Thursday, July 15, 2010

Túng Thế Làm Liều !

Nói đến câu tục ngữ "Túng thế làm liều" tức là nói đến sự liều mạng, không phải cần suy nghĩ để tự giải vây trong hoàn cảnh "khó khăn buộc lòng" mà người ta vướng phải. Sự giải vây ấy được thực hiện bằng mọi cách với mọi khả năng của mình. Nó có thể là những hành động bất chấp phạm pháp; dùng võ lực, kể cả hi sinh đến tánh mạng. Lúc ấy, họ hành động như một "bản năng sinh tồn", một khả năng tự nhiên trời đã ban. Họ làm theo sự sống!

Anh chàng nông dân nghèo đói phải đi "trộm nồi cám heo" trong chuyện "Ngọn cỏ gió đùa" của nhà văn Hồ Biểu Chánh cũng là một ví dụ. Và trong hoàn cảnh khó khăn nhiều chừng nào thì người ta "làm liều" nhiều chừng nấy!

Trong những xã hội hoặc hoàn cảnh nghèo đói, sự liều lĩnh của con người thường xuyên xảy ra. Đồ tôi được nghe kể nhiều mẫu chuyện. Nhân lúc rỗi rãnh, Đồ tôi xin viết lại để Quý vị đọc giải trí, giết thì giờ.

Trên đất nước ta không thiếu gì chuyện "làm liều". Nhưng sau ngày 30/4/75 do nơi sinh hoạt của đời sống càng ngày càng khó khăn. Công việc kíếm ra tiền để cung ứng cho gia đình trở nên "nan giải". Chính vì vậy mà "túng thế" người ta lại "làm liều" nhiều hơn.

Trong những thời gian sau 75, nhất là khoảng 77, 78 thời gian mà mọi thứ thiếu hụt. Lúa trên đồng sâu rầy tàn phá, không thuốc xịt. Mặt trận miền Tây càng ngày càng sôi động. Thời gian mà xe cộ đi vào các "Công ty Vận tải"; xăng dầu Nhà nước quản lý; các cánh đồng vào "Hợp tác xã". Cái cảnh "cha chung không ai khóc", đưa vào của chung hay của nhà nước người ta không cần quan tâm nữa; "mất" hay "còn", "tốt" hay "xấu" không "mắc mớ" gì đến "người chủ". Thế là nền kinh tế trở nên thảm hại, đời sống người dân trở nên cơ cực, lầm than: Người ta phải ăn độn tới mức cao điểm. Nhiều gia đình không có gạo đủ ăn, người ta phải dùng đến cám heo, hoặc chuối cây xắt ra nấu ăn độn. Có một lần cô giáo dạy học trò phải "tái mét" mặt mày vì học trò của mình ói và "xỉu" trong lớp học, "té ra" cả hai ngày nó không được ăn cơm, mà chỉ ăn "cây chuối hột xắt nấu canh". Đó là gia đình còn có đạo đức chưa "túng thế làm liều".

Có một đêm nọ, Ông nông dân kia vác "rựa" đi giữ khoảnh "ruộng gò" trồng khoai mì của mình, vì sợ người ta nhổ trộm. Trong đêm khuya, ông thấy bóng của một số người in lên nền trời đi trên đường bờ đi vào đám khoai mì của ông ta. Rồi người ta nhổ, họ bắt gặp ông hỏi ông làm gì ở đây. Ông bảo đói quá đi ăn cắp khoai mì về ăn. Người ta kêu ông xúm nhổ rồi chia. Ông kể lại mà phải tức cười chua chát: "Khoai mì của mình mà mình phải nhổ để chia với những người ăn trộm!".

Rồi lại có người đi ăn trộm khoai mì của người khác mà còn có đạo đức hơn bằng tờ giấy viết "Cám ơn!" để lại. Cũng có người nhận được tờ giấy ghi: "Bần cùng sinh đạo tặc. Không đi ăn cắp vặt, lấy c... họ mà ăn".

Thuở ấy, nếu ai có ngồi ở các quán cà phê vào buổi sáng thì thường được nghe những chuyện về "đói mà đi ăn cắp". Người ta kể và kể thật nhiều! Từ những người đi xoi cá, dùng "nôm" suốt lúa của người ta, số ăn số bỏ vì lúa rơi vãi trên mặt ruộng phải bỏ đi. Người mất khoai lang, kẻ mất bắp. Những kẻ lợi dụng đi "lượm" bao ni-lông rồi lấy đồ của người khác: Từ nồi niêu đến quần áo, đồ đạc. Tệ trạng đến đổi người ta đột nhập vào thư viện các trường học ăn cắp sách giáo khoa đem đi bán ở các chợ cho thiên hạ gói đồ. Xã hội bệ rạc ở khắp mọi nơi! Những con người chân chánh làm ăn phải len lỏi, lao lách làm thứ nào miễn kiếm ra tiền cung phụng cho đời sống. Thế là xe đạp được biến thành xe "thồ" để chở lu, đậu xanh, đậu phọng, than từ nơi sản xuất đến thị thành. Đồ tôi sức yếu nên đi cũng được vài chuyến. Chính vì thế mà hôm nay Quý độc giả mới có dịp đọc đến bài nầy. Đồ tôi được nghe kể lại rằng:

