Saturday, July 3, 2010

"Thiện" Hay "Ác"?


Thuở thời gian mới lên Trung học, Đồ tôi đã được học đến câu: "Nhân chi sơ, tánh bổn thiện, tánh tương cận tập tương viễn" (Ban đầu, tánh con người vốn thiện, hiền lành; nhưng vì gần gũi nên tập, bắt chước nên tánh càng ngày càng xa). Rồi sau đó thì học một quan niệm ngược lại: "Nhân chi sơ, tánh bổn ác". Bọn học trò Đồ tôi lại khoái cái quan niệm sau nầy, mục đích chỉ là để chọc ghẹo nhau chơi, chứ không cần biết là thiện hay ác; cái nào đúng hoặc sai chẳng thành vấn đề.

Trong đám bạn bè hồi đó, có thằng bạn lúc nào cũng "rắn mắc", đến lúc có vợ con cũng vậy, không thay đổi. Mỗi khi có đứa nào làm sai, hay có tính ác, lợi dụng nào thì nó cứ nói: "Người xưa đã bảo rồi mà "Nhân chi sơ, tánh bổn ác" thì nó làm việc ác, không phải, đâu có gì là lạ!", nói xong nó "phá ra" cười, cả bọn cười theo. Đường đi học mười mấy cây số cưỡi xe đạp đi, về đã trở thành ngắn, khoẻ hơn cũng nhờ nó một phần nào.

Lớn lên, biết bao nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi mình phải làm việc, Đồ tôi quên bẳng đi "Nhân chi sơ" tánh bổn thiện hay là ác. Đến bây giờ tự dưng nhớ lại, ngồi viết ra để Quý vị xem, coi như là "trao đổi" với nhau vài quan niệm, ý kiến trong cuộc đời: Xem cuộc đời là Thiện hay là Ác?

Nhìn chung quanh, từ cuộc sống cho đến tình hình chính trị, chiến tranh; có lẽ ta không thể nói là "Thiện" được. Con người tranh nhau, giành giựt, moi móc, chửi bới, lường lận, gian tham..; luôn luôn giành phần hơn, phần thắng bằng bất cứ hình thức nào, kể cả thanh toán mạng sống với nhau. Chẳng có mấy "chỗ" gọi là thiện cả? Chẳng qua là: Chỉ ở trong các "Tôn giáo chân chính" và những con người quyết tâm sống một đời Thánh thiện mà thôi!

Đồ tôi nói đến "Tôn giáo chân chính" là nói đến một sự giới hạn, vì hiện tại cũng có nhiều Tôn giáo nhưng tôn chỉ nhằm phục vụ, vinh danh cho Giáo chủ hoặc Giáo hội; chứ không phải vì Chân lý, nhằm đem Chân lý để phục vụ, cứu khổ, cứu rỗi cho con người. Tất cả sự kiện ấy có thể do con người đặt để vào trong giáo lý hay thêm vào để hướng dẫn, khích động tín đồ với một mục đích nào đó. Chung qui mọi việc phát khởi cũng do từ cái "ngã" của con người. Cái "Ta" và cái "Của Ta" bao giờ cũng phải hơn, thắng cái "Của Người". Vì thế, mà trong Kinh Thánh ghi:

"Đức Chúa Jêsus gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ, mà phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu. Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng”. (Ma-Thi-Ơ 18:2,3,4)

Tại sao lại như thế? Vì đứa trẻ nó hãy còn vô tư, chưa tiêm nhiễm những lòng tham, sân, hận của con người. Cái "ngã", nhu cầu "Cái Ngã" chưa trở thành vấn đề to lớn trong tư tưởng, hành động, nguồn gốc của mọi hành động như ở người lớn; chưa nhuốm vào những tội lỗi của cuộc đời. Thế nên giống như đứa trẻ thì dễ vào trong nước Thiên đàng là một sự hiển nhiên.

Từ đó, ta có thể suy luận ra rằng: Con người khi sinh ra "có thể" vốn Thiện, hay đúng hơn, như trong dân gian thường nói: Trẻ con như tờ giấy trắng. Tờ giấy ấy tùy theo môi trường, hoàn cảnh xã hội mà ghi các ghi nhận trên đó. Con người nhỏ tập quen những nét, tánh của con người lớn trong môi trường chung quanh, cùng với thiên tư của mình mà phát triển thành tốt hay xấu, thiện hay ác. Điều ấy ta có thể được chứng minh trong truyện: "Mẹ hiền dạy con": Thuở nhỏ, vì nhà gần nghĩa địa nên Thầy Mạnh Tử bắt chước cảnh chôn người, than khóc khiến bà mẹ phải dọn nhà ra chợ. Nhưng khi ra chợ, Thầy Mạnh Tử lại bắt chước cảnh buôn bán điên đảo, bà mẹ lại nói: "Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được". Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Thầy Mạnh Tử bắt chước trẻ học tập lễ phép, cắp sách vở. Thầy Mạnh Tử học chuyên cần, về sau trở thành một bậc đại hiền.

