nữa, mà đành đứng lên bước ra ngoài cửa thở hít khí trời, lúc lắc cái đầu để trút bỏ những "nặng nề" của ấn tượng vừa qua. Trong khi đó, một nhóm người điên đột nhiên la lên, rồi đập ca, đập lon, đập bàn, đập ghế chạy loạn xà ngầu trong dãy phòng kế bên. Đồ tôi ngẫm nghĩ: Nếu ở đây lâu ngày chắc mình cũng điên theo họ thiệt!

Trong cuộc đời, Đồ tôi cũng đã chứng kiến được nhiều trường hợp của người điên. Đến nay, Đồ tôi thấy cũng dễ bị điên thiệt nếu không giải quyết được những căng thẳng trong đầu óc. Thất tình người ta cũng điên. Thi rớt, buồn quá, suy nghĩ nhiều quá người ta cũng có thể điên. Té xe, té chạm thần kinh cũng điên. Tức tối, ấm ức lâu ngày cũng điên. Rất nhiều nguyên nhân làm cho người ta nửa tỉnh nửa mê, hay không còn có ý thức kiểm soát hành động của mình nữa, hoặc có những hành động bất thường, thế là điên.

Cái thời gian khiến nhiều người buồn bã, nhiều âu lo, suy nghĩ mà không thể giải quyết vấn đề rồi đưa đến điên loạn nhất là sau 75. Nhiều người đang có một cuộc sống ổn định phải tiêu tán tài sản, buồn hóa điên. Người đi học tập cải tạo về, vợ đã "xa mình", con cái bơ vơ, tứ tán về nội về ngoại hoặc lang thang cũng dễ trở nên điên.

Điên có nhiều hình thức, nhưng chung lại cũng từ sự rối loạn thần kinh, khiến cho con người có những đột biến bất thường từ suy nghĩ, ngôn ngữ, hành động lẫn ưu tư. Sự căng thẳng từ "Trung khu điều khiển" và "dao động" không bình thường của Hệ thần kinh. Nhẹ thì "mây mây", "tửng tửng". Khá hơn thì "quẩn trí", "dở dở, ương ương". Nặng thì đi đến "điên nặng" hay "điên nhẹ".

Ngày xưa, khi Đồ tôi còn là một học sinh Trung học đi học ở trọ trong một ngôi chùa. Trong chùa cũng có một vị cư sĩ nọ từ dưới Sài gòn lên tá túc ở đây. Một ngày kia, Đồ tôi cùng với vị cư sĩ ấy đứng nói chuyện ở trước cửa ra vào của hậu liêu. Đột nhiên, Ông nhìn Đồ tôi chăm chú làm Đồ tôi cảm thấy ngại ngần. Một lúc lâu, Ông bảo: "Sao lạ vậy cà!"; Đồ tôi không hiểu được! Rồi Ông lại nhìn! Đồ tôi hỏi: Bộ mặt con dính lọ ha Thầy? Ông bảo: Không có, nhưng sao lạ vậy cà! Rồi Ông bảo Đồ tôi nghiêng đầu qua một bên. Ông "vạch" mép tai của Đồ tôi coi kỹ. Đồ tôi không biết việc gì, mới hỏi Ông. Ông nói: Ở chỗ mép tai chú mầy có mụt ruồi rất nhỏ, điều ấy cho biết chú mầy vào khoảng những năm 40 tuổi sẽ có thể "quẩn trí" mà không biết việc gì. Nhưng hai Thái dương chú mầy hơi hẹp lại, chứng tỏ sau đó có một biến đổi khiến chú mầy lại nghĩ tới "thiên hạ" nhiều hơn là nghĩ tới chú mầy. Song Ông vẫn chưa tin điều Ông đã nói, Ông bảo Đồ tôi vào bên trong. Ông xem bàn tay trái, rồi tay phải của Đồ tôi. Ông không nói. Ông lại xem qua bài. Đồ tôi "xào" bài ba cái, bắt con bài. Lật con bài ra, Ông lại bảo: Kỳ vậy cà! Làm lại hai lần nữa, con bài bắt ra cũng cùng một "nước" (nước bích) với hai lần trước. Ông lắc đầu: Thôi chú mầy đành chịu thôi! Đó là tại số chú mầy vậy!

Lúc ấy, Đồ tôi không thắc mắc gì. Nhưng đến bây giờ, Đồ tôi cũng phải công nhận: Điều ấy đã xảy ra và Đồ tôi đang đi trên con đường ấy như là một "Định mệnh". Và chính vì "Sự quẩn trí" ấy mà Đồ tôi mới nói "tào lao" về chuyện điên được.

