Thursday, July 15, 2010

H.T Chữ Nghĩa 20: “Ủy Ban Soạn Thảo Bản Tu Chính Nội Quy” Và Sự Từ Nhiệm!

Cộng đồng người Việt ở tiểu bang Nam Úc nầy là một cộng đồng nhỏ, chỉ mười mấy ngàn người thôi, nhưng nó trở thành cộng đồng tranh giành lãnh đạo và phân hóa tồi tệ nhất trong các tiểu bang. Và nó lại được những người “ở tiểu bang khác” chõ mỏ vào nhiều nhất. Trước kia thì có Trương Minh Hòa ở Tây Úc, nay có hai nhà thơ khác là Nam Man và Cô Gia từ trên Sydney “vói” xuống. Hết Tây rồi lại tới Đông, tất nhiên tờ báo cũ lẫn những nhà thơ “chửi” tại địa phương và những nhà thơ “có tiếng” của Liên Bang phải chịu trách nhiệm về sự “Tan nát, phân hóa” và sự bất ổn của Cộng đồng người Việt ở tại Nam Úc nầy. Dân chúng riết rồi cũng mệt mỏi! Những đứa trẻ không thèm đụng đến báo tiếng Việt nữa. Thậm chí hôm nọ có một đám tiệc, những đứa trẻ ngồi lại với nhau bình phẩm những con người “già ở không làm bậy”, chúng buột miệng một câu tôi nghe mà đau lòng, nhưng không thể nói với chúng vì câu “Những thằng cha già mất dạy!”. Tôi biết chúng muốn nói đến những “ông già mất nết”, nhưng tiếng Việt của chúng là như vậy. Tất nhiên, những người trong cuộc ấy không nghe được câu đó. Cuộc đời có nhiều oái oăm thật!

Tôi tưởng rằng Hội Đồng Quản Trị Cộng Đồng muốn hướng thiện và đi tìm con đường, giải pháp tốt hơn để đem lại sự bình yên cho cộng đồng khi quyết định thành lập “Ủy Ban Soạn Thảo Bản Tu Chính Nội Quy” (UBSTBTCNQ) vì Bản Nội Quy cũ có một vài vấn đề không hợp lúc nữa. Ủy Ban ấy được công bố thành lập vào ngày 15/10/2006 để thu thập ý kiến, soạn thảo lại bản Nội Quy nhằm đem đến sự ổn định cho cộng đồng về sau, nhưng sau hơn 5 tháng hoạt động Ủy Ban cuối cùng đã Từ nhiệm vào ngày 25/3/2007. Trong “Thư giải thích về Việc Từ Nhiệm” của Ủy Ban Soạn Thảo có viết:

“Dù biết rằng sự ở lại của Ủy Ban không còn cần thiết dưới cách nhìn của HĐQT (Hội Đồng Quản Trị), tuy nhiên vì thấy rằng quý hội đoàn và đồng hương đã đề cử một số anh chị em chúng tôi vào trách vụ nầy, cho nên trong buổi tham vấn kỳ II hôm nay, chúng tôi đã dự tính xin thỉnh ý quý vị hiện diện là quý vị có còn muốn Ủy Ban chúng tôi tiếp tục làm công việc soạn thảo nội quy hay là chúng tôi phải ra đi vào tháng tư chiếu theo thông báo mới (23/3/2007) của HĐQT. Nhưng tiếc rằng sự thỉnh ý đó đã không thực hiện được chỉ vì ông Chủ Tịch cộng đồng đã không điều hợp được buổi thảo luận trong ôn hòa nên đã khiến xảy ra những tranh luận gay gắt, đưa đến những xáo trộn và hỗn loạn rất đáng tiếc. Vì muốn giữ hòa khí trong cộng đồng, chúng tôi phải chọn quyết định từ nhiệm và cũng do chúng tôi đã không còn tin tưởng ở HĐQT, khi phải làm công việc thiện nguyện này trong những điều kiện bị bội ước, đầy những khó khăn cản trở. Một lần nữa chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đại diện các Hội đoàn, Đoàn thể và quý đồng hương đã tích cực ủng hộ chúng tôi về mọi phương diện trong thời gian qua.”

Tôi cũng trông chờ Ủy Ban Soạn Thảo Bàn Tu Chính Nội Quy có làm được một bản Nội quy mới hay không và hi vọng với kết quả của một Bản Nội Quy mới sẽ đem đến cho cộng đồng chung một sự an bình. Tuy nhiên, điều ấy đã không đến; và sự can thiệp kêu gọi của tôi tự bấy lâu nay cũng không có tác dụng là bao, vì đó là “âm mưu” mà người ta chỉ muốn có chiến thắng với bất cứ thủ đoạn nào. Tôi đành viết những bài thơ sau:


Ông Cứ Ngồi!

Ông muốn ngồi cao, ông cứ ngồi
Bao giờ ông chán thì ông thôi!
Ông ham thì cứ làm cho chán
Đến chết, đến già cũng được thôi!


Tớ chẳng thèm đâu, tớ chẳng giành
Sá gì một chút bả hư danh
Có "thơm" hay "liệt" do danh cả,
Ông muốn bao nhiêu, cứ đến giành!


Tớ mãi vui cùng đứa tuổi thơ
Nên quên "ông lớn" tự bao giờ
Ngẫm ra tớ lại: Ừ, ông nhỉ!
À há! Thì ra cũng "nước cờ".



Chỉ Có.

Chỉ tại thời gian mà lắm công
Cản chi cho cực lại phiền lòng
Ai làm cứ kệ "làm cho chán"
Khi chán thì ra họ lại dông.


Ông muốn bao lâu, ông cứ làm
“Làm” thì cho “tốt”, “tốt” ông “làm”
Mai kia chỉ sợ không ngồi được
Thân liệt danh tàn "trốn" chẳng cam!


Con chốt qua sông, cũng chốt hờ
Ra thân chốt thí, cũng con cờ
Cờ tàn cũng lại do quan tướng
Chốt có tung hoành cũng tại mơ!



Cũng Khéo Cho Ông.

Cũng khéo cho ông hay tính toán
Tài cao học rộng nhiều suy đoán
Không xong thế cuộc, rút tay về
Chẳng được tình hình, buông một thoáng
Bỏ sức ra công, cho mọi người
Góp tài đem trí, vì công chúng
Chẳng nhân, chẳng nghĩa, chẳng ân tình
Thứ ấy có gì...! Đành tính toán..!



Mừng Hụt!

Tớ tưởng rồi đây tớ hết ngông
Nhưng mà, ..Thôi..! Chán..! Lại đi đong!
Té ra yên ổn chưa hề thấy
Chỉ thấy "ùm" ra: Lại cộng đồng!


Cái ban soạn thảo bấy lâu nay
Ra sức góp tài, nếm đắng cay
Không bổng không lương mà bị trách
Vội vàng bỏ cuộc chạy đi ngay.


Có chắc rằng sau tớ hết ngông,
Thiệt tình tớ chẳng "biết" hay "không"
Có còn "lộn xộn" thì "thương" tớ
Dở dở, ương ương lại hóa ngông!



Tớ Tính.

Nhất quyết phen này tớ góp tay
Ý thêm, tu chính nội quy này
Mãi lo moi óc tìm cho được
Cứ nhớ trong tim những cái hay
Rồi nhắc, rồi cân mà chửa dám
Thụt lui, thụt tới vẫn im ngay
Nhưng mà đã lỡ! Đâu còn nữa
"Từ nhiệm" đi rồi! Mất dịp may!


Nghe Ông.

Tớ lại nghe ông thích "nổi" lòng
Mà sao ông lại trở nên ngông
Đứng lên ngồi xuống, oai ra phết
Hò lớn hét to, dữ tợ "mòng"
Thế sự đa đoan, đâu dễ tính
Chuyện đời lắm nẻo, khó cho lòng
Ông ngông, tớ tưởng ông giành tớ
Tớ đã ngông rồi, lại kém ông!



Cảm Hứng! (1)

Tất cả đều vui, ta với nhau
Hả hê sung sướng đứng lên nào
Ra về thoả mãn trong lòng chứ?
Ở lại hài lòng thật xiết bao!
Soạn thảo chưa xong, còn áy náy
Cộng đồng chẳng được, vẫn nôn nao
Vỗ tay chi "lạ"! Hả hê "quái!"
Tất cả đều vui, ta với nhau!....!

(1)Cảm hứng khi đọc đến câu sau (ở phần cuối biên bản của phiên họp "Tham vấn kỳ II ngày 25/ 3/ 07" -báo Nam Úc số 587 ngày 30/ 3/ 07, trang 13): "Đồng hương: Vỗ tay vui cười hả hê vang cả hội trường, và đồng loạt đứng dậy ra về"


Dân Chủ?

Dân chủ? Như là,... Ấy,..! Vậy sao?
Thế mà tớ tưởng...! Thật?...Thảo nào,...!
Hèn chi “dân” có mà không “chủ”
Chỉ thấy quan cần quan mới giao.
Quan muốn trên cao cho thỏa chí
Dân yên dưới thấp chớ xôn xao!
Trò chơi dân chủ, vui không hỉ?
Thời buổi bây giờ,... Vậy, chớ sao!


Xin Đừng...!

Xin đừng lật tẩy nữa ông ơi!
Ván phé vừa xong thật tuyệt vời!
"Phú lủng" mà ra thành đại thắng
Con bài lả tả... Một ván chơi!



Ông làm...!

Ông làm "biên bản" quả thật hay!
Tớ tưởng không ai qua nổi Ngài
Văn chương chữ nghĩa thì ăn đứt
Ý tưởng ngôn từ chẳng kém ai!


Nếu có mai nầy, hội nghị cao
Ông nên hứng chí nhảy ngay vào
Hai tay tớ sẽ tung cao "với"
Ủng hộ hết mình, ủng hộ cao.


Tớ nghĩ rồi ra tớ với ông
Chúng mình liên kết, chắc như "chông"
Không còn đối thủ chen chân tới
Hỉ hả vui cười tớ với ông!



Uổng Công!

Uổng công tớ lại ngóng, mong, trông
Mà lại còn chi,... Tớ ước mong
Năm ngón bàn tay năm ngón nhỏ
Đếm đi đếm lại chỉ hoài công!


Tớ cứ trông hoài những góp công
Của Ban Soạn Thảo lẫn ngoài công...
chúng đưa nườm nượp mong rồi được
Cái Bản Nội Quy của Cộng đồng.


Tớ tiếc làm sao, thật tiếc là
Công lao hạn mã, sức nhiều mà
Thế ra cái sức:... "Chơi vui thế!"
Có tiếc..., cũng ra... "...mất khôn"... à!



Trái Bi.

Trái bi thụt mạnh bị ra ngoài
Lơ lửng cây dù, quanh quẩn đai
Còn lấy chi đâu mà trúng đích
Tại vì thụt mạnh lỡ cơ tay.


Và tiếp theo những bài thơ “vô vọng” vì do tâm địa con người quá thâm sâu nên không cần biết đến ai. Tôi viết cho tôi như sau:

Chẳng Biết.

Có biết gì đâu, chẳng biết gì
Ngồi buồn tớ lại viết chi chi
Viết vui, viết phá người đôi chút
Vẽ bậy, vẽ bùa chúng một khi.
Cái thuở "nhì ma" thêm ngứa ngáy
Ở thời "nhất quỷ" lại lầm lì
"Thứ ba" trò học điều ma quái
Đến đỗi già đầu, thật quá đi!



Hỏng Rồi!

Ai biểu ngày thơ chẳng học hành
Mấy câu nho nhỏ lại không rành:
Mất ngon chỉ tại vì no quá,
Bỏ trí cũng là bởi giận nhanh.
Thoáng chốc, lòng sân hư đại cuộc,
Thoảng qua, si hận phá tanh bành.
Nay già tớ lại đành tu tĩnh
Còn có là hơn chẳng chịu hành.


Viết Mà Chơi!

Buồn buồn viết láo mà chơi
Mua vui thiên hạ, nụ cười ươm môi
Đem hoa cống hiến cho đời
Vài câu ngẫm nghĩ, sự đời đắng cay.
Ngày đi rồi lại qua ngày,
Trăm năm không đủ, học hoài chưa xong!

Lạy Quan!

Lạy quan tớ lủ dân đen
Buồn vui cứ mãi xách đèn đi chơi
Chuyện đời cứ mặc cho đời
Đôi khi quên hẳn quan ngồi trên cao
Quan ơi! Quan có dạ nào
Xin đừng đánh "rắm", thúi đầu dân đen.
Nếu quan mắt tỏ hơn đèn
Xin soi vào dạ với lòng của quan!



Sự Đời.

Sự đời lắm những trái ngang
Mượn người xây dựng con đàng tiến lên
Lên cao chót vót chênh vênh
Ra thân, ưỡn ngực, kênh kênh, ngó trời.
Khi vào nghịch cảnh chơi vơi
Nương người cứu hộ, cuộc cờ trao tay
Âm mưu sắp sẵn con bài
Không ưng theo ý, dẹp ngay không màng.
Cuộc đời lắm sự lòng lang
Trùng trùng dạ sói, biết đàng nào xa!


Tự Chửi Mình!

Quả một thằng ngông, ngông hết biết
Chuyện đời mắc mớ vương chi riết (mãi)
Có ngu thì nhớ còn chừa chỗ
Lỡ ngốc chẳng quên đừng chiếm việc.
Thiên hạ um sùm tiên tổ kệ
Nhân gian náo loạn mẹ sư miết. (mãi miết)
Xía (chen, xen, tham dự) chi nhọn mỏ cùng vô loại
Mắc mớ thứ gì mà chịu thiệt...!



Thương Ông.

Tớ thấy thương ông, thương lạ lùng
Bởi vì giận dữ trở thành khùng
Tưởng rằng tớ đã ngông là quá
Nào biết ông thành khùng lại hung (nhiều lắm!)
Cái giận không đâu càng trở lớn
Cơn thù chẳng dứt khiến sôi bùng.
Giận chi giận dữ trong lòng thế
Lộn mãi lên đầu, rối tứ tung.



Và trong văn xuôi ở chuyện “Tào Lao Thế Sự” một loạt bài xuất hiện đều được đăng trên Tập san Né (không nơi nào khác):


Sợ!

Ông Trời mới thật là lạ! Không biết Ông nghĩ thế nào mà đã sinh ra con người; xong, lại khiến cho con người cái bịnh "sợ". Sợ không phải chỉ trong thời còn con nít, đến ngay khi cả lớn lẫn già cũng hãy còn sợ. Thậm chí lúc gần chết, người ta cũng chẳng ngán cái sợ bao giờ! Thật là quái đản! Không biết Ông có ỷ mình là Ông Trời mà Ông cố tình ban cho con người như vậy hay không? Hay là Ông lại "sợ" con người đầy đủ trí khôn, mạnh lên rồi chiếm mất vị trí của Ông đi chăng? Nếu thế thì Ông cũng lại sợ nữa rồi! Thì ra Ông tạo con người để cho giống Ông! Quả thật là Ông thông minh thật! Con không giống cha thì đâu phải là con, nên con người giống Ông cũng chẳng có gì là lạ. Thôi bây giờ không thèm phân tích với Ông nữa, không khéo Ông lại bảo: Đúng rồi! Đúng... tụi bây đúng là con của tao sinh ra, tao sinh ra cả lủ, tao muốn tụi bây tiếp tục sinh sản thêm ra cho đầy mặt đất, nhưng mà tụi bây phải biết sợ tao cũng như tao biết sợ tụi bây vậy. Chúng ta là Một, cũng là cha với con mà!

Ôi! Quả thật là sợ, sợ tràn lan khắp chốn, từ trẻ cho đến già, từ cá nhân cho đến đoàn thể, từ độc lập cho đến đảng phái... Sợ hiện diện ở khắp mọi nơi kể cả trong loài cầm thú sâu bọ. Nếu không sợ ma sợ quỷ, thì cũng sợ chết, sợ bị thương. Nếu không sợ bị cướp mất những gì của mình sở hữu thì cũng sợ sự thật, sợ Chân lý. Kể cả những người làm cho Chân lý cũng sợ cái Sự thật của chân lý! Đó mới là điều oái oăm! Người ta sợ sai lầm, khuyết điểm để rồi che dấu sai lầm, khuyết điểm "như mèo dấu c..". Thế mà, tại sao Ông Trời không để cho loài mèo cai quản thế gian nầy, có vậy có thể sẽ được tốt hơn không?

Con người là loài có nhiều trí khôn nhất, Ông trời ưu tiên như thế đó. Nhưng ai biểu Ông lại tạo cây biết điều Thiện Ác ở giữa vườn địa đàng để làm gì? Và Ông nghĩ như thế nào lại tạo nên con rắn thông minh như thế đó. Nó đâu có ăn trái cấm như con người đâu, mà sao nó lại biết ăn trái cây ấy sẽ được mở mắt ra và khôn như Ông Trời để rồi nó dụ người nữ. Ôi! Quả thật Ông chính là Ông Trời có khác!

Thôi, thì cũng do Ông mà Đồ tôi lúc nhỏ không dám đi chơi khi mẹ bắt phải coi chừng nhà, mặc dù cửa nẻo có khóa kỹ càng vì sợ chúng ăn trộm cạy cửa chun vào trộm mất đồ đạc, chứ không sợ người ta "rinh" nổi cái nhà. Lại nữa, Đồ tôi cũng không dám đi xa, chỉ chơi lòng vòng chung quanh; chơi ở chỗ nào mà có thể trông chừng được cái nhà. Thế là Đồ tôi chỉ chơi chung với đám con gái, chơi đánh đủa, đánh sò, nhảy cò cò... có khi kiêm thêm nghề giữ em, như vậy Đồ tôi bị bịnh sợ má về nhà không thấy mình coi chừng nhà thì lại bị đòn, do đó Đồ tôi thân khá "trộng" mà lại sợ cái roi bé tí xíu. Có những lúc, có người giữ em, giữ nhà Đồ tôi lại được đi theo bạn bè lang thang trên đồng ruộng bắt cá lia thia, tát cá, mò cua; hái trái trâm dọc theo các đường nước; đi tắm suối hoặc đi lên gò để đào dế, hái trái táo gai, trái cơm rượu, trái mua, trái sim tùy theo mùa; vào rừng để hái trái giấy, trái bứa, trái cù lần, trái săn mã, trái trường, trái gùi, cơm nguội, trái xay. Lại có hồi cùng nhau đi ăn cắp điều, mít, hồng quân, ổi... rồi lại sợ người ta bắt; thoáng thấy bóng người đi ra hô nhau chạy. Đi ngang đồng vắng, gò mã thì lại sợ ma. Đến lúc một lủ kéo nhau về thì chui vào mấy lò chén ăn cắp đất sét để nắn đồ chơi thì người ta dí chạy vì sợ bị bắt, rồi "mắng vốn" thì sẽ bị đòn. Chơi rồi kéo nhau xuống nhảy mạch để tắm, làm dơ nước uống nước xài của cả xóm, người lớn thấy rượt bắt, nên sợ chạy có cờ, chạy té khói chẳng kể hàng rào, bụi gai.

Ban đêm có trăng thì tụ tập chơi u bắt mọi, đánh khăn, kéo co, trốn bắt... Xong rồi ngồi nói dóc hoặc kể chuyện ma, nghe thì khoái đến tối ngủ cứ tưởng nhớ rồi không dám ngủ, hoặc phải kéo mền trùm đầu kín mít vì sợ có con ma nào tới nhát, ngay cả nữa đêm đi tiểu cũng phải ngập ngừng, không dám dậy. Cứ nằm trăn trở mà nhìn vào bóng đêm.

Thời con nít thì cứ hay sợ như vậy, cứ mong cho mình mau lớn để mình được đỡ sợ hơn. Nhưng rồi cái sợ mà ông Trời ban cho cũng biến đổi theo từng thời gian; ba má bây giờ thì đã ít đánh đòn, nhưng lại sợ bị rầy bị la có khi bị mắng bị chửi; kẻ lớn thì ít ăn hiếp, nhưng không khéo thì bị lợi dụng, bị lừa bị gạt. Trên đường đi học thì sợ bị "dính" vào chỗ giựt mìn, bị lọt vô giữa vòng hai phe đang đụng trận; học thì sợ dở, nhưng mà ngu quá thì biết làm sao đây? Trưa nắng đi tắm sông mình thì không sợ, nhưng những người lớn thấy họ sợ cho mình bị chết đuối, họ cản ngăn mà ý mình không thích. Học đến kỳ thi thì lại sợ không làm bài được, bị điểm thấp sẽ bị ở lại. Đến những kỳ thi tuyển, tốt nghiệp thì xúm nhau học trối chết vì chỉ sợ rớt. Học quên ăn, quên ngủ, học đến xanh xao vàng vọt, ba má sợ đành kêu đi mua thuốc uống hay đi khám bịnh, thế vẫn chưa chịu đi vì sợ tốn tiền. Lớn thêm chút nữa thì lại bắt đầu biết yêu, thấy cô nàng vừa ý, hợp nhãn bắt mắt lại cảm thấy bồi hồi, tim đập thình thịch mà sợ, không biết làm sao để nói, rồi cắn đắn so đo mình nghèo mình giàu, học giỏi học dở, mình xấu xí chẳng điển trai, sợ nàng không ưng thì buồn lắm! Mà không nói thì thằng nào khác rước mất thì sao? Nghĩ thế mà cứ buồn, cứ lo cứ sợ. Ráng suy nghĩ, tính đi tính lại để phải nói thế nào: Hoặc viết thư, hoặc nói, hoặc nhờ bạn bè, hoặc kiếm cơ hội để tỏ được nỗi lòng ít ra cũng phải một lần, nhưng lại sợ nàng không chịu thì đau lòng quá đi thôi! Làm trai lớn lên cũng lắm nỗi niềm để sợ. Nhưng cái sợ nhất vẫn là tới tuổi động viên. Nhất định phải ráng lo học để thi đậu mà nắm cái chứng chỉ hoãn dịch mặc dù chỉ là một năm. Những bạn bè thi rớt phải lên đường nhập ngũ tùng chinh, coi cái chết "tợ như lông hồng", tụi nó hát bài gì đó: "Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, Dục ẩm tì bà mã thượng thôi, Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Kẻ thì vào quân ngũ, kẻ thì trốn lính, kẻ thì lo chạy đi kiếm nghề, "chun" đại vào cái nghề nào đó để được hoãn vài năm, đứa thì kiếm thân kiếm thế,... Thanh niên chạy đôn chạy đáo tứ bề, mặc cho mấy đứa con gái hết làm cao, cho tụi bây thành gái già cho bỏ ghét. Ai cũng sợ cả, dân chúng cũng sợ, sợ qua một đêm ngày mai mình không còn sống nữa; lính ngồi ở đây nhưng chút nữa chỉ một viên đạn vô tình cũng đưa mạng về cho đất; người con gái cũng sợ mất người yêu. Con khóc cha, vợ khóc chồng, một bầy con nheo nhóc, cha mẹ hai bên nhìn thấy mà tang thương não lòng. Ôi! Một đất nước chiến tranh nhà cửa ruộng vườn tan hoang, đổ nát. Bom đạn, mìn thuốc nổ phá tung tứ phía. Đất nước thương đau chỉ vì hai chủ nghĩa: Chủ nghĩa của tụi tao và chủ nghĩa của tụi mày! Ông Trời nói rằng: "Tụi bây muốn đánh nhau tao cho tụi bây đánh cho chết bỏ! Tao không cần phải sợ tụi bây giành lấy độc quyền của tao nữa!", rồi ông cười hỉ hả! Nhưng những đứa ở bên ngoài: Tụi bây đánh hay quá! Cứ đánh tiếp đi tao cung cấp đủ phương tiện cho tụi bây đánh! Đánh đi đánh coi thằng nào ăn, "thằng nào ăn làm cha thằng nào thua làm con, thằng thua làm trâu bò cho thằng kia cưỡi, làm nô lệ cho thằng kia sai, tụi bây cứ đánh đi!". Rốt cuộc u đầu sức trán nhau cả đám, thằng cổ vũ bên ngoài thừa thế chiếm phần lợi nhuận, giống như Đồ tôi hồi còn nhỏ bị má đánh đòn vì nằm trong phe thua, bị những thằng ăn bắt bò dưới đất làm bò cho nó cưỡi, sai làm tôi đòi, buồn buồn nó lại lấy chân đá, lấy roi đánh đít thật đau mà mình chẳng dám than van. Có người quen đi ngang thấy được về nói lại với má, thế là Đồ tôi được một trận đòn đáng đích!

Ông Trời đã tạo ra con người mà lại chơi "đáng mắc" khiến con mắt họ thấy đẹp thì khoái, nghe hay thì mê, có mùi ngon thì lết tới, nếm ngon thì chịu, rờ mà êm ấm thì thích. Bởi vậy, khi con người mà muốn rồi thì chưa chắc ông Trời đã gỡ ra, "chém cha" họ cũng tìm đủ mọi cách để lấy cho bằng được! Vì vậy, mới có tranh giành đánh lộn, chém giết lẫn nhau cũng bởi tại cái tham. Tham mà bị "cản hầu cản họng" hay chiếm không được thì tức lồng lộng, nhảy tưng tưng giống như bị nước sôi vô háng, nóng máu tợ Trương Phi; giận quá mất khôn quyết tới đâu thì tới, ở tù cũng được. Việc lỡ ra, lúc đó mới tỏ ra là sợ, sợ thì cũng đã trể rồi!

Đứng nhìn về những cảnh xảy ra, những ông triết gia gật gù: "Không được! Thiên hạ đánh, giết nhau tranh giành làm cho dân chúng lầm than khổ ải, ta phải xài đến cái trí óc trời cho, tìm cách để cho tụi nó yên mới được". Nói đoạn ông thì "phải ổn định trật tự bằng nhân đức"; ông thì "phải dùng đến hình phạt"; ông thì "phải tập trung sức mạnh"; ông thì "phải giáo dục và ổn định bằng tổ chức"; ông thì "phải độc tài"; ông thì "phải dân chủ"; ông thì "cứ để nó đánh nhau đả thì nó sẽ thôi"; hoặc "kệ tụi nó, cứ sống theo thiên nhiên cho khoẻ tấm thân, tụi nó đang giỡn mà"; ông thì "bi quan, chán bỏ cuộc đời" hoặc "vui mình cho thỏa thích, ai chết mặc ai"...Rồi mỗi ông chiêu tập được một đám người. Rồi lại đường lối của tụi tao hay, đường lối tụi bây dở òm; tụi bây là đồ bá vơ bá láp, đường lối không ra thứ gì... Thế là lại chia phe đánh nhau trối chết. Chỉ tội những thằng dân lành sợ bị roi vọt, áp bức, chế tài... phải đem thân làm trâu bò húc nhau cho đáng kiếp. Những thằng cầm đầu chạy mất tiêu, những thằng tôi mọi lại làm thân kiếp đọa đày. Thằng thắng vui cười hỉ hả, kênh kiệu, nghênh ngang. Ôi! Ông Trời, Ông đã đi đâu? Chắc không bao giờ Ông thấy!

Còn có ông Triết gia rộng rãi hơn, muốn nhìn thấy thế giới Đại đồng, đem bình an công bằng cho thiên hạ. Nhưng đệ tử thực hiện tới đâu, cỏ cây con người dạt dào đi tới đó, máu thiếu điều chảy thành sông, con người sợ sệt lui tới tận cùng hóc hẻm, cuối cùng phải lì lợm chịu đựng với thế cờ. Đói quá thì làm liều sanh ra ăn cắp, trộm cướp tràn lan; buồn đời thì mượn men say làm căn bản mặc cho đời no ấm ấm no; thân gái dặm trường có vốn trời cho đem đi bán đổi lấy chút tiền cho cuộc mưu sinh; người chạy được chạy quên thôi không dám quay đầu ngó lại. Đã phải nghèo mà phải "lót đường" để nhờ đến dễ dãi làm ăn.. .Người nghèo cứ thế mà nghèo ra mãi! Ôi! Tội nghiệp cho Triết gia phải sói đầu suy nghĩ, gom mọi triết thuyết để xây dựng công trình. Đặt trên nền kinh tế "ấm no" mà lại trở thành nền kinh tế "phá sản".

Tất cả chung quy ai cũng muốn tốt cho con người, nhưng con người tốt với con người quá thì làm sao mà được sung sướng giàu sang, gia đình phe phẩy... Vì bản năng con người là ham sướng, ham chơi, ham tiêu xài, nhậu nhẹt, hưởng thụ hơn là bỏ công sức ra để làm, thì ngu dại vì "không ăn", "không nhận" để cuộc đời được lên hương. Chỉ sợ một mai vỡ lở bị "đá" văng ra ngoài, thì còn có để mà lo cho gia đình trong lúc ngồi chơi xơi nước, vì thế mà phải "đòi" cho nặng ký. Chỉ tội có dân nghèo, không có vốn, chạy gạo từng ngày thì lấy đâu lót đường cho công việc được hanh thông. Thế mới buồn cho cuộc đời đấy chứ! Ông Trời đừng lo, những hạng người nầy không bán Ông được đâu? Họ lo họ chưa xong, họ không dám ngước đầu lên để cười đùa, giỡn hớt với Ông. Họ sợ lắm! sợ không có tiền, sợ đói, sợ bịnh đau, sợ người ta đòi hỏi, chứ họ không sợ khinh rẻ, xua đuổi như đuổi tà. Họ chai mặt rồi, họ lì lắm! Không tin Ông cứ thử đánh chết họ đi, không chừng họ còn cám ơn Ông vô vàn, muôn thuở!

Tưởng chủ nghĩa nào cũng hay cũng tốt, mai mốt tất cả được sống trong Thiên đàng. Nhưng Thiên đàng đâu chưa thấy mà thấy máu chảy "tùm lum", thấy mạng người nằm xuống như rạ, thịt xương vung vãi khắp nơi, tiếng than khóc rên la đi sâu vào lòng đất để hát bài: "Xương máu của đồng hoang". Chân lý đã đi xa! Nhưng những người tuyên dương cho Chân lý cho điều đó là Chân lý! Chân lý của xương máu ngút ngàn! Máu và xương góp lại cho Thiên đàng trên Thượng giới. Ta cần gì Thiên đàng hạ giới mà mơ! Nên thực tế cho cuộc đời hiện tại và hát bài: "Như một giấc mơ qua!"



Chửi!

Nói đến chửi, người ta thường nghĩ ngay cái miệng của một con người nào đó mở to và có những ngôn từ không được thanh cao, văng ra những lời tục tỉu, bẩn thỉu cùng với nhân cách khiếm nhã, mặt mày hầm hầm, đỏ gay. Ôi! Chửi để chứng tỏ mình đang có những bực tức ở trong lòng, cần phải "xổ" ra cho nó nhẹ nhàng thơ thới; với bao nhiêu "căm hận" cần phải được tuôn, giống như ta khi "mắc quá" phải xách quần chạy thật nhanh. Khi đã "giải quyết" được rồi! Thật không có gì khoái bằng, cho nên người đời đặt nó nằm trong "tứ khoái" cũng là hợp lý. Chửi cũng giống như vậy!

Chửi không phải độc quyền của người lớn. Đứa con nít cũng biết chửi, người dốt cũng biết chửi, chứ không phải chỉ những người có học, trí thức mới biết chửi. Đôi khi người dốt, thuộc loại "dân ngu cu đen", thế mà họ lại chửi còn hay hơn là người "có ăn có học".

Thói đời, người ta tưởng rằng cứ chửi cho hăng, cho khỏe thì sẽ chiếm được "thượng phong", cho nên họ thường dồn mọi khả năng để luyện nó được thuần thục, thành thạo hơn. Cố uốn cái miệng cho mềm, dũa cái môi cho mỏng để chửi cho trơn, cho "có văn có vần" nhằm lôi cuốn, thu hút người nghe, để lái thiên hạ đứng về phía mình; dù họ chưa biết "ất giáp" gì cả.

Chửi cũng nằm trong vấn đề "tâm lý" của con người. Nó giống như là một nhu cầu, nếu căm tức mà không giải quyết được thì người ta có thể sẽ phải "nổi cơn", có khi còn đi xa hơn: Đến hành động, bạo hành, đánh đập. Nhưng cái "nổi cơn" ấy cũng tùy thuộc vào cá tính của từng cá nhân: Nếu họ là người trầm tĩnh thì hành động nhu hòa, thân thiện và có ý thức; còn trái lại, nếu là người nóng tánh thì hơi khó lường hoặc nói trước những gì sẽ xảy ra.

Chửi vào thời con nít có nhiều cái thật là thú vị. Đôi khi trở về già, bạn bè cũ gặp nhau, nhắc lại thuở xa xưa giận hờn, chia phe ra chơi rồi chửi nhau. Lôi tên cha, tên mẹ của nhau mà kêu mà réo, khắp làng khắp xóm cho bỏ ghét. Tội nghiệp cho cố tổ ba đời, rủi nó biết được thì nó cũng chẳng chịu tha. Nó cứ tưởng như vậy thì chúng mới sợ. Nhiều lúc bị phiền hà vì lôi tên tộc ra mà chửi. Không chỉ chửi mà thôi, nó còn bày trò bắt chước làm như là thầy pháp: "Tao tạo nên hình mầy bằng rơm này này; này là tên mầy này; tao lấy cái gai, cây kim đâm vào ngực này, vào mắt, vào đầu mầy này. Tao lấy nhang tao vái, tao phán bùa cho mầy nhức đầu, nhức ngực, đui mắt cho mầy biết thân....". Nhưng chuyện làm của con nít có khác. Nó vẫn nhăn răng ra đó, nó lại trông còn khỏe hơn, không khéo nó "quánh" cho một trận đòn "bỏ mẹ". Thế là, đành ấm ức đợi chờ ngày rửa hận. Vì lúc đó chưa có phim Tàu, nên "quân tử trả thù mười năm chưa muộn" không được nhắc lại trên đôi môi bé bỏng của đàn trẻ con. Tưởng thời con nít mới có màn "xúm nhau mà chửi" giống như chó sủa hùa, không ngờ cả người lớn ngay cả người già gần xuống lổ, cũng có màn chửi hùa. Chửi như "tát nước vào mặt", "như vấy phân lên đầu", "chửi cho người ta không ngóc đầu lên nổi"; cũng lại chỉ mong làm sao cho "người ta thua mình thắng", chỉ có thế mà thôi!

Qua đi thời con nít ở truồng, đến thời "cắp sách đến trường", bầy trẻ bây giờ có được hiểu biết chút ít hơn, chửi với lời lẽ tương đối thanh cao; nhưng nhiều khi tức quá cũng phải "trắng trợn, bẩn thỉu" vài đôi câu cho thỏa mãn với những hận thù nầy. Rồi càng học lên cao, sự thâm thúy trong câu chửi cũng được "dũa, mài" cho thêm sắc bén: "Không phải chửi nhiều mà hay", "không phải chửi tục tỉu, bẩn thỉu, đanh đá" mà thắng. Thế cho nên, cái chửi được "ý thức" rằng: "Chửi thế nào mà súc tích, có chất lượng thì hơn; chửi làm sao mà khiến cho đối phương càng nhớ lại thì càng cay cú, càng thấm đòn" thì mình có thể coi như là thắng. Chửi thế nào mà người ta không thể chửi lại mình được, thì coi như cái chửi của mình đã thành công. Xem ra như vậy, chửi cũng là một nghệ thuật phải không anh?

Thực ra, làm con người thì ai cũng biết chửi cả: "Chưa chắc mầy đã hơn tao, mà chắc gì tao đã hơn mầy". Mầy hơn tao có thể vì tao đã nhịn mầy, tao không chửi mầy vì tao muốn để cho người nghe mầy chửi, họ sẽ chửi mầy: "Đúng là cái đồ mất dạy! Ăn học chi cho uổng những năm đèn sách; tưởng gì, nó cũng chỉ là những tên trí thức bẩn thỉu mà thôi! Nó là đứa chẳng vượt qua được lòng sân hận, ganh ghét! Nó chỉ biết dùng cái học của nó vào cái việc chửi mà thôi, chứ không biết dùng cái học của nó để giúp ích cho mọi người, cho xã hội. Nó chẳng vượt qua được thời con nít. Nó chỉ là kẻ phá thối; còn với xã hội, việc chung nó là người vô tích sự". Sự yên lặng, đôi khi thế mà hay, mà có kết quả! Con người ta đúng là "No mất ngon, giận mất khôn" như ông bà thường nói. Chửi trong cơn tức giận, mình sẽ dễ dàng bộc lộ con người thực hung hăng, hay đàn đám của mình cho người ta thấy: "Nguồn gốc ấy từ đâu ra, và tại sao nó lại đến; chuyện không có gì quan trọng tại sao lại phải ầm ỉ, âm mưu gì đây?". Rồi lại, "Đàng sau cái chửi chúng muốn cái gì? Mục đích chính là gì? Cái đó mới là quan trọng". Thế là người ta chỉ cần liên kết những việc trong gần thời điểm thì có thể đoán được phần nào: Vì lợi nhuận, hay vì lý do nào khác; hay bị kẻ khác lợi dụng giật dây để họ được hưởng lợi"..vv...và vv... Sự truy tìm không khó về một sự ồn ào hay một biến cố chửi nào đó, nếu chúng ta tinh ý và quan tâm theo dõi chỉ cần một chút và chỉ một chút rảnh rang mà thôi! Ngay cả tại bàn nhậu hoặc bên cạnh ly nước trà: Chỉ cần đặt vài câu hỏi với nhau thì có thể truy được nguyên nhân: Tại sao? Và...Tại sao?

Nội nghe nó chửi không thôi, người ta đã đoán được con người nó đã ra làm sao rồi: Lời lẽ nó thế nào? Có ăn học hay vô học. Có ăn học mà dùng lời vô học, thì nó chẳng là thứ gì cả, nó đi học làm gì cho uổng? Cha mẹ nó cho nó đi học để bây giờ nó chửi à! Vậy thì ổng bả chọn đường lầm cho nó rồi, phải chi ổng bả cho nó đi ra chợ đời lúc còn bé để học chửi thì có lợi hơn nhiều mà không phải phí thời gian cho con! Còn thái độ trong lúc chửi của nó như thế nào? Hung hăng, cay cú, chanh chua hay đanh đá? Mỗi từ ngữ biểu hiện một tấm lòng, tâm tính của nó đó: Nó hung hăng vì đó là bản chất con người của nó! Nó cay cú vì lòng nó chan chứa đầy hận thù, ấm ức! Nó chanh chua vì nó đang tức tối, giận hờn cần phải đay nghiến mới thỏa lòng! Còn đanh đá vì nó nằm trong ảnh hưởng của những người đanh đá, tính tình nó được tôi luyện trong môi trường rồi, cũng khó mà thay đổi!

Chửi hiện diện trong tất cả mọi môi trường của đời sống: Từ gia đình cho đến nơi đông người; từ thôn quê hẻo lánh cho đến thành thị; từ nơi lao động cho đến giới trí thức khoa bảng. Chửi gắn liền với sự sống và làm việc của con người như là "một thực thể không thể tách rời"!

Qua những cơn bực tức, không vừa ý vì người khác không thực hiện đúng theo ước muốn của mình; hay hư hại, thất bại thì những câu phiền trách, chửi mắng bắt đầu. Nhẹ nhàng thì trách yêu, mắng mỏ sơ qua, phiền trách; nặng hơn thì dùng đến từ ngữ nặng nề, to tiếng; rồi không thể dằn được thì chửi bới, "chửi như tát nước vào mặt", "chửi tắt bếp", "chửi cho nó không dám ngẫng mặt lên", "chửi cho nó phải gục đầu"... Chửi không đả, thì "thượng cẳng hạ tay", cho mầy biết tay tao". Tùy theo cơn nóng giận, bực bội mà nó thể hiện bằng hành động; tùy theo cá tính từng con người mà sự thực hành có trình độ hoặc vũ phu.

Biết bao nhiêu người đàn bà khóc âm thầm vì bị chồng mắng chửi hoặc hành hạ bằng sức mạnh, tay chân. Những đứa con trở nên lì lợm, cứng cỏi vì thường bị mắng, bị chửi hay bị đòn.

Chủ nợ đòi hoài không có trở nên nặng lời, chửi bới; con nợ vin vào đó nhất định không trả vì tự ái, danh dự bị tổn thương.

Chửi không phải chỉ trong phạm vi nhỏ không thôi, mà chửi còn mở rộng ra trong phạm vi lớn hơn mà người ta không thể ngờ được. Hai quốc gia tranh nhau cũng có thể chửi; hai chế độ bất hòa cũng chửi; hai chủ nghĩa cũng chửi: Điều ấy ta có thể thấy rõ ở hai quốc gia cùng Cộng sản như nhau là Việt Nam và Trung Quốc trước và sau chiến tranh biên giới năm 1979. Cùng một luận điệu, cùng một lối tuyên truyền, cùng một lối chửi. Chửi trong chiến tranh đó là "Đấu tranh chính trị" hay "Chiến tranh chính trị", tức là cái ngành nghiên cứu về chửi, chửi thế nào để lôi kéo nhân tâm về với mình, và biết ghét hoặc căm thù kẻ địch của mình dù mình có là đúng hay sai. Người ta đứng về phe mình, giành lấy phần thắng cho mình là đạt đến thành công. Cứu cánh sẽ biện minh cho phương tiện!

Suốt thời gian dài mấy mươi năm trong cuộc đời chưa có một câu chửi nào vượt qua được câu chửi của một bà mẹ chửi con mà Đồ tôi và bạn bè đã nghe được từ thuở còn là học sinh lớp Đệ Lục (lớp 7) ở một quận hẻo lánh xa xôi. Bà ta chửi như thế này: "Ông bà, ông Tổ, ông Cố, ông nội cha mầy!". Quả là một câu quán quân trong nghề chửi! Một câu mang cả dòng họ bên nội ra mà chửi! Bọn Đồ tôi lắc đầu!

Những thời gian sau lang thang nhiều nơi, kể cả những xóm lao động của thành phố đông người, cũng từng nghe người ta chửi lộn thật nhiều, từ "tục" này đến "tục" khác; từ "tục" đến "thanh cao, văn vẻ" cũng không "lỏi" khỏi lỗ tai của Đồ tôi. Nhưng không đâu bằng trên xứ người được "đọc chửi" có cả "chửi hùa" và "chửi ké" nữa. Không ngờ đến già lại được chứng kiến "trò chơi con nít" của ngày xưa! Thế cũng là một điều thú vị! Thú vị quá đi thôi (chứ anh nhỉ?).

Chửi không những bằng miệng, bằng văn thơ; mà ở đây lại có ra dấu để chửi: Một cánh tay, một ngón tay, hai ngón tay đưa mạnh lên cũng chửi; đi xe, bóp kèn để chửi những thằng chạy ẩu, thiếu điều làm xảy ra tai nạn vv...

Nhưng dù sao đi nữa, tất cả cái chửi có đạt được mục tiêu hay không cũng do nơi cái điều mình chửi: Chửi mà người ta cảm thấy xấu hỗ, e thẹn hoặc hại người ta liền được thì nên chửi. Còn chửi mà khiến người ta lúc đầu e ngại, sợ sệt; lại chửi tiếp khiến người ta trơ mặt ra; rồi tiếp theo người ta lầm lì thì chắc "phải cẩn thận" đi rồi! Đó là chưa nói đến những người bên ngoài; họ đâu phải đứng nhìn khơi khơi. Họ đang theo dõi một "đám người" đấy chứ! Đám người đó đang làm cái gì? Có ích hay có hại? Xây dựng hay phá hoại? Vì nguyên cớ gì? Vì tranh giành hay tự ái? Vì lợi hay vì cái gì?

Tất nhiên, những người bên ngoài đó không phải là "ngu"! Ngay cả những đứa con nít mới lớn lên, không rành tiếng Việt cũng phải buộc miệng: "Làm chuyện mất dạy! Ăn ở không làm bậy!" Ôi! Quả thật đau lòng!

Nhưng, chửi, lại cũng có những nguyên tắc của nó; chửi thế nào để đạt được kết quả. Chửi! Mình phải nhìn thẳng vào mặt của kẻ mình chửi và phải nhìn về đám đông. Tại sao? Khi mình chửi mà kẻ thù của mình có nín nghe hay không? Càng nghe người ta càng cay cú, lì lợm ra thì bạn "nên" biết rằng bạn đang lùa con chó về góc tường. Bạn hãy cẩn thận! Người bên ngoài có tán đồng với sự chửi của bạn không? Lúc đầu người ta đứng nghe, càng lúc người ta càng cười thì bạn biết rằng bạn đang giống một thằng khùng! Bạn chửi mà làm thiệt hại đến quyền lợi, danh dự chung thì bạn vì nóng nãy, vì lợi nhuận mà lao vào một hành động điên rồ. Cả một tập thể sẽ tiêu diệt bạn!

Nhưng bạn ạ! Bạn biết làm thơ, viết văn thì ít ra bạn cũng được coi như là một người có học. Điều ấy buộc mình phải hiểu, phải cẩn trọng trên ngôn từ trước khi đưa ra dân chúng. Những lời "của người vô học" làm người đọc tự dưng thấy bạn "nhẹ thể" như thế nào ấy! Những câu tục tỉu họ lại bảo "không ngờ!". Những điều cay cú tàn độc thì họ bảo: "Đúng là sự độc địa của người trí thức, có ăn có học có khác!". Đồ tôi ghi lại để coi chơi! Tùy bạn vậy!

Trong một cuộc "chửi nhau", có vài điều cấm kỵ:
-Bạn là người có danh vọng, địa vị trong xã hội thì nên tránh khi chửi với một người dân, vì không lẽ bạn "khum người xuống để sủa với chó khi chó sủa bạn".
-Bạn là người có học cao đừng nên chửi với một người thường, dù bạn thắng cũng chẳng ngon lành; nhưng nếu bạn thua thì không có gì đau bằng!
-Bạn là người khoa bảng thì nên đắn đo trước khi tham gia vào cuộc chửi.
-Bạn là người già hơn, nếu bạn thua một thằng con nít thì bạn sẽ nghĩ sao?
-Nhất là bạn đừng nên hơn thua với một người "dân ngu cu đen".

Nhưng dù thế nào đi nữa, chửi cũng chứng minh rằng trong lòng bạn còn đang có nhiều ấm ức, tức tối, thù hận hay sự căm giận cần phải chửi để giải tỏa; nhưng chỉ nhìn cung cách chửi, hay đọc những điều bạn viết hoặc nghe ngôn từ bạn chửi, người ta cũng đánh giá được trình độ học cũng như tâm địa của bạn như thế nào; vì khi bạn nóng giận và chửi lúc đó "phong cách" con người thật của bạn đang được "lột trần" một cách công khai trước công chúng.

Hơn nữa, sự chửi cần phải biết lúc nào nên ngưng và lúc nào nên chửi, ngay cả đến địa điểm để chửi, và thái độ của những người nghe chửi cả đến thái độ người bị chửi nữa. Nếu không, đôi khi cái chửi sẽ không có hiệu quả mà ngược lại chỉ chứng tỏ con người bạn hung hăng, phá đám, gây rối hoặc chẳng khác nào một thằng khùng, "một con chó điên" hay sủa, và cắn bậy!

Chửi không đơn giản, chửi cũng là một nghệ thuật! Cũng như nghệ thuật "biết" nóng giận và ngưng nóng giận. Nó không "dễ dàng" chút nào, phải không bạn?



Lãnh Đạo!

Nói đến lãnh đạo người ta phải ớn cái mình! Sao mà ghê gớm đến thế! Những người ngồi trên cái vị trí cao mú đó, hay được gọi là chóp bu hoặc là đầu xỏ; ngồi để sai, để hoạch định kế hoạch, công việc rồi khiến người khác làm... Thật là oai! Đôi khi còn hoạnh hoẹ, hăm he, nói nặng nói nhẹ...Khiếp quá đi thôi!

Nhưng không dễ gì! Không phải ai cũng lãnh đạo được đâu! Lãnh đạo cũng cần phải có cái tướng. Tướng lùn, xấu xí như Đồ Ngông tôi chỉ có xách dép cho người ta! Cho nên Đồ tôi không dám ngó lên mà chỉ cúi đầu xuống đất lủi thủi để đi; mấy thằng bạn thấy vậy hỏi: "Bộ mầy kiếm bạc cắc hả? Kiếm làm gì, cần tiền thì tao cho mượn", Đồ tôi bèn bẽn lẽn phải "xéo" đi xa! Thật khổ cho mình! Tướng lãnh đạo phải hùng dũng, thanh cao; tướng bự con, chắc nịch; xương xẩu ngon lành để người ta khi thấy phải nễ vì, hoặc người ta nhìn vào đã thấy ngán rồi, thì hơi sức đâu mà chống với đối. Hoặc tiếng nói rổn rảng, vang vang cho những ai yếu bóng vía mới nghe qua "đành" bủn rủn cả tay chân, không còn dám không nghe hoặc cưỡng lời. Lãnh đạo còn phải có cái số nữa, nếu không có số thì cũng không thể lãnh đạo được. Vì trời sanh họ ra là để họ lãnh đạo. Nếu không thì tại sao nhiều người già cúp thùng thiết rồi vẫn còn có phong cách lãnh đạo, oai phong ra phết, đi đâu cũng có tiền hô hậu ủng; họ nói lên vài tiếng người ta nghe rầm rầm. Còn có những người tướng tá khỏe re, phong độ không thiếu mà cũng chẳng làm được gì! Thế cho nên chắc phải hỏi những nhà nghiên cứu tử vi hay tướng số để họ có thể trả lời cho được chính xác hơn! Ôi, người ta nói giày dép còn có số, thì con người cũng không ngoại lệ với đồ vật chút nào! Có nổi buồn thấm thía nào hơn!

Không những thế, lãnh đạo còn phải có phong cách oai phong, trầm tĩnh, nói đâu ra đó, hơi có nét lầm lì thì người ta- chỉ cần nhìn thoáng qua- thì đã "teo" rồi, không còn dám hó hé; như vậy mới có thể điều khiển người khác dễ dàng "như trở bàn tay". Nhưng, quan trọng nhất vẫn là bản lãnh và lì lợm để có thể đối chọi với những đối nghịch và những tình huống bất kham. Thiếu hai yếu tố này thì sự lãnh đạo khó mà thành công, hoặc không thể lâu dài. Muốn sự lãnh đạo của mình vững chắc hơn nữa, thì cần đến đám vây cánh hoặc tay sai thân tín để làm lực lượng hậu thuẫn; khi cần có thể dùng mọi cách để dẹp tan đám chống đối, "cho chúng biết tay". Còn trên bình diện quốc gia ở những xứ nhược tiểu thì lại dựa vào một thế lực quốc tế nào đó để từ đó "bung ra" hay khi thất bại lấy chỗ đó làm nơi đào thoát, nương trú cho hậu vận. Lãnh đạo xem ra thì cũng khó thiệt, chứ chẳng dễ ăn đâu!

Ôi, nhưng con người thường thì ai cũng khoái chỉ huy, sai khiến người khác. Nếu không thì tại sao họ lại tranh giành, chửi nhau chí chóe để được lấy danh vị và miếng đỉnh chung. Đó là chưa kể đến những lực lượng trang bị vũ khí đầy mình, ngày đêm băng suối, lội rừng để lùng lực lượng bên này, hay kiếm ngược lại bên kia mà đánh. Số người chết như rạ, máu chảy thành sông, gia đình tan nát, vợ lìa chồng, rừng rừng cô nhi quả phụ. Đày ải thiên hạ trong tù, trên vùng hoang vu cũng để củng cố cho ngôi vị của mình được vững chắc bền lâu mà không còn ai chống đối, mặc dù vẫn biết là "Nơi nào có áp bức thì nơi đó có đấu tranh". Bạo lực bao giờ cũng vẫn là sức mạnh tối ưu của những kẻ lãnh đạo.

Kẻ lãnh đạo lúc nào cũng dán cho mình cái nhãn hiệu: Vì nhân dân, vì đại chúng. Nhưng thực ra chúng cũng chỉ vì quyền lợi cá nhân hay nhóm, đảng phái của chính mình mà thôi. Chúng không làm như vậy thì nói ai nghe, hoặc không có đối tượng mà lãnh đạo, không lẽ lãnh đạo cho chính mình. Người làm vua mà không có dân, có lính thì làm vua với ai? Người lãnh đạo mà không có dân quèn thì lãnh đạo cho cái gì? Thế mà khi có dân chúng rồi thì dân chúng phải lo đóng góp cho họ để chi phí, cho họ có lương bổng, nhà cửa xe cộ sang trọng; họ lại đục khoét công lao của người dân không một chút thương tiếc! Nhưng khi nói ra ngoài miệng thì họ thương dân hết mình. Họ "vác ngà voi", họ bỏ công lao, họ cống hiến... nhiều lắm và nhiều lắm! Kể sao cho hết những lời ngụy biện đường mật của họ. Vậy thì chúng ta cứ thử thách họ đi: "Dám bỏ ngôi vị và chức vụ đó hay không?". Họ sẽ ấm ớ hội tề và sẽ có lý do để được cống hiến tiếp.

Một hôm nọ, thằng bạn lâu đời của Đồ tôi nó gọi phá giấc ngủ mà còn chửi Đồ tôi tới tấp. Nó là một thằng gàn, gàn rất nặng. Đồ tôi bị nó chửi nhiều lần rồi trong những khoảng thời gian còn đi học chung với nó, hay những lúc hãy còn gặp nhau. Hình như Đồ tôi có nhắc đến nó một lần trong bài "Dục tốc bất đạt" thì phải. Lâu lắm rồi, Đồ tôi tưởng nó chết mất đâu đời nào rồi. Ai dè!

Đồ tôi hãy còn ngây ngủ, ráng dậy nhắc "phôn" lên. "Ê, thằng nhóc! Mầy còn nhớ tao không?". Quả thật cố nhớ mà nhớ không ra, nhưng cái giọng nói này có một hình ảnh nào xa xôi nào đó, lẫn một kỹ niệm vừa ghét lại vừa thương. Đang lúc nặn óc để nhớ thì hắn cười lên chát chúa: "Đồ chúa ngục! Thầy mầy đây mà mầy chẳng nhớ ra sao? May lắm kỳ rồi tao gặp thằng Lực mới biết mầy đang lẫn trốn bên xứ con Đại thử. Nay thầy mầy rảnh gọi cho mầy đây". Ôi chính hắn rồi! Tại sao Đồ tôi lại gặp hắn nữa để nghe hắn chửi tiếp, chắc kỳ nầy phải nghe hắn chửi cho đến khi hắn chết hoặc là Đồ tôi không còn mới thôi! "Thôi đi cha, gặp cha để cha chửi con nữa sao? Đến khi nào cha hết chửi đây! Già rồi vẫn còn ham chửi", "A! Cái thằng nầy láo thật! Thầy mầy chỉ sợ mầy nghe thầy mầy chửi riết mà ghiền, đến khi thầy mầy chết lúc đó mầy sẽ nhớ thầy mầy da diết không nguôi. Lúc ấy mầy có cầu cho thầy mầy sống dậy để chửi cho mầy nghe, cũng không được đâu con ạ!" - "Ừ thôi, con chịu cha thôi!"- "Đùa với mầy cho vui, chứ tao thương mầy lắm! Tao cũng nhớ mầy hoài nhớ vì khi tao chửi thì mầy là thằng chịu nghe tao chửi nhiều nhất. Mầy còn nhớ không, ngày tao mầy cùng tụi bạn ráp vô một lớp từ những trường khác nhau, tao nhớ ông thầy dạy toán Vũ Hải, à Nguyễn Vũ Hải ổng chửi thằng Nhung với mầy là "đồ ngu, ngu như thế mà cũng lấy được Tú Tài, tụi bây mua ở đâu thế!", rồi ổng biểu thằng Tri đi về khi lên bảng giải toán không được. Cả lớp lẫn thằng Tri vẫn tưởng ổng kêu thằng Tri về chỗ, nhưng khi thằng Tri về đến chỗ ngồi ổng lại la: "Tao bảo mầy về", "Ôm cặp đi về". Thằng Tri phải ôm cặp lẻn ra ngoài cho đến hết giờ của ổng. Nhưng mầy còn nhớ không? Tụi mình ghét ổng cho đến một ngày ổng tự dưng tâm tình chuyện đời, chuyện thời đại trong chiến tranh của những năm giữa 60. Ngày ấy sao ổng dễ thương một cách lạ lùng và tụi mình lại nhớ đến ổng, không khéo một ngày nào đó mầy lại nhớ đến tao, cũng như tụi mình đã từng nhớ ổng vậy!" - "Ừ! cũng có thể lắm chứ!" - "Nói đến đó, tao nhắc cho mầy nhớ đến ông Phó Đức Long, ông thầy xấu trai không có nụ cười, mầy nhớ không?" - "Nhớ chứ! Chính tao đưa ý kiến ấy chứ ai!" - "A! Thì ra mầy cũng quá lắm! Thế bây giờ mầy mới thố lộ đó nhe! Tao nhớ nhất là khi ổng giảng bài ổng cứ ngó lên trần nhà phía cuối lớp, khi tụi mình ồn ào thì ổng "chắc chắc" cái lưỡi, thì ra đề nghị cả lớp quay lại phía sau nhìn lên trần nhà để coi có con thằn lằn nào không lại là của mầy đấy ư? Thầy Long ngạc nhiên và nở một nụ cười. Nụ cười của ổng sao mà có duyên và tươi đến thế! Hèn chi nghe nói vợ ổng đẹp lắm cũng là điều hợp lý thôi! Những kỷ niệm còn lại ấy đẹp, đẹp thiệt phải không mậy? Thời ấy đã qua đi! Tóc tao bạc nhiều, răng rụng bớt rồi! Cháu tao mới mọc răng, nó lại nhìn tao: "Á! Ông ngoại không có răng". Hai thế hệ không có đủ răng. Đời là thế đấy! Thế cuộc xoay dần, bây giờ chúng mình lại lang thang làm người xa xứ, gọi điện thoại cho nhau để ôn lại chuyện xưa và tán dóc chuyện ngày nay! A, bây giờ mầy làm gì? Làm ăn ra sao? Vợ con thế nào? Ở chỗ mầy lạnh lắm không? Có gặp được bạn bè cũ nào không?" - "Ôi, sao ông chất vấn tui nhiều quá vậy? Làm sao trả lời kịp ông đây!" - "Sorry mầy nhe, lâu quá không gặp nhau, nên hỏi vậy? Thôi, thằng nhóc mầy cứ từ từ trả lời cho thầy mầy nghe là được rồi để tao mừng cho mầy vậy! Còn ở đây vào mùa đông lạnh quá, tuyết trắng khắp nơi, đi ra ngoài khó khăn, ngồi trong nhà ngó ra bên cạnh lò sưởi, thật chán vô cùng. Chắc thầy mầy phải xa mầy sớm đấy con ạ! Mầy nên mừng đi vì thầy mầy không còn chửi mầy nữa, nhưng rồi mầy cũng hãy chuẩn bị cho mình một nỗi buồn thiếu vắng và nhung nhớ không nguôi" - "Nhớ mầy chi cho mệt! Tao lo chuyện tao muốn chết rồi đây, còn hơi sức đâu để lo chuyện người khác" - "A, hay cho thằng nhãi, mầy nói tao mới nhớ đến những chuyện nầy: Có những lão già chắc họ gần chết đến nơi rồi hay sao mà họ phải giành giựt chức nầy hoặc chức kia trong các hội đoàn, cộng đồng để lấy tiếng trước khi chết, rồi chửi nhau ỏm tỏi, chống phá nhau làm cho cộng đồng, hội đoàn rối loạn. Từ chỗ hội họp, gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm, chuyện đời, tâm tình rồi trở thành một đấu trường vì tự ái qua một vài quan điểm khác nhau, hay các câu lỡ lời; lại tiến xa hơn nữa, "những tâm hồn lớn gặp nhau" cấu kết thành nhóm, thành bè đảng để chống đối với nhóm nầy, nhóm kia. Một sự rối loạn chưa từng thấy, chưa đâu họ còn viết những thư nặc danh để gởi đến tận nhà mình để mình đọc cho biết là nhóm nào đó xấu thế nào, thẹo to lớn đến đâu; xong rồi, nhóm kia nhờ đến báo chí để "thanh minh thanh nga". Sự kiện cứ tiến tới và lớn dần, rồi họ còn lợi dụng vào báo chí truyền thông để đánh phá lẫn nhau, họ chỉ biết cái "cá nhân, phe nhóm" của họ; chứ họ không thấy cái danh dự của một sắc tộc, của một cộng đồng. Họ không thấy việc làm của họ sẽ đem đến một sự "ô nhục" cho dân tộc chúng ta khi chúng ta đang ở trên xứ người. Họ tưởng họ đang sống trên "chính Tổ quốc" của mình, họ tạo cảnh hỗn loạn trong cộng đồng giống như trên đất nước mình trong thời gian chiến tranh. Ôi, đó là những con người "trí thức" cặn bã, những con người có học nhưng thiếu bộ óc. Thậm chí có một nhóm bạn bè thích thơ văn tập họp lại thành một nhóm; không biết vì lý tưởng hay đường hướng họ thích ra sao đó, họ lấy tên một danh nhân trong lịch sử để đặt tên cho nhóm mình. Nhưng trong đó có một số lại thích viết những bài moi móc hoặc chửi đối phương trên báo chí và chửi lộn dài dài... Thế là thiên hạ chửi "cái đám" ấy bằng "cái đám với tên danh nhân trong lịch sử" đó. Khi ấy tao thấy quả tội nghiệp cho "danh nhân" kia biết chừng nào! Ông ta bị ô nhục vì những tên vô loại, thiếu ý thức dân tộc và con người. Thế mà, họ cũng là những nhà trí thức đấy chứ! Tao suy nghĩ mà thật là buồn, buồn cho vận nước lênh đênh, còn thân tao thì long đong. Còn mầy thì sao?" - "Tao ấy à, tao thì lềnh bềnh thôi! Ai trôi tới đâu, thì tao trôi theo tới đó. Thân mười hai bến nước đó mà! Lúc nhỏ mình đã là dân giả thì bây giờ mình cứ giả làm dân đi cho thoải mái cuộc đời. Tóc đã bạc, răng đã rụng, sức càng ngày càng xuống; nhưng sống đến bây giờ cũng đã tạm gọi là đủ. Bạn bè ngày xưa nhiều đứa đã ngã gục trên chiến trường khi tuổi còn son thì đã sao; còn bao nhiêu người đau khổ nữa. Thôi thì cứ "ngó lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống thì chẳng có ai bằng mình" cho rồi! Rồi ai cũng sẽ đi tới bến, cùng đến một điểm hẹn sau cùng. Chỉ cầu cho mình được bình yên và suông sẻ đến ngày ấy thôi. A, mà mầy đang ở đâu vậy?" - "Đừng hỏi con ạ! mầy cứ biết còn có tao để gọi chửi mầy, khi vui tao sẽ lôi mầy ra mà chửi, khi buồn tao cũng sẽ gọi mầy để chửi chơi. Mầy cứ chuẩn bị cái lỗ tai mầy ra thôi. Khi nào lâu quá, tao không gọi để chửi mầy thì mầy biết tao đã đi rồi! Như vậy được chưa?" - "Ông gàn quá đi thôi! Tui chịu thua ông, quả thật từ xưa tới giờ!" - "Nầy nhóc con, thầy mầy đã nói mà quên nói luôn cho mầy biết vài điều để chơi. Con người ta sanh ra có một cái bản năng là thích sung sướng, ai cũng muốn sướng không phải làm cực nhọc, mà lại muốn hưởng với tất cả những gì mà mình thích, mình muốn. Mà cái lòng tham con người thì vô đáy từ tham danh, tham tiền, đủ mọi thứ tham. Tham không được thì nổi lên sân hận. Từ sân hận đưa đến hành động điên rồ để đạt được điều mình mong muốn bằng mọi cách. Trong đó có cái địa vị lãnh đạo. Gần như trong mọi con người điều có cái ước mơ được lãnh đạo người khác, nếu nói theo ngôn ngữ bình dân trong tục ngữ ca dao thì "Ai cũng muốn làm cha chứ không ai muốn làm con" bao giờ! Vì khi lãnh đạo, mới có cơ hội chứng tỏ mình hay hơn người khác, những điều suy tính của mình được thực hiện ra thực tế, nếu có kết quả tốt thì đó là một niềm vui và danh dự, mặc dù sự thất bại cũng đem đến cho mình một nỗi buồn và suy nghĩ không nguôi. Thực ra, lãnh đạo không dễ dàng chút nào cả, nó đòi hỏi người lãnh đạo phải có nhiều yếu tố từ vóc dáng, tiếng nói, khả năng, bản lãnh, thái độ và nhất là năng khiếu kể cả sự nhạy bén, tiên đoán và phán đoán. Người ta có thể thêm vào đó bằng những kinh nghiệm hay suy tư của những nhà lãnh đạo đi trước qua quá trình làm việc của họ, hoặc của những triết gia, những nhà chính trị - thiết tha đem lại lợi ích cho mọi người - đã suy tư, cân nhắc để tạo thành một hệ thống về nghệ thuật lãnh đạo hay một hệ thống chính trị cho một chế độ hoạch định nào đó. Đó chỉ là trên lý tưởng, còn trên thực tế sự thực hiện thì tùy sự biến đổi theo từng giai đoạn, hoàn cảnh mà phải biến ứng hay thay đổi cho thích hợp với hoàn cảnh ấy, không thể đem điều ở thế kỷ trước mà áp dụng trong thế kỷ nầy được. Nói như vậy không có nghĩa là không có những chân lý bất biến, tức những điều đúng mà lúc nào cũng có thể áp dụng được hay đòi hỏi cần có như trong Nho giáo có: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Một người lãnh đạo không có tư cách, tác phong, đạo đức, tính công bằng, trong sạch nghĩa là cái thân họ chưa hoàn thiện thì làm sao dạy con cái cho được; điều khiển gia đình chưa xong thì không thể nói đến trị quốc, thì lại càng không thể bàn chuyện bình thiên hạ. Nếu họ lãnh đạo thì đó chỉ là vì danh vọng hay phe nhóm nào đó, sự lãnh đạo ấy trước sao cũng sẽ là một sự thất bại, và đem lại một sự tan hoang mà thôi. Nho giáo là kết tinh những mối liên hệ giữa những con người trong xã hội từ người dân, vợ chồng con cái trong gia đình, đến giềng mối, bổn phận những thành phần tôi với vua trong một chế độ phong kiến. Mặc dù vậy nó cũng cung ứng những căn bản để bảo toàn một trật tự xã hội yên bình; như trong chế độ dân chủ ngày nay những điều giáo hóa của Nho giáo vẫn có giá trị trên nhiều phương diện mà trong đó có những điều cần thiết cho một người lãnh đạo.

Người lãnh đạo có nhiều cách để điều hành người khác thực hiện những kế hoạch của mình: Người ta có thể dùng quyền lực, pháp chế hầu bắt buộc người khác phải làm (Pháp trị) như trong những chế độ độc tài; họ cũng có thể dùng Đức (Đức trị) thu phục nhân tâm mà người ta có thể sốt sắng làm cho mình; người ta cũng có thể dùng đến biện pháp hành chánh hay kế hoạch nhằm lôi cuốn người khác thực hiện. Hoặc phối hợp các phương pháp với nhau để quản lý và cai trị.

Còn như trong tình trạng hiện tại ở hải ngoại, sự lãnh đạo trở nên phức tạp hơn. Vì thành phần bỏ nước ra đi vốn đã phức tạp, tốt xấu lẫn lộn, nhưng tựu chung lại là họ đã liều chết, không ngại tù đày để vượt biển cả, thì họ cũng có đủ khả năng để tranh giành những gì mà họ ham thích trong đó có quyền lãnh đạo. Lãnh đạo để được ngồi chiếu trên, lãnh đạo để có vinh dự tiếp xúc với những ông bự có quyền thế, lãnh đạo để được mọi người kính trọng nễ vì, lãnh đạo để có vị thế trong lễ hội và nhất là được đọc "đít cua". Thế thì oai ra phết đi thôi! Vậy mà không ham sao được! Vả lại, một cộng đồng với số dân không nhiều mình muốn "nổi" lên cũng chẳng khó là bao, thế tại sao ta không làm nổi để lấy oai với đời; đồng thời "rửa chân" cho bà vợ chẳng là hay lắm sao. Thế cho nên người ta tranh giành vị trí lãnh đạo để rồi chửi nhau ỏm tỏi, dùng phương tiện truyền thông để bôi bác nhau và công bố cùng các sắc tộc khác về "bộ mặt thật của dân tộc Việt nam". Sự bỉ ổi của họ là ở chỗ đó, và cũng chính đó chứng tỏ sự thiếu ý thức của những con người trí thức "vô liêm sĩ" đem bôi bác dân tộc của mình trên xứ người. Nếu họ là những con người làm chính trị thì họ lại ấu trĩ biết chừng nào: Phá vỡ sự đoàn kết, gây mất lòng tin yêu từ trong cộng đồng đến người dân, chính quyền quốc gia sở tại, thì ai sẽ ủng hộ và giúp mình; nếu mình tự đặt mình trên cương vị của người khác thì mình sẽ phải nghĩ sao? Và đánh giá một cộng đồng hoặc sắc tộc đó như thế nào?

Những con người lãnh đạo thành công cũng lắm, nhưng thất bại cũng khá nhiều. Bước đầu tiên mà họ vấp phải chính là sự nhiệt huyết, sốt sắng của họ. Họ muốn thực hiện những cải cách mới lạ để làm thành một bộ mặt mới cho tổ chức họ vội vàng cải tổ, thay đổi nhiều vấn đề khiến cho người lãnh đạo cũ âm thầm đau lòng, họ lần rời xa người lãnh đạo mới. Rồi đến lúc nào đó với những câu nói vô tình hay cố ý khơi lên mặc cảm trong họ, họ lại ngấm ngầm bất hợp tác. Cùng những người cảm tình cũ trở thành lực lượng phản đối hay đối chọi với lực lượng mới. Cuối cùng vô hình chung một cộng đồng bị phân hoá. Đó là chưa kể đến ý đồ chính trị được xen vô, vì chính trị bao giờ cũng muốn tồn tại một mình: Phải đẩy lui hay triệt hạ lực lượng khác ngoài phe của mình, phe mình phải lãnh đạo để thực hiện chủ trương, đường lối của cấp trên. Ê! Thằng nhóc! Mầy có hiểu được chưa?" - "Thôi đi ông nội! Con chẳng hiểu gì cả! Ông nói chuyện chính trị với con chẳng khác nào "đàn gảy tai trâu". Mà ông lỡ nói thì con cũng đành nghe vậy! Con chỉ sợ ngày nào đó không được nghe ông nói nữa đó thôi. Nhưng dù sao ông cũng cho con một số ý niệm để con biết nhìn đời" - "A, mầy nói nghe chí lý đó! Thế cho nên thằng Lực cho tao số điện thoại của mầy cũng là xứng đáng lắm vậy! Nầy con, mai nầy mầy có lãnh đạo tao khuyên mầy một câu: Hãy cẩn thận với những thằng nịnh hót, tâng bốc. Chúng chỉ làm cho mắt tai mầy bị mù, bị điếc đi thôi! Chúng nó chỉ khen lấy khen đễ để lấy lòng mầy; nhưng khi nào mà mầy thấy đại chúng chẳng thèm nhìn đến mầy khi mầy xuất hiện ở đám đông, hay mọi người bất hợp tác trong mọi kế hoạch của mầy thì mầy nên nhạy bén với tình trạng ấy để chọn cho mình con đường hay nhất là con đường thứ hai trong "xuất xử", là con đường Trương Lương đã thực hiện mà tồn tại còn hơn là Hàn Tín bị mạng vong. Nhớ chưa con?" - "Dạ nhớ! Nhưng thưa ông, chắc không bao giờ con ra làm quan để lãnh đạo, vì vốn con ngu quá đi thôi, nên bị ông chửi con hoài, từ thời đi học gặp ông cho đến thời thỉnh thoảng gặp ông đôi lần. Rồi lâu quá, bây giờ lại nghe ông chửi tiếp mặc dù ông ở tuốt phương trời xa xôi nào ấy. Đêm hôm ông cũng lôi con dậy để ông tiếp tục chửi cho con nghe. Ôi, Thật là oan nghiệt! Nhưng con không buồn đâu, vì nghe ông chửi tức là làm phước cho ông rồi. Nếu ông chửi người khác thì chắc ông không còn cái răng nào hết, lúc đó cháu ngoại lại bảo rằng: Á, Ông ngoại chưa mọc răng thì tội nghiệp cho ông biết chừng nào!" - "A, bây giờ thằng nhóc con cũng lếu láo ra phết, tao khen mầy thật đó! Thôi tao để cho mầy làm việc với vợ mầy! Khi nào tao buồn tao sẽ gọi chửi mầy chơi. "Qua" thăng à nhen! Ông "cốc lão" cỡi ngựa, ông "cốc lão" đi đây. Hẹn gặp lại vào một ngày đẹp trời. Ông đi đây!". Hắn nói xong, hắn liền cúp phôn. Đồ tôi lắc đầu cho một thằng bạn, và lại nhớ đến Thầy Nguyễn Vũ Hải, rồi lại nghĩ đến chúng tôi: Trong giữa hai chúng tôi "hình như" có một thứ tình cảm thật lạ lùng nào đó mà lại hay hay...!



Tay Sai.

Người ta hay nói đến tay sai, mà tay sai là cái gì nhỉ? Tay sai chắc chắn không phải là cánh tay, nhưng nó lại đồng nghĩa với cánh tay. Một con người, một bộ phận trực thuộc hay thuộc hạ đóng vai trò giống như một cánh tay để người lãnh đạo chỉ huy, sai khiến; cộng vào đó đám tay sai trung thành thi hành mệnh lệnh một cách tích cực gần như không cần suy nghĩ hay phán đoán. Chính vì thế mà danh từ tay sai thường được hiểu theo nghĩa mù quáng, thiếu cân nhắc trong hành động.

Tay sai được thu nhận từ nhiều thành phần, có thể một người thường dân đến người trí thức khoa bảng, miễn là họ chịu chấp nhận làm và làm hăng say, chu toàn nhiệm vụ là được rồi. Không đợi đến lúc lớn hay lúc già người ta mới có thể làm tay sai. Tay sai có thể từ khi còn là đứa con nít. Nói như vậy không có nghĩa đồng hóa người lớn với đứa con nít. Nhưng thực sự từ khi còn nhỏ trong những trò chơi đứa con nít cũng đã làm nhiệm vụ tay sai rồi, chứ không đợi gì đến tuổi lớn mới "được" làm tay sai.

Tay sai của thời con nít nhiều khi còn dễ thương hơn thời làm tay sai của người lớn. Thuở nhỏ Đồ tôi vì nhỏ con lẫn nhỏ tuổi nên thường nhập bè nhập đảng với những thằng lớn hơn. Để được nó cho chơi Đồ tôi đành phải chịu sự sai khiến của chúng nó: Nó biểu mình đi ăn cắp đất sét trong lò chén cũng vui vẻ mà đi, nó biểu đi chọc tức thằng kia mình cũng khoái mà làm. Nhất nhất cái gì nó muốn nó biểu mình làm thì cũng phải làm, nếu không nó sẽ loại trừ mình ra không cho chơi chung với đám tụi nó nữa. Những lúc buồn buồn, mấy thằng đầu đảng lại nghịch nhau, chúng nó lại chia thành hai phe. Mình không thể đứng cửa giữa, mà phải theo hẳn một phe. Đúng là "cò ke lục chốt", nói theo ngôn ngữ thời tuổi thơ, hay là thiên lôi, chỉ biết "sai đâu đánh đó", không cần suy nghĩ, cân nhắc, quyết định. Có lần những thằng lớn gây gổ với nhau, chúng chửi tới tấp, lôi tên cha tên mẹ, kể cả ông bà hay những ai mà chúng biết tên chửi không ngớt, chúng còn bắt bọn tay sai Đồ tôi chửi phụ, không chửi thì chúng đuổi ra, không cho chơi chung nữa. Thế là bọn nhỏ, em út như Đồ tôi trở thành những kẻ nịnh thần "chết cha ba thằng nịnh", ôi khổ sở như thế nào đó! Thế mà vẫn chưa đủ. Có lần trong cuộc xung đột thiếu điều đánh nhau giữa hai nhóm. Hai phe vẫn còn ấm ức, mấy thằng đầu đảng "Ê! mầy với thằng Rờn, hai đứa tụi bây ra chọc tức tụi nó cho tao"- "Tụi tui không dám, nó đánh làm sao?"-"Tụi bây không dám thì tao bỏ tụi bây ra, không cho chơi chung nữa. Tụi nó đánh thì có tụi tao. Tại sao tụi bây sợ, tụi bây có làm không?". Đồ tôi và thằng Rờn đành tiu nghĩu, nhưng vẫn làm ra vẻ ngon lành đi ra trước mặt, nhưng cách mấy đứa kia xa xa, rồi khuỳnh tay, ưởn ngực "làm như ta đây" ngon lành lắm vậy. Sự phách lối ấy nhằm khiêu khích đám kia nhảy lại để đánh mình, tụi lớn mới lấy cớ đó mà đánh nhau. Đồ tôi và thằng Rờn khiêu khích hồi lâu nhưng vẫn chưa có kết quả, tức là tụi kia vẫn chưa đánh Đồ tôi với thằng Rờn. Đang trong lúc đó, có một bà người quen với mẹ Đồ tôi đi ngang qua, bà nói nhỏ với Đồ tôi: "A! Mầy là con chị bảy phải hôn? Mầy đi đánh lộn hen. Được rồi, tao ghé chị bảy méc cho mầy đi đánh lộn nhen!". Nghe đến đó Đồ tôi nhớ đến cái roi, rồi từ từ "xếp ve" xếp cánh lại để chém vè và đi về nhà. Sau đó do nơi hoàn cảnh, Đồ tôi phải phụ với mẹ ở nhà ngoài giờ đi học, nên không còn tham gia vào băng đảng nào nữa cho đến ngày bắt đầu vào Trung học: Đi học xa! Nhớ lại thuở ấy mình đúng là tay sai!

Tưởng chỉ là lúc nhỏ mới có "làm tay sai". Nhưng đến khi lớn lên, ra ngoài đời lẫn đi vào nghề, nhan nhản thiếu gì tay sai. Có lương bổng có, không lương cũng có; tự nguyện có, bất đắc dĩ có; hoặc những kẻ nịnh thần để được làm tay sai cũng có. Làm tay sai có chút liêm sĩ có, làm tay sai như mù như quáng cũng có. Đủ mọi hạng tay sai! Đó là sự phức tạp trong cuộc đời! Không lẽ Ông Trời lại ban cho họ như thế! Ông Trời đâu thể gian ác đến đỗi như vậy! Trách Ông Trời thì cũng tội nghiệp cho Ổng. Người ta nói Ông Trời công bình lắm mà! Nếu không thì người ta đâu có nói: "Trời cao có mắt", hay "Trời ngó lại". A mà! Hay làm tay sai cũng là một cái số, cái duyên phận, được sanh ra để làm tay sai cũng không chừng! Nếu không thì tại sao Đồ tôi lại nhỏ con? Người khác thấy thân dáng của Đồ tôi đã chán ngắt đi rồi, thì mình nói "lấy ai" mà nghe. Họ chẳng nghe thì làm sao mà lãnh đạo; mặc dù Đồ tôi vẫn biết rằng trong tổ chức thì mình phải "được" đội một cái vòng "kim cô" theo kiểu Phật bà Quan Âm ban cho chàng Tề Thiên Đại Thánh, để mỗi khi buồn buồn Ngài Đường Tăng Tam Tạng niệm chú cho Tôn Hành Giả nhức đầu chơi; hay nói đúng hơn là một cái "thòng lọng" để rủi cho thằng nào đó "đút đầu" vô thì nó phải chịu nghe lời hay sự sai khiến của Tổ chức, dù không nghe nhiều cũng phải nghe ít. Nhưng Đồ tôi lại không có khả năng để lập ra những Tổ chức, thì "té ra" Đồ tôi chẳng phải chỉ còn có một nghề là nghề làm mướn hoặc tay sai hay sao? "Có số" có thể là như vậy! Nhưng làm tay sai mà có bản lĩnh là một chuyện khác. Cái khí khái của kẻ sĩ, cái lương tâm của người trí thức, cái lương tri của một con người, cái tình người giữa những con người trong quan hệ xã hội, cái độ lượng bao la mà trong Đạo Phật biểu hiện bằng những từ ngữ Từ Bi Hỉ Xả... Cũng hãy còn nhiều thành ngữ khác để diễn tả, nhưng Đồ tôi lại quên rồi! Cái già thường làm cho người ta trở nên lú lẩn "Quên trước quên sau, quên đầu quên đít", nhưng khéo léo hơn thì cũng đừng quên ăn, quên thở. Thế là được rồi!

Đôi khi có những con người chỉ làm tay sai mà được "vinh thân phì da" vì họ biết cách tâng bốc, nịnh hót. Lỗ tai con người thường ưa nghe những lời ngon ngọt, êm dịu; lòng con người thích được nuông chìu, vuốt ve cho nên những nhà lãnh đạo cũng không thoát ra khỏi ngoại lệ nào cả. Nương vào đó mà đám tay sai mượn đường tiến thân để "Một người làm quan cả họ được nhờ". Những kẻ giọng nói ồ ề, thiếu hơi, lại thêm kiểu "dùi đục chấm mắm nêm" như Đồ tôi chỉ làm cho người ta buồn chán hơn thêm. Mới nghe qua thì đã mất cảm tình, thì lấy đâu để tạo điều kiện được "thăng quan tiến chức". Cho nên người ta nói "Ý trời" thì cũng chẳng ngoa chút nào! Vậy thì, Ông Trời thật là bất công: Ban tặng cho mỗi con người những điều kiện khác nhau: Có người được sướng, còn người phải chịu khổ; người thì tàn tật xấu xí, người thì đẹp đẽ lại thêm giàu sang. Kẻ thì làm tay sai, kẻ thì lãnh đạo, "kẻ ăn không hết, kẻ lần chẳng ra". Có nhiều người khốn khổ quá đâm ra nghĩ đến "Cầu Trời", nhưng cầu mãi chẳng thấy Ông Trời ngó xuống mà đời mình thì cứ mãi mãi lênh đênh, trôi giạt giống như con chó ghẻ lang thang mà chẳng ai ngó ngàng. Họ lại đâm ra hận đời, thù hằn Ông Trời, ngó lên Ông Trời rồi buột miệng chửi thề đôi câu. Thế mà Ông Trời không chịu đánh họ cho họ chết phức cho rồi! Cho trái đất nầy được trống đi một chỗ, cho một mạng người đỡ phải vất vưởng, lông bông. Những con người ấy có muốn làm tay sai cũng khó được. Vì vậy, làm tay sai cũng chẳng là dễ đâu. Nó phải có cái tánh thích hợp, nó phải biết trung thành, nhiệt tâm, không nề hà... Những nhà lãnh đạo cũng biết "coi giò coi cẳng" lắm chứ! Ai mà chẳng sợ "chó phản chủ", gặp phải chó phản chủ thì sẽ bị chết dở đi thôi! Ai cũng thích loài chó trung tín cả, cho nên được làm tay sai đâu hẳn là tệ, bởi vì không hội đủ điều kiện thì làm gì mà "được" làm tay sai. Thế mới biết "được" làm tay sai cũng có nhiều khó khăn đến mức độ nào. Bạn có nghĩ "ngông" như là Đồ tôi không? Đồ tôi chỉ mong rằng bạn có phương cách để nghĩ khác đi! Hi vọng vậy, lắm thay!



Viết!

"Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý". Cổ nhân ngày xưa đã có nhận xét thế đấy, mà quả đúng là như vậy! Viết không thể diễn tả được hết lời; những lời diễn đạt cũng chưa nói hết được cái ý mình đã nghĩ ra. Đôi khi sự trình bày còn có thể bị người khác hiểu lầm mà sinh ra nhiều cớ sự không hay.

Viết là để diễn tả những gì mà mình đã suy nghĩ, mong muốn diễn đạt đến cho người đọc thấu hiểu những điều mình muốn truyền lại bằng chữ viết qua bút mực được ghi lại trên giấy. Viết là để giải bày tâm sự, gởi gấm những kinh nghiệm, đúc kết những kiến thức mà người viết cố tình lồng vào đó. Thế cho nên viết bao giờ cũng có những mục đích của nó. Người ta không thể viết khơi khơi, viết lan man trong một thời gian dài ngắn nào đó cho một điều vô ích, ít ra là ngay chính đối với con người đã viết.

Cái mục đích viết rất là bao la. Từ một ý tưởng thiện để phổ biến tư tưởng nhằm giúp con người, cuộc sống được tốt, "gợt" bỏ bớt những điều xấu, bất thiện; xây dựng mối quan hệ trong xã hội được bền chắc, hạnh phúc hơn... Cũng nhằm trang bị cho tinh thần một quan niệm, niềm tin mà người ta mệnh danh là "Thánh thiện" (thực hiện theo đó để nhân cách con người có đủ tiêu chuẩn thiện, nhân từ, đức độ của các bậc hơn người mà người ta đã coi như là bậc Thánh). Viết cũng nhằm tìm cho mình một sự thỏa mãn, thỏa thích trong việc phổ biến những quan niệm, tư tưởng, kiến thức về xã hội cũng như khoa học,... mà mình đã khám phá ra được. Đó là những mục đích hướng thiện của sự viết. Nương nhờ vào sự viết để giúp ích cho đời, cho mọi người trong xã hội để tạo cuộc đời được tốt đẹp, công bằng, hợp lý. Viết cũng là một hình thức cầu danh, nhưng cầu danh ấy, nó có đạt được hay không tùy theo mục đích của người viết. Tuy nhiên, do những điều, nội dung viết của người viết có được nhiều người đọc chấp nhận, tán đồng, khen ngợi thì sự cầu danh đó có đến với người viết hay không. Viết cũng không đơn giản! Viết để đả kích, viết để moi móc, viết để tình hình càng thêm rối ren, viết để thỏa mãn hận thù trong lòng của mình, viết để những ngưòi đọc hiểu và ghét những người mình căm ghét, viết để tuyên truyền cho một chủ nghĩa, một thể chế chính trị,... Tất cả cũng đều là viết. Viết cũng là hình thức để trút bỏ, hoặc gieo mầm mống hận thù, đầy đủ tính chất hỉ, nộ, ái, ố của chính người viết, hay nói một cách khác đi "Văn tức là người". Đọc một bài văn, một bài thơ, một bài viết, mặc dù không ngồi đối diện với người viết, nếu người đọc tinh ý một chút sẽ có thể hiểu được tâm tính của người viết một phần nào. Họ muốn lôi cuốn độc giả vào sự hờn căm, ghét bỏ, hận thù. Họ muốn độc giả vào nhóm với họ. Những từ ngữ họ sử dụng biểu hiện được nét văn, tâm tính, con người của họ. Những từ ngữ ấy sẽ cay cú, dữ dội theo cường độ hận thù hoặc bao dung, hòa giải, tha thứ. Ngôn ngữ được sử dụng theo từng bậc thang với tâm địa, tư tưởng của họ.

