Con yêu dấu,
Khi con đọc đến đầu bài nầy, có lẽ con sẽ tức cười và bảo rằng: "Ba mình có thể bị lẩm cẩm rồi chăng? Mình chưa có gia đình mà Ba đã nói đến việc dạy con". Ồ! Thì cũng chẳng sao! Nhưng Ba nghĩ Ba viết điều nầy sớm để con phải ngạc nhiên và từ đó ý tưởng của bài mới đánh mạnh vào sự suy nghĩ, trí nhớ của con làm con sẽ nhớ lâu hơn. Con có biết không? Vấn đề dạy con ở quê nhà còn tương đối dễ hơn nhiều so với nếp sống ở xứ Úc nầy nói riêng và xã hội Tây phương nói chung. Thực ra, Ba và những bậc cha mẹ khác đã phải đối đầu với sự khác biệt quá lớn về thói quen, phong tục, văn hóa lẫn nếp sống ngoài xã hội, ngay cả về ngôn ngữ trên xứ người. Do vậy mà những trở ngại dù ít dù nhiều tất xảy ra, nhưng Ba cũng hi vọng đến thế hệ của con sẽ không còn ranh giới khác biệt lớn lao giữa cha mẹ và con cái nữa.
Ba đã viết 3 bài riêng để sau nầy con tham khảo. Mới đây, ba đã in ra trao lại cho con và để tặng thân thuộc, bạn bè với tựa đề: "Những vấn đề con cái của chúng ta" (*). Bài "Giai đoạn niên thiếu của con cái chúng ta" là bài viết về sự phát triển của trẻ con trong các giai đoạn và tâm lý của chúng để con nghiên cứu và tìm phương pháp dạy dỗ thích ứng trong từng giai đoạn. Còn bài "Tiến trình con cái rời xa chúng ta như thế nào?" Ba đưa ra những nhận xét mà Ba đã suy nghĩ, thu lượm được từ trong hoàn cảnh thực tế của xã hội; và đã ảnh hưởng vào con cái làm các bậc cha mẹ đã nhiều lúc phải nhức đầu, rầu rĩ và bạc tóc vì con. Và với bài "Đi tìm nguyên nhân của sự khó khăn trong việc dạy con ở xã hội Tây phương" đã nhằm đào sâu vào vấn đề để truy tìm nguyên nhân: Vì sao bậc cha mẹ không thể dạy con được thỏa đáng và có hiệu quả. Hai bài sau mang tính chất giai đoạn mà Ba viết ra chỉ có tác dụng "cấp cứu, chữa lửa" nhằm góp ý phụ thêm vào ý nghĩ của các bậc cha mẹ, để họ có thể tìm được cách thức riêng dạy con tốt hơn. Thì ở đây, Ba cũng hi vọng qua các bài ấy con có thể hiểu được khá nhiều, nhằm hỗ trợ cho con mình đạt được thành công trong các bước tương lai.
Và, Ba thiết nghĩ rằng Ba cũng cần viết về vấn đề dạy con cái ở quê nhà để con hiểu được phần nào về một nền văn hóa và giáo dục có tự lâu đời để xây dựng một đại gia đình, với dòng tộc, tôn ti, lễ nghĩa cùng một "tình tự quê hương".
Con ạ!
Con có bao giờ để ý đến ngôn ngữ Việt nam không? Nó rất đặc biệt, có lẽ hình thành cùng lúc với sự xuất hiện của người Việt trên thế gian nầy, nó không phải đơn giản như "you", "me"; "ngọ" "nị"; "quò" "nì"; "moi" "toi"... mà là "anh, chị, bạn, tôi, em..." Nó có tôn ti, trật tự thứ lớp. Song song vào đó, sau hơn ngàn năm bị chính quyền phong kiến phương bắc đô hộ, nền văn hóa Trung hoa ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống, sinh hoạt của người Việt, nhất là Nho giáo và được biến thể đi thành những đặc trưng riêng biệt mà người ta gọi là "Bốn ngàn năm văn hiến". Bốn ngàn năm văn hiến ấy đã hun đúc tinh thần, con người để khắc phục mọi khó khăn từ thiên nhiên (bão, lụt, thiên tai, đất đai khô cằn sỏi đá, hoặc rừng núi), và từ trên cả ngàn năm tranh đấu với kẻ thù để giành lại tự chủ, tự do. Lúc nào dân tộc ta cũng trong sự chuẩn bị chống lại sự xâm lăng của người ngoài theo suốt chiều dài lịch sử, kể cả vào những năm gần đây và vẫn hãy còn tiếp tục.