Yếu tố chính để người ta điên loạn vẫn là do sự suy nghĩ quá nhiều. Suy nghĩ vì tức, vì lo, ấm ức hay do một biến cố trọng đại nào đó khiến mình không thể dứt bỏ. Suy nghĩ lâu ngày nhất là về ban đêm làm cho con người mất ngủ, suy nhược thần kinh. Từ đó sức khỏe giảm, con người dễ nhiễm lạnh hoặc nóng hay bị cảm. Con người trở nên "chao dao", xanh xao vàng vọt, yếu đuối. Sự căng thẳng thần kinh làm cho con người nhiều lúc có cảm tưởng như mình đang đứng trên đỉnh núi, chực chờ rơi xuống vực sâu. Nếu không tìm được cách bám víu, giữ cân bằng; mình sẽ "rơi". Lúc rơi ấy chính là lúc mình sẽ lâm vào tình trạng điên loạn. Và từ đó, mỗi lần ám ảnh ấy hiện đến là cơn điên lại nổi lên; mỗi lúc lại thường hơn.

Cho nên, người ta thường cho những người rối loạn thần kinh uống thuốc ngủ là như vậy! Nhưng uống thuốc ngủ thì bị tăng "đô", uống càng ngày càng nhiều đi. Theo một kinh nghiệm mà Đồ tôi được biết: Nếu đã lỡ phải uống thuốc ngủ thì uống theo cách "Giảm từ từ". Người ta đã nói với Đồ tôi như sau: Giả sử mình phải uống bốn viên thuốc ngủ vào ban đêm mới ngủ được thì uống bốn viên liên tục trong ba đêm; Sau đó, uống giảm đi nửa viên trong vòng một tuần lễ. Nếu cơn ngủ được an lành thì tiếp tục giảm nửa viên nửa trong tuần lễ kế tiếp. Cứ thế mà giảm cho đến lúc còn mỗi đêm uống một viên thôi. Rồi hai đêm uống, một đêm nghỉ. Tới: Đêm uống, đêm nghỉ. Và sau nữa, mỗi đêm uống nửa viên, rồi cách đêm để đi đến chỗ bỏ hẵn. Đó là cách mà có người đã kể cho Đồ Ngông tôi được biết, rất có kết quả. Nếu Vị nào, phải uống thuốc ngủ thì cứ làm thử coi! Đồ tôi hi vọng nó sẽ giúp cho Quý vị được ít nhiều!

Có một lần, Đồ tôi nói chuyện với một người điên đã thuyên giảm nhiều rồi. Ông nầy đã từng đi vào Nhà thương điên Chợ Quán (Sài gòn). Ông ta kể như sau:

"Con biết không? Ở trong đó mình tồi túng và mệt lắm! Có nhiều thằng nặng hơn mình nó làm nhiều cái, mình thấy mình điên càng nặng hơn. Nhà thương điên Chợ Quán trị những bệnh nhẹ, hoặc những người mới phát. Còn những người bệnh nặng thì người ta đưa lên Biên Hòa. Ở Chợ Quán thì cái chính là chạy điện. Nói tới chạy điện bây giờ chú vẫn còn sợ. Người ta đem thằng điên vào trong phòng chạy điện, cắm điện vào. Điện làm cho thằng điên nhảy tưng lên rớt xuống, bất tỉnh. Rồi người ta đưa về phòng. Điện nhẹ kích thích sự căng thẳng thần kinh làm cho nó giảm đi, và cơn điên không bộc phát. Nhưng mà phát nổi gì được. Chấm điện là người ta đã bất tỉnh rồi. Chạy điện ghê lắm con à!".

Nghe nói chạy điện làm con người nhảy tưng lên rồi té nằm sóng xoài trên mặt sàn nhà, Đồ tôi nghe ớn lạnh. Cũng may là mình chưa bị điên. Chỉ mới suy nghĩ nhiều, lo âu, tức tưởi vì "tình người sao quá thâm sâu", thân mình nhiều bệnh hoạn, hoặc nỗi buồn kém may mắn. Nhưng lo quá rồi cũng chẳng được gì cả! Chuyện đời nó cứ đến, rồi lại cứ đi! Đồ tôi chán quá đành "mặc kệ". Nó đến thì ta vui vẻ nhận, nó đi thì ta xin chào; Chẳng thèm nợ nần gì nữa cả. Thế mà từ đó Đồ tôi lại an tâm! Và Đồ tôi lại nhớ có lần Tế Điên trong phim "Tế Điên Hòa Thượng" đã nói: "Cái gì nó đến thì nó đến, nó đến rồi thì nó lại đi". A! Thì ra chuyện đến là do kết quả của những nghiệp duyên đã gieo từ xa xưa. Nó không triệt hạ ta, tại vì ta "còn duyên nợ với trần thế", thì ta cứ thảnh thơi sống mà nhìn cuộc đời trôi qua. Thế thôi! Chẳng có gì bận lòng nữa cả!

Từ nhận định đó, Đồ tôi bây giờ rất là bình tĩnh đối với những chuyện đời và đôi lúc khám phá được vài ý niệm, mà Đồ tôi không biết đó có phải là "lý đúng" hay không? Nhưng ít ra nó cũng giúp Đồ tôi có được một số ý kiến nào đó, để viết ra đóng góp với Quý vị, và Quý vị độc giả cũng bỏ thì giờ "đọc giải trí, vui chơi" như bài nầy chẳng hạn!

Đồ Ngông,
05-04-03.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

No comments:

Post a Comment