"Có một anh chàng nọ lớn con, sức khỏe đầy đủ đi theo bạn bè lên các điểm kinh tế để thồ than về Thành phố bán. Trong những chuyến đầu trót lọt, kiếm được một số tiền nuôi mẹ và các em. Công việc thồ than là một công việc cực nhọc, tốn nhiều công sức, lại nguy hiểm nữa. Đường lên các điểm là đường rừng, hoặc những đường làng lồi lõm, gồ ghề, lầy lội vào mùa mưa. Cũng nên nói rõ với Quý vị về các "điểm" nầy. Điểm là những khu vực qui hoạch về kinh tế, chúng vốn là vùng thuộc chiến khu D trong thời kỳ chiến tranh. Chúng được đánh số để dễ gọi và xác định vị trí. Người ta đến đó phá rừng, trồng trọt từ cây ăn trái đến cây kỹ nghệ như cao-su, điều, mía; hay trồng các loại cây lấy gỗ hoặc lúa. Song song với việc phá rừng là công việc "hầm than" được thịnh hành. Nhưng trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa là Nhà Nước quản lý về mọi hoạt động kinh tế. Thế cho nên trên thị trường thiếu hụt về mọi thứ. Để đáp ứng vào nhu cầu ấy những hoạt động kinh tế nhỏ được nảy sanh. Chính vì vậy những "xe thồ" ra đời làm các hoạt động kinh tế nhỏ nầy.

Nói đến "xe đạp thồ", chắc Quý vị cũng đã hiểu rồi. Nhưng Đồ tôi cũng xin kể sơ lại, Xe đạp thồ là những xe đạp được cải đổi thành những xe chuyên chở được nhiều kí-lô. Chúng có thể chở đến khoảng trên 200 kg cộng luôn người cỡi. Để chở nặng "Niềng" (vành) và căm xe đạp phải to và có sức chịu đựng cao. Sườn xe phải hàn thêm các miếng sắt ở chỗ nối để tránh gãy mối hàn và chắc hơn. Cái ba ga cũng phải được chế tạo chắc chắn hơn. Để chở dễ dàng mà không bị sức nặng phía sau lắc lư chiếc xe, người thồ thường cặp thêm hai cây hai bên sườn xe đạp lẫn ba ga, có khi dài quá khỗ để giữ vật chở được gọn gàng, không đổ qua đổ lại. Xe đạp thồ được xuất hiện tải chiến cụ trong thời kỳ chiến tranh, nhưng nay trở thành phương tiện chuyên chở để đi bán "đồ lậu". Đồ tôi xin trở lại vấn đề.

Anh chàng ấy có một tình nhân, cũng đi chở than. Thường thì hai người đi chung. Sau những chuyến đầu trót lọt, cuộc sống gia đình tạm lây lất qua ngày. Nhưng sau đó thì gặp vận rủi; vả lại, chính quyền lúc ấy cũng ra lệnh gắt gao. Đám kinh tế và kiểm lâm bắt quá. Anh ta bị mất than đến cả mấy lần. Lần sau, anh ta quyết định bán món vật mình yêu thích để đi một chuyến nữa; nếu thất bại, anh ta sẽ chuyển sang nghề khác! Phải thức khuya, dậy sớm; phải đi vào những con đường khó khăn trong rừng; phải ráng sức, è ạch đẩy chiếc xe vượt đồi với sức nặng trên 200 kg; phải đổ mồ hôi, mệt nhọc dưới ánh mặt trời gay gắt giữa đồng khô cỏ cháy của đất miền đông; phải đi đường vòng hầu tránh những nhóm kiểm soát của công an kinh tế lẫn kiểm lâm. Thế mà! bây giờ anh lại gặp công an kinh tế nữa rồi. Cũng may nàng tình nhân của anh chuyến nầy bận công việc không đi cùng. Anh bị chận lại ngay trên đầu dốc. Dù anh năn nĩ thế nào anh chàng kinh tế cũng không cho, bắt anh phải trút bỏ số than lên cái "rờ-moọt" của chiếc máy cày. Nhìn số than của mình, nhìn cái rờ-moọt và thoáng nghĩ về tình cảnh gia đình rồi nhìn lại hai nhân viên kinh tế, anh thấy chạnh lòng. Tức cho cuộc đời nầy, tức cho tình thế, tức cho tình người. Anh nhìn đến cây súng của một nhân viên kinh tế treo ở phía sau rờ-moọt. Anh từ từ đẩy chiếc xe đạp than đến phía sau rờ-moọt, tháo dây "ràng" rồi đặt bao than nhỏ, bao than lớn, và đến bao than lớn cuối cùng vào trong rờ-moọt. Bỗng nhiên, anh lẹ làng chụp cây súng, lên đạn và nhắm về nhân viên kinh tế xả súng bắn. Một tay ngã quỵ chết tại chỗ, một tay không trúng đạn. Chỉ tội cho người lái máy cày bị trúng đạn ở mông đít, bị thương. Người ta kể tiếp: Sau khi bắn chết một viên kinh tế ấy thì anh ta cũng tự bắn chết mình luôn. May mắn "cô bồ" của anh ta không chứng kiến cảnh ấy. Đồ tôi được anh bạn chỉ cho thấy người con gái ấy một lần. Cô ta khá lớn con, xinh người, chở than trông cũng mạnh mẽ không thua gì đàn ông; nhưng chắc chắn mạnh hơn Đồ Ngông tôi nhiều. Anh bạn Đồ tôi nói: "Dù gì cũng tội nghiệp tụi nó. Đàn bà con gái đi than, chở nặng về già bịnh chết đi thôi! Nhưng thời thế đã vậy thì phải chịu vậy! Cũng như tao với mầy!" Nói xong, anh bạn Đồ tôi phá ra cười. Còn Đồ tôi lại suy ngẫm về một lý thuyết Đại đồng "Thiên đường của người Vô sản".

Đồ Ngông,
29-03-03.

No comments:

Post a Comment