Một con người Việt Nam bắt đầu lớn lên trong tinh thần gia đình: Hiếu, Để, Lễ, Nghĩa. Hiếu với cha mẹ: Con phải biết thương yêu, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ; đi thưa về trình. Ngoài sự biết ơn cha mẹ như một bậc sinh thành, còn coi cha mẹ như một người cố vấn để thăm hỏi, tham khảo ý kiến; khi cha mẹ về già thì con cháu thường tới lui thăm viếng hay phụng dưỡng. Để là kính trên, nhường dưới: Kính trọng những người già, những người lớn tuổi; nhường nhịn những ai nhỏ hơn mình, không tranh giành, hiếp đáp. Lễ là sự lễ phép, là chào hỏi, cung kính đối với người trên, và ôn tồn, nhã nhặn, vui vẻ với kẻ dưới, đối xử biết tôn ti trật tự. Nghĩa là tình nghĩa, là cách đối xử tương trọng, quý mến có trước có sau như tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa họ hàng, tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa xóm làng, láng giềng.v...v...
Ngoài xã hội, cuộc đời thì theo Nhân (lòng nhân, tình thương đối với mọi người), Nghĩa, Lễ, Trí (sự hiểu biết, thông cảm, giúp đỡ, tương thân tương trợ), Tín (tin tưởng, tạo niềm tin yêu lẫn nhau).
Và cho những người đi vào quan trường thì lo tu sửa thân mình trước, để mình trở thành con người tương đối tốt (Tu thân); rồi mới ổn định, xử sự, sắp xếp nhà cửa, gia đình cho thỏa đáng (Tề gia); và nghĩ đến cách cai trị, đem lại ích lợi cho mọi người, thịnh vượng cho đất nước (Trị quốc); xong mới tiến xa hơn là (Bình Thiên hạ), tức là làm cho thiên hạ được sung túc, an vui, thái bình thịnh trị vậy. Nếu tu thân không xong thì không thể nói đến tề gia. Nếu tề gia không được thì không thể nói đến trị quốc và bình thiên hạ.
Ba chỉ nói đại khái để con biết được quá trình là như vậy. Nhưng sự giáo dục con cái trong gia đình vẫn là trên căn bản Hiếu, Để, Lễ, Nghĩa. Còn phương pháp thì có khác, tùy theo từng thời kỳ, từng lúc và tùy vào cá tính hay quan niệm của bậc cha mẹ nữa. Tựu chung, thì cha mẹ nào cũng thương con cả, cũng dồn hết mọi nỗ lực, khả năng vào cho con và kỳ vọng ở con những thành quả tốt đẹp để con có một cuộc đời sung sướng, giàu sang phú quý. Và mình cũng được nhìn thấy kết quả ấy như là một "thành quả đích đáng" của mình, giống như một người lập vườn, trồng cây trông chờ đến ngày hái trái.
Tại sao Ba nói việc dạy con cái ở Việt Nam dễ dàng hơn ở trên xứ Úc, hay ở xứ Tây phương? Vì rằng ở quê nhà sự giáo dục không phải chỉ ở trong gia đình và nhà trường thôi, mà còn cả ngoài xã hội nữa. Xã hội phê phán, chỉ trích, lên án những hành động xấu, khen tặng những cử chỉ đẹp, công việc tốt... Nhất là trong kho tàng tục ngữ, ca dao nội dung, kinh nghiệm giáo dục quả thật rất nhiều. Đó chính là điều mà Ba viết gọi là "Tự tình dân tộc". Những điều kinh nghiệm dạy dỗ con cái ấy được đúc kết lại thành những câu, những bài thơ, có vần có điệu, được hát lên khi ru con ngủ, lúc ấy con còn ở trên nôi, trên võng giống như các câu: "Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ, trăm đường con hư" hay mang một quan niệm, một phương pháp dạy dỗ "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" hoặc "Giơ cao đánh sẻ". Chính những âm hưởng đó đem con trở về gần với quê hương hơn.