Viết là sự giải bày trên trang giấy hẳn hoi. Người xưa nói: "Một lời nói nói ra, bốn ngựa khó mà đuổi theo" (Nhất ngôn tứ xuất, tứ mã nan truy), thì viết giống như "đinh đóng cột". Nếu đã viết, đã phổ biến thì không thể thu hồi lại được nhất là nội dung của nó đã đi vào nhận thức của những độc giả đọc được chúng rồi. Độc giả khi đọc thì cũng không đơn giản chỉ tiếp thu nội dung không thôi, mà còn kèm theo tư tưởng bình phẩm: "A! Tay nầy viết coi được đây! Có nhiều nhận xét tinh tế! Khá thiệt!". Tuy nhiên, đôi khi, có những nhận xét đau lòng: "Ồ! Tưởng gì, nó chỉ là bươi móc chứ không xây dựng chút nào. Nó viết để chửi xéo người nó ghét đó. Lòng nó đầy căm hận thành ra nó phải nói để vơi đi những ấm ức mà nó cưu mang; đồng thời nó muốn người ta chửi kẻ nó thù dùm nó. Nó cũng khôn ngoan thiệt! Nhưng rất tiếc với lời lẽ như thế đó, ngày xưa ba má nó cho nó đi học chi cho uổng, thà cho nó đi học chửi lộn ngay từ nhỏ thì hay hơn! Nó không biết đem cái học để giúp ích cho mọi người, cho đời. Nó không biết viết cái gì hay hơn sao, viết có nhiều mục đích lắm mà, viết cũng có nhiều cách lắm kia. Thế mà nó viết như vậy! Ôi! Tội nghiệp cho những thằng trí thức mất dạy!". Quả thật là đau! Đau quá đi thôi!

Cho nên cái viết trở nên quan trọng vô cùng. Viết có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Viết cũng còn khiến người khác học hỏi, hoặc thay đổi tâm tính, sửa đổi con người một cách êm thấm mà người ta vui vẻ, hân hoan chấp nhận. Viết cũng có thể làm cho người ta trở nên giận "đùng đùng", thiếu điều "ăn gan uống huyết" người viết được, thì người ta cũng làm. Viết như vậy, thì quả là quán quân trong nghề viết.

Viết cái gì? Tất nhiên, người muốn viết trước khi viết đã phải suy nghĩ khá nhiều: Viết cái gì đây? Viết thế nào? Văn hay thơ? Nhằm mục đích gì? Từ đó, người viết mới bắt đầu đi vào sự viết của mình, có khi họ phải tìm tài liệu, đọc ngấu nghiến trong nhiều ngày, rồi chọn, rồi nặn óc, sắp xếp chúng lại thành hệ thống. Viết xong, phải đọc lại thêm thắt, sửa chữa. Khi phổ biến ra chưa chắc được người đọc hoan nghinh. Nếu được hoan nghinh thì coi như bước đầu của sự thành danh đã có, nó chỉ còn đợi những bước kế tiếp của người viết nữa mà thôi!

Cũng có trường hợp ngoại lệ để nổi tiếng "ngang xương" như những "con người" viết những bài chửi người khác. Những bài ấy gây ồn ào trong dư luận quần chúng khá nhiều. Không phải vì giá trị, mà chính là sự moi móc, sĩ nhục người khác khiến người ta quan tâm đến giống như xem một đám chửi lộn giữa chốn đông người. Nó tạo nên ồn ào, rồi người ngoài cũng bênh bên nầy, hay bên kia. Cuối cùng một đám đông người chia rẽ, "ghìm" lẫn nhau. Đó là hậu quả, một hậu quả bi đát! Kết quả ấy là sự thành công của người viết, nhưng không biết người viết ấy làm như thế để nhằm mục đích gì? Cho mưu đồ chính trị hay cho ai? Cho phe nhóm nào? Điều ấy không đơn giản! Nhưng chắc chắn, người viết không thể không có mục đích, chủ ý. Mục đích và chủ ý đó là gì? Xem như vậy, cái viết có tác động ghê gớm thật đấy chứ! Thế cho nên người ta mới xem hình thức viết cũng là một hình thức để tuyên truyền, xách động.

Viết xuất hiện ở mọi nơi, ở trên mọi lĩnh vực kể cả thiện và ác. Viết để phục vụ cho mưu đồ từ trong tôn giáo cho đến chính trị; từ thánh thiện cho đến tội ác, âm mưu. Cái viết tùy theo tâm địa con người, tâm tốt thì cái viết trở nên có mục đích tốt, tâm địa xấu xa thì cái viết trở thành xấu xa, gây tác hại cho xã hội loài người cũng không nhỏ. Điều đó chắc chắn người viết khi cầm viết để viết, họ hiểu được như vậy. Thế nhưng, họ còn tiến vào con đường đó thì đó là chủ đích của họ với một âm mưu nào đó hay của tổ chức, thế lực đứng sau lưng mà họ đã làm tay sai. Người viết có khi bán linh hồn của mình để cầu miếng ăn, miếng đỉnh chung, danh vọng cũng nên. Thành thử cái viết không đơn giản chút nào! Nhưng, may mắn thay số người biết cầm viết thiếu tri thức, trình độ, ý thức, vô loại như thế đó không nhiều, cho nên tác hại chưa đến đổi quá ư là phiền phức.

Không có sự "vô duyên" nào bằng dùng ngòi bút, trình độ học vấn của mình để viết lên những bài chửi người khác mà lại bắt bao nhiêu người phải đọc. Mà độc giả cũng chưa hẵn là ngu muội để đến đổi tin vào điều hắn viết mà thiếu kiểm chứng. Đó là một sự "khinh miệt" độc giả thái quá! Khinh thường độc giả "dốt nát" nhằm lôi cuốn độc giả vào âm mưu, mục đích của chúng, kể cả người chuyển tải những bài viết ấy. Đó là một sự đồng thuận, toa rập nhầm làm "hoa mắt" độc giả để cùng nhau lôi cuốn độc giả vào sự "ngu muội" mà chúng giăng ra. Không khéo cả một tập thể bị lôi kéo vào sự xung đột triền miên, mà cái lợi cho những kẻ bên ngoài giống như "bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi" (ngao cò tranh nhau, người bắt cá được lợi) vậy.

Âu đó cũng là một bài học quý giá mà cái viết thực là chẳng đơn giản chút nào. Cái viết khiến cho chúng ta cần có nhiều suy nghĩ và đắn đo cẩn thận trước khi viết một điều gì, nhất là viết những bài để chửi người khác. Phải không anh bạn nhỉ?

xXx

Sau khi phổ biến một loạt các bài thơ lẫn văn trên, tôi thấy nhiệm vụ mình đã tương đối đủ dù nó không hoàn thành, nhưng với những bài đó nó sẽ làm được những công việc mà tôi muốn gởi gấm vào nó. Tôi biết khi con người muốn thắng còn khó cản trở thay huống hồ gì ý đồ của một tổ chức chính trị. Những ai cản đường họ sẽ khó mà đạt kết quả, nhưng những bài “Chửi, Sợ, Lãnh đạo, Tay sai, Viết” nầy có thể làm cho họ thấy được điều gì tôi muốn nói một khi họ đọc được. Tôi chỉ hi vọng vậy thôi! Còn tờ báo Né vì chi phí cũng khá nặng, tài chánh giảm thiểu cũng được quyết định đình bản. Và sau đó không lâu, tờ báo mới đổi chủ và Ban Điều Hành nằm trong Hội chuyên gia, tức là những người trí thức cho nên tờ báo cũ và những tên “xung kích” còn lại muốn chửi gì chửi, họ không trả lời. Có lẽ họ thấm nhuần câu: “Chó sủa lỗ không” rồi thì nó hết chửi, và “những tên chửi ké từ phương Đông (Sydney) như Nam Man, Cô Gia cũng chẳng ai thèm quan tâm gì đến họ chỉ vì họ là những kẻ “chửi mướn” hay là những nhà thơ “chửi” bẩn thỉu cùng với những nhà thơ chửi tại địa phương mà thôi! Và “kho tàng thơ” họ bây giờ trở thành một sở rác vì thơ họ là những bài “thơ rác”. Tôi thật là lấy làm tiếc cho họ!

Chỉ khoảng sáu năm, một cộng đồng nát bét như tương. Người dân mệt mỏi chán nãn với một số người tranh giành, bẩn thỉu. Một đoàn thể chính trị ngày xưa oai phong, hậu thuẫn lớn lao nay phải cố thủ một thành trì sau cùng bằng mọi thủ đoạn và mọi cách, thế mà nội bộ vẫn còn phân đôi! Ôi! Chính trị và cuộc sống; chính trị, tâm địa, chủ trương, đường lối và thực hành!!!


Chính “Chị”, Chính Em!

Chính “chị”, chính em nghĩ tức cười
Dân thường, trí thức giỡn nhau chơi
Thượng hô, hạ ủng ầm vang cả
Nhưng chẳng nào ai biết được gì!


Chính trị đường ngay, ôm lối thẳng
Sách phương ngàn kế giúp nhân dân
Mưu cầu hạnh phúc đời êm ấm
Bỏ lúc đói nghèo lẫn khổ đau.


Chính” chị”, chính em dùng thủ đoạn
Gán người, chụp mũ chiếm hơn thua
Quậy tan, phá nát bung hầm thối
Chính “chị”, chính em nghĩ tức cười!



Chỉ Còn Chỗ Ông!

Ông đánh người hăng, thế hỡi ông?
Đánh lui, đánh tới, đánh trong không
Văn chương chữ nghĩa bay muôn lối
Thơ thẩn vần gieo ngập "nữ phòng"!
Múa gậy hung hăng con ngáo ộp
Vung tay đốp chát cái chuông đồng.
Vang vang giữ thế coi ghê tợn
Nhưng, thế rụng "càng": Còn chỗ ông!


Có Sáng Mắt Ông?

Sáng mắt chưa ông? "Quả" có rồi!
Bao năm ông quậy làm cho hôi
Hung hăng ông chửi người trên báo
Lẫn khuấy lung tung, "quả" có rồi!


Ông chửi, tưởng sao? Gây rẽ phân
Mỗi lần ông chửi, thêm vài phần
Càng xa càng lánh ông thêm nữa
Càng tránh việc chung của cộng đồng.


Năm năm ông chửi, quả là vui!
Đem đến cho dân những nụ cười
Cười nụ, cười tươi, cười méo mặt
Không ngờ sáng mắt, lại như đui..!



Mưu Bá Đồ Vương.

Mưu bá đồ vương gây náo loạn
Tranh hơn thủ đoạn để giành phần
Làm cho thiên hạ cảnh qua phân
Khiến vạn người không hề được ổn.


Trong một thời gian dài tôi đã cố gắng “cản hầu cản họng” một triệu chứng chảy máu, cũng như tôi chấp nhận hi sinh những gì mà tôi có trước đó bằng những bài viết giúp ích cho mọi người, để lao vào “lằn tên lửa đạn” và sẵn sàng đau thương vì sự an ổn của cộng đồng. Tôi cố gắng len lõi, lao lách để không hại mình, hại người, nhưng cuối cùng cũng không đạt kết quả khả quan dù là một chút nhỏ. Nhưng cũng chính từ đó mà người ta có để ý ít nhiều đến Đồ Ngông lẫn văn và thơ mà tôi đã cố gắng sáng tác. Đó âu cũng là một cái duyên, tôi chỉ làm theo “duyên đưa đẩy” mà thôi! Tôi cũng hi vọng những bài thơ nầy vẫn còn có tác dụng lâu dài ở những nơi mà cần đến chúng, dù ở hiện tại hay là tương lai. Vì tôi muốn “đại chúng lẫn thời gian hóa” những bài thơ ấy, dù những chuyện ấy đã xảy ra chỉ ở một địa phương. Hi vọng vậy thay! Đôi khi buồn tình, tôi chỉ ngâm nhỏ bốn câu thơ của mình tự cho mình nghe và ngẫm nghĩ “sự đời”:

Con chốt qua sông, cũng chốt hờ
Ra thân chốt thí, cũng con cờ
Cờ tàn cũng lại do quan tướng
Chốt có tung hoành cũng tại mơ!

Nguyên Thảo,
10/01/2010.
(Adelaide vào những ngày cuối năm 2009
và đầu năm 2010: “Kỷ niệm 10 năm viết lách”)
(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 20)

No comments:

Post a Comment