Người ta bảo:"Cuộc đời là một trường tranh đấu". Quả thật như thế! Vì miếng ăn, vì cuộc sống, vì lợi lộc riêng tư, vì danh, vì sung sướng... Người ta đã làm tất cả để đạt được. Đứa nhỏ nó "chưa biết" nên chưa giành giựt, nó còn chơi với nhau, thân thiện, chia sẻ như là một bản năng. Rồi lớn lên, nó cũng biết nạnh hẹ, tránh né, "thấy ăn thì đến, thấy làm thì đi"... Mọi điều ấy Đồ tôi không biết là bản năng hay là tập tánh. Nếu là tập tánh, thì đó chắc chắn phải là "Tánh tương cận tập tương viễn" vậy. Do đó, "nhân chi sơ" tánh có thể là thiện, nhưng chưa hẳn là thiện hoàn toàn; vì con người thể hiện những tánh xấu một cách nhanh chóng, nhanh đến độ muốn chóng mặt.

Về sau nầy, Đồ tôi được một người giải thích theo quan niệm "Quán Tịnh", Quán Tịnh tức là sự trầm tư, tĩnh lự để mà khám phá như Phật Thích Ca ngày xưa. Đồ tôi không muốn nói là "Quan niệm theo nhà Phật" vì e rằng các vị khác tôn giáo sẽ "bỏ qua" một cơ hội "Trầm Tư". Hãy "Trầm Tư" rồi ta sẽ khám phá được vấn đề, dù theo bất cứ tôn giáo nào. Trầm Tư là của nhân sinh, của Tâm Thức con người; không là của riêng ai. Người kia giải thích cho Đồ tôi như thế nầy:

"Con người ta, hay đúng hơn là tất cả mọi loài đều có cùng một xuất xứ, xuất xứ ấy là "Cõi Chân Như", một cõi rất là Thiện, thiện từ tâm cho đến cử động, cảnh. Thiện bao trùm cả mười phương thế giới. Nhưng vì người ta mê lầm, tưởng có thân xác là vui sướng, "ngon lành" nên người ta đã mượn các chất (đất, lửa, gió, nước) để kết thành thân xác. Rồi với "nhu cầu" đáp ứng cho thân xác mà người ta vương vào tội lỗi. Do nơi muốn sướng, ấm, ngon, đẹp, danh vọng... mà người ta phải làm trối chết; người ta không từ mọi thủ đoạn để tranh giành với nhau. Biến cuộc đời nầy thành một trường tranh đấu, và là "một biển khổ" mênh mông. Cũng tại vì ta có "Cái Ta"! "Cái Ngã" ấy quá to lớn, vĩ đại! Nó điều khiển tất cả mọi cử động của ta, khiến ta quên mất "Điều Thiện". Chứ không phải "Nhân chi sơ, tánh bổn ác". Những điều nầy cũng được thể hiện ngay cả trong các tôn giáo nữa, nếu không thì: “Sao có chiến tranh tôn giáo hay bắt người khác phải theo đạo của mình?”.

Bởi thế, các vị Bồ Tát sau khi trầm tư đã "Ngộ" được liền phát nguyện những "Đại Nguyện" thật là to lớn để tiến lên được quả vị Phật, là "Bậc Đại Giác".

Người ấy giải thích xong, còn hỏi Đồ tôi: "Thế Đồ ngươi nghĩ thế nào?". Đồ tôi yên lặng, chìm trong trầm tư một lúc, rồi nghĩ miên man: "A há! Như vậy là "nhân chi sơ, tánh bổn thiện", nhưng từ khi "có thân xác" con người đã dần chìm vào "bản ác", chứ đâu có đợi đến "tánh tương cận, tập tương viễn" đâu nào!

Đồ tôi thì nghĩ như thế, còn Quý vị thì lại nghĩ ra sao? Đồ tôi không biết được!

ĐỒ NGÔNG,
13-03-03.

No comments:

Post a Comment