Con yêu quý,
Con người, lúc còn trẻ ít ai nghĩ đến ý niệm sẽ dạy con như thế nào; thường thì đến lúc lập gia đình, sắp có con người ta mới chú trọng đến phần ấy. Kiến thức dạy con sẽ được kết hợp từ những cách thức được thực hiện trong nhà trường mà con đã học; của cha mẹ mà con đã nhận lãnh; của chính con khi con thấy các phương thức ấy cần phải sửa đổi, cùng những điểm, những nét hay của những người khác mà con thu lượm được hoặc con nghiên cứu thêm từ trong sách vở. Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng muốn có được cách dạy con tốt nhất, có kết quả nhất để con mình nên người trong tương lai. Nhưng việc đời không thật đơn giản như vậy, vì rằng còn có những yếu tố khác như tính tình của cha mẹ: Người tính tình nóng nảy sẽ hành xử khác đi, người điềm tỉnh thì dùng lời điềm đạm, nhẹ nhàng; người thì thích phân tích để cho con cái hiểu, người thì thích trào phúng, người nghiêm chỉnh vân vân... Còn riêng về con cái đứa thì thông minh; đứa chậm hiểu; đứa thì nghe lời; đứa bướng bỉnh, phá phách; đứa thì hay cãi lại... Cho nên mặc dù có phương cách chung, nhưng cũng phải tùy theo đứa trẻ mà thực hiện.
Sự dạy dỗ con cái thường đi song song với tình cha mẹ thương con, thứ tình thương ấy Ba đã viết trong bài "Hãy thương yêu mẹ" cho con nhân mùa Lễ Vu Lan vừa qua. Nhưng ở đây Ba muốn nhắc lại tình thương ấy lần nữa, nhất là đối với mẹ con. Với bao khổ nhọc, với bao hi sinh bỏ ra, mẹ con lúc nào cũng nghĩ tới con là chính, từ làm việc, cơm nước đến công việc nhà cũng chỉ muốn cho con được rỗi rảnh mà học tập; có món ăn vừa miệng và có tiền để con mua sắm đầy đủ không phải thiếu thốn, thua kém bạn bè. Con không hiểu vì con không để ý đó thôi! Chỉ một gói mì, vài chén cơm cũng đủ no rồi, tại sao Ba mẹ phải làm nhiều như vậy? Do đó, Ba nói chỉ khi nào con có nuôi con, lúc đó con mới hiểu được nỗi lòng, tâm tình của mẹ của cha. Những lúc con bệnh con có thể hiểu được chút ít tình cha mẹ thương con như thế nào. Nhưng khi lành rồi con đi ra với bạn bè, con lại quên và không hề để ý đến nó nữa. Có những bà mẹ thấy con đau đớn, khổ sở trong tai nạn, họ đã khóc than thảm thiết và chỉ mong mình có thể thay thế để chịu nạn, chịu khổ cho con. Đó là tình mẹ thương con. Tình mẫu tử thiêng liêng! Trong sự dạy con, người cha hay mẹ gần như đã quên bản thân mình đi, chỉ muốn truyền thụ, dạy dỗ cho con những gì mình được biết, những kinh nghiệm sống của mình, Và cố gắng hết sức để làm lụng nhằm tạo điều kiện tốt cho con được nên người. Thế nhưng, có được bao nhiêu đứa con hiểu được nỗi lòng của mẹ, của cha...!
Con ạ!
Trong thế hệ của Ba mẹ dạy dỗ các con mới thật là khó khăn vì phong tục, luật pháp ở đây có khác, mà bậc cha mẹ luôn muốn con phải theo hướng của mình vạch ra, cho nên có những xung đột ít nhiều. Vả lại, tiếng Việt thì con không hiểu rõ nghĩa, mà cha mẹ thì tiếng Anh không rành, vì thế lại càng thêm khó khăn. Nhưng với thế hệ con, sự dạy dỗ con cái được dễ dàng hơn. Vì con nói tiếng Việt nó không hiểu thì con có thể diễn đạt bằng tiếng Anh, tất nó sẽ hiểu.
Một điều Ba muốn nhắc nhỡ cùng con, nếu có thể được con nên vận dụng phối hợp những cái hay của từng phương pháp để tạo một phương thức có kết quả nhất hướng dẫn cho con cái. Trong bài "Đi tìm nguyên nhân của sự khó khăn trong việc dạy con ở xã hội Tây phương" Ba cũng nêu lên một số điểm mà Ba hi vọng nó sẽ giúp ý cho con được ít nhiều. Và trong tục ngữ, ca dao Việt nam có nói "Uốn tre uốn thuở còn măng" hoặc là "Dạy con từ thuở còn thơ"; con có hiểu được điều ấy không? Vậy thì con nên lưu tâm đến kinh nghiệm quý báu nầy. Ba hi vọng con sẽ có được phương pháp dạy dỗ con cái hay.
Nguyên Thảo.
(*) Xin xem lại “Vấn đề con cái của chúng ta”
Đăng trong tháng 01/2010.
Thursday, July 15, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment